Pakistan đóng cửa trung tâm thương mại và chợ sớm do khủng hoảng kinh tế




Chính phủ Pakistan đã ra lệnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm đóng cửa tất cả các trung tâm thương mại và chợ trước 8:30 tối, trong bối cảnh đất nước này phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế và ngành điện lực tê liệt.



Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif nói với báo giới hôm 3/1, các biện pháp được nội các thông qua dự kiến ​​sẽ tiết kiệm cho đất nước khoảng 62 tỷ rupee Pakistan (273 triệu USD).

Pakistan nhận thấy rõ thực tế là họ đang thiếu tiền mặt, do số tiền dự kiến được nhận theo chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bị trì hoãn. Dự trữ ngoại hối của nước này hiện chỉ đủ trang trải cho một tháng nhập khẩu, phần lớn là để mua năng lượng.

Bộ trưởng Quốc phòng thông báo, các biện pháp bổ sung sẽ có hiệu lực ngay lập tức bao gồm đóng cửa các nhà hàng và hội trường tổ chức lễ cưới trước 10 giờ tối. Ông cũng cho biết, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ giảm 30% mức tiêu thụ điện.

Các biện pháp này đang được thực hiện khi Pakistan nỗ lực để xóa bỏ những lo ngại về khả năng vỡ nợ sau khi khoản tài trợ 1,1 tỷ đô la của IMF bị trì hoãn.

Đáng lưu ý, nhiều khoản tài trợ quốc tế quan trọng khác đều có liên quan đến chương trình của IMF. Điều này có nghĩa là quốc gia Nam Á với 220 triệu dân này sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu tài chính bên ngoài, với tổng số hơn 30 tỷ USD tính đến tháng 6, bao gồm các khoản trả nợ và nhập khẩu năng lượng.

Tổng dự trữ ngoại hối thanh khoản của Pakistan vào cuối tháng trước ở mức 11,7 tỷ USD, trong đó 5,8 tỷ USD thuộc về ngân hàng trung ương, bằng một nửa giá trị dự trữ ngoại hối mà nước này nắm giữ vào đầu năm 2022.

Bộ trưởng Asif lưu ý, kế hoạch bảo tồn năng lượng cũng bao gồm lệnh cấm sản xuất bóng đèn kém hiệu quả từ tháng 2 và cấm sản xuất quạt từ tháng 7.

Ông cho hay, mức sử dụng điện cao điểm vào mùa hè của Pakistan là 29.000 megawatt (MW), so với 12.000 MW vào mùa đông, chủ yếu là do sử dụng quạt trong thời tiết nóng hơn.

Ngoài ra, một nửa số đèn đường trên cả nước cũng sẽ bị tắt.

Hầu hết điện năng của Pakistan được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng, mà vốn mức giá đã tăng chóng mặt trong những tháng gần đây.

Chính phủ đã cố gắng ổn định nền kinh tế bằng cách kiềm chế nhập khẩu và lạm phát cao trong nhiều thập kỷ. Đồng tiền mất giá nhanh chóng khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi giá tiêu dùng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm tài chính (từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2022).

Pakistan hiện đang phục hồi sau trận lũ lụt thảm khốc năm ngoái, đã nhấn chìm hơn một phần ba đất nước và gây ra sự tàn phá trên diện rộng cũng như thiệt hại tài chính nghiêm trọng.

Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu do tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch biên soạn, Pakistan là quốc gia dễ bị tổn thương thứ tám trước thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy trong những năm gần đây đã giết chết và khiến hàng nghìn người phải di dời; phá hủy sinh kế người dân đồng thời làm hư hỏng cơ sở hạ tầng.

Minh Ngọc (Theo Aljazeera)