Kim Yến ngây mặt:

- Cô nói gì?

Nhung Bờ Hồ liếc mắt nhìn về phía một người đàn ông đứng cách đó không xa:

- Em vừa thấy chị nói chuyện thân mật với ông Tòng, chị với ông ta là thế nào?

- À, ông ta là em họ của ông Phán Long. Cũng kể như người trong nhà.

- Ông ta là "sếp" lớn ở quan thuế.

- Cũng chẳng lớn gì.

- Bề ngoài là như vậy, nhưng thật ra ông ta có những địa điểm rất tốt. Chúng em đang cần một vài nơi làm "bãi đáp". Chị hiểu rồi chứ?

Vốn là tay làm ăn trong nghề nên Kim Yến hiểu ra ngay:

- Cô muốn thuê bãi của ông ta để xuống hàng Mỹ lậu à?

- Ông ta có thể cho thuê luôn cả cái kho của quan thuế chứ không phải chỉ có bãi đáp. Ở đó xuống hàng và để hàng là an toàn nhất. Chị thử hỏi ý kiến của ông ta xem sao. Tay đó cũng chịu khó làm ăn chứ chẳng phải là thứ thanh liêm trong sạch gì đâu. Hay là chị chung với chúng em làm ăn?

Kim Yến ngần ngại:

- Tôi sống trên mấy cái bãi rác cũng đủ rồi.

- Đô la vào túi không bao giờ đủ cả. Chuyến làm ăn này của chúng em lớn lắm. Nhận hàng rồi mới giao tiền, lời một gấp mười. Chỉ cần vài chuyến như thế này là tiêu đến đời con đời cháu cũng không hết. Chị muốn chung một nửa vốn hay một phần là tùy ý chị. Còn ông Tòng thì khỏi cần bỏ một xu nào. Chỉ bảo đảm cho tụi em cái kho là xong.

Kim Yến suy nghĩ nghĩ một chút rồi nhận lời. Chị đưa Nhung Bờ Hồ ra giới thiệu với ông Tòng. Mọi chuyện êm xuôi.

Từ đó Nhung Bờ Hồ thường đi lại nhà Kim Yến. Bé Vân lúc này đã mười sáu tuổi. Cô bé vừa đi học vừa học đàn piano. Xem ra Vân có năng khiếu về âm nhạc và cô bé rất thích cái tính cách của Nhung Bờ Hồ. Đúng là một mẫu tiểu thư sang trọng quý phái của cái thành phố mà đời sống vật chất cùng tiện nghi đang ùa vào ngự trị trên hết cả mọi thứ. Nhung có cái xe hơi Toyota Corola màu đỏ tươi. Quần áo cô ăn diện đúng mốt thời thượng. Dường như mỗi ngày Nhung mặc một bộ khác nhau, Vân chưa hề thấy một bộ nào Nhung vận đến hai lần. Dì Nhung cũng tỏ ra rất thương Vân. Hai dì cháu thường nhỏ to tâm sự với nhau. Có những chuyện Vân không nói với mẹ mà chỉ nói với dì Nhung. Một lần Vân thủ thỉ:

- Cháu muốn thi hát trên đài phát thanh, nhưng mẹ cháu không cho.

- Yên tâm, dì sẽ nói với mẹ cháu và dì sẽ dẫn cháu đi. Dì có quen với một vài người làm trong đài phát thanh.

Đôi mắt Vân sáng lên:

- Thật hả dì? Cháu sẽ luyện một vài bài thật hay để biểu diễn, cháu không làm dì xấu mặt đâu. Nhưng dì đừng cho mẹ cháu biết vội.

Nhung xoa đầu cô cháu gái. Nhưng rồi bận bịu với công việc, hai tuần sau Nhung mới đưa Vân đến nhà một người bạn cũ để nhờ anh ta giới thiệu với người phụ trách chương trình ca nhạc của đài phát thanh. Anh này chính là con ông chánh sở lục lộ, từ ngày vào Nam anh lên đại học và theo ngành đại học văn khoa rồi một sớm một chiều trở thành nhà văn kiêm nhà thơ. Một nhà văn chân chính, thỉnh thoảng có một bài đăng báo, lâu lâu có một bài thơ tình cho mấy tờ báo phụ nữ. Mỗi lần bài được đăng, anh đều mua dăm bẩy số gửi cho bạn bè và dĩ nhiên không bao giờ anh quên gửi cho Nhung Bờ Hồ. Chẳng hiểu Nhung có thì giờ coi hay không nhưng khi gặp anh, Nhung tán ngay:

- Thơ anh hay quá, hôm nay Nhung đến để cảm ơn anh đây.

Nhà văn kiêm nhà thơ Mã Phong tưởng như mình nằm mơ. Mặt anh ta tái đi vì sung sướng lắp bắp nói không nên lời. Nhung giáng thêm một đòn nữa:

- Sao anh không cho xuất bản một tập thơ? Thơ của anh còn hơn chán vạn những ông thi sĩ gà mờ khác. Anh mà cho xuất bản chắc chắn sẽ được giải thưởng văn học. Tôi nói thật đấy.

Thi sĩ Mã Phong cuống lên:

- Ấy ấy, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, sắp cho in một tập dầy gần ba trăm trang. Bìa ốp sét bốn màu đàng hoàng, có mấy bức tranh làm phụ bản, có dăm bẩy bài được phổ nhạc.

Nhà thơ bèn lôi trong ngăn kéo ra một xấp thơ dày cộm để chứng tỏ rằng mình không nói khoác. Nhung Bờ Hồ đành phải cầm lên lật lật qua vài trang, cô tuyên bố rất hùng hồn:

- Tôi ủng hộ anh. Nếu cần tôi sẽ đặt mua một trăm cuốn trước để anh có vốn in.

Thi sĩ Mã Phong xua tay:

- Cô nên nhớ ông già tôi là chánh sở lục lộ, chỉ cần một ít nhựa trải đường là tôi có thể in vài tập thơ rồi. Tôi không phải là loại thi sĩ đói rách như những anh khác đâu, Thời buổi này, thi sĩ không còn nghèo mạt rệp như thời cụ Tú Xương.

Nhung Bờ Hồ, đi vào mục đích chính bằng cách kéo cô cháu gái lại sát bên mình:

- Đây là con cháu gái tôi, nó đang học thi tú tài một, nhưng nó lại có máu văn nghệ như anh. Nó thích đi hát thử ở đài phát thanh. Anh có thể giới thiệu cho nó được không?

Mã Phong nhìn cô gái trẻ đang e lệ như một độc giả ngây thơ được hân hạnh đứng trước một nhà văn nghệ lớn. Thi sĩ kiêm văn sĩ búng tay:

- Dễ ợt. Tôi sẽ đưa đến bảo anh chủ sự phòng văn nghệ thu xếp là xong ngay. Tên cô em là gì?

- Em là Vân.

- Cái gì Vân?

- Dạ... Vân là Vân thôi.

- Không được! Không một ca sĩ nào có cái tên cụt lủn như vậy cả. Ít ra thì cũng phải là Mộng Vân, Ái Vân, Cẩm Vân hay cùng lắm là... Vân Vê chứ.

Nói rồi Mã Phong tự thưởng cho câu khôi hài xỏ lá của mình bằng một tràng cười. Nhưng rồi nhà thơ nhận ngay ra cái sự khôi hài của mình trước mặt hai người đẹp là không có văn hóa chút nào nên anh ta tốp ngay tràng cười lại và nghiêm trang:

- Thôi thì cứ đặt tên là Phong Vân vậy.

Nhung Bờ Hồ lẩm bẩm:

- Phong Vân, nghe cái tên cũng hay đấy. Nhưng Phong là tên anh, Vân là tên con cháu tôi, anh có ý định gì không đấy?

Mã Phong đỏ mặt:

- Cô có thể nghi ngờ một nhà văn lớn có ý định đen tối như vậy sao?

- Càng lớn càng đen.

- Cô chỉ nói nhảm. Thôi thì đặt một cái tên gì cho nó là lạ đi một chút. Thằng Phong này không dính dấp gì vào đấy. Tỉ dụ như Hoàng Mộng Thanh Vân, Lê Minh Tuyết Vân. Như thế không trùng với bất kỳ cô ca sĩ nào được và sẽ nổi bật lên giữa cái đám đông nhi nhô.

Nhung gật đầu:

- Đó cũng là một ý hay. Tuy nhiên bốn chữ dài quá, nhiều ông giới thiệu chương trình không nhớ nổi. Lấy ba tên thôi. Hoàng Mộng Vân được rồi. Thế nào Vân, cháu có đồng ý không?

- Tùy cô chú sắp đặt. Tên nào cháu cũng chịu.

Mã Phong nhìn cô bé và anh tin rằng cô này sẽ rất có tương lai trong nghề nghiệp. Anh sửa soạn rồi đưa hai dì cháu Nhung Bờ Hồ đến đài phát thanh. Ông chủ sự phòng văn nghệ là một vị nhạc sĩ có tuổi nên ông thường dành cho đàn em tiếp đón những mầm non văn nghệ và vị đàn em này vốn lại là một tay chuyên đi sưu tầm những mầm non mang về huấn luyện một thời gian rồi chờ dịp lăng xê lên các sân khấu ca nhạc.

Nể lời Mã Phong là tay quen biết mấy tờ báo Điện Ảnh Kịch Trường, hôm đó Vũ Hải chuẩn bị phòng vi âm cho Mộng Vân thử giọng ngay. Chỉ cần qua một bài tình ca là Vũ Hải đã gật gù khen:

- Được lắm, có tương lai lắm. Tôi chỉ huấn luyện thêm ít ngày là có thể theo tôi lên sân khấu rồi.

Đến bản thứ hai, Vân xin được tự đệm piano không cần dàn nhạc.. Vân hát bài "Gợi Giấc Mơ Xưa" của nhạc sĩ Lê Hoàng Long. Vũ Hải tròn mắt kinh ngạc:

- Tuyệt vời. Giọng hát ngọt lắm, tuy chưa so sánh được với Lệ Thanh, Ánh Tuyết nhưng cô hát rất đúng, đệm dương cầm rất hay.

Rồi anh ta thở dài thườn thượt:

- Thời buổi này có những cô ca sĩ không hề biết một nốt nhạc nào, hát phứa phựa, muốn ngân là ngân, muốn nghỉ là nghỉ, muốn hét là hét. Cứ tự nhiên như ở trong nhà tắm.

Anh ta lại quay sang nói với Nhung:

- Cô yên tâm, tôi sẽ đưa cô em Hoàng Mộng Vân đến giới thiệu cho một phòng trà ca nhạc loại thượng thặng của thành phố này. Chẳng mấy lúc hái ra tiền.

Vân lên tiếng:

- Thưa chú cháu chỉ muốn hát ở đài phát thanh thôi chứ không có ý đi hát để kiếm tiền.

Nhung Bờ Hồ cũng hùa theo:

- Nhà cháu Vân giàu lắm, vả lại mẹ cháu cũng không muốn cho cháu đi hát.

Ông bầu Vũ Hải có vẻ thất vọng:

- Ca sĩ là một nghề nhàn hạ nhất, kiếm ra tiền nhanh nhất, tội gì không làm?

- Nhưng cháu còn đang đi học. Cháu chỉ thích hát ở trên đài cho vui vậy thôi và cháu sẽ giữ bí mật cả với những người bạn cháu nữa.

Vũ Hải mỉm cười, anh ta không nói gì nhưng trong bụng thầm nghĩ hãy cứ chấp nhận như thề này cái đã, trước sau gì rồi anh ta cũng sẽ lôi kéo được cô bé này vào trong tay mình. Khi có tí tên tuổi rồi, cô nào chẳng thích kiếm ra tiền. Anh chọn một ban nhạc có tên trong chương trình thu thanh vào thứ bảy tuần này cho Vân đến hát thử. Quả nhiên Vân thành công ngay. Một vài ban khác lại mời Vân cộng tác, cô nhất nhất nghe theo sự hướng dẫn của ông bầu Vũ Hải.