Lính Trung Quốc vượt biên sang Ấn Độ bị bắt giữ





Ảnh cắt từ video Reuters.

Phía Ấn Độ đã bắt được một lính Trung Quốc đột nhập vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc tuyên bố rằng vụ việc chỉ là do bị lạc và nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ không tạo ra căng thẳng mới giữa Trung Quốc – Ấn Độ, theo Vision Times.

Ngày 20/10, kể từ khi xung đột nổ ra ở biên giới Trung-Ấn được vài tháng, tình hình 2 bên vẫn căng thẳng.

Hôm thứ Hai (19/10), phía quan chức Ấn Độ đưa ra một tuyên bố vào ngày 19/10 rằng quân đội Ấn Độ ở Demchok, phía đông Ladakh, đã bắt giữ một người lính Trung Quốc tên là Vương Á Long (Wang Yalong) trong khi người này đang tìm cách vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) vốn được xem như biên giới Trung – Ấn vào sáng sớm cùng ngày.

Được biết, bên phía Ấn Độ đã hỗ trợ y tế như oxy, thức ăn và quần áo ấm… cho người lính này để anh ta tránh phải chịu đựng cái khổ của thời tiết khắc nghiệt ở độ cao tột cùng so với mặt nước biển.

Hãng truyền thông Ấn Độ (India Today) cũng đưa tin, các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy lính Trung Quốc này đến từ Chiết Giang, mang quân hàm hạ sĩ và là lính thiết giáp chịu trách nhiệm sửa chữa vũ khí. Phía Ấn Độ đang điều tra xem liệu người này có thực hiện nhiệm vụ gián điệp hay không.

Sau khi tin tức được đưa ra, “Thời báo Hoàn Cầu” – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ tuyên bố rằng vụ việc chỉ là do bị lạc. Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập của tờ báo này nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ không tạo ra căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cũng cho biết, thông tin mới nhất từ ​​các phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết, phía Ấn Độ sẽ trao trả lại binh sĩ này cho phía Trung Quốc ở Chushul-Moldo.

Trên thực tế, xung đột biên giới Trung-Ấn đã nóng lên từ tháng 5 năm nay. Ngày 15/6, hai bên đã nổ ra các cuộc đụng độ đẫm máu tại thung lũng Galwan thuộc biên giới Đông Ladakh, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, nhưng phía Trung Quốc không tiết lộ bao nhiêu binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương. Tuy nhiên, một nguồn tin tình báo Mỹ cho biết bên phía Trung Quốc đã có hơn 40 người thương vong.

Sau sự cố này, hai nước đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ trong khu vực xung đột, hơn nữa hai bên còn chi viện thêm pháo binh, xe tăng và máy bay chiến đấu đến nơi này.

Kể từ ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ rằng, trong hai ngày 29 và 30/8, phía Trung Quốc đã vi phạm sự đồng thuận của hai bên khi cố gắng xâm nhập vào khu vực tài phán của Ấn Độ ở bờ nam hồ Pangong Tso trong khu vực Ladakh, thực hiện “các hoạt động quân sự khiêu khích” hòng thay đổi hiện trạng nhưng không thành công. Về vấn đề này, Trung Quốc cũng thừa nhận rằng cuộc xung đột vũ trang đã thất bại, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.

Đến đầu tháng 9, biên giới Trung-Ấn bất ngờ xảy ra xung đột, phía Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ “nổ súng” khiêu khích ở biên giới, phía Ấn Độ cáo buộc phía Trung Quốc “vừa ăn cắp vừa la làng” hòng đánh lạc hướng thế giới bên ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên hai bên nổ súng từ sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn Trung-Ấn đến nay đã được 45 năm.

Nhằm xoa dịu cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai bên, các chỉ huy cấp cao của quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán chung. Ngày 10/9, Ngoại trưởng của hai nước đã hội đàm tại Moscow và đạt được 5 điểm đồng thuận chung, nhưng lại không đạt được đồng thuận then chốt về vấn đề rút quân của hai bên.

Ngày 22/9, bên chỉ huy quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố sau các cuộc đàm phán, nói rằng cả hai đã đồng ý không tăng thêm binh sĩ trong khu vực tranh chấp ở khu vực Ladakh. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc đàm phán lần này, nhưng hai bên vẫn còn rất nhiều binh lính đồn trú tại đó.

Kênh tin tức tiếng Anh của Ấn Độ “The Times Now” hợp tác với Reuters chỉ ra rằng khoảng 5.000 binh sĩ của quân đội ĐCSTQ đã chiếm đóng khu vực phía bắc của Pangong Tso, tuy nhiên, do vị trí trên núi ở độ cao khoảng 4570 mét so với mực nước biển nên đã có nhiều vụ thương vong phát sinh vào đầu tháng 10.

Cuộc đàm phán gần đây nhất của hai bên là vòng đàm phán Trung-Ấn lần thứ bảy vào ngày 13/10, cuộc đàm phán kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ. Mặc dù cả hai đều tuyên bố rằng chỉ huy quân đội của hai nước đã có buổi thảo luận tích cực và mang tính xây dựng để giải quyết đối đầu đã kéo dài nhiều tháng tại biên giới tranh chấp, nhưng cả hai phía vẫn chưa đưa ra tín hiệu rút quân.


DKN