Chương 2

Hai mẹ con chị Tửng dắt nhau trở lại quê nội ở Tuyên Quang. Chị hỏi thăm hết người này đến người khác song không ai biết tin tức rõ ràng của anh Tưởng. Có người nói anh trở về nhưng cả nhà anh, người thì bị bắt bớ tù đày, người thì trốn chui trốn nhủi nên anh Tưởng lại ra đi. Có người nói anh Tưởng gặp lại một số đồng ngũ xưa của bố anh và đang hoạt động ở vùng Hà Nam, Hòa Bình. Người khác lại nói anh sang Trung Quốc và được theo học ở một trường quân sự ở Côn Minh. Lại có tin đồn anh Tưởng đã bị bắt và chắc chắn bị thủ tiêu ở trong nhà tù. Chị chẳng còn biết tin ai

Chị có một số vốn kha khá nên theo một vài người quen đi buôn đủ thứ hàng khi thì chở gạo, khi thì chở thuyền muối đi bán cho các tỉnh miền thượng du. Lần mãi theo dấu vết chồng, cuối cùng chị Tửng không tài nào lần ra được. Tìm chồng không ra, nhưng việc buôn bán của chị lại gặp thời, chị trở nên khá giả. Chị muốn lân la làm quen với những dân giang hồ, may ra họ có nhiều tin tức giúp chị tìm chồng nên chị lại nhào vô buôn thuốc phiện lậu từ chính gốc của dân Mường, dân Thái chở về Hà Nội và các tỉnh lẻ.

Trong thời gian này, chị biết rằng mình đã mang thai. Đứa con của Cả So. Ba tháng rồi, chị muốn phá nhưng vào thời buổi này việc phá thai không phải dễ dàng, chỉ có mấy mụ lang băm, làm ẩu làm tả, rất có nguy cơ dẫn đến tử vong. Việc buôn bán của chị cũng lại đang gặp thời, vào thời điểm này chị không thể mất thời gian nằm im một chỗ. Chị cần có thì giờ thu xếp cho thuận lợi đã. Trong đám buôn lậu thuốc phiện, có hai Toản là một tay đầu gấu thuộc loại có tiền, có thế. Hắn đã buôn chung với chị vài chuyến và tỏ ra rất sòng phẳng, có cảm tình với chị, tin tưởng ở chị. Hắn biết rõ chị có ý định định đi tìm chồng, hắn không tỏ vẻ gì tán tỉnh hay ham muốn chị. Cuộc làm ăn, giao thiệp rất đứng đắn. Cái bụng chị cứ lớn dần, chị cố "thắt lưng buộc bụng" làm ra vẻ bình thường. Nhưng sự che giấu của chị không che giấu của chị được mắt hai Toản. Hắn hỏi chị thẳng thừng:

- Cô em có bầu rồi phải không?

Chị thú nhận:

- Với ai vậy?

- Anh không biết đâu. Một lão già nhà quê, hắn tốt bụng và tôi đã trao đổi với lão để có tiền thoát ra khỏi cái cảnh tù túng, trốn tránh ở một nơi hẻo lánh.

Hai Toản nhún vai:

- Tôi vui miệng hỏi thế thôi, đó là chuyện riêng của chị. Nhưng chị sẽ phải giải quyết chuyện này ra sao đây?

Chị Tửng nhăn trán suy nghĩ:

- Tôi cũng chưa tìm được phương cách nào cho thuận tiện.

Tiếng hai Toản vẫn điềm nhiên như khi phân công cho thuộc hạ đường lối mang hàng đi:

- Nếu vậy tôi có sẵn cách cho cô. Nhà ông bà già tôi Hải Phòng, một dinh cơ khá lớn. Cô có thể về đó ở tạm ít ngày cho đến khi sinh nở xong rồi sẽ tình sau. Cô muốn nghỉ ngơi hoàn toàn, không cần nghĩ đến chuyện buôn bán gì hết hay là muốn buôn bán thì cứ bỏ tiền ra chung với tôi một nửa vốn hay một phần ba là được rồi. Tôi cho cô lựa chọn. Chắc cô tin được tôi chứ?

Chị tửng nhìn Năm Toản tỏ vẻ phân vân:

- Dĩ nhiên là tôi tin anh, anh không thèm đến số vốn cỏn con của tôi đâu. Nhưng tôi ở nhà anh với tư cách là cái gì đây?

- Tùy cô. Nếu cô liều thì tôi cứ nhận đại cô là vợ tôi. Ông bà già tôi chẳng nói gì đâu vì tôi cũng đã từng đưa về nhà vài ba cô rồi. Ông bà hiện sống cô đơn với mấy người làm. Có cô về, ông bà sẽ vui lắm, nhất là lại có thêm cháu Vân. Con bé rất kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Nếu nó kêu "ông bà nội" cả ngày, chắc chắn nó sẽ được chiều chông còn hơn cả cháu nội nữa.

Chị Tửng ngồi lặng tính toán. Hai Toản rút thuốc hút:

- Tôi biết ngay từ khi mới gặp cô đi chung lần đầu lên Sơn La. Tôi cũng biết cô đi tìm người chồng làm cách mạng theo vết chân cụ Đề. Tuy là thằng buôn lậu chuyên nghiệp nhưng tôi rất kính trọng những con người như thế. Cho nên tôi đã ra lệnh cho bọn đàn em phải giúp cô tận tình và trông nom săn sóc cho cô chu đáo.

- Điều này tôi biết!

Hai Toản đứng lên:

- Cô tin tôi hay không tùy ý. Đàn bà đối với tôi chỉ là một gánh nặng. Tôi đã từng yêu, đã từng bị đá khi còn ba đào và đã từng đá đít nhiều cô đến với tôi chỉ vì tiền. Bây giờ, chủ trương của tôi là "ăn bánh trả tiền". Sau đó đường ai nấy đi. Xin lỗi cô, nếu điều đó làm cô phật lòng.

- Không! Anh càng cho tôi tin tưởng anh hơn. Tôi bằng lòng theo sự sắp đặt của anh.

- Cô không cần có thời gian suy nghĩ nữa sao?

- Không cần. Khi đã tin nhau thì qua ánh mắt cũng đủ tin rồi.

Hai Toản búng mẩu thuốc ra đường:

- Sáng mai tôi sẽ viết một lá thư về nhà và cho một cậu đàn em thân tín đưa cô về tận nơi.

- Sao anh không cùng đi với mẹ con tôi cho tiện?

- Tôi phải lo xong vụ bán hàng ở Nam Định, Thái Bình cái đã. Nhiều lắm một tháng sau tôi sẽ về.

- Hay là tôi đợi rồi cùng về?

- Cái bụng cô không cho phép đâu. Cứ về trước đi. Bao nhiêu vốn liếng thuộc phần tôi và phần cô cứ việc mang theo. Bây giờ buôn chuyến hàng mới rồi tính sau. Thôi, cứ thế nhé.

Hai Toản bỏ đi. Sáng hôm sau, Khánh Khỉ chú đàn em mà Chị Tửng đã quen mặt đến đưa chị về Hải Phòng. Chị phập phồng lo ngại, dặn dò đứa con nhỏ đủ thứ chuyện và chị cũng đánh lừa nó:

- Ngày mai mình về nhà ông bà nội rồi.

- Vậy là mình tìm được ba và ông bà nội rồi hả mẹ?

- Ba con thì chưa tìm được, nhưng tìm được nhà ông bà nội cũng là may rồi.

Đứa trẻ sung sướng và ngoan ngoãn tin lời chi. Nó mừng rơn, song chị lại hồi hộp, chưa biết cuộc sống mới này sẽ ra sao. Làm con dâu hờ một nhà mà chẳng hề biết gia thế người ta như thế nào. Nhưng chị đã có một số tiền lớn trong tay, nếu không ở được thì mẹ con chị kiếm một chỗ khác không có gì là khó khăn. Người ta nói "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" là như thế. Chị yên tâm đưa con đến nhà Hai Toản.

Sau lời giới thiệu của Khánh Khỉ, chị Tửng được đón tiếp nồng hậu. Ông Đội Phú có dáng người cao lớn, rắn chắc, dù đã già song ông còn nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng và vui tính:

- Con đã về đây thì từ nay con là người của nhà ta. Nhà này là nhà của con, cứ tự nhiên, đừng ngại gì hết.

Chị Tửng dạ vâng cho phải phép. Ông Đội Phú quay sang thăm hỏi đứa bé:

- Cháu tên gì?

- Thưa ông nội, cháu tên Vân.

Nghe nó gọi bằng ông nội, ông Phú ngây mặt, khoái chí, bồng ngay nó lên. Hai cánh tay rắn chắc của ông ôm gọn nó trong lòng, nhưng ông gượng nhẹ sợ nó đau. Ông nói với chị Tửng:

- Lần đầu tiên trong đời ta có một đứa cháu nội.

Khánh Khỉ xen ngay vào:

- Cụ lại sắp có đứa thứ hai nữa đấy. Tha hồ mà vui.

- Càng nhiều càng tốt, nghe không con.

Ông Đội vừa nói vừa nhìn chị Tửng khiến chị đỏ mặt e thẹn. Đồng thời chị cũng nhận thấy rằng ông già này thật dễ mến. Tuy vừa quen mà cho chị cảm tưởng như thân mật từ lâu. Chị nói:

- Con xin được tới chào bà.

- Ấy bà nó còn ở ngoài chợ Sắt, buôn bán kiếm sống. Trưa nay bà ấy mới về. Gặp con cháu này bà ấy mừng lắm đây. Nhà chỉ có một chị người làm. Để bố bảo nó dọn căn phòng cho con nghỉ.

Mẹ con chị Tửng có một căn phòng khá rộng. Chỉ một lát sau, chị đã thấy ông Đội đích thân ông mang đến cho mẹ con chị vài thứ đồ lặt vặt cần dùng. Ông vui chuyện kể luôn:

- Con biết không, hồi xưa bố đi lính cho Tây, làm tới đội khố đỏ đóng ở miền thượng du. Bố biết năm thứ tiếng. Tiếng Tây, tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Mường và tiếng Tàu. Nhưng tiếng nào bố cũng chỉ biết lõm bõm, đủ nghe được, nói được những câu thông thường thôi. Còn bà nó nhà này là người Thái trắng đấy, hồi còn trẻ bà ấy đẹp lắm, hoa khôi cả một vùng. Bố làm ông đội, hét ra lửa mới lấy được bà ta chớ đâu có phải chuyện chơi.

Nói tới đây ông Đội cười khà khà. Chị Tửng bỗng nghĩ thầm: "Chưa biết chừng chính cái ông già này cũng đã nhúng tay vào vụ thanh toán cuộc khởi nghĩa của cụ Đề Thám, trong đó có gia đình anh Tưởng. Chị hỏi:

- Hồi đó bố đóng quân ở đâu?

- Hết Thái Nguyên đến Tuyên Quang rồi Phú thọ. Giặc giã còn lộn xộn, cứ nơi nào cần là Tây nó đưa quân của bố đến.

- Chắc là nguy hiểm lắm phải không bố?

- Tất nhiên là nguy hiểm rồi, nhờ vậy bố mới được thăng chức đội trong vòng có ba năm. Bố là thằng gan lì nhất, lại là dân miền thượng du nên chúng nó phải sử dụng bố mới dễ làm việc.

Chị Tửng ngần ngại một chút rồi mới hỏi:

- Con có nghe nói hồi đó giặc giã nhiều. Bố có biết bọn người theo cái ông Đề gì đó, hình như Đề Thám thì phải.

Ông Đội bỗng thở dài:

- Ông Đề là một người tốt. Bố có mấy người quen, đang làm lính khố xanh, cai khố đỏ cũng bỏ hàng ngũ theo cụ Đề. Rất may là vụ thanh toán đám nổi loạn đó bố không tham dự. Bố đang đóng quân ở Phú Thọ. Nếu bố phải tham gia trận đánh đó, không biết bố sẽ phải làm sao. Có lẽ nó bắt mình bắn thì mình cũng phải bắn thôi. Không những mình bắn còn phải hô lính của mình bắn nữa. Dù là bắn lên trời, có lẽ bây giờ bố cũng ân hận lắm.

Chị Tửng thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Chị nhìn mái tóc bạc quá nửa của ông Đội, trong lòng cảm thấy kính phục. Ông là người thẳng tính, bộc trực và còn có một tâm hồn trong sáng. Ông Đội đã lại quay sang chuyện khác:

- Bác có ba thằng con trai. Mỗi thằng theo một nghề. Thằng lớn cũng theo nghiệp kiếm cung, đi lính. Bây giờ đóng ở Tuyên Quang. Thằng thứ hai lại quyết chí làm giàu, là thằng Toản chồng của cháu đấy. Nó buôn bán đủ thứ, kể cả buôn lậu. Chẳng nói thì cháu cũng biết rồi, nó lông bông lắm. Nói thật với cháu, thỉnh thoảng lại dắt về nhà một cô, khi thì là bạn, khi là bồ, nhưng chưa bao giờ nó cho bố một đứa cháu nội cả và chẳng bao giờ mấy cô đó ở lâu, chỉ vài ba tháng lại bỏ đi. Có lẽ là bạn buôn bán của nó thôi. Lần này nó mới giới thiệu với bố một cô con dâu thật sự. Bố mong rằng con sẽ ở lại đây với gia đình này mãi mãi. Thằng thứ ba thì cố theo đuổi học hành, bố và các anh nó hàng tháng đều phải chu cấp cho nó học ở Hà Nội. Nghe nói nó học giỏi, có khiếu về ngành nghệ thuật. Mỗi năm nó chỉ về nhà một hai lần vào dịp nghỉ hè hoặc dịp Tết thôi. Gặp mẹ con cháu, chắc nó cũng sẽ vui mừng lắm vì nó chỉ sợ bố mẹ ở nhà cô đơn, không ai chăm sóc.

Chị Tửng yên lặng. Ông Đội nói tiếp:

- Bố biết đứa cháu gái này không phải là con thằng Toản, nhưng không sao, nó đã gọi bố là ông nội thì bố cũng sẽ coi nó như cháu nội. Tính bố phóng khoáng chứ không cố chấp như những ông già khác. Hồi xưa đi lính, bố cũng lăng nhăng lít nhít, hầu như tỉnh nào cũng có một cô. Con hãy yên tâm ở đây. Gia đình mình sẽ yên ấm lắm.

Chị Tửng chỉ cười. Nhưng chị thấy khó xử trong hoàn cảnh này. Chị không phải là vợ Toản và những đứa con chị cũng không có dây mơ rễ má gì với Toản cả, nghĩa là chính chị cũng chẳng có sự liên hệ nào với ông Đội. Chị thấy ông chân thật, chị không muốn giấu thân phận mình. Nhưng đã đến nước này, chị chẳng còn biết làm sao hơn. Thôi thì cứ để mặc, tới đâu tính tới đó.

Bà Đội còn thật thà chất phác hơn cả ông Đội. Bà nói tiếng Việt rành rẽ, nhưng cái giọng vẫn lơ lớ cho người ta hiểu ngay bà là người Dân tộc thiểu số. Bà có tuổi song nhan sắc vẫn còn những nét đẹp riêng. Bà sởi lởi, coi mẹ con chị Tửng như con cháu trong nhà. Bà thích chơi với cháu Vân đến nỗi làm bếp bà cũng kêu nó vào bên cạnh. Tối đến bà bắt nó ngủ chung với bà. Bà mua cho cháu không thiếu một thứ gì. Bà kể cho nó nghe những chuyện cổ tích miền thượng và những truyền thuyết cũng như phong tục của dân tộc Thái. Bé Vân được cả nhà chăm sóc yêu quý và nó đón nhận hạnh phúc đó như cuộc đời chuyển sang một ngả khác.



v

v v



Đứa con chị Tửng ra đời là một thằng con trai. Nó bụ bẫm và có ngay cái dáng dấp phục phịch của thằng bố nó. Lão cả So mà biết tin này chắc lão phát điên lên vì sung sướng. Song chắc chẳng bao giờ lão cơ hội biết được. Bây giờ trong nhà này người ta gọi chị là mợ Hai Toản. Chị thản nhiên chấp nhận cái hoàn cảnh mới này. Chị mướn thêm một người làm trông nom cho bé Song. Chị đặt tên con trai để phần nào nhớ đến tên bố nó. Thỉnh thoảng Hai Toản ghé về thăm nhà vài ngày. Anh chàng cũng lại phải đóng giả vai một người bố ân cần săn sóc vợ con. Đôi lúc anh ta lại còn tỏ vẻ khoái chí với cái trò đùa này. Nhìn bề ngoài, cái gia đình này thật hạnh phúc ít ai bì kịp.

Trong khoảng thời gian này quân Pháp bị Nhật đảo chính. Đất nước rơi vào tay phát xít. Nhưng cánh con buôn như Toản thì lợi dụng cơ hội bất an để tha hồ tung hoành ngang dọc. Màng lưới mật thám Tây bị sụp đổ, bọn Nhật chỉ chú trọng tới tình hình an ninh chiến sự mà không đặt nặng vấn đề kiểm soát hàng lậu. Hai Toản càng mở rộng thêm địa bàn hoạt động, chị Tửng chỉ là người chung vốn với Hai Toản mà không hề phải làm gì. Chị tìm cách nói với Toản:

- Anh phải cho tôi giúp anh việc gì đi chứ, ngồi nhà buồn chết đi được.

Hai Toản gạt phắt:

- Cô mà ra đi một ngày là ông bà già tôi cuống lên một ngày. Không đời nào ông bà để cho cô đi đâu. Cô không thấy gia đình tôi đối với cô như thế nào sao? Là đàn bà, cô không thích hưởng cái thú an nhàn hạnh phúc bên con cái sao? Việc buôn bán đã có tôi lo, cô được chia phần đầy đủ.

- Nhưng anh muốn chôn chân tôi ở nhà anh mãi sao được? Tôi chỉ là người tìm một nơi tạm thời yên ổn như con chim tìm một cái ổ đẻ nhờ vậy thôi.

- Tôi không nghĩ là cô vô tình đến thế.

Chị Tửng giải thích:

- Tôi coi nhà này như nhà tôi, bố mẹ anh như bố mẹ tôi. Tôi chỉ muốn được làm một cái gì đó chứ không muốn ăn bám vào công lao của anh. Tôi sẽ để hai đứa con lại đây cho "ông bà nội" nó trông nom, tôi đi với anh rồi thỉnh thoảng trở lại thăm con.

Hai Toản thấy cái đề nghị ấy có vẻ hợp tình hợp lý, hắn gật đầu:

- Dù sao thì tôi cũng phải thuyết phục được ông bà già tôi đã. Cô thừa biết rằng ông bà ấy thương yêu mẹ con cô như thế nào. Còn tôi với cô thì mọi sự rất rõ ràng, chúng ta chỉ là bạn.

- Tôi không nghi ngờ gì anh về điều đó.

- Thôi được, lần này mọi sự đã sắp xếp xong xuôi cả rồi. Lần sau tôi về rồi sẽ nói chuyện với ông bà già, cô sẽ phụ giúp tôi bán hàng ở Hà Nội và vài tỉnh lân cận. Như thế cô có thể thường xuyên về thăm nhà.

Chị Tửng đành phải bằng lòng vậy. Nhưng rồi chuyến đi đó Toản bị kẹt khi quân Nhật đầu hàng bị quân Đồng Minh tước khí giới. Quân của ông Tưởng Giới Thạch tràn sang mạn biên giới. Chúng làm rối tung các tỉnh vùng thượng du, đường giây của Hai Toản bị phá vỡ. Phong trào Việt Minh nổi dậy khắp nơi giành độc lập cho tổ quốc. Hai Toản vốn là con người nhanh nhạy, hắn chui được vào tổ chức Việt Minh và nhờ cái vốn liếng biết dăm ba thứ ngôn ngữ của dân tộc thiểu số nên hắn được giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng trong tỉnh Tuyên Quang.

Hắn trở về thăm nhà với bộ quân phục vải ka ki mới toanh, đeo sao vành vàng làm lóa mắt bà con thành phố Cảng. Nhưng thực chất là hắn muốn kiến thiết lại đường giây buôn lậu. Hắn cùng chị Tửng đi chu du khắp mấy tỉnh rồi trở lại Hà Nội.

Giữa lúc đó quân Pháp được quân Anh hỗ trợ, trở lại sử dụng vũ lực hòng chiếm lại thuộc địa cũ. Hai Toản để chị Tửng ở lại Hà nội, hắn lợi dụng chức vụ trong ban tuyên huấn, lập lại các đường giây buôn bán như cũ. Quân Pháp đánh chiếm thủ đô Hà Nội và lập lại chính quyền Bảo Đại. Một số người ngả theo chính phủ mới. Hai Toản thấy mọi tổ chức còn lỏng lẻo nên hắn theo dân buôn lậu đủ các loại hồi đó gọi là dân "Bờ Lờ" chui vào Hà Nội thăm chị Tửng. Nhưng chỉ ba hôm sau hai Toản bị mật thám Tây vây bắt. Thì ra trong số đàn em của hắn, chính là tên Khánh Khỉ làm chỉ điểm cho Tây đã phản hắn. Lý do thật đơn giản là trong khi hai Toản làm cán bô tuyên huấn tỉnh Tuyên Quang thì gia đình Khánh Khỉ bị Việt Minh bắt và thủ tiêu. Khánh Khỉ nghi là hai Toản đã dính vào vụ này, nó đến tìm hai Toản đôi ba lần nhưng không gặp, nó nghi làToản tránh mặt nó, đàn anh phản thùng nó. Cái luật vay trả trả vay, nó trả thù.

Toản bị bắt trong nhà chị Tửng với đầy đủ giấy tờ, chứng minh thư lại còn thêm năm ký thuốc phiện. Toản và chị Tửng mỗi người bị tống vào một căn xà-lim riêng. Khánh Khỉ chửi vào mặt Toản:

- Mẹ anh, tưởng anh bỏ nghề buôn thuốc phiện lậu quay ra làm cán bộ "yêu nước hại dân" thật tình chớ có ai ngờ anh vừa làm cách mạng vừa buôn lậu thế này thì nhất thiên hạ rồi. Nhà anh bây giờ có bao nhiêu tạ vàng? Tôi truyền đời báo danh cho anh biết có vàng mà đi "mò tôm" thì xuống âm phủ mà xài. Anh nên nhớ lão André xử vụ này là chỉ có "bọp", cóc cần luật lệ mẹ gì ráo. Cũng như ban lãnh đạo tỉnh các anh chơi luật rừng đã treo cổ bố tôi, thả trôi sông mẹ tôi, chỉ cần gắn cho cái nhãn hiệu là việt gian bán nước. Vợ tôi bị một thằng cán bộ dụ dỗ đi theo nó mới thoát chết.

Hai Toản nhìn vẻ mặt căm hận của hắn, anh thương hại thằng bạn trẻ sốc nổi. Anh cất tiếng thản nhiên:

- Tao không phản mày, tao biết vụ người ta giết ông già mày, nhưng tao có muốn cứu cũng không được. Tao có quyền hành gì đâu, tao chỉ có cái vỏ. Tao xía vô chắc chắn sẽ lãnh cái búa vào đầu thôi. Tao nói thế mày tin cũng được, không cũng được. Tao chẳng xin xỏ gì mày cả.

- Mày đừng làm bộ anh hùng nữa. Anh hùng đếch gì cái thứ buôn lậu như mày, cách mạng đếch gì cái thứ con nhà lính khố đỏ như mày.

Rồi Khánh bỏ đi. Nó mò đến phòng giam chị Tửng, nó nhìn chị và giọng nó dịu dàng hẳn lại:

- Không ngờ mấy hôm bị giam trong xà-lim đặc biệt này mà bà chị vẫn còn giữ được vẻ gọn gàng, sạch sẽ như thế này.

Chị Tửng lẳng lặng nhìn Khánh Khỉ, chị chưa biết nó dở trò gì. Nhưng gọn gàng, sạch sẽ vốn là bản tính của chị. Dù là trong căn phòng giam hôi hám, chị vẫn cố thu dọn và giữ vẻ tươm tất của riêng mình. Khánh Khỉ tựa sát người vào cánh cửa song sắt, nó khịt khịt mũi để tỏ vẻ khó chịu vì mùi hôi, trông cái bộ mặt chuột kẹp của nó càng giống khỉ hơn. Nó tán thêm:

- Trông chị cứ còn trẻ còn đẹp như con gái chưa chồng. Nếu có ai nói với tôi rằng chị đã từng có hai ba ông chồng, kể cả chồng thật và chồng hờ chắc tôi chửi nó quá.

Chị Tửng hất hàm:

- Chú muốn gì cứ nói tuột ra đi. Chú đã từng đi với tôi lâu ngày chắc chú biết là tôi không thích những chuyện vớ vẩn.

- Vớ vẩn là thế nào? Bà chị phải hiểu rằng ở đây tuyệt đối không có chuyện gì là thừa cả. Tôi nói thế là để thẩm định lại giá trị về hương sắc của bà chị thôi.

- Ở tù mà cũng cần thẩm định giá trị về sắc đẹp sao?

- Đúng thế. Người đẹp được đối xử một cách khác, người xấu sẽ bị đối xử một cách khác. Tôi biết rằng bà chị bị oan...

Chị Tửng lì lợm:

- Tôi không oan uổng gì cả. Tôi có buôn thuốc phiện lậu và đã bị bắt quả tang. Tôi và anh Toản và chú đều là dân buôn lậu chuyên nghiệp.