Chương 3

Chỉ cần ba tháng, Kim Yến đã giàu sang mau chóng. Ở cái thành phố Hà Nội đang hồi sinh này có khối việc làm ra tiền. André đã tạo mọi cơ hội cho Kim Yến tung hoành trong giới kinh doanh lớn. Muốn có một cái giấy chở gạo, chở bất kỳ thứ hàng gì, Kim Yến đều có thể lấy được dễ dàng. Cần mua đi bán lại một căn nhà, nhờ đến Kim Yến là chắc trăm phần trăm. Xin cho một người nhà cái thẻ căn cước hoặc có người bị công an làm khó dễ, tình nghi là Việt Minh, Kim Yến gỡ ra như trở bàn tay. Chị đã có một căn biệt thự hai tầng, một cửa hàng tạp hóa giữa phố Hàng Đào. Nhưng chị cũng không thể giấu giếm thân phận chị mãi được. Hầu như người ta đã biết cả chị là bà André. Vào cái thời kỳ này, người ta còn quan niệm... hẹp hòi gọi lén chị là "me Tây". Nhưng dĩ nhiên là thứ "me tây đờ luých" chứ không phải me tây loại "ba ti dăng". Cứ lấy Tây là me Tây tuốt. Người Việt Nam vốn vậy. Họ bảo thủ và luôn giữ cái đạo lý truyền thống đó, có lẽ chẳng bao giờ khác được.

Kim Yến biết rất rõ điều đó, nhưng chị đành phải làm ngơ. Không ai hiểu chị bằng chị. Lúc này làm giàu được thì chị cứ làm. Duy chỉ có một điều Kim Yến không thể làm được là làm thế nào tìm lại được những đứa con. Chị đã phải dàn hòa với Khánh Khỉ để nhờ nó về tận Hải Phòng kiếm con. Nhưng nó đã báo lại với chị:

- Ngay từ khi hai Toản bị bắt, sở mật thám Hải Phòng đã đến nhà ông Đội lùng sục. Cũng may, ông Đội biết trước nên đã đưa cả nhà đi lánh nạn ở đâu không ai biết.

Kim Yến hỏi André, hắn chỉ lắc đầu:

- Gia đình này đi theo Việt Minh, không thể nào tìm ra được. Có tin hai Toản cũng đã chết rồi.

- Sao anh biết?

- Anh không biết thì ai biết đây. Em vẫn còn thương nhớ nó à?

- Em đã nói với anh là em và hắn không có gì mà. Em cứu hắn là vì hắn tử tế với em và gia đình hắn đang nuôi hai đứa con của em. Anh ghen không đúng chỗ rồi. Em chỉ cần hai đứa con của em thôi. Anh làm thế nào thì làm, kiếm cho em hai đứa con là được rồi.

- Anh sẽ cho em vài ba đứa.

- Em không đùa đâu. Cuộc đời em còn sống chỉ vì hai đứa con này thôi.

André dỗ dành Kim Yến cho qua:

- Anh đã nhờ bên tình báo truy lùng tung tích lão Đội khố đỏ này. Bên ấy người ta có người ở ngoài vùng địch.

Kim Yến thừa biết André nói cho xong việc, hắn đâu có rỗi hơi đi lo chuyện hai đứa con nít tào lao thiên tướng chẳng ăn nhập gì đến hắn. Chị lặng lẽ thở dài. Sáng hôm sau chị cho tìm Khánh Khỉ, chị thay đổi chiến thuật:

- Chú Khánh, tôi nhường cho chú cái cửa hàng ở chợ cửa Nam vừa mua lại của con mẹ Hoa Đào.

Khánh Khỉ ngây mặt:

- Chị không đùa đấy chứ?

- Tôi nói thật đấy.

Đôi mắt cú vọ của Khánh Khỉ nhấp nháy:

- Có điều kiện gì không?

Kim Yến mỉm cười:

- Chú có thấy từ ngày chúng ta vào đây, có ai làm phúc cho ai mà không có điều kiện đi kèm không?

- Vậy chị muốn gì ở tôi?

- Bằng mọi cách, chú tìm cho tôi hai đứa con. Nếu chú đưa được nó về đây thì chú chẳng phải trả lại một đồng nào cả. Nghĩa là tôi biếu không chú cái cửa tiệm đó. Còn chú chỉ có tin tức nó thôi thì chú chỉ phải trả một nửa tiền. Nếu chú nhờ một người nào đó tìm ra hai đứa con tôi, tôi sẽ cho người đó một nửa số tiền còn lại.

- Chị tính toán đâu ra đấy lắm. Tuy nhiên, việc này không khác nào mò kim đáy biển. Dù tôi có cố gắng đến đâu đi chăng nữa cũng còn do trời định, do cái phúc phần của chị có tốt không.

Kim Yến quăng cho Khánh Khỉ một bao thuốc lá Camel chính hiệu:

- Đừng có ba hoa nữa. Nếu chú có cái cửa tiệm ấy thì cô Nhung Bờ Hồ sẽ không thoát khỏi tay chú.

- Chị biết cả chuyện đó nữa sao?

- Chú biết tôi là bà André chứ? Tôi sẽ có cách giúp chú.

- Phục chị thật.

Khánh Khỉ chu cái mõm khỉ ra hút một hơi thuốc lá. Nó nghĩ đến người con gái tròn trịa, có nước da trắng như trứng gà bóc, nụ cười khả ái và cặp mắt đen láy đong đưa như muốn lay đổ cả một kinh thành. Phía sau cô ta là năm bẩy anh con trai theo đuổi gồm đủ mọi thành phần. Dĩ nhiên trong đó có Khánh Khỉ. Nhưng thành thật mà nói hình như chưa có anh nào lọt vào mắt xanh cô ta cả. Tất cả đều chỉ chạy loanh quanh vòng ngoài. Có một vài địch thủ, Khánh không coi ra gì, chỉ cần để lộ cái báng súng lục ra là mấy thằng nhãi ranh đó bỏ chạy. Nhưng cũng còn vài địch thủ, thuộc loại công tử con ông cháu cha, đã có tiền lại bảnh trai, đó là những địch thủ đáng gờm. Tuy rằng chúng chưa chắc đã thành thật yêu thương gì cô con gái ngây thơ vô tội đó cả, rất có thể chúng chỉ lợi dụng cô rồi bỏ chạy, nhưng những cô gái có bao giờ ngờ đến cái sự thể giả dối của mấy thằng công tử bẻm mép đó. Khi biết rằng trên đời này còn có chữ "ngờ" thì cuộc đời đã tiêu tùng rồi. Trong khi Khánh Khỉ biết chắc rằng mình say mê cô Nhung Bờ Hồ thật lòng. Nếu có thêm chút địa vị và một số tiền thì nó quyết hỏi cưới cô Nhung đàng hoàng ngay lập tức. Có một cửa hiệu buôn bán lớn nằm chình ình ngay ở cửa Nam nữa thì nhất đời rồi, lo gì không thực hiện được mộng đẹp. Kim Yến đã đánh trúng yếu huyệt của nó và nó biết thêm rằng Kim Yến đã nói được là làm được. Nó uống thuốc liều:

- Chị giúp tôi thì tôi xả thân vì chị. Chết tôi cũng làm.

- Chú còn nhớ mặt hai đứa con tôi chứ?

- Làm sao tôi quên được, tôi đã từng sống với chúng nó một thời gian.

- Chính vì thế mà tôi phải nhờ cậy đến chú. Chúng ta trao đổi như thế là không ai thiệt thòi cả, phải không?

Khánh Khỉ gãi tai:

- Dù sao thì mình cũng còn tình nghĩa.

- Chú biết được như vậy thì hay lắm. Tôi tin ở chú.

Rồi chị mở tủ đưa cho Khánh một số tiền:

- Chú cầm tiêu đi, cần thêm để lo cho công việc, cứ nói.

Khánh Khỉ cầm tiền không một chút đắn đo vì đây không phải là lần thứ nhất nó lấy tiền của Kim Yến cho. Nó còn định nói thêm một câu gì đó thì Kim Yến đã vẫy tay:

- Thôi chú về đi. Tôi còn phải đi có chút việc.

Khánh Khỉ bước ra cửa. Nó đã thấy một chiếc xe tay gọng đồng, một anh phu xe đứng chờ sẵn bà chủ. Nó tung tăng lượn trên hè phố. Đúng là Hà Nội một ngày đẹp trời. Con đường nhựa cũ mèm như tươi tắn hẳn lên dưới ánh nắng ấm trải vàng. Sau những ngày mưa ẩm ướt, ánh nắng rực rỡ hơn. Những tà áo đủ màu như những bông hoa tô điểm cho phố phường thêm lộng lẫy. Hình như đã có rất nhiều nhà văn lớn, nhà văn nhỏ, nhà văn nhơ nhỡ của Hà Nội đã diễn tả cái khung cảnh này rồi, kể cả những nhà văn nhà thơ chẳng có liên hệ mẹ gì với Hà nội cũng diễn tả lung tung mà Khánh Khỉ đã đọc được ở đâu đó. Tâm hồn Khánh Khỉ lâng lâng, nó chỉ biết rằng cái cảm giác ngây ngây trong lòng nó còn thật hơn, hay hơn những đoạn văn chương và thơ phú ấy nhiều. Nó phóng ra bờ hồ với hy vọng gặp được cô Nhung của nó. Nếu cần thì nó cũng sẽ làm một bài thơ tặng nàng, chứ sợ gì! Ơ hơ, có cái việc đơn giản song vĩ đại như thế sao lâu nay nó không nghĩ ra. Nó khoan khoái với cái dự định này. Cái tâm hồn buôn lậu và phút lít của nó bỗng trở nên lẩn thẩn, người ta bảo "thơ với thẩn" là đúng ngay boong. Nó suýt phì cười vì chính nó.

Chưa qua hết phố Hàng Đào, có tiếng gọi sát bên tai nó:

- Ê, người anh em.

Khánh Khỉ giật mình quay sang phía có tiếng gọi, nó không quên cái tinh thần cảnh giác của phút lít, thò tay vào túi áo blouson nắm chắc khẩu súng lục. Nó nhận ra một khuôn mặt quen quen.

- Quên nhau rồi à?

Nghe tiếng nói, Khánh Khỉ bật ra:

- Quý Đen? Đúng là mày rồi. Tao tưởng mày còn ở ngoài "vùng tự do" với mấy anh Việt Minh? Sao lại bò vào đây?

Quý Đen xua tay:

- Suỵt! Vừa phải thôi chứ. Định hại nhau đấy à?

- Sợ cái mẹ gì. Ở đây tao không bắt mày thì thôi chứ ai làm gì được mày. Tao cứ nghĩ là mày đi theo cách mạng rồi kia đấy.

- Cách mạng nào dùng những thằng buôn lậu như tao.

- Dùng tất, miễn là được việc. Phương tiện nào cũng tốt cả.

- Bỏ cái chuyện vớ vẩn đó đi. Tao đói quá nên kiếm đường "dinh tê". Vào được Hà Nội là may lắm rồi. Mới vào được mấy hôm nay.

Khánh Khỉ ôm vai Quý Đen:

- Mày có đi kiếm tao không?

- Nếu không nghĩ là có mày ở đây thì tao đâu có mò vào đây, tao về Hải Phòng tiện hơn.

Khánh Khỉ gật gật:

- Được. Anh em thì phải thế chứ. Đang đói rách phải không?

- Đói đến nỗi chút xíu nữa là phải đi ăn cắp vặt rồi. Tao đang rình con bé đeo sợi dây chuyền thì gặp mày.

- Yên tâm đi, đã có tao, mày khỏi lo gì hết. Anh em sống chết có nhau mà. Đi ăn một bữa cái đã.

Hai thằng kéo nhau vào một tiệm ăn Tây loại sang. Tiếng nhạc bán cổ điển dìu dặt khiến người ta quên đói. Quý Đen cảm thấy hơi ngượng vì bộ quần áo "tây quăng" quá cũ của mình. Khánh Khỉ nhận ra ngay thái độ đó, nó ngắm Quý Đen:

- Ờ kể ra trông mày cũng "cả quỷnh" thật đấy. Đáng lẽ phải sắm cho mày một bộ cánh cho ra vẻ dân Hà Nội trước đã. Cứ ăn đi, lát nữa tao đưa mày ra anh phó may gần nhà tao, chỉ chiều nay là mày ra vẻ công tử ngay.

Hai đứa ăn uống no say rồi Khánh Khỉ đưa Quý Đen về căn lầu riêng của nó ở phố Cầu Gỗ. Khánh Khỉ vừa mở cửa vừa nói:

- Đây chỉ là chỗ ở tạm của tao thôi, thỉnh thoảng tao mới về, còn toàn là sống lang bang, chỗ này một đêm, chỗ kia vài đêm. Như vậy an toàn hơn. Cái nghề của tao là như thế.

- Máu giang hồ không thể nào bỏ được, hả? Tao cũng vậy.

- Mày ngủ trưa đi một lát.

- Hai đứa tâm sự với nhau chứ ngủ thế đếch nào được.

Khánh Khỉ gật, nó quăng người xuống chiếc giường nệm. Hai thằng nhỏ to tâm sự cho đến khi Quý Đen ngủ biến đi lúc nào không hay.

Mãi đến chạng vạng tối, Khánh Khỉ mới đánh thức Quý Đen dậy. Nó chỉ lên mắc quần áo:

- Diện bộ đồ mới này vào rồi tao dẫn mày tới chỗ này.

- Đâu ông cũng đi. Dinh toàn quyền hay bót phút lít, có mày tao cóc sợ.

Câu tán láo của Quý Đen khiến Khánh Khỉ phổng mũi. Dù có là cái thứ gì đi chăng nữa thì người ta vẫn thích được khen được nịnh hơn là bị chửi, dù chửi kiểu văn nghệ hay hàng tôm hàng cá cũng như nhau mà thôi. Khánh Khỉ huýt sáo vang đường. Nó đưa Quý Đen vào một căn nhà lầu khá sang. Chị người làm đã quen với nó nên gật đầu chào.Nó hất hàm:

- Bà chủ có nhà không?

- Có, bà ở trong phòng ngủ.

- Còn ông chủ?

Chị người làm lắc đầu:

- Chưa về.

Thế là Khánh Khỉ ném lại cho Quý Đen một câu:

- Mày ngồi chơi tự nhiên đi, tao ra liền.

Khánh Khỉ bước nhanh vào phòng trong. Nó giơ tay gõ cửa. Kim Yến tưởng là André về nên hấp tấp nhào ra mở cửa. Chị ngẩn ra khi nhìn thấy Khánh Khỉ, Khánh Khỉ cũng ngẩn ra khi nhìn thấy chị bởi chị chỉ mặc có một bồ đồ ngủ mỏng tanh, hoàn toàn chỉ có một bộ đồ ngủ, không còn thứ nào khác. Đó là cái kiểu mà André vẫn thích được đón tiếp khi đến nhà người tình. Kim Yến cau mặt:

- Chú làm cái gì mà xông vào đây?

- Xin lỗi, tôi không ngờ...

Rồi nó lấp liếm ngay:

- Có một tin rất quan trọng cho chị. Tin về hai Toản và những đứa con chị.

Kim Yến hết giận, hỏi dồn:

- Tin thế nào, nói đi!

- Tôi muốn chị nghe một thằng vừa ở ngoài kia vào đích thân trình bày với chị. Tôi đã mang nó đến đây rồi.

- Nó đâu?

- Đang đợi chị ngoài salon.

Kim Yến choàng vội chiếc áo khoác ngoài bằng sa-tanh bóng rồi theo Khánh Khỉ ra nhà ngoài. Chị nhận ra ngay Quý Đen, nhưng Quý Đen chưa kịp nhận ra chị, nó đứng lên, long trọng hành lễ:

- Chào... ma-đam.

- Ma đam cái gì, chú chửi tôi đấy phải không?

Quý Đen hấp háy con mắt rồi nhìn Khánh Khỉ. Nó kêu lên:

- Trời đất quỷ thần ơi, chị Tửng của tôi đây sao? Tiên nhân cái thằng Khánh bú dù này không cho tôi biết trước.

Khánh Khỉ hay Khánh bú dù toe toét:

- Tao muốn dành cho mày một sự ngạc nhiên và tao cũng muốn chính mày kể lại chuyện hai Toản và mấy đứa con bà chị đây cho trung thực hơn.

Kim Yến sai chị người làm mang ra mấy chai nước cam, sau đó vẫy tay đuổi chị ta xuống nhà dưới. Quý Đen lên tiếng:

- Cái thành tích mà chị cứu hai Toản mang ra đến ngoài "vùng tự do" đúng là một chuyện thần thoại.

Đôi mắt Kim Yến sáng lên. Nhưng Quý Đen đã lại đốp ngay:

- Tiếc rằng người ta lại cho chuyện đó chỉ là chuyện thần thoại cà chớn hay nói một cách khác là chuyện bịa. Nhưng nếu chỉ có đám dân đen không tin cũng chẳng sao, khốn một nỗi mấy bố Việt Minh cũng lại không tin mới bỏ mẹ. Mấy bố đó được báo cáo là có hai người đồng chí bị giết cùng hai Toản, vậy mà hai Toản lại trốn được sau khi đã bị trói vào cọc cẩn thận là một việc không thể có được trên đời này. Chẳng qua là hai Toản làm chỉ điểm cho Tây, giết hai người đồng chí xong là được thả ra tiếp tục làm mật thám cho giặc nên mới phịa láo ra cái thứ chuyện tình cảm ú ớ này. Bởi vậy hai Toản bị vồ ngay hôm sau. Người ta mang hai Toản đi đâu không ai biết. Tây cũng bắt mà Việt Minh cũng bắt thì chỉ còn có nước sống với cọp thôi. Còn lũ con chị theo ông bà Đội về Thái Nguyên là nơi người ta chỉ định nơi cư trú cho gia đình ông Đội.

- Chú có biết đích xác chỗ ông bà Đội hiện nay đang sống không?

- Biết rất rõ. Em đã tới thăm ông bà Đội một lần cách đây vài tháng. Ông Đội yếu lắm rồi, có lẽ sắp tịch đến nơi. Còn một mình bà Đội xoay xở không nuôi nổi hai đứa cháu. Hôm em đến chỉ còn thấy có một đứa con gái thôi, tên nó là Vân phải không chị? Con bé xinh lắm, tội nghiệp, mới sáu bảy tuổi đã phải ra rừng kiếm củi cho bà Đội rồi. Còn thằng con trai thì nghe nói bà Đội phải cho một đứa cháu làm ở ưy ban huyện nuôi, gia đình này cũng không có con cái gì. Chắc là mải làm cách mạng quá nên không đẻ được chứ gì.

Khánh Khỉ xen vào:

- Vô duyên, làm cách mạng hay không mắc mớ gì đến mày. Kể tiếp đi.

Quý Đen suy nghĩ rồi ngẩn mặt:

- Còn cái gì nữa đâu mà kể. Hết rồi, tao chỉ biết đến đấy thôi. Hôm sau là tao đã phải chuồn về dưới xuôi với cánh "bờ lờ" rồi. Ông bà Đội sống ra sao là việc của họ, tao dám đến thăm là tử tế nhất nước rồi. Mày nên nhớ sống ở ngoài đó mà dây dưa với mấy anh phản động hay bị tình nghi là phản động thì phiền lắm. Tội cũng ngang với mấy anh phản động đấy chứ đùa sao.

Kim Yến hỏi:

- Nếu tôi đứng ra làm chứng là chính tôi đã phải hy sinh cứu anh Toản thì người ta sẽ tính sao?

Khánh Khỉ giật người lên như bị ong đốt:

- Người ta treo cổ chị luôn cho có đôi chứ tính sao nữa! Bây giờ chị là bà quan ba, chị là đồng bọn với hai Toản. Làm chứng cái nỗi gì!

Kim Yến lại hỏi sang chuyện khác:

- Chú Quý, chú còn nhớ chắc chỗ ông bà Đội không?

- Chắc như bắp. Em nhớ cả con đường mòn đi vào sau một quả đồi, đến một gốc cây cổ thụ to tướng, năm sáu người ôm không hết rồi mới vào đến mấy dãy nhà sàn lưa thưa nữa kia mà.

- Chú có thể dẫn tôi đi được không?

- Bà chị có nói đùa không đấy? Bà chị mà ra ngoài đó là nó beng ngay.

- Thay tên đổi họ đi ai mà biết được. Tôi làm căn cước giả chỉ hai hôm là có ngay. Tôi đi với chú.

Quý Đen giơ tay:

- Xin thua. Bà chị muốn đi thì đàn em vẽ đường cho, chứ bảo em lần ra ngoài đó một lần nữa thì cho vàng em cũng xin đủ.

- Chú chỉ là dân buôn bán, sợ cái gì?

- Sợ chứ sao lại không. Sợ đói rách kinh niên. Sợ ăn đạn máy bay, sợ súng đại bác. Sợ bị nghi là mang cờ tam tài. Đủ thứ sợ. Em vừa vào đây được mấy ngày, bà chị cho em sống yên ổn cho hoàn hồn cái đã.

Khánh Khỉ xen vào:

- Nó chưa kịp ăn tô phở, chị đã bảo nó nhịn đói, nó không chơi đâu. Cứ để từ từ rồi sẽ tính. Bây giờ tạm thời chị đã biết tin tức của hai đứa con chị, trước sau gì cũng tìm được ra thôi. Việc này không nôn nóng được đâu.

Kim Yến thở dài, nhưng bắt gặp cái nháy mắt của Khánh Khỉ, chị hiểu là thằng này lại có mưu kế gì đây. Chị gật nhẹ rồi lắc lư cái đầu hỏi Khánh Khỉ:

- Vậy là chú muốn chia ngay một nửa cái cửa tiệm ở cửa Nam chứ gì?

- Đâu đến nỗi tiền trao cháo múc trắng trợn như vậy. Khi nào tìm được ra con chị rồi tính luôn một lần. Lúc này chị có cho em một nửa em cũng không cưa đôi cái tiệm ấy ra được, em đâu có đủ tiền trả cho chị phần còn lại.

- Tùy chú. Nói thật lòng là tôi đã định nếu tôi gặp lại hai đứa con thì chú cần bao nhiêu vốn để mở bất cứ cửa hàng gì tôi cũng lo cho đầy đủ.

Khánh Khỉ đập nhẹ vai Quý Đen:

- Có lẽ ông André sắp về, tao với mày biến đi.

Quý Đen đứng lên, Kim Yến chìa tay cho nó. Quý Đen không quen cái lối giao thiệp ông Tây bà đầm này, nó lúng túng ra mặt, không biết nên bắt tay hay nên hôn tay người đàn bà quý phái này cho đúng cách. Nó thầm chửi thề: "Bố khỉ, cứ như ngày xưa, khi chia tay mạnh đứa nào đứa nấy bước là xong. Vẽ cái chuyện đưa tay đưa chân này ra không giống ai hết". Nó khom lưng đưa đại bàn tay khá bẩn của nó ra nắm lấy bàn tay mềm mại.

- Bonne nuit!