FDA cập nhật định nghĩa ‘lành mạnh’ trên bao bì thực phẩm




Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) hôm Thứ Tư, 28 Tháng Chín, thông báo sẽ cập nhật định nghĩa “lành mạnh” (healthy) thường được tiếp thị trên bao bì sản phẩm, với mục đích để định nghĩa này phù hợp hơn với khoa học dinh dưỡng hiện tại, theo UPI.

Việc cập nhật định nghĩa đến từ những tréo ngoe theo quy định cũ, chẳng hạn cá hồi không thể được gắn nhãn “lành mạnh” vì có nhiều chất béo, còn ngũ cốc có đường lại có thể gắn nhãn “lành mạnh” trên bao bì nếu chúng xét theo từng chất dinh dưỡng riêng lẻ, dù thực sự là món này có nhiều đường.



Khách hàng xem xét dữ liệu dinh dưỡng. (Hình minh họa: Brandon Bell/Getty Images)

Trong một tuyên bố, ông Xavier Becerra, bộ trưởng Y Tế Và Xã Hội Mỹ, tuyên bố rằng dinh dưỡng là chìa khóa để cải thiện sức khỏe quốc gia, và thực phẩm lành mạnh giúp mọi người giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều người không biết thực phẩm lành mạnh được cấu thành từ những gì. Biện pháp của FDA sẽ giúp giáo dục người Mỹ nhiều hơn về dinh dưỡng.

Thống kê cho thấy hơn 80% người Mỹ không ăn đủ trái cây, rau củ và sữa, nhưng lại tiêu thụ nhiều đường, chất béo bão hòa và muối không lành mạnh.

Định nghĩa “lành mạnh” năm 1994 của FDA dựa trên các chất dinh dưỡng riêng lẻ trong từng sản phẩm. Nhưng định nghĩa này hiện nay đang lỗi thời, vì các chuyên gia dinh dưỡng tập trung vào khẩu phần ăn tổng thể hơn. Loại chất dinh dưỡng cũng quan trọng, chẳng hạn cá hồi có chất béo, nhưng là chất béo tốt như omega-3.

Theo quy định mới, các sản phẩm muốn gắn nhãn “lành mạnh” phải chứa một lượng thực phẩm từ một nhóm thực phẩm được đề nghị, bao gồm trái cây, rau, sữa, ngũ cốc và đạm nạc. Những sản phẩm chứa những chất không tốt như chất béo bão hòa, sodium và đường bổ sung sẽ bị hạn chế hơn.

Đồng thời FDA cũng đang nghiên cứu một biểu tượng để các nhà sản xuất có thể dán lên bao bì để người tiêu dùng biết đó là sản phẩm đáp ứng định nghĩa “lành mạnh” mới. (V.Giang)