Ý Nghĩa Danh Xưng Phẩm Vị Chức Sự Trong Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền

Thích Tâm Mãn

(CMT) Phật Giáo Truyền về phương Đông đến khoảng giữa thế kỷ thứ 6 đầu thế kỷ thứ 7 thì đạt đến thời kỳ đỉnh thạnh, các tông phái Phật Giáo cơ bản đã hình thành, giáo nghĩa và tông chỉ của từng tông phái đã hoàn toàn cụ bị. Trong thời kỳ này Luật tông cũng đã được ngài Đạo Tuyên thành lập, Luật tông lấy Tứ Phần Luật làm căn bản Kinh điển, thiết lập tông chỉ, san định luật nghi, thành lập hình chế quỹ phạm giới đàn, nghi thức truyền giới của Luật tông Phật Giáo Bắc Truyền hầu như đã định hình và cụ túc.

Việt Nam Trì Luật- Luật Truyền Tổ Sư (Đại Đức Thích Tâm Mãn họa tượng Chư Tổ Luật Tông)

Giới Đàn Luật Tông Phật Giáo Bắc Truyền do ảnh hưởng phong tục tập quán cũng như lễ chế văn hóa của Trung hoa, đồng thời có sự tham dự của chính quyền phong kiến trong việc quản lý Tăng sĩ cũng như tấn phong giáo chức cho các bậc Tòng Lâm thạc đức, cho nên Giới Đàn vốn dĩ là nơi truyền giới cho người xuất gia để tu học, thuần túy trong ý nghĩa tôn giáo là nơi tuyển người làm Phật trong tương lai, trở thành một nghi lễ mang tính chất vừa thiêng liêng của tôn giáo vừa là hành chánh theo lễ nghi thụ phong chức vị của thế đế bên ngoài.

Theo luật định lập đàn truyền giới chỉ cần cụ túc Thập Sư, Yết-ma kết giới, tác pháp truyền giới là đủ, nhưng giới đàn của Luật tông Phật Giáo Bắc Truyền ngoài pháp Yết-ma truyền giới ra còn rất nhiều nghi tiết theo thể thức của một đàn tràng được đưa vào trong giới đàn để phù hợp với văn hóa của người Đông Độ, vì lý do này mà những nghi thức giới đàn từ chổ đơn giản đến phức tạp, từ trang nghiêm bước vào thần thánh, tạo thành một sắc thái thâm nghiêm cổ kính, trọng thể thiên liêng, phù hợp với văn hóa tư duy, tín ngưỡng của người Á đông.

Tính cổ kính thâm nghiêm của giới đàn được hình thành từ các lễ nghi. Thực hành nghi thức và nghi quỹ trong đàn trường truyền giới, những vị Tăng hành trì nghi thức này đều là các bực thông tuệ, chuyên môn trong lĩnh vực lễ nghi Phật Giáo đứng ra đảm trách. Cho nên việc tổ chức Giới Đàn ngoài ban Kiến Đàn ra còn phải có Giới Đàn Hành Nghi cụ bị nội ngoại đàn tràng nhân sự.

Ngoại đàn gồm các thành viên chuyên phụ trách về các nghi tiết lễ chế của giới đàn, đứng đầu là Khai Đường Hòa Thượng, Sám Chủ Sư, Kinh Sư, Công Văn Sư . Nội đàn gồm Thập Sư Hòa Thượng và Tứ Vị Dẫn Thỉnh Giám Đàn, vị đứng đầu là Đường Đầu Đắc Giới Hòa Thượng, để cho giới đàn nội ngoại lưỡng ban hành nghi được diễn ra đúng như pháp, chịu trách nhiệm cũng như quản lý vấn đề này, ngoại giới đàn do Công Văn Sư, nội giới đàn do Tuyên Luật Sư Hòa Thượng và Tứ Vị Dẫn Thỉnh phụ trách.

1. Đắc Giới Hòa Thượng

Hòa Thượng Đường Đầu hay còn xưng là Đàn Đầu Hòa Thượng. trong sách Chỉ Quy chép: Thiên Trúc gọi là Đô Ba Đề Da, ở đây xưng Thầy thường thân cận thọ trì, sách Phát Chánh Ký chép: Phạm danh Ưu Ba Đề Ha, ở gọi là y theo học vậy. trong Tỳ Nại Da chép: tiếng Phạm Khâu Ba Đề Da ở Đông Độ gọi Thân Giáo, vì là người có thể chỉ dạy chúng ta con đường xa lìa nghiệp thế gian nên còn xưng là Thọ Nghiệp Hòa Thượng trong Thập Pháp Sư chép: Phạm ngữ Hòa Thượng đây xưng là Lực Sanh.

Hòa Thượng Đường Đầu trong Đại Giới Đàn thường là các bậc thanh tu thạc đức giới hạnh nghiêm minh trong chốn tòng lâm, vì Giới Đàn là nơi giới tử cầu thọ Giới Pháp để tu hành cho nên là người đứng ra thí giới phải cụ túc tịnh giới. trong Tứ Phần Luật chép: vị Tỳ Kheo từ 10 hạ trở lên mới đủ tư cách làm Truyền Giới Hòa Thượng, thứ nữa phải cụ túc Ngũ Đức".

1 - Kiên trì tịnh giới

2 - Đủ mười tuổi hạ

3 - Thông hiểu luật tạng

4 - Thông đạt thiền tư

5 - Trí huệ thông đạt

Trong Thiền Tạng chép: Hòa thượng Phương Trượng xưng là Đường Đầu vậy. Đàn Đầu Hòa Thượng hay Đường Đầu Hòa Thượng là một phẩm vị nhưng hai, có hai danh xưng là do nguyên nhân, theo truyền thống của Giới Đàn Luật Tông Bắc Truyền và Luật Truyền Giới của Phật giáo Trung Hoa. Nơi nào mở Giới Đàn truyền giới có lập Giới Đài để truyền thọ Giới Pháp thì nơi đó Đắc Giới Hòa Thượng xưng là Đàn Đầu Hòa Thượng, nơi nào mở đàn truyền giới mà không lập Giới Đài, truyền giới trong điện Phật hoặc là Tăng đường thì Đắc Giới Hòa Thượng xưng là Đường Đầu Hòa Thượng.

2. Yết Ma A Xà Lê.

Yết Ma: trong Hoa Nghiêm Âm Nghĩa của Ngài Huệ Uyển chép: tiếng Phạm Yết-ma Đông Độ xưng là Biện Sự, tất cả các phép tắc Tăng sự đều do vị này bạch hỏi. trong Thập Tụng Luật chép: Bạch là vấn hỏi việc của chúng Tăng nên xưng là Bạch. Nếu có việc của Tăng lần đầu nói cho Tăng biết gọi là Bạch. Bạch Yết-ma thọ Cụ Túc Giới, Bố Tát Thuyết Giới, Tự Tứ .v.vgọi là Bạch Tứ Yết-ma.

A Xà Lê: Bồ Đề Tư Lượng Luận chép: Phạm âm là A Giá Lê Dạ, đời Tùy gọi Chánh Hạnh trong Nam Hải Ký Quy Truyện chép: Tiếng Phạm gọi A Giá Lợi Na, đời Đường dịch là Quỹ Phạm Sư, là người chuyên dạy đệ tử các phép thức lễ nghi, cũng còn gọi là A Xà Lê trong Thiện Kiến chép: trong tất cả pháp dạy cho người hiểu biết thì xưng là A Xà Lê. Nam Sơn Sao chép: đầy đủ hạnh đức chân chánh khiến cho đệ tử học theo gọi là A Xà Lê.

Yết Ma A Xà Lê là phẩm vị thứ hai trong Đại Giới Đàn chuyên đảm trách việc xướng bạch tác pháp Yết-ma, để được sự tác thành của Thập Sư Phương Trượng, vị nào đảm nhiêm chức vụ này có ít nhất trên10 Hạ lạp thông hiểu Giới Đàn Tăng và Nghiêm Tịnh Thanh Tu Cụ Thọ Giới Đức.

Còn tiếp

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2...-81_14-1_15-1/