Trước các lệnh trừng phạt của Trung Quốc Cộng sản đối với các quan chức của chính quyền cựu TT Trump, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Biden có phản ứng mạnh mẽ








US President Joe Biden speaks about the Covid-19 response before signing executive orders in the State Dining Room of the White House in Washington, DC, on January 21, 2021. (Photo by MANDEL NGAN / AFP) (Photo by MANDEL NGAN/AFP via Getty Images)
Các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa đang kêu gọi chính quyền TT Biden thực hiện các biện pháp mạnh mẽ chống lại chính quyền Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức của chính quyền cựu TT Trump, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Các biện pháp trừng phạt được công bố vào ngày 20/1, cùng ngày Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc các quan chức Hoa Kỳ thực hiện “một loạt các động thái điên rồ”, “can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và “làm gián đoạn nghiêm trọng mối quan hệ Mỹ-Trung”.

Cho đến thời điểm hiện tại, Emily Horne, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Biden, đã nói rằng các lệnh trừng phạt này là “không hiệu quả và thật nực cười”.

Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã nói trên Twitter rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang “nắn gân ông Biden xem cách tiếp cận của chính quyền TT Biden có mang tính cạnh tranh và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc hay không”.

Ông nói: “Chúng ta phải đồng lòng, hỡi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, chúng ta phải cho Bắc Kinh thấy rằng không gì có thể ngăn cản chúng ta bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ”.

Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Michael McCaul của Đảng Cộng hòa đăng trên Twitter rằng, các lệnh trừng phạt là “một nỗ lực trơ trẽn, vô căn cứ nhằm bịt miệng và đe dọa các quan chức vốn đang truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ đối với nạn diệt chủng và vấn đề tiếp quản Hồng Kông".

“Chính quyền TT Biden phải ngay lập tức phản hồi một cách rõ ràng rằng kiểu ép buộc này sẽ không được dung thứ”, ông nói thêm.
Ngày 19/1, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố rằng cuộc đàn áp của ĐCSTQ chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác cấu thành tội ác diệt chủng và là “tội ác chống lại loài người”.



Thu hoạch và cấy ghép nội tạng từ những tù nhân lương tâm đem lại một nguồn thu khổng lồ cho ĐCSTQ... (Ảnh: Getty Images)

Năm ngoái, chính quyền cựu TT Trump đã thực hiện một số biện pháp để giải quyết vấn đề vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, bao gồm xử phạt sáu quan chức và một thực thể Trung Quốc vì các hành động tội ác của họ ở Tân Cương. Một quan chức Trung Quốc khác cũng bị phạt vì liên quan đến cuộc đàn áp chống lại nhóm học viên Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện theo Chân-Thiện-Nhẫn của Phật gia. Chính quyền cựu TT Trump cũng đưa ra chế tài hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc được cho là đã vi phạm nhân quyền.

Tháng 12/2020, chính quyền cũng đã xử phạt 25 quan chức Hongkong và Trung Quốc, trong số đó bao gồm lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vì liên quan đến việc thực thi luật an ninh quốc gia hà khắc của Bắc Kinh với các điều khoản trừng phạt các tội được xác định rõ ràng như lật đổ và ly khai với mức phạt tối đa là án chung thân.

Ít nhất có bốn nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã bị buộc tội vi phạm luật an ninh mới, bao gồm Jimmy Lai, người sáng lập tờ báo địa phương Apple Daily, và nhà hoạt động sinh viên Tony Chung.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton trong một cuộc phỏng vấn với Fox News cho biết, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc không “hoàn toàn nhắm vào các cựu quan chức [Hoa Kỳ], mà chính là một phát súng bắn trúng đầu cơ quan an ninh quốc gia của chính quyền TT Biden”.
Ông Cotton kêu gọi phản ứng từ chính quyền TT Biden và Quốc hội và nói rằng Hoa Kỳ không thể cho phép Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch đe dọa của họ.

Bắc Kinh tuyên bố trừng phạt 28 quan chức Hoa Kỳ nhưng cho đến nay chỉ nêu tên 10 người, bao gồm cả cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro; cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar; và Keith Krach, cựu thứ trưởng nhà nước về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường.

Ông Krach nói với Fox trong một cuộc phỏng vấn: “Những lệnh trừng phạt này giống như chiếc huy hiệu mà tôi vinh dự được đeo trên người.
“Chúng ta không nên nhượng bộ trước những kẻ bắt nạt Trung Quốc. Khi bạn đối đầu với kẻ bắt nạt, họ sẽ phải lùi bước. Và họ sẽ thực sự lùi bước nếu bạn có bạn bè ở bên”, ông nói thêm.

Khi được hỏi về tên của 18 quan chức Mỹ khác trong cuộc họp giao ban hàng ngày vào ngày 21/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã từ chối chia sẻ thông tin. Thay vào đó, bà nói: "Ai có tội thì người ấy tự rõ."

Cơ quan ngôn luận nhà nước của Trung Quốc, tờ nhật báo Thời báo Hoàn cầu trong một bài đăng hôm thứ Năm (21/1) cho biết, các lệnh trừng phạt là “lời cảnh báo đối với các quan chức [Hoa Kỳ] muốn trở thành Mike Pompeo tiếp theo”.


Nguyên Hương
Theo The Epoch Times