Chương 8

Mộng Vân mang được hai đứa con sang Mỹ ba năm thì cô bước thêm bước nữa. Cô lấy được một ông chồng trẻ tuổi tài hoa có bằng cấp kỹ sư điện tử và đang làm manager cho một hãng sản xuất linh kiện máy tính. Cuộc sống của hai vợ chồng hoàn toàn êm đẹp. Cô ở xa cộng đồng người Việt. Thỉnh thoảng có một nơi nào tổ chức ca hát hoặc một hãng thâu băng video mời, cô lại thay đổi không khí làm một cuộc viễn du một hai tuần và mang về một số tiền kha khá dành cho việc sắm sửa cho hai đứa con và gửi đôi chút cho mẹ và những người bạn còn ở lại Việt Nam. Trong đó có cả Sinh còn nằm trong một trại giam cách Sài Gòn hơn trăm cây số.

Nhưng cũng lại vì những đứa con và những ngày Mộng Vân đi viễn du, anh chồng cảm thấy vô lý khi phải đưa đón, săn sóc hai thằng nhóc không phải là con mình. Sự rạn nứt bắt đầu và rồi những cuộc rạn nứt ấy trở thành cái hố sâu thẳm không còn gì hàn gắn được nữa. Anh chồng bắt đầu đi hoang với một cô Tàu lai là bạn cùng sở. Muốn chấm dứt cuộc sống chung này, cứ đến ngày cuối tuần anh ta công khai về ở chung với cô tình nhân mới. Mộng Vân cũng chẳng chịu kém, cô bắt bồ ngay với lão chủ của ông chồng là một anh Tây sống ở Mỹ từ cái thời ông cha anh còn phải chiến đấu với dân Mohican, thổ dân Bắc Mỹ. Cuộc tình tay tư ấy chấm dứt bằng một cuộc ly dị không điều kiện. Anh chủ Tây mê Mộng Vân như điếu đổ, anh chấp nhận hết và nhất định đòi ly dị cô vợ hiền lành đã có ba đứa con với mình để làm hôn thú với Mộng Vân hẳn hoi. Nhưng Mộng Vân thẳng thắn trả lời:

- Tôi không thể nào sống chung với anh được, tôi không tìm thấy hạnh phúc mà chỉ tìm thấy lạc thú. Chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ hiểu nhau.

Mộng Vân mang hai con trở về chung sống bên cộng đồng người Việt. Dù có thế nào thì ở đây cô cũng còn thấy được một chút ấm cúng nhất là trong những dịp lễ tết. Ra đường còn có thể gặp những người thân quen hay là không thân quen nhưng ít ra người ta cũng không nhìn cô bằng những cặp mắt xa lạ. Cô lại có thì giờ đi hát, mặc dầu cô không thể so sánh được với những ca sĩ mới nổi và những bậc đàn chị cũ, nhưng cũng là một sinh hoạt gần gụi với cô. Tuy vậy, cuộc sống ở đây lại quá khó khăn. Tiền đi hát kiếm được bữa đục bữa cái, Mộng Vân không có được một đời sống ổn định, lại còn phải lo cho hai đứa con ăn học. Cô lại phải sống dựa vào một người đàn ông khác. Cuộc tình không hẳn là tình mà hôn nhân cũng không phải là hôn nhân. Nhưng anh chồng mới của cô lại là một con người hiền lành thật thà. Cô phán gì anh nghe nấy, không một lời than van. Mấy đứa con cô tha hồ sống theo kiểu Mỹ, anh ta chẳng nói một lời. Vốn là dân sống mãi với làng quê cho đến ngày ra đi định cư, anh ta chưa lấy vợ bao giờ. Lấy được Mộng Vân anh cho là mình đã đạt được tới đỉnh của ước mơ. Hai vợ chồng bàn nhau mở một cửa hàng bán giò chả, bánh cuốn, điểm tâm buổi sáng. Hai vợ chồng cùng chịu khó nên cuộc sống có phần sung túc hơn. Mộng Vân vẫn thầm hiểu hai vợ chồng cô là hai thái cực, nhưng khi hai cái cực âm dương ấy dung hòa được với nhau thì lại rất êm đẹp.

Giữa lúc đó thì ở Sài Gòn Sinh được thả về. Rồi chương trình tị nạn chính trị HO được cả hai bên chính phủ Việt Mỹ ký kết đề huề. Mộng Vân làm một cử chỉ đẹp là bảo lãnh cho Sinh sang định cư ở Mỹ.

Thế nhưng ngay từ những ngày còn ở trong trại cải tạo, Sinh đã biết tin Mộng Vân có gia đình khác. Anh viết thư thưa dần và âm thầm đau đớn khi đọc những hàng chữ "Dear Dad" của những đứa con không hề nói và viết được một tiếng Việt Nam nào. Về đến Sài Gòn, anh sống dựa vào bà con họ hàng. Anh sẵn sàng mang thân đi làm thuê mà không biết làm việc gì. Sau cùng anh phải ra chợ An Đông làm nghề giúp các bà, các cô dọn hàng. Ngay từ sáng sớm anh đã phải có mặt để khuân vác những món hàng nặng cồng kềnh từ chỗ xe đậu đi suốt dọc chợ, rồi chiều đền lại khuân vác những món hàng từ trong lòng chợ ra xe. Chẳng ngờ, từ đó lại nảy sinh một mối tình lãng mạn. Trước đây nàng là nữ sinh, cuộc đời cũng đã một đôi lần dang dở. Nàng có một cửa hàng bán vải, chàng giúp nàng khuân vác. Khi nàng biết rõ thân thế chàng, nàng không ngần ngại cùng chàng chung sống. Hạnh phúc là những ngày tháng êm đềm trôi đi.

Khi những người bạn chàng hăng hái làm các thủ tục xin đi định cư theo diện tị nạn HO thì chàng tỏ ra thờ ơ. Nàng còn vướng cái giấy giá thú với người chồng cũ và một vài đứa con, chàng cũng lại vướng cái giấy giá thú khi Mộng Vân ra tay nghĩa hiệp gửi theo bảo lãnh chàng cho chắc ăn, không ngờ nó lại trở thành những chướng ngại cho việc ra đi của cả hai người. Nàng thẳng thắn nói với chàng:

- Em không cao thượng và cũng không vì thương anh, nếu anh muốn ra đi thì cứ làm thủ tục, em cam đoan không làm khó dễ gì hết. Ở bên đó anh còn những đứa con, còn bạn bè và tương lai của chính anh. Hãy ra đi một mình. Em không là một vật cản đường và cũng không muốn mang theo mặc cảm đó.

Chàng thản nhiên:

- Anh đã nhận hạnh phúc em cho trong khi anh bơ vơ, anh thấy không cần phải đi đâu hết.

Họ ở lại bên nhau, mặc dầu tự trong thâm tâm chàng cũng có những thoáng ray rứt. Đối với Mộng Vân, Sinh coi như bạn. Nhận được điện thoại của Mộng Vân báo tin về đến Sài Gòn và ngỏ ý muốn đến thăm, Sinh vui vẻ nhận lời.

Hai người gặp nhau trong căn nhà nhỏ. Sau bao nhiêu năm xa cách, mỗi người đổi thay theo một cách khác. Già đi là việc tất nhiên, nhưng dường như sự cách xa chỉ như mới tháng trước, năm trước. Lời Vân mở đầu ngập ngừng:

- Cuộc đời trôi nhanh quá phải không anh?

- Mới đó đã hơn hai mươi năm.

Sinh mỉm cười:

- Con cái chúng ta đã khôn lớn cả rồi.

- Chúng không còn ở với em nữa. Đứa ở Washington, đứa không kiếm được việc phải sang Canada. Cả năm mẹ con em mới gặp nhau một lần vào dịp Tết Dương Lịch. Chúng thường nhắc đến anh.

- Lâu lâu anh cũng nhận được một lá thư của các con. Như thế cũng đủ rồi.

- Chúng luôn nhớ rằng còn có một người bố ở lại Việt Nam. Sẽ có dịp chúng về thăm anh và bà ngoại của chúng.

Cả hai cùng không ngờ rằng cuộc gặp gỡ lại nhẹ nhàng đến thế. Nó giản dị vì có một bức tường vô hình nào đó ngăn cách tình cảm, có một ranh giới nào đó không ai có thể vượt qua. Câu chuyện mang một vẻ khách sáo riêng biệt. Mộng Vân cố làm ra vẻ thân mật:

- Tại sao anh không đi ?

- Anh không thể nhận một chút tình thương hại của em.

- Anh sống như thế nào?

Sinh xòe hai tay, nhìn quanh căn nhà:

- Như Vân đã thấy. Cái nhịp điệu bình thường của tháng ngày. Sáng giúp bà vợ dọn hàng ra chợ. Xách xe đi lấy hàng, trả tiền, thu tiền và chiều chiều dọn hàng ngoài chợ là xong một ngày. Ở đây còn một số bạn bè, thỉnh thoảng gặp nhau, lâu lâu bày ra một cuộc ăn uống. Niềm vui là ở đó. Không phải lo nghĩ gì cả.

- Không ai làm phiền gì anh chứ?

- Tôi còn gì nữa để người ta làm phiền? Ở đây, mình hiểu rõ mình là ai. Là một phó thường dân. Có nghĩa là thua anh bạch đinh một chút xíu. Ngày xưa, anh bạch đinh Chí Phèo còn cào mặt ăn vạ, và sự ăn vạ của anh ta còn có giá. Bây giờ anh phó thường dân thì không nên cào mặt ăn vạ vì nó chẳng có chút giá trị nào.

Mộng Vân cất tiếng cười:

- Sống mà cứ luôn luôn phải biết rõ mình là ai, kể cũng mệt. Ở bên kia, tụi em không có thì giờ nghĩ đến những chuyện như vậy.

- Rồi mọi sự sẽ trở thành thói quen thôi. Còn em, cuộc sống gia đình thế nào?

- Em chọn một ông chồng hoàn toàn quê mùa. Ở Mỹ mà không biết nhảy đầm, anh có tin không? Ngày xưa anh ấy sống ở vùng quê thế nào thì sang xứ người anh ấy cũng sống như thế. Có thể nói anh ấy trái ngược hẳn với anh. Chưa từng là anh hùng và cũng chưa biết bại trận. Không có mặc cảm nào hết. Thoạt đầu, em cứ nghĩ là tạm thời dựa vào anh ấy để nuôi hai đứa con rồi sẽ tính sau. Nhưng càng sống lâu với nhau em càng thấy rằng như thế là yên ổn. Em bằng lòng với cuộc sống ấy.

Sinh gật đầu. Anh hiểu rõ Mộng Vân muốn nói gì.

Có những chuyện không cần nói ra, song cả hai cùng biết đã nói đủ rồi. Sự dứt khoát là như thế đấy. Không tuyên bố ồn ào, không có một sự khẳng định nào nhưng rất rõ. Cho đến khi cáo từ Sinh ra về, Mộng Vân như trút được một gánh nặng. Sinh cũng cảm thấy một sự thanh thản, không hận thù, không quyến luyến. Bình thản như một khoảng thời gian qua đi. Một dĩ vãng chỉ còn lại trong dĩ vãng như nó chẳng nói lên được một điều gì.

Phải chăng đó là dấu vết của một cuộc chiến tranh âm thầm để lại?

Tiễn chân hai người thân lên máy bay trở lại xứ người, Kim Yến mang nỗi buồn của một sự mất mát to lớn. Chị trở lại hợp tác xã và chị kinh ngạc khi thấy người ta đã dời bàn làm việc của chị đi chỗ khác. Chị đi tới hỏi một người thư ký quen cũ:

- Chuyện gì xảy ra ở đây vậy? Thay đổi lung tung...

Cô thư ký cũng tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Có thật bà không biết gì không?

- Tôi nghỉ hơn một tuần nay.

- Ông nhà cũng không nói gì với bà sao?

- Ông ấy nằm viện.

- Thưa bà, ông nhà đã xin từ chức và đã được phê chuẩn rồi. Tôi có thấy hai lá đơn của ông và của bà.

Kim Yến choáng người:

- Có việc gì không lành xảy ra hay sao?

- Chẳng có việc gì hết. Ông nhà xin từ chức vì lý do bệnh tật có nguy cơ truyền nhiễm và vì tuổi ông cũng đã cao rồi. Có giấy của bác sĩ nên được chấp thuận dễ dàng. Mọi thứ hồ sơ, biên bản bàn giao, chúng tôi đã làm xong và đã được ông ký cách đây hai hôm. Như thế là từ nay ông bà không còn vướng mắc gì với hợp tác xã này nữa.

- Bệnh tình của nhà tôi là bệnh gì? Tôi có nghe ông ấy nói gì đâu. Hay là vì bệnh nặng nên ông ấy giấu tôi?

Cô thư ký bỗng mỉm cười:

- Có thể là như thế và... cũng có thể là không phải như thế đâu.

- Cô nói cái gì vậy?

- Xin lỗi bà, tôi lắm chuyện đấy thôi. Nhưng dù sao thì tôi cũng nghĩ ông là người khôn ngoan nhất trong những người khôn ngoan giữa thời buổi này. Ông bà đâu còn thiếu gì nữa, vậy đi làm để làm cái gì? Trút được mọi trách nhiệm ở một cơ sở đã lâu năm như một cái nhà đầy những lỗ chuột khoét lung tung, như thế không là khôn ngoan sao? Tôi thành thật mừng cho bà đấy.

Kim Yến nhíu mày, chị không thể hiểu hết những gì cô thư ký già này vừa nói. Chị có vẻ bực mình vì sự thay đổi đột ngột này, dù cho nó có là khôn ngoan đi chăng nữa thì ít nhất ông Vinh cũng phải bàn với chị trước đã chứ. Chị phóng ngay ra cửa, quên cả cảm ơn cô thư ký, leo lên xe vào bệnh viện. Ông Vinh đang ngồi ung dung đánh cờ tướng với mấy người bạn già, nhìn thấy Kim Yến hầm hầm bước vào, ông đứng lên chạy đến bên vợ. Tiếng ông nhỏ nhẹ:

- Em đến hợp tác xã rồi phải không?

Kim Yến hất hàm:

- Anh làm trò gì vậy?

Tiếng cười của ông Vinh vẳng lên, ông kéo bà đến ngồi trên một chiếc ghế xi măng dưới một vòm cây cổ thụ, giọng ông vẫn đầy vẻ khôi hài:

- Làm cái trò mà người ta gọi là "hạ cánh an toàn", bà hiểu chưa?

- Không hiểu gì cả!

Bàn tay ông Vinh ân cần ôm vai vợ:

- Tôi tin là bà biết, biết hết, nhưng bà bực bội vì cái tội tôi không bàn bạc gì với bà thôi. Có đúng thế không?

Kim Yến im lặng. Ông già đã nói trúng tim đen của bà. Ông Vinh khôn ngoan hơn, ông lại vội bịa ngay ra một chuyện mà trước đây ông không hề nghĩ tới sẽ phải dùng thủ đoạn này với bà, ông dọa:

- Tôi nghe một người bạn ở viện kiểm sát nói là đoàn thanh tra sắp đến cơ sở mình. Có một đứa nào đó viết thư tố cáo là mình gian lận, nhất là những công-ten-nơ hàng điện máy nhập mập mờ. Hàng còn nằm trong kho hải quan, tôi từ chối không nhận và phía gửi hàng đã gửi giấy qua khai là gửi nhầm địa chỉ. Nhưng như thế cũng không tránh khỏi bị điều tra.

Quả nhiên cái đòn này đã khiến Kim Yến tắc họng. Chị hỏi chồng:

- Rồi sao?

- Nhà đang có khách từ nước ngoài về thăm, lại còn cái cô Nhung Bờ Hồ mồm như cái chuông nhà thờ, tôi không muốn bàn với bà chuyện này để bà phải lo và tránh mọi chuyện vỡ lở ra thì quả là không hay chút nào. Vì thế nên khi được tin này là tôi chui vào nằm viện ngay. Tôi lại gạ được một anh đang làm trưởng phòng, có tí tiền và mới có được một cái ô dù khá chắc chắn cho hắn về thay tôi làm chủ nhiệm. Thời buổi này có lắm thằng thấy chết, nhưng món ăn ngon dâng lên tận miệng, không bỏ được. Hắn còn trẻ, chưa có kinh nghiệm gì, đang hăng tiết vịt, hắn sẽ xin biến cái hợp tác xã này thành một công ty liên doanh với nước ngoài. Chắc hắn sẽ làm được. Bởi vậy nên tôi đưa văn bản nào lên hắn cũng ký tưới hột sen. Sau này hắn sẽ lãnh mọi hậu quả và hắn chạy chọt được thì sống, không chạy được thì toi mạng. Mình phủi tay ra đi thơ thới. Như thế không phải là kế sách vẹn toàn sao?

Kim Yến nghe đã có vẻ xuôi tai nên chị lại thấy ông chồng mình đáng yêu và bây giờ thì chị hiểu thấu đáo lời khen ngợi nhiệt tình của cô thư ký già. Chị quay sang hỏi chồng:

- Nhưng còn ông có bệnh tình gì không?

- Già rồi, thế nào chẳng có bệnh. Nhưng toàn là thứ bệnh lăng nhăng ấy mà. Không có gì quan trọng hết. Bà yên tâm, một hai hôm nữa tôi sẽ về. Mấy người đó lên máy bay chưa?

- Tôi chờ máy bay cất cánh rồi mới trở về hợp tác xã thì không còn ghế mà ngồi nữa. Lúc này thiên hạ nó bạc bẽo lắm. Mình vừa đứng lên là nó không còn coi mình ra gì ngay.

- Bà nên mừng mới đúng. Tôi đã tính toán hết rồi. Đất cát, nhà cửa, tiền bạc của mình, sơ sơ cũng có ba tỉ rưỡi. Tha hồ cho bà ăn tiêu. Ra ngoài mở một cái cửa hàng cũng dư sức qua cầu.

- Mình lấy lại cái cửa hàng đang cho mướn, mở một hàng ăn chứ ngồi không tôi chịu không nổi đâu.

- Tùy bà. Miễn là tôi thảnh thơi, không phải lo sốt vó lên mỗi khi có chuyến hàng kẹt là tôi mãn nguyện rồi. Làm quan to không sướng bằng làm thằng dân có tiền. Làm thằng dân có tiền mà quen các quan to lại còn sướng hơn. Sáu mươi năm tôi mới học được bài học này. Nói thật, bây giờ tôi chỉ còn lo giùm cho thằng Thắng nhà bà nữa mà thôi. Bố vợ nó là ngài thứ trưởng, nhưng cũ quá rồi, người ta sẽ phải thay bằng một lớp trẻ hơn, có khả năng hơn.

- Thì chính là lớp người như thằng Thắng sẽ lên thay bố vợ nó.

Ông Vinh lắc đầu:

- Cái thứ khả năng của nó chỉ là thứ hàng giả. Bằng cấp giả, đạo đức giả, hiểu biết nửa vời, khi đụng tới công việc với chính phủ nước người mới lòi cái dốt ra. Chưa chi đã đua đòi cái phong cách sống của những anh tư sản, học cách phong kiến. Nó muốn quay lại cái thời đại nào đây?

Kim Yến cho rằng ông Vinh nhận định có phần đúng. Chị nhớ lại cái thời phong kiến trong làng cả So chị đã sống xưa cũ và lặng lẽ thở dài.

Ông Vinh xuất viện được ít lâu, hai ông bà dự tính đi đưa nhau đi du lịch một vòng để rũ bỏ sạch những vướng bận của cuộc đời cũ. Nhưng cuộc đời lại không tuân theo sự sắp đặt của con người. Cái bệnh giả vờ của ông Vinh lại biến thành bệnh thật. Và cái bệnh thật lại nặng hơn cái bệnh vờ. Bởi vì khi bệnh vờ ông chỉ cần một cái giấy chứng nhận mà không cần khám. Đến khi có bệnh, ông buộc phải khám thì lại là bệnh ung thư. Đúng là cái thứ bệnh hết thuốc chữa.

Ông lại chui vào viện, bà lại lo quýnh quáng. Cho đến khi bác sĩ khuyên bà nên cho ông về nhà tĩnh dưỡng và điều trị bằng cách "hóa trị" có nghĩa là nằm chờ ngày ra đi vĩnh viễn. Bà lại phải nói dối ông là bệnh tình thuyên giảm cho tinh thần ông thư thái, hy vọng kéo dài được tuổi thọ thêm ít ngày. Cái vòng tròn cuộc đời quanh quẩn, xoay đi xoay lại, dường như người ta không còn có thể sống thật được với nhau và với ngay cả chính mình.

Rồi một buổi họ hàng, anh em bè bạn tụ họp nhau đưa ông Vinh đến lò thiêu. Bà quả phụ Kim Yến trở về với căn nhà hoang vắng. Tất cả đã bỏ bà ra đi. Bà ngồi nhìn cơn mưa cuối mùa ập xuống sau khuôn cửa kính. Lòng bà lạnh băng. Bà nghĩ đến những người đàn ông đi qua cuộc đời mình...