Trung Quốc, Campuchia tập trận lớn, Việt Nam lo ngại gì?









Cuộc tập trận Rồng Vàng tại trường bắn Techo Sen Chumkiri ở tỉnh Kampot của Campuchia hồi năm 2020

Cuộc tập trận chung Rồng Vàng năm 2024 giữa Trung Quốc và Campuchia sẽ diễn ra vào ngày 16/5 với sự tham gia của hơn 2.000 quân nhân, 69 xe tăng, 14 tàu chiến và 2 trực thăng.

Hôm 13/5, tàu Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville của Campuchia để đưa quân tới.

Đây là cuộc tập trận Rồng Vàng lần thứ 6 và sẽ kéo dài 15 ngày (16 - 30/5) tại Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát Quân sự tại tỉnh Kampong Chhnang và Căn cứ Hải quân Ream Preah ở tỉnh Sihanoukville (Campuchia).

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết chủ đề của cuộc tập trận là “các hoạt động chung chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo”.
Thiếu tướng Thong Solimo, người phát ngôn của Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF), thông tin:

“Cuộc tập trận nâng cao khả năng quân sự, tăng cường việc sử dụng vũ khí mới với công nghệ tiên tiến và nâng cấp kỹ năng chiến đấu của quân đội, nhưng nó không đe dọa hay gây hại cho bất kỳ quốc gia nào.”

Ông Solimo nói thêm rằng cuộc tập trận sẽ sử dụng các phương tiện chiến đấu, vũ khí, súng cầm tay, thiết bị rà phá bom mìn, thiết bị bảo vệ chống bệnh truyền nhiễm, thiết bị phòng chống vũ khí hóa học, thiết bị liên lạc và tàu đổ bộ Type-071.

Liên quan đến sự kiện này, Đại tướng Chhum Sucheat, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, cho biết:

“Bộ quốc phòng hai nước nhất trí rằng hải quân Trung Quốc sẽ đào tạo cho hải quân Campuchia các kỹ thuật sử dụng tàu và vũ khí cũng như các công nghệ mới khác.”

Năm cuộc tập trận Rồng Vàng trước đây diễn ra vào các năm 2016, 2018, 2019, 2020 và 2023.

Rồng Vàng năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc và Campuchia tập trận chung trên biển.

Quan hệ ‘truyền đời’, hợp tác quân sự ngày càng tăng cường



Các cuộc tập trận chung Rồng Vàng trước đây diễn ra vào các năm 2016, 2018, 2019, 2020 và 2023. Trong ảnh là cuộc tập trận năm 2020.

Hai quốc gia này cho đến nay luôn khẳng định tình hữu nghị “sắt son”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố cuộc tập trận nhằm củng cố tình hữu nghị “son sắt”, nâng cao trình độ phối hợp chiến lược giữa quân đội Trung Quốc và Campuchia, cũng như cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực.

Báo Khmer Times cho rằng Rồng Vàng lần thứ 6 sẽ “góp phần hỗ trợ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và xây dựng vận mệnh chung giữa hai nước”.

Trung Quốc và Campuchia đã có những bước đi nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự trong thời gian gần đây.

Vào cuối tháng 3/2024, Thượng tướng Mao Sophan, Phó Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia kiêm Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia, đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự cấp cao thăm Trung Quốc.

Tiếp đón ông Sophan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân khẳng định tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Campuchia là lâu dài và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đô đốc Đổng Quân nhấn mạnh việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - Campuchia đã bước vào giai đoạn mới, đó là giai đoạn nâng cao chất lượng, trình độ và tiêu chuẩn.

Seun Sam - nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia - nhận xét rằng việc tăng cường quan hệ với quân đội Trung Quốc là rất có lợi, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực quân sự của Campuchia.

Ông Seng Vanly, giảng viên ngành quan hệ quốc tế và nhà quan sát chính trị khu vực Đông Nam Á, nhận định Việc Trung Quốc tiếp tục cung cấp viện trợ và thiết bị giúp Campuchia giảm chi tiêu quân sự.

Vào tháng 9/2023, Campuchia đã gia nhập sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh do Trung Quốc đề xuất.

Các nước trong khu vực và phương Tây lo lắng gì?



Căn cứ Hải quân Ream là một trong hai địa điểm diễn ra cuộc tập trận Rồng Vàng năm 2024. Ảnh chụp vào tháng 7/2019.
Ông Vanly cho rằng sự gần gũi về quân sự giữa hai nước cũng có mặt tiêu cực.

“Sự gần gũi này khiến một số thành viên ASEAN cũng như một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, quan ngại. Một số cho rằng việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đe dọa đến an ninh khu vực,” ông nói.

Đài truyền hình Al Jazeera cho rằng mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Campuchia và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ và Úc, cũng như một số nước láng giềng ở Đông Nam Á - các nước cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Đài này nhận định rằng tranh chấp trên vùng biển giàu tài nguyên cũng như mối quan hệ chặt chẽ của Phnom Penh với Bắc Kinh có thể là nguồn gốc của các mâu thuẫn trong mối quan hệ của Campuchia với các thành viên ASEAN khác.

Tháng 4/2024, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho biết hai tàu chiến của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã neo đậu tại cảng thuộc Căn cứ Hải quân Ream ở miền nam Campuchia từ tháng 12/2023.

AP thông tin rằng tính đến hôm 8/5, các hình ảnh vệ tinh cho thấy hai chiếc tàu chiến này vẫn neo đậu ở Căn cứ Ream.

Căn cứ này là một trong hai khu vực sẽ diễn ra cuộc tập trận Rồng Vàng lần thứ 6 như đã đề cập ở trên.

Việc các tàu của PLAN hiện diện trong thời gian dài làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.
CSIS nhận định đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang có đặc quyền tiếp cận Căn cứ Ream.

Ngược lại, không có tàu hải quân của bất kỳ quốc gia nào, bao gồm Campuchia, xuất hiện tại Căn cứ Ream trong các ảnh chụp vệ tinh tính từ ngày 3/12/2023 đến ngày 19/4/2024.

Hai tàu khu trục của Nhật Bản khi tới Campuchia vào tháng 2/2024 đã được điều hướng tới Cảng tự trị Sihanoukville thay vì Căn cứ Ream.
Căn cứ Ream cũng được hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh đề cập trong bài báo trên Tạp chí Phương Đông số 63 tháng 3/2024.

Cụ thể, bài báo nêu: "Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này."

Richard Fontaine, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ, đánh giá rằng một căn cứ ở Campuchia sẽ cho Trung Quốc "khả năng triển khai lực lượng trong khu vực mà Trung Quốc không thể có bằng cách khác”.

Trả lời BBC News Tiếng Việt vào năm 2022, ông Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, cho rằng nếu thông tin Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự bí mật tại Ream là đúng sự thật thì đó là “mối đe dọa tới Việt Nam, toàn bộ khu vực ASEAN và cả Mỹ”

Căn cứ Hải quân Ream nằm ở tỉnh Sihanoukville bên bờ Vịnh Thái Lan. Nơi này cách Đảo Phú Quốc khoảng 30 km và cách biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia khoảng 90 km.

Phản bác từ phía Campuchia



Chính quyền Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet (phải) và Chủ tịch Thượng viện Hun Sen (giữa), đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc về việc Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên đất Campuchia

Đáp lại những nghi vấn của truyền thông phương Tây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Sucheat hôm 9/5 khẳng định hai tàu chiến nói trên của PLAN dự kiến tham gia cuộc tập trận chung Rồng Vàng giữa hải quân hai nước diễn ra ngày 16/5 và cũng tham gia huấn luyện thủy thủ Campuchia.

Một cơ quan truyền thông nước ngoài gần đây đã phóng đại sự hiện diện của hai tàu hải quân Trung Quốc tại Căn cứ Hải quân Ream, cáo buộc quân đội Trung Quốc sử dụng cơ sở này làm ‘căn cứ quân sự’ và cho rằng đây là căn cứ quân sự lớn thứ hai của Trung Quốc ở nước ngoài."

“Đây là sự bóp méo tình hình thực tế với mục đích đánh lừa công chúng trong nước và quốc tế, đồng thời tạo ra sự hiểu lầm về hành động và chủ quyền của Campuchia,” ông Chhum Sucheat nói.

Chính phủ Campuchia đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc về việc Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên đất Campuchia.

Chủ tịch Thượng viện Hun Sen nói hồi tháng 4/2024: “Tại sao Campuchia cần quân đội Trung Quốc? Và để làm gì? Campuchia có ngu ngốc đến độ đưa lính Trung Quốc vào không? Điều này phạm hiến pháp mà. Và liệu Trung Quốc có đưa quân sang Campuchia, trái với nguyên tắc tôn trọng nền độc lập của chúng tôi, hay không?”



BBC