(tiếp theo)
Chương 6
Trí thức và dân chủ tại Việt Nam trong thế kỷ XX
Từ Phan Châu Trinh, Hoàng Đạo đến Nhân Văn Giai Phẩm

Những bài viết chủ yếu in trên NVGP gồm hai loại: Loạt bài chính luận trực tiếp định hướng tư tưởng của các nhà trí thức và loạt bài sáng tác dấn thân nói lên khát vọng tự do của các văn nghệ sĩ. Hai thể loại này đan cài và bổ sung cho nhau, tạo nên làn sóng đấu tranh toàn diện cho tự do dân chủ và tự do tư tưởng. Trí thức trong vị trí dẫn đường, được xếp vào loại A. Văn nghệ sĩ, ít "nguy hiểm" hơn, được xếp vào loại B[1].

Vì trí thức và dân chủ là hai trục chính trong cuộc đấu tranh: trí thức dẫn đường và dân chủ là mục đích, cho nên trước khi phân tích nội dung tranh đấu của phong trào NVGP, ta cần tìm hiểu mối tương quan giữa trí thức và dân chủ ở Việt Nam trước và trong thời kỳ NVGP. Nguyễn Mạnh Tường là nhà trí thức duy nhất trong thời kỳ NVGP, đã để lại những trang viết mà ngày nay ta có thể dựa vào như những tư liệu chính trị, xã hội, phản ảnh vai trò của người trí thức trong giai đoạn đấu tranh cho tự do dân chủ những năm 50 ở miền Bắc và hiểu được tại sao chế độ cộng sản lại "căm thù" trí thức và loại trừ trí thức.

Phan Châu Trinh và dân trị chủ nghiã

Khái niệm tự do dân chủ phát xuất từ Tây phương. Nhưng tự do dân chủ không xa lạ gì với người Việt, bởi, nói như Hoàng Đạo: "Khái niệm tự do dân chủ đã theo chiến hạm Pháp nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ XIX". Đối với những nhà cách mạng Tây học đầu thế kỷ XX đã dùng tiếng Pháp để chống Pháp trên báo ở Pháp và ở Việt Nam, như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh... tự do dân chủ là điều kiện hiển nhiên và tất yếu của con người, thu nhận trực tiếp qua giáo dục học đường.

Nhưng đối với những nhà nho, tự do dân chủ, phải đi vòng qua tân thư, là những sách mà trí thức Trung Hoa như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... đã dịch Montesquieu, J.J. Rousseau... ra chữ Hán. Phan Châu Trinh, một trong những nhà nho chủ trương phong trào Duy Tân, đã tiên phong bàn về dân chủ. Sau 14 năm ở Pháp về, cuối năm 1925, ông diễn thuyết tại Hội Thanh Niên Sài Gòn, đề tài Quân trị chủ nghiã và dân trị chủ nghiã, luận văn cơ bản phân biệt quân chủ và dân chủ, cho một dân tộc chưa thoát vòng nô lệ.

Việt Nam đầu thế kỷ XX, trình độ dân trí còn kém, Phan Châu Trinh chỉ cắt nghiã ngắn gọn: dân trị là cứ bảy năm người dân bàu lại ông Giám Quốc (Tổng Thống) một lần, còn quân chủ, vua là cha truyền con nối. Dân trị có nghị viện do dân bàu lên, giữ quyền lập pháp. Quyền hành pháp giao cho quan tòa, thuộc ngành tư pháp, ở trong chính quyền nhưng có vị trí độc lập. Và ông kết luận: "Nói tóm lại, dân trị tức là pháp trị. Quyền hạn và bổn phận của mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc nhà nước hay là người thường, đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi, tự do muốn bước tới bao nhiêu cũng được, không ai ngăn trở cả. Chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền hạn của người khác thì không được mà thôi"[2].

Sự giáo dục dân chủ cho một quần chúng sống dưới thời phong kiến và nô lệ, được Phan Châu Trinh đề ra từ năm 1925. Hơn mười năm sau, Hoàng Đạo, nhà văn kiêm luật gia, tiếp tục việc giáo dục quyền công dân, quyền làm người trên báo Ngày Nay, sử dụng quyền tự do dân chủ để tranh đấu với người Pháp và hướng dẫn dân tộc.

Hoàng Đạo và dân chủ

Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, em Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, là một trong những người lãnh đạo Quốc Dân Đảng và là nhà văn Việt Nam đầu tiên sử dụng quyền tự do dân chủ một cách có hệ thống để chống lại thực dân Pháp và giáo dục dân tộc về nhân quyền.

Sau này, Nguyễn Mạnh Tường xác định: những người xuất thân trường Luật của Pháp là những người chống Pháp một cách mãnh liệt và có hiệu quả. Điều này thực không sai nếu ta điểm qua những nhà cách mạng: Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh qua bút hiệu chung Nguyễn Ái Quốc, họ đã viết những bài báo tiếng Pháp, thập niên 1920 ở Paris, rồi đến Nguyễn Tường Long, Nguyễn Mạnh Tường sau này, đều là những người đã học luật.

Hoàng Đạo đỗ vào trường Luật Đông Dương Hà Nội, năm 1924 và tốt nghiệp năm 1927. Từ 1933, trên Phong Hoá, dưới bút hiệu Tứ Ly, ông đã viết những bài châm biếm đả kích toàn bộ hệ thống quan lại của chính quyền thuộc địa và bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Trên báo Ngày Nay, từ 1937 đến 1939, ông hoàn tất những hồ sơ lớn về Vấn đề thuộc địa, Vấn đề cần lao, Công dân giáo dục, nội dung phê phán chính quyền thực dân, chỉ trích sự vi phạm nhân quyền trong chính sách đánh chiếm thuộc địa của người da trắng, chỉ trích sự vi phạm luật lao động trong chính sách mộ phu và cổ động việc giáo dục công dân về dân quyền và nhân quyền. Loạt bài này căn bản dựa trên tự do dân chủ, quyền làm người, luật lao động, quyền công dân, thoát thai từ tinh thần cách mạng 1789 của Pháp.

Với người Pháp yêu chuộng tự do dân chủ, Hoàng Đạo gửi tới họ những khát vọng của dân Việt: "Người Nam chỉ ao ước một điều: là được những sự tự do của nền dân chủ và được dần dà coi ngó, đảm đang lấy việc công trong nước của họ.Ngày nào dân Annam có quyền, trong sự tự do, tự kén chọn lấy những người cầm quyền cai trị họ, ngày ấy nguyện vọng của người Nam đã đạt được nhiều rồi vậy[3]".

Kết tội chính sách thuộc địa dã man của Anh, Tây Ban Nha, Hoàng Đạo cho người Pháp biết rằng chính sách thuộc địa của họ là bất hợp pháp và nếu họ không thay đổi chính sách cai trị thì người Việt sẽ nổi lên chống lại.

Loạt bài Vấn đề thuộc địa, tổng hợp những lý luận chặt chẽ, kiến thức uyên bác, tầm nhìn rộng về thế giới bên ngoài, về lịch sử chinh phục thuộc địa, về sự tiến hoá của luật pháp.

Trong bức thư ngỏ gửi cựu toàn quyền Varenne, về chỉ dụ báo chí 4/10/1927, Hoàng Đạo viết: "Tôi không cần phải nhắc lại rằng đạo chỉ dụ ấy đã bắt các báo chí ở đây [4] phải xin phép mới được xuất bản và phép cho xuất bản chính phủ muốn thu về lúc nào cũng được. Tôi không cần phải nói đến tệ hại của chế độ ấy, tôi đã nói nhiều rồi (...)

Muốn rửa sạch cái tiếng không hay đã đem tên ông đặt vào cái chỉ dụ 1927, ông chỉ còn có một phương pháp, là đem hết tài lực của ông mà xin hủy bỏ cái chế độ không hợp với trình độ của dân tộc Việt Nam ấy đi, để chúng tôi được hưởng một chút tự do, một chút quyền lợi về chính trị mà ông bảo phải đi đôi với công việc giáo hoá[5]".

Hoàng Đạo không chỉ đòi tự do dân chủ cho người Việt, mà ông đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho toàn bộ những dân tộc bị trị trên thế giới. Khi đối đầu với Pháp, ông luôn giữ thái độ bình đẳng của người đòi hỏi người, của một dân tộc đòi hỏi một dân tộc khác. Ông khẩn thiết yêu cầu nước Pháp, một nước tự nhận là quê hương, là nguồn cội của Nhân Quyền, hãy áp dụng cái Nhân Quyền ấy ở Việt Nam.

Loạt bài Vấn đề cần lao, phản đối tình trạng người lao động bị bóc lột ở Việt Nam nói riêng và người bóc lột người ở thời đại kỹ nghệ phát triển nói chung, Hoàng Đạo viết:

"Người ta đem phủ một lượt tro lên sự đốn mạt người bóc lột người. Người ta đem những danh hiệu mới, như tờ cam đoan, tờ giao kèo, lao công cưỡng bách, để che đậy sự thực[6]".

Ông phân tích và đứng trên bình diện luật pháp để phê phán những bất cập, phạm pháp trong các chế độ: Lao công cưỡng bách (mộ phu đi rừng cao-su), luật xã hội, luật lao động, vấn đề thanh tra và nghiệp đoàn...

Loạt bài Công dân giáo dục nhắm vào sự giáo dục dân chủ, giải thích cho người Việt hiểu quyền lợi và trách nhiệm của người công dân trong một nước dân chủ, khác với bổn phận một thần dân dưới thời phong kiến: Muốn được tự do, dân chủ, người dân trước hết phải tự ý thức được cái giá phải trả cho tự do, dân chủ, tức là phải ý thức được sự trưởng thành, độc lập của mình, phải hiểu quyền công dân và trách nhiệm của người công dân.

Hoàng Đạo viết: "Ý tưởng công dân là một ý tưởng mới. Cùng với những ý tưởng khác, có sức mạnh vô cùng, ý tưởng tự do bình đẳng, nhân đạo, công lý, ý tưởng công dân vì một tình cờ trong lịch sử đã theo chiến hạm Pháp nhập vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ trước[7]".

Trong loạt bài này, Hoàng Đạo giải thích rõ ràng các khái niệm mấu chốt: hiến pháp, nhân quyền, tự do, ý nghiã cuộc cách mệnh Pháp, tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do chính trị.

Tóm lại, khái niệm tự do dân chủ đã truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, với đoàn quân viễn chinh Pháp, và được mở rộng, dưới thời Pháp thuộc, qua ngả học đường, phát sinh một lớp trí thức tân học, đấu tranh cho dân chủ bằng ngòi bút, và một lớp văn nghệ sĩ mới, sáng tác tự do, xây dựng nền văn học quốc ngữ.

Hoàng Đạo là ngòi bút duy nhất trong thập niên 1930-1940, không những đã đấu tranh cho dân chủ, đòi độc lập với Pháp mà còn giáo dục dân tộc Việt Nam về dân chủ một cách sâu sắc và toàn diện.

Nhân Văn Giai Phẩm và dân chủ

Sau 1954, Nguyễn Hữu Đang đặt trọng tâm tranh đấu tự do dân chủ trên báo Nhân Văn. Trong ba số đầu, ông phỏng vấn ba nhà trí thức danh tiếng, không thuộc nhóm Nhân Văn: Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh và Đặng Văn Ngữ về vấn đề mở rộng tự do dân chủ, với hai câu hỏi:

1- Theo ý ông, lúc này giới trí thức nói chung và giới văn nghệ nói riêng, cần phải làm những gì để góp phần thực hiện mở rộng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu và sáng tác?

2- Theo ý ông và trên cơ sở nhu cầu phát triển của ngành ông thì chúng ta cần phải đem ra thảo luận rộng rãi những vấn đề gì?


Trả lời hai câu hỏi này, Nguyễn Mạnh Tường đưa ra hai nguyên do thiếu dân chủ: Đảng viên và cán bộ thiếu tinh thần dân chủ và quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần dân chủ. Sở dĩ như thế là vì trong kháng chiến, mọi cố gắng phải dồn vào chiến tranh, "quần chúng nghĩ rằng chưa phải lúc đòi hỏi các tự do dân chủ". Nhưng khi hòa bình rồi, thì vấn đề đòi hỏi tự do dân chủ phải là tất yếu. Riêng ngành đại học cần hai nguyên tắc dân chủ: "Tác phong của cấp lãnh đạo phải thật sự dân chủ" và "việc lựa chọn cán bộ phải dựa vào tiêu chuẩn chuyên môn là chính".

Đặng Văn Ngữ trả lời: "Dưới một chế độ độc tài không ai dám chỉ trích chính phủ thì còn đâu mà thấy khuyết điểm về tự do dân chủ?" Và ông xác định nhiệm vụ của người trí thức: "Trong việc xây dựng tư tưởng tự do và dân chủ, nhiệm vụ chính phải là của trí thức". Nhưng ông cũng nhận thấy sự "thiếu tự do tư tưởng, thiếu dũng cảm" của người trí thức: "Trí thức ở một cương vị thuận lợi và có đủ nhận thức để nhận thấy lãnh đạo có sai lầm, và thực tế là trí thức của ta đã nhận thấy từ lâu một số sai lầm của lãnh đạo. Nhưng trí thức của ta đã thiếu tự do tư tưởng, thiếu dũng cảm nên không dám phê bình xây dựng". Đặng Văn Ngữ kết luận: "Để phát triển bất kỳ một ngành nào, vấn đề cần phải đưa ra thảo luận là vấn đề tự do dân chủ".

Đào Duy Anh trả lời: Những kẻ thù của tự do, người ta đều biết cả. Đó là những tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái, những bệnh giáo điều, công thức, sùng bái cá nhân, ngang nhiên trong công tác lãnh đạo văn nghệ và học thuật và cả giới trí thức nữa. Muốn thực hiện tự do dân chủ, thì "giới trí thức là những người thiết tha nhất đối với các thứ tự do ấy chỉ có một cách là đấu tranh. Đấu tranh trong công tác chuyên môn, đấu tranh trong hoạt động xã hội. Đấu tranh bằng hoạt động phê bình, phản phê bình, tự phê bình."

Sự đấu tranh của trí thức không thể là đấu tranh chung chung mà phải có mục đích thực tiễn ở mỗi ngành. Đào Duy Anh viết: "Không ai ngăn cấm anh tự do nghiên cứu, sáng tác, nhưng nếu anh không có phương tiện nghiên cứu sáng tác thì thực tế anh chẳng có quyền đâu. Không ai ngăn cấm anh tự do ngôn luận, nhưng nếu anh không có phương tiện để in sách báo thì thực tế anh cũng chẳng có quyền đâu". Nói cụ thể, ví dụ như trong ngành xuất bản, thì phải tranh đấu "cho tư nhân xuất bản dễ dàng, giúp đỡ việc phát hành, cho phương tiện thuận tiện để sáng tác và nghiên cứu, săn sóc sự xuất bản rộng rãi các tác phẩm văn nghệ và đặc biệt chú ý xuất bản những tác phẩm nghiên cứu khoa học." Trong đại học phải tranh đấu để đại học trở thành "một trung tâm nghiên cứu khoa học cao độ" nghiã là phải đặt tiêu chuẩn chuyên môn lên trên tiêu chuẩn chính trị trong việc lựa chọn chuyên viên.

Trên Giai Phẩm Mùa Thu, tập III, ra ngày 30/10/56, trong bài Muốn phát triển học thuật, Đào Duy Anh nêu hai căn bệnh nặng nhất trong học thuật là bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân: "Ở nước ta thì bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại còn trầm trọng hơn, khiến người ta, vô luận bàn về vấn đề gì, cũng đều phải bắt đầu dẫn những đề án của Mác-Ăng-ghen và Lê-nin, hoặc những ý kiến của Sta-lin hay các lãnh tụ khác, để, hoặc phát triển thêm những ý kiến ấy, hoặc gò bó tài liệu, xoay sở thế nào để gán vào khuôn khổ của những công thức rút ra tự những ý kiến ấy (...) Bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại dẫn thẳng đến cái tệ tư tưởng độc tôn: hễ thấy ai có ý kiến gì vượt ra ngoài những công thức cũ, những khuôn khổ sẵn có thì người ta chụp ngay cho những cái mũ dễ sợ, như cái danh hiệu cải biến chủ nghĩa chẳng hạn, những mũ như thế rất dễ bịt mồm bịt miệng người ta.

Tư tưởng không tự do thì không thể tự do thảo luận được. Mặc dầu không ai cấm tranh luận - các nhà lãnh đạo vẫn thường nói nên mở rộng tranh luận nhưng trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì, nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng chính thống độc tôn. Đối với những người ấy, công tác học thuật trở thành trò xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là con đường cái thênh thang mọi người tự do đi lại, chứ không phải sợi dây căng của người làm xiếc. Phải trừ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật".

Trên Giai Phẩm Mùa Thu, tập I, ra ngày 30/8/56, bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ đi tiên phong như ngọn đuốc dẫn đường, Phan Khôi "hỏi tội" lãnh đạo. Ngoài ra, còn có truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy, một trong những truyện ngắn hay nhất thời NVGP, nói lên sự bất lực của chính sách tẩy não: không ai có thể tịch thu quá khứ con người. Bức thư gửi một người bạn cũ của Trần Lê Văn mô tả một chân dung bồi bút. Bài thơ Tỉnh giấc chiêm bao của Nguyễn Bính thuật lại sự thức tỉnh của một nghệ sĩ sau 9 năm theo cách mạng.

Trên Nhân Văn số 1 ra ngày 30/9/56, Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt là một bài xã luận bằng thơ đả phá chế độ công an trị. Bài Con người Trần Dần của Hoàng Cầm kể lại bi kịch của một nhà thơ trẻ, chỉ in có một bài thơ trên báo với nội dung yêu nước, mà bị bắt đi trong một bối cảnh tăm tối, không biết bị giam giữ ở đâu, có thể bị thủ tiêu; đó là một bản cáo trạng thống thiết về tình trạng bắt bớ giam người trái phép, vô luật pháp. Tranh Nguyễn Sáng khắc lại hậu quả của sự khủng bố trên con người Trần Dần.

Giai Phẩm Mùa Thu, tập II, ra cùng ngày với Nhân Văn số 1, có các bài: Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ của Trương Tửu, Ông Bình Vôi của Phan Khôi, Những người khổng lồ của Trần Duy, Thơ cái chổi - Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán, Cũng những thằng nịnh hót của Hữu Loan, Em bé lên sáu tuổi của Hoàng Cầm, Cuốn sổ tay của Lê Đại Thanh,... Đây là số báo mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ về mặt chống đối chế độ.

Trên Nhân Văn số 3 ra ngày 15/10/1956, Trần Đức Thảo trong bài Nỗ lực phát triển dân chủ, nhấn mạnh đến sự tự do của người trí thức: "Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân".

Trên Nhân Văn số 4, ra ngày 5/11/1956, Nguyễn Hữu Đang viết bài Cần phải chính quy hơn nữa, đặt vần đề xây dựng một nhà nước pháp trị. Phùng Cung trong Con ngựa già của chúa Trịnh dùng hình ảnh con ngựa già để chỉ những văn nghệ sĩ phục vụ đảng cũng giống như con ngựa của nhà Chúa, quen thói tôi đòi, vinh thân phì gia, mất hết mọi khả năng sáng tạo. Văn Cao trong Những ngày báo hiệu mùa xuân, lại một lần nữa chỉ bọn nịnh thần mà mắng.

Nhân Văn số 5, ra ngày 20/11/1956, trong bài Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? Nguyễn Hữu Đang nhắc lại điều 10 của Hiến pháp 1946: Công dân Việt Nam có quyền Tự do ngôn luận - Tự do xuất bản - Tự do tổ chức hội họp - Tự do cư trú, đi lại trong nước và ngoài nước và điều 11: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư từ của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật. Trong Bài học Ba-Lan và Hun-ga-ri ký tên Người Quan Sát, Lê Đạt cảnh báo: Nếu muốn tránh một biến cố như biến động Ba Lan thì Đảng phải: "cương quyết và mạnh bạo sửa chữa những sai lầm kịp thời và đúng mức, cụ thể là nâng cao đời sống của nhân dân, mở rộng tự do dân chủ".

Ngày 30/10/56, luật sư Nguyễn Mạnh Tường nổ quả "bom" ngoài luồng Nhân Văn, với bài diễn thuyết Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh đạo, nói trước Mặt Trận tổ quốc.
(còn tiếp)