Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp yêu cầu các lính biên giới phải bắn những người đào tẩu có ý định bỏ trốn khỏi đất nước. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng thắt chặt an ninh, tăng cường giám sát ở khu vực biên giới.

Theo thông tin trên tờ Vietnamnet, nguồn tin giấu tên từ vùng Bắc Hamkyung ở Triều Tiên cho biết, điều này đã gây nên tình trạng căng thẳng chưa từng có tại vùng biên giới giáp các quốc gia láng giềng.
Bà Kang Myeong-wook cùng với cháu gái của mình cúi đầu hướng về Bình Nhưỡng trong một lễ tưởng niệm cho các gia đình ở Triều Tiên gần khu vực phi quân sự ngăn cách hai miền Hàn – Triều ở Paju, cách Seoul – Hàn Quốc – 55km về phía bắc hôm 31/1/2014.
“Một mệnh lệnh đã được chuyển tới các đồn kiểm soát biên giới để nghiêm trị những người bị bắt vì chuẩn bị hoặc có ý định bỏ trốn” – trang tin về Triều Tiên Daily NK cho hay.
“Theo đó nếu như một kẻ đào tẩu nào bị phát hiện và phản ứng bất tuân, hoặc phớt lờ các cảnh báo cấm vượt sông, họ (lính canh biên giới) có thể nổ súng ngay tại chỗ” – nguồn tin nêu trên nói thêm.
Do an ninh đặc biệt thắt chặt dọc biên giới giáp Hàn Quốc, hay còn gọi là khu vực phi quân sự (DMZ), nên nhiều người bỏ trốn thường chạy về phía bắc, tìm cách tị nạn bằng cách vượt biên vào tỉnh biên giới đông bắc Trung Quốc bằng cách vượt sông Tumen. Số khác lại tìm cách thâm nhập vào Nga.
Nhằm ngăn những người vượt biên này, biên giới Tumen đã được tăng cường giám sát. “Biên giới đang trong tình trạng phong tỏa hoàn toàn, thậm chí những người đi xuống sông Tumen để lấy nước hoặc giặt quần áo cũng bị giám sát chặt chẽ” – nguồn tin trên cho biết thêm.
Cuộc sống của những người dân sống gần vùng biên giới đang rất gieo neo. “Họ phải rất thận trọng, họ lo ngại rằng nếu như có bước đi nào sai lầm, họ sẽ bị làm gương”.
“Vào lúc này, bầu không khí ở biên giới im ắng tới mức đáng sợ” – nguồn tin trên cho biết thêm. “Mọi người không biết được là việc đàn áp ở biên giới sẽ kéo dài trong bao lâu – điều đó khiến họ chết dần chết mòn. Giờ họ nói nhưng điều kiểu như ‘chiến tranh nổ ra có khi còn tốt hơn’”.
Động thái trên của Triều Tiên diễn ra sau khi xuất hiện nhiều đồn đoán Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên bị xử tử.
Theo TTXVN, hãng thông tấn Nga RIA Novosti và hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn một số nguồn tin từ Triều Tiên cho hay, quyền Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Moon Gen-Dok có thể đã bị xử tử, tiếp sau vụ hành quyết ông Jang Song-thaek gây chấn động dư luận hồi cuối năm ngoái.
Theo Yonhap, lần cuối cùng ông Moon Gen-Dok hiện diện trước công chúng là tại lễ duyệt binh ngày 6/1, và từ đó đến nay tên tuổi của ông này không thấy được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông ở Bình Nhưỡng.
Ông Moon Gen-Dok đã không tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thăm một trường mẫu giáo được khánh thành ngày 3/2 tại Bình Nhưỡng. Ngoài ra, ông này cũng không có mặt tại các hoạt động nhân kỷ niệm 72 năm ngày sinh cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, hôm 15/2 vừa qua.
Một số chuyên gia am hiểu tình hình Triều Tiên liên hệ sự biến mất khó hiểu của ông Moon Gen-Dok với vụ xử tử người chú của nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Jang Song-thaek.
Các chuyên gia cho rằng, ông Moon Gen-Dok là một trong những nhân vật thân tín nhất đối với Jang Song-thaek từ khi ông này còn lãnh đạo Ủy ban thanh niên của Đảng Lao động Triều Tiên.
Khi ông Jang Song-thaek giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên thì ông Moon Gen-Dok được bổ nhiệm vào nhóm Trợ lý chính của ông Jang.
Trước đó, ngay sau khi vụ xử tử Jang Song-thaek, ngày 26/12, một quan chức Hàn Quốc phụ trách các vấn đề về Triều Tiên cho biết lực lượng biên phòng Triều Tiên đã tăng cường tuần tra biên giới và cử các mật vụ tới Trung Quốc để tìm cách ngăn chặn dòng người đào tẩu ra nước ngoài.
Quan chức này cho biết toàn bộ lực lượng biên phòng Triều Tiên dọc theo đường biên giới với Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động cao và được lệnh bắt giữ toàn bộ những kẻ tìm cách đào tẩu.
Triều Tiên cũng đã đưa nhiều nhân viên đặc vụ tới Trung Quốc và hợp tác với các cơ quan chức năng của nước này để truy lùng người Triều Tiên đào tẩu và gửi trả họ về nước.
Thảo My (Tổng hợp)