Hàng Trung Quốc được “bôi trơn” bằng tiền tươi để lọt qua cửa Hải quan, đội lốt hàng Việt xuất đi thế giới




Đến hết Tháng Chín, 2020, hàng hóa xuất cảng Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc “phòng vệ thương mại” với trị giá lên đến 12 tỷ đô. Tờ Dân Việt, hôm Chủ Nhật, 18 Tháng Mười, dẫn tài liệu thống kê của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) cho hay như vậy.

Nguồn tin nói rằng: “Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,…

“Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất cảng của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc.”


Phòng vệ thương mại là các biện pháp một nước thiết lập qua hàng rào thuế quan chống lại các hàng hóa ngoại nhập được nước sản xuất trợ giá, hàng giả, hàng nhái, hoặc gian lận xuất xứ, gây thiệt hại cho kỹ nghệ sản xuất hay nền kinh tế sở tại.

Hai năm qua, Mỹ áp đặt thuế quan rất nặng lên một số mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam như sắt thép, ván ép … vì nghi ngờ chúng là hàng từ Trung Quốc hoặc nước khác được tuồn tới Việt Nam rồi chở sang Mỹ để tránh thuế quan trừng phạt.

Hà Nội loan báo các biện pháp chống gian lận thương mại vì sợ vạ lây tới tất cả các sản phẩm do Việt Nam sản xuất và xuất cảng.

Mới đây, ngày 2 Tháng Mười, Tổng Cục Hải Quan lập lại lời báo động về tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất cảng nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập cảng.

Rất nhiều loại hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, mang sang Việt Nam chỉ để “gia công, lắp ráp đơn giản” rồi gắn nhãn mác “Made in Vietnam” để xuất cảng đi Mỹ, Châu Âu hoặc các nước khác. Trên các mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thì ghi xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.


Ngày 23 Tháng Bảy, 2020, đài VTV cho hay, đại diện Tổng Cục Hải Quan cho biết trong buổi “Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2020” về “chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” khoe rằng chính quyền đã “phát hiện 280 vụ việc không đủ điều kiện để gắn mác “Made in Vietnam” nhưng vẫn được cơ quan chức năng cấp C/O.”Bên cạnh đó, báo chí ở trong nước còn kể những mánh khóe của các con buôn “trà trộn hàng hóa có nguồn gốc nhập cảng với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất cảng.” Tất cả trên bao bì hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam, với sự cấu kết của “cơ quan, tổ chức” nhà nước.

Nói với tờ Dân Việt, ông Lê Đăng Doanh, một chuyên viên kinh tế từng là viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, phân tích rằng: “Ngành sản xuất của Việt Nam nhỏ, dựa quá nhiều vào ‘phong bì’ để bôi trơn nên vượt qua được các khâu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý. Đến khi hàng hóa cập bến nước bạn, từ những cơ chế khác nhau, phát hiện ra lô hàng có vấn đề sẽ tiến hành điều tra, xác minh, xử lý, dẫn đến số lượng các vụ việc gia tăng.”

Thỉnh thoảng, báo chí trong nước đăng tải tin tức bắt những vụ hàng hóa giả mạo xuất xứ tại Việt Nam nhưng có vẻ đó chỉ là phần nổi nhỏ bé của núi băng chìm.


Ngày 9 Tháng Giêng, 2019, VNExpress đưa tin ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu trong “Hội nghị tổng kết ngành tài chính” rằng “chi phí bôi trơn trong lĩnh vực hải quan của doanh nghiệp được khảo sát đã giảm xuống còn 53% vẫn là tỷ lệ rất cao.”

Sau đó, ngày 29 Tháng Ba, 2019, tờ Thanh Niên thuật lời một viên chức của Phòng Thương Mại và Công Nghệ Việt Nam nói: “Không bôi trơn thì doanh nghiệp khó sống.”



Tồng Hợp