Chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1: Tài liệu công bố chỉ để đối phó nhằm xoa dịu dư luận?



Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm TP.HCM hôm 16/11 đã công bố tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (thuộc bộ sách Cánh Diều) để lấy ý kiến giáo viên và xã hội trước khi đưa vào dạy học. Tuy nhiên, dư luận cho rằng tài liệu này công bố chỉ để đối phó, chữa cháy nhằm xoa dịu dư luận.



Nội dung chỉnh sửa còn quá sơ sài, mang tính chữa cháy, đối phó, thiếu thống nhất

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời một cô giáo tên Thúy sống tại TP.HCM cho rằng có rất nhiều nội dung không phù hợp trong bộ sách những vẫn chưa được chỉnh sửa, ví như bài Sẻ, quạ: “Nhà sẻ có sẻ bé. Sẻ ca “ri…ri…”. Phía xa là nhà quạ. Quạ la “quà…quà…”. Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì!”.



Bài đọc: Sẻ, quạ.
Cô Thúy nhận xét bài tập đọc trên là đánh đố với học sinh lớp 1, vì ngay bản thân cô cũng chỉ biết chim sẻ hót, chim sẻ kêu chứ chưa nghe “sẻ ca” bao giờ.


“Trong tiết dạy bài này, tôi đã bắt tay lên miệng, giả như con chim và kêu “ri ri” nhưng cả lớp vẫn ngớ người ra”, cô Thúy cho biết và nói thêm: “Tại sao các nhà biên soạn sách lại đưa những câu từ trúc trắc, khó hiểu, xa lạ với cuộc sống các em học sinh 6 tuổi như vậy? Vậy mà nhà xuất bản chỉ sửa từ “quà…quà” thành “quạ…quạ” mà thôi”.Bài Sẻ, quạ chỉ điều chỉnh mỗi từ “quà… quà” thành “quạ… quạ” mặc dù còn rất nhiều từ gây “rối não”.


Còn cô N.T.T.V. (sống ở TP.HCM) nhận định Bộ SGK này đã dùng những từ đơn một cách vô tội vạ, sai ngữ pháp… nhưng cũng không được chỉnh sửa, như: trang 16 có hình cái “cặp da” nhưng SGK chỉ ghi mỗi chữ “da”; trang 19 có hình “cây đa” nhưng chỉ có mỗi chữ “đa”…

Cô giáo Đ.T.H (sống ở Hà Nội) nhận định có lẽ vì thời gian có hạn nên nhóm tác giả và nhà xuất bản chưa thể có những nghiên cứu sâu về mặt ngữ liệu phục vụ cho việc dạy và học.

“Ví dụ như bài “Bờ Hồ” được thay cho bài “Ve và gà (1)” có câu “Bố mẹ cho Giáp và bé Lam đi phố”, cụm từ “đi phố” cũng rất khó hiểu và không thông dụng. Nếu thêm thành “đi chơi phố” thì có nghĩa hơn…”, cô H. nói.



Bài Bờ Hồ.

SGK tiếng Việt lớp 1: Dạy học sinh tính lừa lọc, mưu mẹo, cách trốn việc…?

ThS Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài (sống ở TP.HCM) cho rằng tài liệu công bố chỉ có tính đối phó, chữa cháy để xoa dịu dư luận.

“Căn cứ vào tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Cánh Diều của nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.HCM có thể thấy sự chắp vá trong việc sử dụng ngữ liệu; việc sử dụng ngữ liệu chưa hợp logic; các văn bản được thay thiếu chất văn, chưa suôn sẻ, thậm chí lặp ý và không biết tác giả là ai”, ThS Hoài nói trên tờ Dân Việt.

Cũng theo Dân Việt, hiệu trưởng một trường tại Hà Nội đã chỉ ra điểm thiếu thống nhất trong tài tài liệu điều chỉnh.

Cụ thể, trong bài đọc “Mẹ thật là ấm” thay thế cho bài “Hai con ngựa (1)” sử dụng từ “gà con”, nhưng trong phần thay đổi từ ngữ vẫn thay cụm “Có kẻ đã cuỗm gà nhép” bằng “Có kẻ đã tha gà nhép đi”, tức là không thống nhất trong việc sử dụng từ “gà nhép” hay “gà con”.

Tài liệu chỉnh sửa không thống nhất vì chỗ sử dụng từ “Gà nhép”, chỗ sử dụng từ “Gà con”.

Học sinh đang ‘rất hào hứng’ với việc học sách SGK Tiếng Việt lớp 1?

Sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều: “Không thể chỉnh sửa mà nên thu hồi”




Tờ VOV dẫn lời PGS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, chất lượng sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh Diều không đạt, nếu tiếp tục giảng dạy sẽ có hại cho học sinh.

PGS Nguyễn Hữu Đạt cho hay những nội dung được cho là chưa phù hợp mà các chuyên gia, phụ huynh và báo chí đã đưa ra không thể coi là “sạn”, mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy Tiếng Việt. Ngữ liệu của các bài đọc ngô nghê.



Người biên soạn không có tư duy văn học; phương pháp học âm vần gán ghép các từ ngữ rất tùy tiện; nghĩa của từ đưa vào sách sai rất nhiều, không đúng thực tế sử dụng… Nếu muốn dùng để dạy thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá như phương án mà tác giả đưa ra.

“Tôi cho rằng cách xử lý như vậy là mang tính chắp vá. Bởi vì cơ sở khoa học để biên soạn sách này không xuất phát từ chuẩn mực khoa học, không đạt yêu cầu cho nên bây giờ có đưa ngữ liệu nào vào xử lý nó cũng sống sít chứ không thể là một bộ SGK đảm bảo chất lượng… Về thời gian, hiện nay trẻ em đã học rồi, bây giờ bắt chờ sửa xong học thì sẽ gây ra bao nhiêu phiền toái cho các gia đình, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng lâu dài đến việc đào tạo cho các em. Trẻ em không phải vật thí điểm cho các nhà khoa học. Trong trường hợp này phải thu hồi lại”, PGS Nguyễn Hữu Đạt nói.

Trước đó, phản biện về Bộ sách này, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng không phải tự nhiên mà phần lớn dư luận bức xúc và giận dữ khi nhắc về các bộ SGK lớp 1, bởi theo bà, khâu biên soạn SGK thì theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ phá vỡ chỗ kia; làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng đạt được của người lớn nhiều toan tính; một quy trình, thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin; cách đùn đẩy trách nhiệm như một trận đấu bóng không có trọng tài điều khiển khi xảy ra sự cố cũng thật là khó hiểu…

“Nếu chấp nhận các bộ sách như một lốp xe đầy những mảnh chắp vá để tiếp tục vận hành, thì đó là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại, là sự xem nhẹ giá trị nhân văn, sự trong sáng của tiếng Việt rất cần được truyền dạy một cách thấu hiểu, cẩn trọng, tận tâm và tận tụy đối với từng đứa trẻ vừa bước qua tuổi mầm non”, bà Hiền nói.

Trí thức