Ai thực sự đứng sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel?






Một khẩu pháo tự hành của quân đội Israel khai hoả gần biên giới với Gaza ở miền nam Israel vào ngày 11 tháng 10 năm 2023. (Ảnh: MENAHEM KAHANA/AFP via Getty Images)


Xung đột Israel - Hamas đang đốt nóng các mặt báo. Nhiều người tỏ ra hoài nghi vì sao một lực lượng tình báo và quân đội được tổ chức tốt như Israel lại bị động hoàn toàn trước cuộc tấn công của các phiến quân được trang bị kém hơn rất nhiều. Câu trả lời có thể là đất nước này: Iran! Theo tin tức độc quyền từ Wall Street Journal, các quan chức an ninh Iran đã giúp lên kế hoạch cho cuộc tấn công bất ngờ vào hôm 7/10 của Hamas vào Israel. Iran cũng bật đèn xanh cho cuộc tấn công tại một cuộc họp ở Beirut vào đầu tháng 10. Chính các thành viên cấp cao của Hamas và Hezbollah, một nhóm chiến binh khác được Iran hậu thuẫn, đã xác nhận thông tin này.

Các sĩ quan của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) được cho là đã làm việc với Hamas kể từ tháng 8 để lên kế hoạch cho các cuộc xâm nhập vào Israel trên không, trên bộ và trên biển. Đây chính là vụ xâm phạm biên giới nghiêm trọng nhất đối với Israel kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.


Các thành viên cấp cao Hamas cho biết chi tiết về hoạt động này đã được thúc đẩy trong một số cuộc họp ở Beirut với sự tham dự của các sĩ quan IRGC và đại diện của 4 nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn, bao gồm Hamas nắm quyền kiểm soát ở Gaza và Hezbollah, một nhóm chiến binh người Shi'a và phe phái chính trị ở Lebanon.

Dù vậy, các quan chức Mỹ cho biết họ chưa thấy bằng chứng nào về sự liên quan của Tehran. Trong cuộc phỏng vấn với CNN phát sóng hôm Chủ Nhật, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Chúng tôi chưa thấy bằng chứng cụ thể nào cho thấy Iran chỉ đạo hoặc đứng đằng sau cuộc tấn công này, nhưng chắc chắn có một mối quan hệ lâu dài”. Tuy nhiên, một quan chức châu u và một cố vấn chính phủ Syria đã đưa ra lời giải thích tương tự về sự tham gia của Iran trong việc chỉ đạo cuộc tấn công đẫm máu của Hamas.

Người phát ngôn của phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cho biết nước Cộng hòa Hồi giáo này ủng hộ các hành động của Hamas nhưng không chỉ đạo họ thực hiện chúng. Đại diện Iran cho biết: “Các quyết định của lực lượng kháng chiến Palestine đưa ra mang tính tự chủ mạnh mẽ, phù hợp với lợi ích hợp pháp của người dân Palestine. Chúng tôi không tham gia vào phản ứng của Palestine, nó chỉ do chính Palestine thực hiện”.

Dù vậy, Ghazi Hamad, người phát ngôn của Hamas, ngày 8/10 trả lời phỏng vấn với BBC rằng Iran đã "hỗ trợ trực tiếp" cho tổ chức vũ trang Palestine này mở đợt tấn công lớn chưa từng thấy từ Dải Gaza vào Israel hôm 7/10.

Vài tiếng sau khi Hamas phát động chiến dịch, Rahim Safavi, cố vấn của Lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei, đã gửi lời chúc mừng Hamas. Ông nhấn mạnh Tehran sẽ tiếp tục ủng hộ các chiến binh Palestine "cho đến khi Palestine và Jerusalem được giải phóng".

Như vậy, vai trò trực tiếp của Iran lần này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột kéo dài của Tehran với Israel, làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông. Các quan chức an ninh cấp cao của Israel đã cam kết sẽ tấn công lãnh đạo Iran nếu Tehran bị phát hiện chịu trách nhiệm trong các cuộc tấn công giết chết người Israel.

Có thể thấy, kế hoạch rộng hơn của Iran là tạo ra một mối đe dọa trên nhiều mặt trận có thể bóp nghẹt Israel từ mọi phía - Hezbollah và Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine ở phía bắc, Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine và Hamas ở Gaza và Bờ Tây.

Ít nhất 1000 người Israel được xác nhận đã thiệt mạng, và cuộc tấn công hôm 7/10 đã chọc thủng hào quang bất khả chiến bại của quốc gia này, khiến người Israel phải tự đặt câu hỏi làm sao lực lượng an ninh được ca ngợi của họ lại có thể để điều này xảy ra?

Israel đã đổ lỗi cho Iran và nói rằng nước này đứng đằng sau các vụ tấn công, dù là gián tiếp. Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan cho biết hôm 8/10: “Chúng tôi biết rằng đã có các cuộc họp ở Syria và ở Lebanon với các thủ lĩnh của đội quân khủng bố bao vây Israel. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực của chúng tôi đã cố gắng phối hợp nhiều nhất có thể với Iran”.

Các thành viên cấp cao của Hamas và Hezbollah cho biết, Iran đã gác lại các xung đột khu vực khác, chẳng hạn như mối thù công khai với Ả Rập Saudi ở Yemen, để dành các nguồn lực nước ngoài của mình cho việc điều phối, tài trợ và trang bị vũ khí cho các lực lượng dân quân đối kháng với Israel, bao gồm Hamas và Hezbollah.

Cuộc tấn công nhằm vào Israel trong khi nước này có vẻ bị phân tâm bởi sự chia rẽ chính trị nội bộ đối với chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Nó cũng nhằm mục đích làm gián đoạn các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel mà Iran coi là một mối đe dọa.

Dựa trên các thỏa thuận hòa bình với Ai Cập và Jordan, việc mở rộng quan hệ của Israel với các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh có thể tạo ra một chuỗi các đồng minh của Mỹ kết nối 3 điểm nút cổ chai quan trọng của thương mại toàn cầu, đó là: Kênh đào Suez, Eo biển Hormuz và eo biển Bab Al Mandeb nối liền Biển Đỏ tới Biển Ả Rập. Các chuyên gia cho biết, đó là một tin rất xấu đối với Iran. Nếu họ có thể làm được điều này, bản đồ chiến lược sẽ thay đổi đáng kể và gây bất lợi cho Iran.

Dẫn đầu nỗ lực nhằm kiểm soát các lực lượng ủy nhiệm nước ngoài của Iran dưới sự chỉ huy thống nhất là Ismail Qaani, lãnh đạo lực lượng quân sự quốc tế của IRGC, Lực lượng Quds. Qaani đã phát động sự phối hợp giữa một số lực lượng dân quân xung quanh Israel vào tháng 4 trong một cuộc họp ở Lebanon, nơi Hamas lần đầu tiên bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với các nhóm khác như Hezbollah.

Quan chức Iran cho biết vào khoảng thời gian đó, các nhóm Palestine đã tổ chức một loạt cuộc tấn công hạn chế hiếm hoi nhằm vào Israel từ Lebanon và Dải Gaza, dưới sự chỉ đạo của Iran. Và theo lời quan chức Iran thì “đó là một thành công vang dội”.

Iran từ lâu đã ủng hộ Hamas, nhưng với tư cách là một nhóm Hồi giáo dòng Sunni, Hamas đã đứng ngoài cuộc trong số các nhóm ủy nhiệm dòng Shi’a của Tehran. Cho đến những tháng gần đây, sự hợp tác giữa các nhóm Hồi giáo này đã được tăng cường. Đại diện của các nhóm này đã gặp các lãnh đạo Lực lượng Quds ít nhất hai tuần một lần ở Lebanon kể từ tháng 8 để thảo luận về một cuộc tấn công nhắm vào Israel và những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Qaani đã tham dự một số cuộc họp đó cùng với thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Jihad Hồi giáo al-Nakhalah và Saleh al-Arouri, chỉ huy quân sự của Hamas. Theo các nguồn tin, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng đã tham dự ít nhất 2 cuộc họp.


Ngoại giới cũng cho rằng, một cuộc tấn công ở quy mô như vậy chỉ có thể xảy ra sau nhiều tháng lên kế hoạch và sẽ không xảy ra nếu không có sự phối hợp với Iran. Hamas, giống như Hezbollah ở Lebanon, không tự mình đưa ra quyết định tham chiến mà không có sự đồng ý rõ ràng trước đó từ Iran.

Khả năng phối hợp với Iran của dân quân Palestine và Lebanon sẽ được thử thách trong những ngày tới khi phản ứng của Israel tập trung vào Ai Cập, quốc gia đang cố gắng hòa giải cuộc xung đột, đã cảnh báo các quan chức Israel rằng một cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza sẽ gây ra phản ứng quân sự từ Hezbollah, mở ra một mặt trận thứ hai, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Israel và Hezbollah đã đấu súng trong thời gian ngắn vào Chủ nhật.

Hamas đã kêu gọi người Palestine ở Bờ Tây và công dân Palestine ở Israel cầm vũ khí và tham gia cuộc chiến. Đã có các cuộc đụng độ hạn chế ở Bờ Tây, nhưng không có báo cáo nào về các cuộc đụng độ giữa người Ả Rập và người Do Thái bên trong Israel, như đã xảy ra vào tháng 5 năm 2021 khi Israel và Gaza giao tranh kéo dài lần cuối.

Quan chức Iran cho biết, nếu Iran bị tấn công, nước này sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công tên lửa vào Israel từ Lebanon, Yemen và Iran, đồng thời đưa máy bay chiến đấu của Iran từ Syria vào Israel để tấn công các thành phố ở phía bắc và phía đông Israel.

Sau khi Isreal tuyên bố tình trạng chiến tranh và mở chiến dịch trả đũa, Hamas kêu gọi toàn bộ người dân Palestine cầm súng chiến đấu, đồng thời đề nghị các tổ chức Hồi giáo và quốc gia Ả Rập trong khu vực ủng hộ. Tổ chức vũ trang Hezbollah ở Lebanon đã đáp lại lời hiệu triệu khi bắn đạn cối vào ba cứ điểm trong vùng Shebaa đang do quân đội Israel kiểm soát vào ngày 8/10. Hezbollah, tổ chức do Iran hậu thuẫn tại Lebanon, tuyên bố vụ tập kích nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine.

Quân đội Israel đã pháo kích vào miền nam Lebanon để đáp trả vụ tấn công bằng đạn cối. Israel cũng sử dụng máy bay không người lái để vô hiệu hóa một cứ điểm của Hezbollah trong vùng Shebaa. Israel kiểm soát vùng Shebaa, rộng khoảng 39 km2, từ năm 1967 sau xung đột với các nước Arab. Cả hai nước Syria và Lebanon đều tuyên bố khu vực Shebaa thuộc về Lebanon.

Trong thông cáo phát đi ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông đã chỉ thị di chuyển biên đội tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ đến phía đông Địa Trung Hải, gần Israel hơn.

Biên đội này bao gồm tàu sân bay, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường. Ngoài ra, ông Austin cho hay Mỹ cũng đã thực hiện các bước để tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu F-35, F-15, F-16 và A-10 của Không quân trong khu vực. Bộ trưởng Austin cũng cho hay, chính phủ Mỹ sẽ viện trợ khẩn cấp các nguồn lực bổ sung cho quân đội Israel, trong đó có đạn dược.

Trên chiến trường thực địa, quân đội Israel đã giao tranh ác liệt với Hamas vào đầu giờ hôm 9/10 để giành lại quyền kiểm soát các khu vực phía nam đất nước sau khi các chiến binh Hamas tràn vào từ Dải Gaza. Trong khi quân đội Israel đang phải vật lộn để phong tỏa biên giới, ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiếp theo. Nội các Israel đã thông qua lời tuyên chiến chính thức sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 7/10 tuyên bố triệu tập hàng trăm nghìn quân nhân dự bị, đồng thời phát biểu trên truyền hình rằng: “Chúng ta đang có chiến tranh và chúng ta sẽ chiến thắng”.

Binh lính Israel cũng đang chiến đấu để trục xuất các chiến binh Hamas khỏi các thành phố ở vùng nội địa sa mạc. Cuộc tấn công ban đầu của các chiến binh Hamas đã tiến sâu hơn 30 km vào lãnh thổ Israel. Các chiến binh Hamas cũng đã tiến vào bên trong ít nhất 4 căn cứ quân sự dọc biên giới Israel với Gaza.

Trò chơi cuối cùng của Israel, Hamas và phần còn lại của Trung Đông có thể sẽ được xác định trong những ngày tới dựa trên quy mô phản ứng quân sự của Israel. Có một khả năng gia tăng xung đột là: Một mặt trận khác được mở ra với các chiến binh Palestine ở miền nam Lebanon hay Bờ Tây, gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực.

Israel hiện đã bắt đầu đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào các thủ lĩnh và chiến binh Hamas. Quân đội đã công bố các video về các cuộc tấn công vào các trụ sở của phiến quân Palestine và các mục tiêu khác. Salama Marouf, phát ngôn viên của Hamas, cho biết hàng chục tòa nhà ở Dải Gaza đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công ban đầu của Israel và hơn 1.200 nhà ở dân cư bị hư hại một phần.

Các cuộc phản công của Israel có thể trở nên phức tạp do hàng loạt con tin bị bắt trong các cuộc đột kích hôm 7/10.. Abu Obeida, phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Hamas, cho biết các chiến binh Hamas đã giết chết nhiều người Israel hơn và bắt thêm con tin trong các cuộc đụng độ mới nhất với quân đội.

Quân đội Israel ước tính có ít nhất 3.250 quả rocket đã được bắn từ Gaza. Người Israel bị chấn động đã tìm nơi ẩn náu trong những căn phòng an toàn và hầm tránh bom. Các vụ nổ bùng nổ khắp thủ đô Tel Aviv trong đêm khi hệ thống phòng không Iron Dome của nước này bắn hạ tên lửa, mặc dù một số tên lửa rơi xuống thành phố, khiến dân thường bị thương.

Căng thẳng ở biên giới Gaza-Israel đã gia tăng trong những tuần gần đây, khi người Palestine thả bóng bay gây cháy và quân đội Israel tiến hành các cuộc không kích. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột toàn diện sắp xảy ra.


Quân đội Israel đã tham gia vào các cuộc đối đầu liên tục với Hamas - tổ chức mà Mỹ coi là tổ chức khủng bố - kể từ khi nhóm này tiếp quản Dải Gaza vào năm 2007 sau trận chiến bạo lực với Fatah, nhóm chính trị kiểm soát Chính quyền Palestine. Vào tháng 5, Israel và Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine đã đọ súng trong 5 ngày.

Trong những năm gần đây, chiến lược của Israel ở Gaza là tránh một cuộc chiến tranh toàn diện bằng cách liên tục tấn công các nhóm chiến binh đồng thời hạn chế chặt chẽ dòng người và hầu hết hàng hóa ra vào vùng đất này. Lần cuối cùng quân đội Israel tiến vào Gaza là vào năm 2014. Song những gần đây cho thấy chiến lược đó có lẽ sắp phải thay đổi. Israel đã thề sẽ huỷ diệt toàn bộ Hamas và không có gì lạ nếu như Tel Aviv sẽ tiến quân vào Dải Gaza một lần nữa để quét sách mối lo ngại an ninh chính của mình. Và sự can thiệp của Iran, nếu như bị phát hiện sẽ còn kéo Trung Đông vào một cuộc chiến tiềm tàng, gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả chiến tranh Ukraine.

Viên Minh (Tổng hợp)