Chương 4

Tình hình chiến sự mỗi lúc một gay go. Người Hà Nội đã có thể nghe tiếng súng đại bác âm vang từ một nơi nào đó vọng về. André tất bật với mọi thứ công việc, hầu như rất ít khi nó có thì giờ đến với Kim Yến. Trong khi Kim Yến đang mưu toan tìm cách nói dối để có thể cùng Quí Đen ra đi. Chị đã làm được một cái thẻ căn cước giả. Chị nói với André là cần xuống Hải Phòng lo việc buôn gạo. André chẳng cần xét tới lý do thật hay giả, nó gật đầu ngay. Kim Yến không ngờ mọi chuyện lại dễ dàng đến thế. Nhưng chị lại không tin rằng qua mặt được thằng chồng hờ khôn như ranh này. Có thể nó đã không cần tới chị nữa và chị cũng chẳng cần gì đến nó. Trước sau gì cũng có một ngày nó bỏ rơi chị trở về với cô vợ đầm ở bên Pháp. Chị cũng đã nhờ nó có được một gia tài khổng lồ. Như thế là huề, không ai nợ ai.

Trước khi Kim Yến ra đi, Khánh Khỉ bàn với Quí Đen:

- Mày chuồn ra ngoài đó mà có bà chị Kim Yến đi là chắc ăn rồi. Tao đề nghị mày giúp tao một lần chót là bảo bà chị sang tên cho tao cái cửa tiệm ở Cửa Nam. Như thế dù bà chị có chuyện gì xảy ra, tao cũng có một chỗ làm ăn vững chắc. Tao sẽ bỏ cái nghề công an, ra làm ăn đàng hoàng. Nếu khi nào mày hoặc anh em mày có việc trở lại thành phố này thì chúng mày có quyền đến chỗ tao trú ngụ.

Quí Đen thi hành ngay và nó được Kim Yến vui vẻ nhận lời. Đối với chị, cái cửa tiệm đó chỉ bằng cái móng tay và mục đích của chị mua nó chỉ để làm cái mồi dụ Khánh Khỉ tìm ra hai đứa con chị mà thôi.

Giải quyết xong một số công việc, Kim Yến và Quí Đen đưa nhau ra ngoại ô thành phố như một cặp tình nhân dong chơi ngày nghỉ cuối tuần. Ở đây, Quí Đen đã có đường dây giao liên đợi sẵn, đưa hai người đi thẳng về Thái Nguyên. Quí Đen được cấp trên ban khen vì những thành tích đã đạt được trong khi thi hành nhiệm vụ. Nó trình bày rõ ràng sự việc phải mang theo Kim Yến và nó được chấp thuận tiếp tục gây cảm tình với Kim Yến để có thể sử dụng sau này. Nó chưa cần mò tới chỗ ở cũ của ông Đội thì cánh bạn làm tình báo đã cho nó biết tin ông Đội đã chết và bà Đội đã trở lại Hải Phòng. Còn đứa con trai của Kim Yến được bà Đội gửi cho vợ chồng anh cháu làm ở ủy ban nhân dân nuôi hiện nay ở đâu không ai biết vì anh này đã nhập ngũ, chị vợ thì được điều về trung ương mà trung ương là ngành nghề gì và ở đâu thì cái thứ tép riu như Quí Đen chưa đủ uy tín để thăm hỏi. Ngay cả hai Toản sống chết ra sao, Quí Đen cũng chịu thua.

Thế là Kim Yến quyết định cùng Quí Đen tìm đường đến thành phố Hải Phòng. Lúc này tình hình càng rối tung rối mù vì cái hiệp định Genève đã ký kết xong xuôi. Một số người cũng tìm đến thành phố Cảng này để chờ tàu vào Nam. Một số cán bộ được tung vào chuẩn bị cho công tác tiếp thu. Quí Đen ung dung vào thành phố. Kim Yến trở lại căn nhà cũ của ông Đội và chị đã gặp được bà Đội cùng đứa con gái của mình. Bé Vân đã lớn khôn rồi. Hai mẹ con ôm nhau khóc vùi. Kim Yến muốn trở lại Hà Nội vơ vét hết của chìm của nổi mang theo. Nhưng con đường số 5 nối liền Hà Nội - Hải Phòng không còn an ninh nữa. Chị đang chần chừ đi dò hỏi tin tức thì gặp ông Phán Long. Ông ta đã từng du học tại Paris, trở về nước làm công chức cao cấp, phục vụ trong sở toàn quyền và là bạn thân của André. Ông ta khuyên chị không nên trở lại Hà Nội nữa vì rất có thể gặp phiền phức với cái thành phố đang chuẩn bị đổi chủ. Với thân phận của chị, rất có thể gặp những chuyện rủi ro. Kim Yến tiếc của song không thể làm thế nào hơn. Chị ngỏ ý muốn đưa con vào Nam. Ông Phán Long tán thành ngay:

- Tôi đã có sẵn giấy tờ, cả gia đình tôi đang tụ tập ở nhà một người quen. Chị có thể đến đấy cùng chúng tôi lên máy bay hoặc xuống tàu vào Sâi Gôn.

Kim Yến lặng lẽ đưa con đến ở chung nhà với ông Phán Long.

Hai hôm sau, chị gặp lại cô Nhung Bờ Hồ. Cô này vẫn trẻ đẹp và ăn diện coi như trên đời này không hề có chiến tranh xảy ra. Nhung Bờ Hồ biết mặt Kim Yến, hai người chưa có dịp làm quen, nhưng đến cái thành phố này họ vui vẻ nhận ra người đồng hương và chắc chắn đồng hoàn cảnh sắp làm một chuyến viễn du lánh nạn. Họ thân mật chào hỏi nhau, Kim Yến lịch sự mời Nhung vào một tiệm kem bên cạnh bến xe đò. Kim Yến hỏi thăm:

- Cô đi cùng gia đình xuống đây à?

Nhung cười, đôi má lúm đồng tiền càng thêm duyên dáng:

- Gia đình em nhất định ở lại vì có ông chú làm lớn ở ngoài khu. Em trốn nhà đi với cậu ấm con lão chánh sở lục lộ.

- Người yêu à?

- Yêu đương gì đâu chị. Chẳng qua là em bám theo gia đình anh ta mà thôi. Vào đến trong đó rồi tính lại.

Kim Yến thân mật vỗ vai người con gái trẻ:

- Cô thuộc loại liều đấy, giống tôi.

Hai người lại có vẻ tương đắc hơn. Kim Yến lựa lời hỏi thăm tiếp:

- Còn anh chàng Khánh vẫn tò tò theo cô thế nào?

Mặt cô gái sa sầm lại:

- Chị biết thằng khốn nạn đó sao?

Kim Yến chưa biết chuyện gì xảy ra, chị thản nhiên lắc đầu:

- Tôi đâu có quen nó, chẳng qua là tôi biết nó theo đuổi cô nên hỏi thăm xem hai người ra sao vậy thôi mà.

- Nó là một thằng đểu. Nó xúi người đến khám nhà bố em, nhét một cái truyền đơn vào nhà, thế là tụi nó mang bố em đi. Nó làm bộ từ tâm ra tay nghĩa hiệp nhưng với điều kiện là em phải lấy nó. Bí quá, em đành ừ đại cho xong. Đến khi bố em được tha, nó đưa em về cái tổ quỷ của nó, tính giở trò. Em không chịu được nên đâm cho nó một nhát gần chết, phải chở vào nhà thương cứu cấp. Em chuồn ngay, lại đúng dịp di cư này nên em đi thẳng xuống đây luôn. Em nghe nói sau này nó giàu lắm, chẳng biết tiền của ở đâu ra.

Kim Yến lặng thinh. Chị hiểu rằng cái âm mưu bỏ truyền đơn vào nhà Nhung Bờ Hồ là do chính chị bày ra cho Khánh Khỉ, không ngờ nó thực hiện thật, chắc nó thấy nguy cơ bị cậu ấm phỗng tay trên người đẹp nên nó phải ra tay. Còn số của cải nó thu được chắc cũng là của chị mà thôi. Nhung lại nói sang chuyện khác:

- Em thấy anh Phát thật lòng với em, nhưng em có hai điểm biết chắc rằng không thể sống với anh ấy được. Một là anh ta thư sinh quá, không đủ sức che chở cho em. Hai là gia đình anh ta tỏ vẻ coi thường em. Nghe nói ông bà ấy định chọn cho anh ta một cô con nhà gia giáo, con ông cháu cha, môn đăng hộ đối. Gia đình này biến vào Sâi Gôn bằng máy bay trước rồi.

- Vậy thì cô sống với gia đình anh Phát của cô sao được? Hàng ngày phải đối diện với những bộ mặt khinh khỉnh, vênh váo đến lợm giọng, không chịu nổi đâu.

- Thì em đã nói với chị là họ cũng chỉ như một chuyến tàu, cho em vào đến trong đó là em lên bờ, con tàu muốn trôi về đâu, thây kệ nó. Chịu khó ít ngày có sao đâu, vả lại em cũng đi suốt ngày, tối mới về ngủ nhờ trong căn nhà chật ních.

- Ở Hải Phòng lúc này nhà nào cũng thế cả.

- Còn chị?

- Tôi ấy à. Trái hẳn với cô. Mẹ con tôi được gia đình ông Phán Long đối xử rất tử tế. Bố mẹ ông Phán Long là dân phong kiến. Nghe đâu trước kia làm quan tri phủ về hưu. Một "đế chế" rất phong kiến còn lại trong thời đại chúng ta. Tôi được Phán Long giới thiệu là vợ của một người bạn bị chết ngoài chiến trường nên càng được gia đình này sủng ái. Tôi xuất thân từ một gia đình cổ, sống ở làng quê từ nhỏ nên rất hợp với "gu" phong kiến. Vào thưa ra gửi là nghề của tôi. Cái nhà mà chúng tôi đang ở nhờ là chú ruột của ông Phán Long, cũng lễ giáo ra trò.

Nhung Bờ Hồ gật gù:

- Như thế thì tiện quá rồi, nhưng em mà sống như thế là em chịu thua. Thời đại của chị khác mà thời của em khác, mặc dầu chúng ta không cách nhau xa lắm.

- Tiểu thư năm 40 của Hà Nội khác với tiểu thư của Hà Nội những năm 50. Tôi ở giữa nên có thể dung hòa giữa hai thời đại. Tôi sống kiểu nào cũng được. Cần chắp tay xá dài, tôi làm rất gọn. Cần chống tay ngang hông xổ tiếng Tây, tôi cũng dư sức làm rất điệu nghệ. Muốn nói chuyện cách mạng, tôi nói như cháo vì bố chồng trước kia của tôi là dân cách mạng chính hiệu đi theo cụ Đề Thám. Muốn nói chuyện theo kiểu những nhà tư sản, tôi thừa thông thạo để tiếp họ.

- Chị sắc như con dao pha. Em thua chị.

- Thời buổi này phải sống như thế. Gió chiếu nào che chiều ấy. Mai mốt vào trong Nam rồi chưa biết mình sẽ còn gặp những cảnh gì nữa đây?

- Em nghĩ dù sao thì cũng tốt hơn ở lại đây với mấy ông răng đen mã tấu.

Kim Yến gật đầu:

- Tôi vừa ở ngoài đó vào đây. Dân mình rất khổ, cho nên tôi kiếm đường ra đi. Bao nhiêu của cải của tôi ở Hà Nội mất hết cả, nhưng còn người thì còn của, chứ của có làm ra người được đâu. Tôi tìm lại được đứa con này còn hơn là hàng chục cái gia tài tôi bỏ lại.

Nhung Bờ Hồ ôm bé Vân vào lòng:

- Tội nghiệp cháu tôi, chịu cực khổ bao lâu nay.

Bé Vân ăn ly kem thứ nhất trong đời nó. Chưa có cái gì lạ hơn và ngon hơn. Nó nhìn Nhung Bờ Hồ rồi nhỏ nhẹ khen:

- Cô đẹp quá.

Nhung cười tít:

- Không bằng mẹ cháu đâu.

- Mẹ cháu không có cái vòng này.

- Vòng giả đấy. Mẹ cháu đâu có chịu đeo vàng giả bao giờ. Cháu có muốn cô cho cháu làm kỷ niệm.

Nói rồi Nhung tháo mấy chiếc vòng lỉnh kỉnh trên cổ tay đeo cho bé Vân. Cô nói với Kim Yến:

- Cô bé này xinh quá, sau này rồi cũng ăn diện bằng thích.

Kim Yến ngắm con với một vẻ sung sướng rõ rệt:

- Cảm ơn cô. Tôi sẽ cho nó tự do, cho nó tất cả những cái mà trước đây nó không được hưởng.

Hai người ngồi với nhau khá lâu mới chịu chia tay.

Hai mẹ con Kim Yến trở về, mang theo một vài lạng giò chả của hàng cơm tám nổi tiếng và một gói thịt quay mua của anh Tàu ở đầu phố Cầu Đất và ngã tư Tám Gian. Gia đình Phán Long đã đợi sẵn. Hai mẹ con cùng vòng tay thưa:

- Thưa hai cụ chúng con đã về. Để con đi sắp cơm hai cụ dùng.

Ông bà Phủ, bố mẹ của Phán Long có vẻ hài lòng. Kim Yến đã làm chiều ý được cả ông bà chủ nhà. Ai cũng khen chị là một người có nền nếp đúng là con nhà gia giáo. Khoảng nửa tháng sau thì Phán Long được gọi tên xuống tàu vào Nam. Chiếc tàu thủy đủng đỉnh ra khơi. Một cuộc di cư mà nhàn nhã như đi du lịch. Tuy rằng vài ngày trên tàu có chật chội, song quả thật là người ta đã làm hết mình cung cấp mọi tiện nghi cho mọi người.

Vào đến thành phố Sâi Gôn, gia đình Phán Long ở tạm trong một trường học rộng rãi thoáng đãng, trong khi nhiều gia đình khác phải sống tạm trong những căn lều vải bạt căng ra ở một công viên nào đó. Lúc này Kim Yến lại có dịp trổ tài nội trợ của mình. Đời sống cực khổ ở vùng núi non, ở vùng quê mùa đã quá quen với chị nên trong cảnh này, chị vẫn tươi cười lo toan mọi việc như không có chuyện gì xảy ra. Lúc này chị mới biết Phán Long đã có một đời vợ, chẳng may khi sinh đứa con đầu lòng, cả hai mẹ con đều chết vì sinh khó. Ông chú bà thím Phán Long đi theo gia đình này đều muốn chắp nối Phán Long với Kim Yến.

Vài tháng sau, Phán Long lại được gọi đi làm ở bộ nội vụ và được phân chia một căn nhà thuộc loại biệt thự gần khám Chí Hòa. Hầu như họ mang được hết của cải đi theo nên mua sắm đủ thứ. Kim Yến còn lại một ít vàng, chị tính ra ở chỗ khác tìm cách buôn bán nuôi con. Chị lấy cớ là cần đi kiếm một vài người bà con cũng di cư vào Nam, chị lẳng lặng dò dẫm đường đi nước bước. Chị tìm được mối sang lại một cái quầy nhỏ bán vải ở chợ Bến Thành. Chị không ngần ngại thực hiện ngay ý định của mình. Ông bà Phủ cố níu kéo chị rồi cuối cùng phải nói thẳng dự tính của họ:

- Lâu nay chúng tôi cứ nghĩ chị là người trong gia đình này rồi. Chẳng việc gì phải dọn đi đâu cả. Tôi sẽ bảo thằng Phán nhà tôi lo cái chuyện hôn nhân của hai người cho xong đi. Chắc là chị ngại danh không chính, ngôn không thuận chớ gì?

Kim Yến cúi đầu lễ phép:

- Cháu không nghĩ gì hết. Được hai cụ và ông Phán giúp đỡ cưu mang như thế cháu thấy áy náy lắm, cháu không dám quên ơn. Nhưng cháu muốn sống tự lập để nuôi con cháu.

Rồi đến lượt Phán Long nằn nì:

- Cô có thể không bằng lòng cuộc hôn nhân giữa hai chúng ta, tôi không dám ép. Nhưng cô vẫn có thể ở lại đây như một người trong nhà.

Kim Yến thẳng thắn:

- Tôi hiểu ý anh. Đã đến lúc chúng ta cần phải dứt khoát nói rõ mọi chuyện. Tôi theo gia đình anh vào Nam không có nghĩa là tôi nhằm đến cái chức bà chủ trong nhà này. Anh chưa biết hết về tôi đâu. Anh mới biết có một nửa về con người thật của tôi. Tôi không xứng đáng với anh.

- Cô đừng có mặc cảm. Tôi biết cô là bà André. Cô có thể mang tai tiếng đến cho gia đình tôi.

- Đúng thế. Mai mốt ông bà già anh sẽ biết việc này. Tôi không muốn là kẻ cúi mặt xuống trong gia đình anh. Tuy rằng tôi rất thích cái nếp sống nền nếp của gia đình này. Tôi đủ sức làm một nàng dâu ngoan theo lối cổ xưa. Trong đó chứa đựng một cái gì rất hay. Và tôi cũng rất kính trọng anh, tuy nhiên tình yêu thì chưa đến. Anh cứ để mẹ con tôi ra sống tự lập. Như thế không phải là tôi đoạn tuyệt hẳn với gia đình anh. Nếu một ngày nào đó, tôi có một cuộc sống đàng hoàng, lúc đó chúng ta vẫn còn cơ hội, anh có thể hỏi cưới tôi làm vợ, nếu anh còn chờ đợi được. Như thế không tốt hơn sao? Bây giờ dù tôi có lấy anh, người ta sẽ cho rằng tôi chỉ là kẻ sa cơ thất thế được cứu giúp.

Phán Long lắc đầu:

- Sẽ không có ai nghĩ như thế cả.

- Không ai nghĩ thì chính tôi phải nghĩ. Mang nặng cái mặc cảm ấy, cuộc sống không có hạnh phúc đâu. Anh hãy bình thản trở lại cuộc đời trước đây của mình.

Phán Long vốn là người ít nói, hôm nay anh nói như thế là quá nhiều rồi. Anh đành nuối tiếc chia tay với mẹ con Kim Yến.

Những căn nhà có cái bảng "Room for rent" mọc lên như nấm khắp thành phố Sâi Gôn khi người Mỹ hất cẳng người Pháp, đưa quân vào Việt Nam. Rất nhiều ngành nghề mới ra đời. Thầu rác, tiệm giặt ủi, phòng tắm hơi, cung cấp rau tươi, snack bar... nhằm vào cái thị trường quân nhân Mỹ. Dân miền Nam tin rằng mình có một người bạn đồng minh hào phóng, giàu mạnh và muôn đời bền vững.

Kim Yến đã bỏ cái sạp vải nhỏ ở chợ Bến Thành. Chị hăng hái chung vốn vào với một số người nhanh chân nhanh tay thầu rác Mỹ. Chị đã có một số vốn lớn. Một buổi tối đi dự tiệc thôi nôi con một người làm ăn chung, Kim Yến gặp lại Nhung Bờ Hồ. Hồi này Nhung đã trưởng thành hẳn lên và đẹp lộng lẫy. Nhưng cái tính ăn nói lốp bốp của cô chẳng thay đổi tí nào. Trong câu nói của cô xen lẫn cả dăm ba chữ tiếng Anh. Cô nói tỉnh bơ như thói quen của một người đàn bà giao thiệp rộng trong giới nửa thượng lưu nửa mánh mung của thời đại nhập nhằng này. Kim Yến gợi chuyện:

- Sao, chồng con gì chưa?

Nhung Bờ Hồ nhún vai:

- Dại gì mà lấy chồng. Lấy một anh Việt Nam thì chỉ tổ mình bị độc quyền, ghen tuông vớ vẩn và có thể đói nhăn răng. Còn lấy ngoại kiều thì em chưa đủ trình độ.

- Cô bảo trình độ là thế nào? Tiếng Anh chưa đủ thông thạo sao?

- Ôi, bà chị ngây thơ quá. Không thông thạo thì quơ chân quơ tay ít lâu rồi Mỹ nó cũng hiểu tất. Em nói trình độ ở đây có nghĩa là... chưa dám liều. Tuy vậy em cũng quen biết khá nhiều mấy anh có chút thế lực để giúp mình những cái áp phe ra tiền. Chị muốn đô la xanh đô la đỏ giờ nào cũng có.

- Cô nói dễ như lấy đồ trong túi.

Nụ cười của Nhung Bờ Hồ thoáng một vẻ hãnh diện:

- Cái đó là cái chắc.

Rồi cô ghé vào tai Kim Yến, hạ thấp giọng:

- Tiền ở trong túi chị mà chị không biết cách móc ra đấy thôi.