Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Những ai chưa từng đau khổ thì những kẻ ấy không bao giờ biết tận hưởng được hạnh phúc.
Ugo Foscolo
Results 1 to 2 of 2

Chủ Đề: Phong Lan.

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 5

    Sau khi bị Nhung Bờ Hồ đâm một nhát, Khánh Khỉ lại cố lết ra phi trường chuồn vào miền Nam. Nó vẫn trung thành với nghề nghiệp cũ và càng được tín nhiệm hơn vì trong biên bản nó được các sếp ghi là vết thương do chiến đấu với kẻ địch mưu toan ám sát nó. Khánh Khỉ được thăng chức cai cảnh sát.

    Qua những thăng trầm của nền đệ nhất cộng hòa rồi đệ nhị cộng hòa, hết đảo chính đến chỉnh lý, Khánh Khỉ vẫn vững như bàn thạch. Kinh nghiệm dạy nó rằng cứ nghe có đảo chính quân sự là nó trốn biệt đi một nơi, đảo chính xong nó mới lò dò chui ra hăng hái làm việc cho chính phủ mới. Các sếp lớn sếp nhỏ của nó cứ lần lượt bị thay đổi. Mỗi ông về lại mang theo một số tay chân, nhưng là tay chân cỡ bự chứ không phải hạng tép riu như nó. Cho nên có ông mới hôm qua còn được coi là phần tử đối lập thì hôm sau đã là phe ta. Khánh Khỉ thuộc lòng những bộ mặt ấy. Nó đã từng theo dõi hầu hết những nhân vật của cả các phe. Phe nhà báo đối lập, dân biểu đối lập thật và đối lập cuội, phe phật giáo ủng hộ nhà nước, phe chống nhà nước, đảng phái lung tung tí mẹt, xôi thịt cũng có mà tâm huyết cũng có. Thôi thì đủ mọi loại nhân vật. Khánh Khỉ có cái tài nhớ dai nên cấp trên hỏi đến tên nhân vật nào là nó đọc vanh vách tên tuổi, nghề nghiệp địa chỉ, thói quen và cả những ông có vợ cả vợ hai vợ ba hoặc những cô bồ thuộc thành phần nào. Chẳng mấy chốc Khánh Khỉ đã nghiễm nhiên leo lên chức trung sĩ trong ngành cảnh sát đặc biệt.

    Có một buổi chiều ngày hai mươi chín Tết, Khánh Khỉ đang ung dung ngồi ở văn phòng đấu láo với mấy người bạn đồng nghiệp thì được ông chánh sở gọi lên. Nó hoàn toàn không lo lắng gì vì nó biết ông chánh sở cảnh sát đặc biệt này chẳng có nghề ngỗng chuyên môn gì. Ông ta chỉ là một trung tá bên quân đội chuyên việc đánh đấm ngoài chiến trường, nhưng không hiểu đánh đấm ra sao bị đưa đi ngồi chơi xơi nước ở một đơn vị khỉ ho cò gáy. Thế rồi đùng một cái, ông tổng giám đốc cảnh sát cũ bị thay thế, ông đại tá mới về bèn đưa đám bộ hạ về theo, trong đó có ông trung tá này. Vừa về đến nơi là nhậm chức chánh sở đặc biệt. Ông ta chưa lập được công cán gì nên đang loay hoay tìm cách lập công. Tuy nhiên, trong ngành này muốn lập công đâu có phải là chuyện dễ. Ít nhất cũng phải có một mớ đàn em thân tín, thông thạo mọi ngõ ngách mới làm ăn được mà không bị hố. Lơ mơ tóm nhầm phải một tay có thần thế là đủ thứ chuyện phiền hà. Cho nên, lần này Khánh Khỉ được sếp lớn gọi lên chắc cũng không ngoài mục đích sẽ được sếp thăm hỏi về tình hình phức tạp và kết nạp vào một trong những tay đàn em thân tín của cái ê-kíp mới.

    Khánh Khỉ yên tâm với cái ý nghĩ lạc quan yêu đời và yêu đất nước cũng như yêu cấp chỉ huy ấy. Nó hiên ngang gõ cửa vào trình diện vị trung tá mà đây là lần đầu tiên nó được hân hạnh tiếp xúc.

    Nó đứng nghiêm trước cái bàn giấy bóng lộn, to như cái giường đặt chềnh ềnh giữa nhà. Nó hô to tên tuổi, cấp bậc, chức vụ và "xin chờ lệnh trung tá". Vị trung tá vẫn điềm nhiên cúi mặt xuống tờ báo Tết mở rộng trên mặt bàn. Người có vẻ suy tư, không thèm ngước lên nhìn ai hết. Một phút rồi hai phút trôi qua, Khánh Khỉ vẫn phải đứng nghiêm như trời trồng giữa căn phòng im phăng phắc, máy lạnh chạy êm ru. Khánh Khỉ trở nên phân vân, nó không tin rằng vị trung tá này mắc cái bệnh nặng tai không nghe tiếng nó trình diện. Nó ngắm nghía cái vẻ to lớn dềnh dàng, oai phong lẫm liệt của người sĩ quan này. Đúng là tướng tá của dân "đánh đấm và đánh lộn". Nó đang tính cần phải hô to lên một lần nữa cái thủ tục trình diện để ngài sĩ quan ngước cái bộ mặt oai nghiêm lên. Nhưng cũng may, ngài đã ngước lên. Cặp mắt ngài sáng quắc, khuôn mặt to vành vạnh, giọng nói ngài đanh thép:

    - Anh là trung sĩ Lê Văn Khánh?

    - Thưa vâng.

    - Anh đã đọc tờ báo này chưa?

    Khánh Khỉ đỡ lấy tờ báo nhìn qua rối ngập ngừng:

    - Thưa trung tá, em chỉ mới liếc qua chứ chưa đọc hết. Vào dịp Tết nhất này báo ra nhiều quá, em chưa có thì giờ...

    - Anh làm ở khối theo dõi báo chí trong nước phải không?

    - Dạ phải, nhưng em chỉ phụ trách việc theo dõi những tên tình nghi thôi, còn việc điểm báo là của ban khác.

    - Nhưng ông trung úy nghỉ phép cưói vợ thì anh phải phụ trách hết chứ. Anh làm ăn thế này à? Anh để một thằng viết bài chửi cả ngành cảnh sát chúng ta. Các anh có đui không? Có học không? Cho phép anh ngồi đó coi đi.

    Khánh Khỉ lật đật cầm tờ báo đọc. Cái tít "Văn Nghệ Và Phút Lít" đập vào mắt nó. Thằng nhà báo viết một vở kịch vớ vẩn chọc quê một thầy phút lít bắt nhầm một anh nghệ sĩ chuyên đóng kịch, đêm cuối năm hết tiền bèn đóng cửa nằm nhà. Buồn tình anh nghệ sĩ giả tiếng năm người ngồi đánh phé, một canh phé trong tưởng tượng rất lớn, ăn thua cả trăm triệu đồng. Thầy phút lít đi tuần ngang qua đó, nghe có tiếng sát phạt trong phòng liền báo tin cho cả trung đội đến bao vây. Nhưng khi vào căn phòng nhỏ như cái tổ chim chỉ thấy mỗi mình anh nghệ sĩ ngồi trên bàn, cỗ bài còn đó song tiền nong và người chơi bài thì chẳng thấy đâu. Cả toán sục sạo tìm kiếm khắp mọi xó xỉnh cũng chẳng thấy gì. Tra hỏi kiểu nào anh chàng nghệ sĩ chỉ một mực khai rằng anh ta đánh bài một mình, thua được một vài trăm triệu là chuyện thường tình. Thầy phút lít tức quá bèn lôi anh nghệ sĩ về bót cùng tang vật là một cỗ bài cũ mèm. Anh nghệ sĩ tỉnh bơ nằm ngủ trong bót. Đến đêm anh ta lại tổ chức một sòng bài lớn hơn ngay trong nhà giam của bót phút lít. Ông trưởng chi nghe tiếng sát phạt lấy làm lạ bèn rình xem. Nhưng khi nhận ra anh nghệ sĩ này vốn là một tay chuyên nghề đóng kịch và lồng tiếng trong phim thì biết ngay là bị hố to, ông ta vội vàng mở khóa và xin lỗi anh nghệ sĩ vì sự lầm lẫn của đàn em. Nhưng anh nghệ sĩ tuyên bố là sẽ kiện cả cái chi cảnh sát này về tội bắt người không tang chứng. Làm tội ông trưởng chi phải năn nỉ mãi anh nghệ sĩ mới chịu trở về với điều kiện là trong ba ngày Tết này, mỗi bữa phải mang đủ cơm rượu đến tận phòng cung phụng anh ta mới chịu bỏ qua.

    Đại khái cái vở kịch ấm ớ của anh nhà báo là như thế. Khánh Khỉ chỉ thấy vui vui, nhưng nó biết là ông trung tá trưởng khối cảnh sát đặc biệt mới về ngành rất lấy làm khó chịu về cái sự đùa giỡn hỗn xược với một ngành quan trọng của quốc gia, mặc dầu ông ta là dân nhà binh, một mai ông ta bị đá đít ra khỏi ngành là kể như chẳng ăn nhập gì tới ngành cảnh sát nữa. Khánh Khỉ vốn là đứa khôn ngoan nên nó cũng làm ra vẻ tức giận:

    - Đúng là thằng nhà báo này là. .. Dân phản động. Nó hạ nhục ngành cảnh sát gương mẫu chân chính của nhà nước. Nó dám gọi cảnh sát là phút lít, đểu thật. Thưa trung tá, cần phải trừng trị nó ngay.

    Vị trung tá nghiêm nghị gật đầu:

    - Được, chú cho người bắt nó về đây, tôi quần cho nó một trận hết ăn Tết luôn.

    Khánh Khỉ đứng lên cái rụp:

    - Em xin thi hành ngay.

    Khánh Khỉ sang phòng hồ sơ, lục tìm lý lịch của thằng nhà báo bố láo này. Nhưng khi tìm ra hồ sơ thì thằng nhà báo lại là dân nhà binh, cũng là sĩ quan như ai. Khánh Khỉ thộn mặt suy nghĩ, nó trình lại với sếp lớn:

    - Thưa trung tá, không thể bắt được thằng này. Chỉ có an ninh quân đội mới hỏi thăm sức khỏe nó được thôi còn cảnh sát không được quyền bắt sĩ quan quân đội.

    - Tôi sẽ phối hợp với bên an ninh quân đội.

    Vị trung tá quay tê lê phôn tứ tung, nhưng nơi nào ông cũng nhận được câu trả lời là không đủ chứng cớ thì không làm gì được. Vị trung tá hậm hực đứng lên văng ra một câu chửi thề:

    - Mẹ kiếp, quân đội chúng nó bênh nhau.

    Khánh Khỉ nẩy ngay ra một sáng kiến:

    - Thưa sếp, vậy thì mình bắt anh chủ nhiệm báo. Chắc chắn anh này không thể là dân nhà banh được rồi.

    - Mày biết thằng chủ nhiệm báo này chứ?

    Khánh Khỉ cười hề hề:

    - Nghề của em mà. Anh chủ nhiệm nào em cũng nắm lý lịch trong tay. Anh này là chủ nhiệm báo Kịch Ảnh, bạn bè chúng nó thường gọi là Tổng Cóc. Nhà ở đường Cống Quỳnh, bà vợ là quản lý báo.

    - Cho người đến bắt nó.

    Khánh Khỉ biết chắc rằng ông sĩ quan nhà binh này chưa được học hành về luật lệ của ngành cảnh sát bao giờ nên nó từ tốn lắc đầu:

    - Thưa sếp không dễ đâu, muốn bắt một anh chủ báo thì phải có giấy tờ đàng hoàng của tòa án. Mình chỉ có thể mời nó với tư cách là một công dân đến tổng nha cảnh sát để hợp tác điều tra về một vụ việc nào đó thôi.

    Vị trung tá át giọng:

    - Tao biết! Tao biết! Mày làm thế nào thì làm. Tao muốn chiều nay thằng chủ nhiệm báo này phải có mặt tại văn phòng này, hiểu chưa?

    - Dạ hiểu. Trung tá ký cho em cái sự vụ lệnh, em đi liền.

    Chỉ mười phút sau Khánh Khỉ đã có giữa tay tờ sự vụ lệnh đóng dấu đỏ chói, nó kêu thêm mấy thằng đàn em phóng xe đến nhà anh chủ nhiệm tờ báo Kịch Ảnh. Nó giữ bộ mặt hiền lành gõ cửa vào nhà, chìa ra tấm giấy mời. Nhưng chẳng may bữa đó ông chủ nhiệm lại vào nằm bệnh viện Saint Paul vì chứng bệnh hen suyễn. Khánh Khỉ lại kéo quân đến bệnh viện. Nó có quá nhiều kinh nghiệm nên đến thẳng văn phòng giám đốc yêu cầu cho mượn bệnh nhân trong một thời gian ngắn. Ông bác sĩ trực thấy bệnh tình của của ngài Tổng Cóc không có gì nguy hiểm nên chấp thuận yêu cầu của tổng nha cảnh sát nhưng theo lương tâm nghề nghiệp, ông bác sĩ cũng nói rõ là không được giữ bệnh nhân của ông quá sáu tiếng đồng hồ.

    Ông Tổng Cóc đang nằm lơ mơ, chẳng hiểu ất giáp gì và ông tin vào sự trong sạch của mình nên ông vui vẻ theo Khánh Khỉ đến tổng nha. Ông được mời vào ngồi trên một chiếc ghế gỗ, Khánh Khỉ lễ phép nói:

    - Xin ông vui lòng chờ trung tá chánh sở của chúng tôi một lát.

    Ông Tổng Cóc yên trí ung dung ngồi chờ. Một lát rồi lại một lát, chẳng thấy ai tiếp ông. Ông sốt ruột đứng dậy đi đi lại lại trong căn phòng khách vắng lặng. Lúc đó đã là bốn giờ chiều ngày hai mươi chín Tết. Lòng ông nóng như lửa đốt. Ông bỗng để ý thấy tờ báo Tết của ông đang nằm trên bàn. Bài "Văn Nghệ và Phút Lít" mở rộng nằm tênh hênh như chọc vào mắt. Ông cầm lên đọc lại. Vừa lúc đó Khánh Khỉ bước ra, nó nhăn nhở cười:

    - Bài này viết hay đấy chứ?

    Tổng Cóc nhún vai:

    - Chuyện tếu thôi mà.

    - Tếu nhưng mà... độc. Mấy thằng viết chuyện tếu phần đông đều là những thằng xỏ là kềnh. Nó viết thế này thì phải hiểu thế khác.

    Tổng Cóc thừa thông minh để biết rằng nói chuyện với mấy anh cảnh sát điều tra phải cẩn thận kẻo nó gài một phát là lắm chuyện phiền phức. Cho nên ông thản nhiên như nói chơi với một người bạn:

    - Có gì đâu, bài này kể về một chuyện thuộc thời Tây ngày xưa, vì thế nên người ta gọi mấy thầy cảnh sát là "phút lít", tức là ở chữ police mà ra. Còn chữ bót là do chữ poste đấy thôi. Đọc như thế là người ta hiểu ngay tác giả nói chuyện ngày xưa.

    Khánh Khỉ chặn họng:

    - Người ta có thể hiểu là chuyện ngày xưa và cũng có thể hiểu là chuyện ngày nay. Chẳng qua chỉ là một sự né tránh quỷ quyệt của các anh thôi.

    Bây giờ thì ông Tổng Cóc biết ngay là mấy anh cảnh sát mời ông lên đây chỉ là vì bài báo này thôi. Xưa nay trong làng báo Sâi Gôn, ông Tổng Cóc vốn có tiếng là người nóng tính, ông chưa từng sợ ai. Vì vậy nên ông bèn giữ ngay cái thế thượng phong của mình, ông hất hàm:

    - Anh nói cái gì? Ai quỷ quyệt? Các anh hay là chúng tôi? Anh có bằng chứng gì không?

    Khánh Khỉ đớ lưỡi:

    - Tôi chỉ nói chơi thế thôi mà. Tôi đâu có quyền gì kết tội các ông.

    - Đúng thế! Chỉ có tòa án mới có quyền kết tội chúng tôi mà thôi. Các anh mời tôi lên đây làm gì vào lúc tôi đang nằm bệnh viện và nhất là vào chiều hai mươi chín Tết như thế này?

    - Chỉ có cấp trên của tôi mới được quyền trả lời câu hỏi của ông.

    - Gọi cấp trên của anh ra đây nói chuyện với tôi. Tôi đã chờ hai tiếng đồng hồ rồi, tôi không có thì giờ.

    - Xin lỗi ông, chánh sở cảnh sát đặc biệt của tôi còn đang bận họp quan trọng ở phủ tổng thống.

    Tổng Cóc la toáng lên:

    - Ông ta bận thì tôi cũng có việc bận. Tôi thừa biết là các anh muốn làm khó dễ tôi, muốn giam lỏng tôi vào những giờ phút quan trọng này. Các anh cố tình phá hoại sự an toàn của công dân, các anh khủng bố chủ nhiệm một tờ báo lớn là vi phạm tự do tư tưởng, vi phạm đệ tứ quyền. Tôi cho ông chánh sở anh mười lăm phút, nếu không ra gặp tôi, tôi sẽ về.

    Nghe nói đến vi phạm luật pháp, vi phạm đệ tứ quyền, nó không hiểu rõ cái quyền đó to đến đâu, Khánh Khỉ cũng đâm chột dạ, nó tìm kế hoãn binh:

    - Được, tôi sẽ gọi điện thoại trình với ông chánh sở ngay.

    - Tôi biết ông chánh sở của anh ngồi trong phòng hay đang ngủ ở nhà chứ chẳng có họp hành gì hết. Tôi sẽ gọi điện thoại cho văn phòng phủ tổng thống xem có cuộc họp nào với chánh sở của anh không. Anh cho tôi mượn cái điện thoại.

    Khánh Khỉ chuồn ngay vào phòng trong xin chỉ thị của sếp. Nhưng có lẽ ông sếp đã bỏ vế nhà với vợ chuẩn bị đón quà Tết của nhân dân ăn một cái Tết lớn nhất trong đời. Khánh Khỉ loay hoay mãi mà không dám gọi điện thoại cho sếp. Nó lại nghe tiếng ông Tổng Cóc hét ào ào ngoài phòng khách:

    - Tôi về. Các anh cần gì thì cứ đưa tôi ra tòa. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về bài báo đó.

    Một anh lính cận vệ giơ khẩu súng lục nòng ngắn lên:

    - Anh bước ra xe là tôi bắn.

    Khánh Khỉ vội chạy ra. Nó thấy ông Tổng Cóc tỉnh bơ mở cánh cửa xe hơi, ông ta vênh mặt:

    - Bắn đi. Tôi thách cả cái tổng nha của anh cũng không dám bắn tôi đâu. Các anh muốn ăn tết hay muốn đi tù cả nút đây?

    Rồi ông ta lái xe ra cổng, đi thẳng một mạch. Mấy vị cảnh sát chìm, cảnh sát nổi của nhà nước đứng trơ mắt ra nhìn. Khánh Khỉ biết võ vẽ chút luật lệ nên nó đành chịu thua chờ báo cáo lại với sếp chứ chẳng làm được trò trống gì. Khánh Khỉ bị ông trung tá chánh sở chửi cho một trận nên thân phạt nó trực ứng chiến luôn ba ngày Tết. Thế là bỗng dưng Khánh Khỉ mắc cái oan Thị Kính. Nó nằm khàn trong sở, tối ngày đánh bài với mấy thằng đàn em.

    Nhưng trong cái sui lại có cái hên. Nó đang thua cháy túi thì một thằng đàn em nó chạy vào rỉ tai nó:

    - Có một vụ rất hấp dẫn. Bọn thằng Du nài ngựa vừa tiết lộ đã khám phá ra "bãi đáp" của cánh con Nhung Bờ Hồ rồi.

    Mắt Khánh Khỉ sáng quắc như hai cái đèn pha xe vận tải:

    - Thật không? Ở đâu?

    - Một cái bãi lớn, chứa đầy hàng Mỹ.

    Khánh Khỉ vọt dậy đi liền. Chuyến này nó có dịp trả thù con Nhung Bờ Hồ và có dịp lập công với sếp mới của nó. Nhưng vốn là thằng có kinh nghiệm, nó đến hỏi thăm bọn Du nài ngựa và kiểm tra lại địa điểm đàng hoàng. Khi chắc chắn là nguồn tin đúng, nó còn dò xét xem lý do nào bọn Du nài ngựa lại tố cáo Nhung Bờ Hồ. Rất giản dị là cánh bà Năm Đồng cũng vừa về một số hàng nên cạnh tranh với bọn Nhung Bờ Hồ để tung hàng của mình ra bán độc quyền.

    Thế là ngay đêm hôm mồng hai Tết, một cuộc hành quân cảnh sát đặc biệt được xuất phát. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ là nguyên cái bãi hàng lậu đáng giá năm bẩy trăm triệu đồng bị tịch thu. Lẽ dĩ nhiên không loại trừ khả năng bọn Khánh Khỉ đã chuồn êm đi một mớ làm của riêng.

    Nhung Bờ Hồ và Kim Yến bị bắt. Cơ nghiệp mất sạch. Khi Nhung Bờ Hồ ngồi trong nhà tạm giam, Khánh Khỉ mới xuất hiện. Nó nhăn nhở:

    - Thế nào người đẹp? Còn nhớ tôi chứ? Trái đất tròn quá phải không cô em?

    Nhung Bờ Hồ không ngờ Khánh Khỉ cũng chui vào Nam, cô biết rằng đã gặp địch thủ không đội trời chung. Nhưng bản tính cô vẫn cương cường, cô bĩu môi:

    - Cái bản mặt anh làm sao tôi quên được, tôi nhớ cả nhát dao tôi tặng anh vào ngực, tiếc rằng tôi nhẹ tay quá cho anh còn sống đến hôm nay. Thì ra anh vẫn theo tôi để rình cơ hội trả thù?

    - Tôi là người ân oán phân minh, có ơn thì phải đền, có oán thì phải trả.

    - Được, nhưng các anh không làm gì được tôi đâu.

    - Đợi đấy rồi cô sẽ biết.

    Nhung Bờ Hồ quay đi không thèm trả lời.

    Quả nhiên chỉ hai ngày sau, người ta lại điệu đến một người đàn bà. Người này thú nhận là chủ toàn bộ cái "bãi đáp" hàng lậu. Hai vị luật sư danh tiếng nhất của Sài Gòn đưa đơn yêu cầu thả ngay thân chủ của họ là bà Hoàng Kim Yến và bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung bởi họ vô can, không có bằng chứng để giam giữ họ.

    Nhung Bờ Hồ và Kim Yến thảnh thơi ra về. Còn bao nhiêu của cải họ phải lo cho luật sư, lo cho gia đình người đàn bà đã đứng ra nhận tội thay cho hai người, lo tiền nộp phạt.

    Hai mẹ con Kim Yến phải trở lại căn nhà chật hẹp trên một chung cư. Mộng Vân lúc này đã là cô gái mười tám tuổi, xinh đẹp mặn mà. Kim Yến tiếc của nằm liệt cả tháng trời. Phán Long vẫn là một con người chung thủy, ông ta lại tím đến với mẹ con Kim Yến. Ông ngỏ lời mời hai mẹ con Kim Yến về chung sống. Bà Phủ, mẹ ông, mất rồi, nhà chỉ còn lại hai bố con và một chị người làm. Ông ta hiền lành, đứng mực, luôn luôn tỏ ra là một vị công chức gương mẫu. Nhưng Kim Yến nói thẳng:

    - Tôi chỉ có thể coi ông như một người anh. Lúc này tôi mất hết, tôi trắng tay nhưng tôi vẫn luôn là một người đàn bà có chí hướng đi lên, có mộng làm giàu chứ không thể sống một cuộc đời bình lặng như trong gia đình ông được. Nếu làm vợ ông, tôi sẽ bắt ông ăn hối lộ, sẽ lợi dụng địa vị của ông để buôn gian bán lận, miễn làm thế nào có tiền thì thôi. Ông có thể chịu được một người đàn bà như thế không? Tôi không muốn làm thay đổi cuộc đời ông hay nói cho đúng hơn bôi đen danh giá ông. Tôi đã vào cuộc chơi này thì không thể nào bỏ được. Bằng mọi giá tôi sẽ trả lại cho cánh con mẹ Năm Đồng tất cả những gì nó đã làm cho tôi trắng tay như hôm nay. Ông không thể giúp tôi việc này được đâu.

    Phán Long khuyên nhủ:

    - Oán thù không làm nên sự nghiệp đâu.

    Kim Yến thân mật vỗ vai Phán Long:

    - Tôi biết ông sẽ nói như thế. Ông muốn tôi trở về làm một bà phán Long chân chỉ hạt bột như một chị vú già để rồi chết già trong cái căn nhà yên tĩnh như một nấm mồ đó sao? Trước kia, khi chưa đi lấy chồng, mộng ước của tôi chỉ đơn giản có vậy, nhưng cuộc đời đã dạy tôi hay nói cho đúng đã bắt tôi phải sống với bão táp, lừa lọc. Tôi phải bán thân cho một anh già để thoát ra khỏi cảnh giả bộ làm một chị nhà quê chất phác nằm đợi chồng. Tôi phải làm vợ hờ của một anh chàng buôn lậu làm chỗ tựa khi sanh nở. Tôi phải làm vợ thằng André để làm một cuộc đổi đời, vươn lên với người ta. Ông tưởng tôi muốn những thứ đó lắm sao? Tôi căm thù những thứ đó, tôi ghê tởm chúng như người ta ghê tởm tôi vậy.

    Phán Long mủi lòng, ông nắm tay Kim Yến:

    - Trái lại tôi rất hiểu em, tình yêu của tôi vẫn dành cho em, dù em có là cái gì đi chăng nữa.

    - Cảm ơn ông, em hiểu là ông thành thật. Nhưng chính vì sự nhân hậu của ông mà em không thể nhận lời ông được. Nhất là trong hoàn cảnh này, em không còn gì cả, em càng không thể bám lấy ông. Em có lòng tự trọng của em. Em có thể lợi dụng người khác chứ không thể lợi dụng ông được. Ông về đi, em mong ông chọn được một người đàn bà khác xứng đáng với ông hơn.

    Phán Long đành lủi thủi ra về. Ra đến cổng ông gặp Mộng Vân vừa dừng xe honda. Mộng Vân cất tiếng reo vui:

    - Chào bác, sao bác không ở chơi? Bác không gặp mẹ cháu sao?

    - Có, bác gặp rồi. Bác phải về có chút việc bận.

    Nhìn vẻ mặt buồn buồn của Phán Long, Mộng Vân đoán là đã có chuyện gì xảy ra rồi. Cô không tiện hỏi nên chỉ cúi đầu chào khi Phán Long leo lên xe hơi. Cô dắt xe honda vào nhà. Nhìn vẻ mặt thẫn thờ của mẹ, Mộng Vân lên tiếng thăm dò:

    - Bác Phán Long đến chơi hay có chuyện gì không má?

    Kim Yến cố tạo một nụ cười:

    - Thì cũng lại là ba cái chuyện đón mẹ con mình về ở chung. Mẹ từ chối vì con biết đấy, sống chung một gia đình khác nhiều cái phức tạp lắm. Cái gì cũng phải giữ gìn, ké né. Ngay như bạn bè con đến chơi cũng không được tự nhiên.Thà là mẹ con mình ở riêng, dù chật chội thiếu thốn mà tự do hơn.

    Mộng Vân thấy má cô có lý nên cô im lặng mặc dù cô rất có cảm tình với Phán Long. Đôi khi chính cô còn mong má cô nhận lời lấy ông Phán Long cho cuộc đời bà đỡ cô đơn và cô cũng có được một người cha hiền lành phúc hậu. Tuy nghĩ vậy song không bao giờ cô nói với mẹ điều này. Cô tôn trọng sự tự do của mẹ. Một lát sau, trong khi sửa soạn món bún thịt nướng với mẹ ở dưới bếp, Mộng Vân nói:

    - Có một ban nhạc mời con hợp tác với họ ở nhà hàng Quốc Tế. Đó là một nhà hàng lớn má ạ.

    - Má biết nhà hàng đó rồi. Nhưng con còn đang đi học.

    - Vừa học vừa làm, có sao đâu má? Tụi bạn con chúng nó biết con hát ở đài phát thanh rồi. Đứa nào cũng khuyên con nên đi hát.

    Kim Yến nhìn con ngần ngại:

    - Dù sao má cũng thấy con chưa đủ kinh nghiệm vào đời, nhất là với những nơi chốn hỗn tạp như thế.

    - Má đừng lo, hư hỏng hay không là tại người chứ chẳng phải tại nghề nghiệp má ạ. Ở nhà, má cứ cho con là bé bỏng khờ dại, bởi vì má khôn ngoan quá trời, con có dịp đâu mà trổ tài cho má thấy con là người lớn.

    Hai mẹ con cùng cất tiếng cười. Mộng Vân tiếp:

    - Vả lại hồi này con thấy công việc của má thất bại, má không được khỏe. Con không muốn là một cái gánh nặng cho má. Con phải giúp đỡ má mới đúng chứ. Con đi làm mỗi tháng cũng kiếm thêm được vài trăm ngàn, đủ cho má khỏi phải lo việc chi tiêu hàng ngày. Bao giờ má khỏe, làm ăn xuông xẻ rồi con nghỉ hát, có sao đâu.

    Kim Yến cảm động nhìn con, chị thấy con gái mình khôn lớn thật rồi. Nó đã hình thành tính cách riêng của nó, khôn ngoan và tinh tế chứ không còn khờ dại nữa. Dù sao chị cũng tiếc rằng đã không hoàn thành tâm nguyện là lo cho con một đời sống đầy đủ cho nó học thành tài. Chị khẽ thở dài:

    - Con cứ tin đi, thua keo này bày keo khác, má nhất định sẽ lo được cho con.

    - Đến lúc đó hãy hay má ạ. Lúc này là lúc con giúp được má, con tự thấy có bổn phận phải làm.

    Kim Yến suy nghĩ một chút rồi hỏi:

    - Những người trong ban nhạc của con có tin tưởng được không?

    Mộng Vân chớp nhẹ đôi mắt, mỉm cười:

    - Chẳng ai có thể tin tưởng được cả. Con chỉ tin vào chính bản thân con thôi.

    - Hay lắm, con biết người biết mình rồi đấy. Người ta thường lợi dụng nhau, trao đổi quyền lợi với nhau chứ khó có người nào giúp đỡ nhau thật tình. Đến ngay một người tốt như ông Phán Long, nếu ông ta không muốn chiếm đoạt được má thì gia đình ông ta cũng chẳng cưu mang mình đến như thế đâu.
    Last edited by Minh Nguyệt; 02-21-2011 at 08:49 AM.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Phong( Gió)
    By sophienguyen in forum Nhạc Trung Hoa
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-12-2011, 03:26 AM
  2. Sự tích hoa Phong lan
    By giavui in forum Truyện Audio Giải Trí
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-26-2011, 04:38 AM
  3. Phong Thủy Shopping.
    By Phụng Nhi in forum Phong Thủy & Tướng Số
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-13-2010, 10:40 PM
  4. Phong Thuỷ
    By Mặc Vũ in forum Phong Thủy & Tướng Số
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 11-05-2010, 03:41 PM
  5. Phong Lan
    By Minh Nguyệt in forum Truyện Ma - Kinh Dị
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-29-2010, 12:18 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •