Luật sư của bà Trương Mỹ Lan đề nghị xử lý người tạo clip về kho báu ngoài biển theo Luật An ninh mạng







Luật sư của bà Trương Mỹ Lan đề nghị xử lý người tạo clip về kho báu ngoài biển theo Luật An ninh mạng .AFP

Luật sư của tỷ phú Trương Mỹ Lan - cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - đề nghị công an và các cơ quan liên quan xử lý những người tạo video clip về “ra khơi tìm kho báu” của bà Lan theo Luật An ninh mạng vì cho rằng đây là clip xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của bà Lan.

Bà Lan (68 tuổi) vừa bị Toà án Nhân dân TPHCM hôm 11/4 tuyên án tử hình với cáo buộc tội tham ô tài sản ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Sau phiên toà, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện một đoạn video clip ghi lại cảnh bà Lan đang trả lời thẩm vấn của Hộ đồng xét xử. Khi HĐXX hỏi bà Lan giấu khoản tiền 673.000 tỷ ở đâu, bà Lan trả lời "tiền đang ở ngoài biển”.

Ngày 20/4, báo Nhà nước cho biết người dùng mạng xã hội Facebook chia sẻ hình ảnh một loạt địa điểm được định danh trên ứng dụng chỉ đường do Google phát triển (Google Maps) có tên "kho báu Trương Mỹ Lan"

Những địa điểm này nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành như TP HCM, Bình Dương, Bến Tre… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của báo chí trong nước, không ít địa chỉ mang tên "kho báo (báu) Trương Mỹ Lan" trên bản đồ vốn là cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán ăn, cơ sở giặt sấy…

Luật sư Giang Hồng Thanh, người bào chữa cho bà Lan, nói với truyền thông trong nước hôm 20/4 rằng thông tin đưa ra trong video clip là không đúng sự thật.

Ông Thanh cho báo chí biết ông đã có đơn đề nghị xử lý những người có hành vi xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm bà Trương Mỹ Lan.

Ông Thanh viện dẫn Điều 8 và Điều 16 Luật An ninh mạng và cho rằng hành vi của người tạo dựng clip "ra khơi tìm kho báu" với nhiều nội dung xuyên tạc đã vi phạm quy định pháp luật, cần xử lý nghiêm.

Luật sư của bà Lan cho biết ông đã gửi đơn đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an); Cục phát thanh truyền hình, thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); gửi Tòa án Nhân dân TPHCM, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (vụ 3) và gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an.

Luật An ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019 và bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là được dùng để bịt miệng những người muốn lên tiếng chỉ trích các vấn đề trong nước một cách ôn hoà, bóp nghẹt tự do internet ở Việt Nam.



RFA