Một Ngày Chủ Nhật

Lê Bích Phượng




1. Bảy giờ ba mươi phút

Anh cắp cặp chui ra khỏi xe. Chuyến công tác miền Nam dài ngày vẫn in dấu đôi mắt anh vẻ lờ đờ mỏi mệt. Cậu bạn đồng nghiệp tếu táo trước khi thấy anh có ý định sập cửa xe:

- Xa vợ lâu ngày, vừa vừa thôi nhé.

Vừa nói cậu ta vừa nháy mắt. Anh mỉm cười. Chờ cho xe lướt đi, anh rút chiếc điện thoại di động, vội vàng bấm số. Bên kia có tín hiệu trả lời.

- A lô! Em đấy à? Anh đây. Vừa từ sân bay về đến đây. Em khoẻ không? Anh nhớ em quá. Chờ anh nhé, anh về ngay.

Không chờ nghe vợ nói, anh dường như quên hết mệt mỏi, hân hoan vẫy một chiếc xe ôm.

Trên đường về nhà, người lái xe ôm hỏi han anh toàn những câu chuyện trên trời dưới bể. Anh không để ý, chỉ trả lời cho qua chuyện. Thực tình lúc này anh đang nghĩ đến vợ mình. Cô ấy mong anh lắm. Từ khi cưới vợ đến giờ đã hai năm nhưng thời gian anh dành riêng cho vợ thật quá ít ỏi. Công việc công sở cứ cuốn lấy anh, kéo anh mê mải với họp hành, nhậu nhẹt, gặp gỡ, giao lưu... Cuộc sống gia đình đầy đủ hơn, sinh hoạt sung túc hơn. Hàng xóm nhìn vào nhà anh cứ xuýt xoa tán tụng. Các bà vợ lại có dịp nhìn anh và so sánh với chồng mình. Thỉnh thoảng, anh vẫn nghe bên hàng xóm tiếng chị vợ đay nghiến chồng: "Mở mắt ra mà xem thiên hạ kia kìa, chồng người ta thì lên xe xuống ngựa, chồng mình thì đến cái xe đạp không có mà đi"... Anh sống trong sự tự tin pha chút kiêu hãnh vì anh có nhà cao, có vợ đẹp, có một công việc hái ra tiền. Và cơ bản là anh tự thấy mình đã hoàn thành cái "Đạo" của người "quân tử".

Sinh ra trong một gia đình gia giáo, từ bé anh đã được bố dạy thuộc lòng một câu nói của Khổng Tử: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Suốt từ thuở tho ấu cho tới bây giờ, câu nói ấy lúc nào cũng vang lên trong đầu anh và anh bằng mọi cách hoàn thiện mình theo tiêu chí đó với ý nghĩ của riêng anh. Vợ anh là người đàn bà hiền thục. Cưới nhau hai năm rồi nhưng anh quyết định chưa có con vội. Anh muốn con anh khi sinh ra là đã ở trong một "thế giới hoàn hảo". Vì sự chần chừ của anh, vợ anh nhiều lúc cũng có ý giục nhưng anh coi chuyện đó là chuyện nhỏ. Nhưng điều cơ bản là anh rất yêu vợ, một tình yêu không mảy may đổi thay. Chính vì lý do đó là vợ anh không thể thắc mắc ở anh bất cứ điều gì. Hôm nay là chủ nhật, anh đã quyết định dành trọn một ngày nghỉ hiếm hoi trong quỹ thời gian ngồn ngộn công việc của mình cho vợ. Chính vì thế trên đường đi ra tới đây anh đã tranh thủ đánh một giấc dài trên ô tô. Anh đang sống lại giây phút hạnh phúc nhất khi hai người còn yêu nhau. Tự nhiên anh muốn tận hưởng cảm giác hồi hộp của sự chờ đợi nên anh nổi hứng muốn đi xe ôm một đoạn. Anh nhớ da diết những kỷ niệm xưa với những buổi tối thứ bảy đạp xe trên quãng đường đầy bằng lăng tím để đến với người yêu trong tâm trạng háo hức...

- Này, tạt vào đây một lát.

Một tiếng gọi giật giọng. Anh nhìn về phía có tiếng gọi. Một tốp bạn đang ngồi trong quán bên đường. Anh tần ngần xuống xe. Một cậu bạn chạy ra vỗ vỗ vào vai anh:

- Lâu lắm mới gặp, làm gì mà quên hết cả anh em thế!

Nói rồi cậu ta trả tiền cho người lái xe ôm đi trước, rồi với vẻ xởi lởi cậu ta lôi tuột anh vào quán:

- Vào đây ăn sáng đã. Bọn này hôm nay bỏ ăn sáng ở nhà đến đây để... giao lưu. Bạn bè chẳng mấy khi gặp được nhau thế này.

Anh miễn cưỡng vào quán, bỏ cặp vào một góc bàn và bắt tay từng người. Đúng là từ khi lấy vợ đến giờ, anh chẳng mấy khi có dịp ngồi tán gẫu cùng bạn bè. Có chăng cũng chỉ là những lần gặp gỡ trong công việc. Mà anh thì bận bù đầu. Nhiều đêm hoàn thành công việc ở cơ quan trở về nhà đã 9,10 giờ tối. Anh chỉ kịp tắm giặt, ngồi vào bàn ăn qua loa cho vợ đỡ phàn nàn rồi leo lên giường đi ngủ. Đôi lúc anh cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng công việc nối tiếp công việc, tất cả lại cuốn lấy anh. Ngồi trên đống cát ai cũng là hiền nhân quân tử. Nhưng ngồi trên đống vàng, mấy ai đã là quân tử hiền nhân? Huống hồ anh mặc dù đang ngày càng sở hữu những đống vàng cao ngất nhưng vẫn giữ vững bản chất hiền nhân quân tử của mình. Anh kiếm tiền mà không bị lệ thuộc vào đồng tiền. Anh được cấp trên tin, bạn bè phục và vợ yêu. Nếu không thế thì chắc anh không được bạn bè cuốn lấy mà bắt tay, mà hỏi han, mà chúc tụng như buổi sáng hôm nay. Cũng chẳng mấy khi anh được uống bia theo kiểu à uôm thế này. Hơn nữa, cũng nể quá, không uống bọn nó bảo là vênh váo, là quên mất bạn bè. Chậc! Làm thêm vại nữa cũng chẳng chết ai. Khổ nỗi có vại dành cho người này cũng phải có vại dành cho người kia. Không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh được. Thêm vại nữa... Những cuộc nhậu nhẹt mang tính công việc đã rèn luyện cho anh một bản lĩnh đàn ông hiếm có. Anh hầu như không say, chỉ mệt, cái mệt mỏi của một chiếc đồng hồ căng hết dây cót. Anh là một guồng máy tự quay mà không hề có đến chế độ bảo hành, đại tu gì cả.


2. Chín giờ ba mươi phút

Chiếc di động của anh tấu lên một điệp khúc vui nhộn. Anh đặt cốc bia xuống mặt bàn la liệt những cốc, bát, nem chua, mực khô, bún, cháo rồi mở máy. Nhìn số điện thoại hiện lên trong máy, anh thấy quen quen mà không thể nhớ nổi con số này ở đâu. Anh đưa máy lên và alô. Đầu dây bên kia có tín hiệu:

- Anh à, anh đang ở đâu đấy? Sao anh bảo anh về ngay mà em chờ tới hai tiếng đồng hồ không thấy. Anh không sao chứ?

Thôi chết, chính là vợ anh. Trong một phút đãng trí, anh đã quên chính số máy điện thoại nhà mình. Cô ấy đã chờ anh quá lâu rồi. Giọng cô ấy hốt hoảng và gấp gáp. Anh bối rối một lúc không biết trả lời làm sao. Cậu bạn ngồi cạnh tinh ý, hiểu ngay ra sự tình, giằng luôn điện thoại từ tay anh, nói:

- "Chị Hai" nóng ruột phải không? Yên tâm đi, "anh Hai" đang ngồi với tụi em, không karaoke gì đâu mà sợ, bạn bè lâu ngày gặp nhau, chị gắng "cởi trói" cho anh ấy tý.

Nói xong cậu ta cười khà khà. Anh đưa máy lên tai, chậm rãi:

- Em thông cảm cho anh, bọn nó giữ chân, anh không thể về được, anh sẽ về nhanh nhất khi nào anh có thể.

Vợ anh bần thần:

- Tuỳ anh. Nhưng anh cố gắng về sớm nhé!

Bỏ máy vào túi, tự nhiên anh thấy ân hận. Cảm giác hụt hẫng bâng khuâng len lỏi tự đáy sâu tâm hồn. Cậu bạn ngồi cạnh vỗ vỗ vào vai anh.

- Con người chứ có phải cỗ máy đâu, mày cũng phải xả hơi một chút chứ. Thôi uống nốt cốc này đi rồi tao có chuyện muốn nói với mày.



Bia ứ lên tận cổ, anh ợ ra một cái, cái mùi vị nồng nặc thoát ra khiến anh nhăn mặt. Tô bún trước mặt ngồn ngộn những thịt, hành, rau, ớt. Anh khẽ đảo và đưa lên miệng. Là thằng đàn ông thành đạt được đi tứ xứ, ăn đủ những sơn hào hải vị từ Nam chí Bắc nhưng hình như chưa có món nào ngon như món canh riêu cua vợ anh nấu. Tự nhiên anh thèm cảm giác được bàn tay vợ chan vào bát cơm nóng hổi của mình những thìa canh đậm đà ngon ngọt, mùi vị bốc lên thơm lừng. Anh cũng không thể nhớ nổi anh đã xa mùi vị canh cua ấy bao lâu rồi, hình như rất lâu, hình như rất gần. Anh mơ hồ, anh phân vân, rồi anh khẽ lắc đầu. Thằng bạn bên cạnh rủ rỉ:

- Có vụ này hay lắm, nhưng không có mày không xong, mày nhúng tay vào cho tao thì hay quá.

Thoáng nghe anh đã thấy nên cảnh giác với những "phi vụ" theo kiểu này vì anh luôn xác định rằng anh sẽ kiếm tiền và chỉ kiếm tiền bằng năng lực của mình chứ không phải do mánh khoé. Anh không vụ lợi và càng không vì tiền mà làm ảnh hưởng đến danh dự của mình. Thoáng qua trong đầu anh hình ảnh người vợ, cô ấy không bao giờ muốn anh dấn thân vào những việc kiểu này. Nghĩ đến đây, anh gạt phắt:

- Ông ạ, tôi cũng không hiểu chuyện ông sắp nói là gì, có lẽ mạn phép ông để khi khác không có bia và không gò bó thời gian tôi sẽ hầu chuyện ông.

Thằng bạn ngỡ ngàng:

- Bao lâu mới gặp nhau có việc muốn cậy tới mày mà chưa nghe tao trình bày mày đã gạt đi thế thì chán bỏ mẹ.

Anh thật thà:

- Tôi muốn về nhà quá, tôi đi công tác hai tuần rồi, hôm nay chủ nhật muốn dành cho vợ ít thời gian. Giờ này chắc cô ấy mong ghê lắm.

Giọng anh chùng xuống, cơ mặt giãn ra. Cảm giác mỏi mệt sau chuyến công tác cộng thêm những cốc bia làm anh chóng mặt. Anh duỗi chân dưới gầm bàn, chân anh khẽ chạm vào các vỏ bia kêu lanh canh, lanh canh...


3. Mười một giờ

Anh như choàng tỉnh khi tiếng bính boong của chiếc đồng hồ quả lắc treo trong quầy hàng điểm mười một tiếng. Không tin ở tai mình, anh giơ tay nhìn đồng hồ: kim ngắn chỉ số 11, kim dài chỉ số 12. Ê a từ sáng tới giờ, nhìn lại xung quanh anh và bạn bè là một bãi chiến trường với hổ lốn chai, lọ, bát, đĩa. Bạn anh người nằm ngủ trên ghế, người gục đầu trên bàn, tỉnh táo nhất thì cũng ngáp ngắn ngáp dài. Đến độ không thể chờ lâu hơn nữa, anh gọi chủ quán tính tiền, chào mọi người rồi xách cặp rảo bước. Anh lững thững đi bộ, bỏ ngoài tai những tiếng chào mời của người lái xe ôm. Anh đang mang trong mình những mặc cảm tội lỗi mà không nói ra thành lời được.

Nửa ngày trôi qua... Anh băn khoăn ngập ngừng rút di động từ túi quần bấm những con số quen thuộc. Những hồi chuông cứ thế đổ dồn mà không có ai nhấc máy. Không hiểu giờ này cô ấy đi đâu nhỉ. Tự hỏi rồi anh mới vỡ ra, có lẽ cô ấy đi chợ. Anh nhún vai rồi lại bỏ máy điện thoại vào túi. Quãng đường anh đi như dài ra. Anh chợt nhận ra một điều rằng anh đã quen cảnh được đón rước. Những bước chân của anh chệch choạc trên đường. Hình như không tự chủ được, anh vẫy một chiếc xe ôm.


4. Hai giờ chiều

Anh choàng mở mắt, nghe bên tai tiếng nhạc rất nhẹ nhàng, mùi thơm gối chăn quen thuộc. Anh biết là mình đang ở một nơi rất ấm cúng và an toàn. Nhưng đầu anh nặng quá. Anh nhăn mặt lấy ngón tay trỏ khẽ di di lên thái dương. Một bàn tay nhẹ nhàng kéo anh lại và cũng bàn tay ấy đã xoa dầu gió cho anh. Anh khẽ nhắm mắt, thả lỏng toàn thân để tận hưởng sự dịu dàng ấy. Vợ anh ngồi bên cạnh, chiếc váy dài trắng muốt, tóc buông bờ vai hiền từ. Anh chưa thấy vợ anh lúc nào đẹp như lúc này. Anh muốn ôm hôn vợ, nhưng lại muốn nằm yên thân để ngắm nhìn vợ lâu hơn.

Reng... Hồi chuông điện thoại đổ dồn. Anh thấy chói tai. Biết chồng có vẻ không hài lòng, vợ anh nhanh nhẹn đứng lên cầm máy:

- Alô... dạ vâng. Nhưng chồng em không có ở nhà. (Chị nháy mắt tinh nghịch). Việc gấp lắm cơ ạ? Vậy thì anh cho em số điện thoại để em bảo anh ấy gọi lại khi nào anh ấy về, vâng em hiểu rồi, gấp... việc gấp.

Vợ anh cúp máy rồi đến bên giường với vẻ mặt lo lắng:

- Điện thoại của sếp anh ạ, không biết có việc gì mà ông ấy lo lắng lắm...

Vợ anh chưa nói hết câu thì chiếc di động của anh để gần đó cũng tấu lên một giai điệu thật không hợp cảnh chút nào. Anh phẩy tay ra hiệu cho chị vợ đưa máy cho mình vì anh cũng linh cảm có chuyện gì đó cần thiết. Làm việc với sếp bao nhiêu năm, anh hiểu tính tình ông ấy. Lúc trước nghe âm thanh trong điện thoại khẽ vẳng lại, anh biết ngay có chuyện. Nhưng vì vợ anh đã trót nói rằng anh không ở nhà nên anh đành im lặng. Chờ anh mở máy, lập tức người đầu dây bên kia cất giọng chắc chắn:

- Alô, cậu đấy à? Đang ở đâu đấy, đến ngay công trường nhé. Có sự cố!

Anh gập máy lại, thẫn thờ. Vợ anh kéo tay hỏi:

- Có chuyện gì đấy anh, sếp gọi đi phải không?

Anh quay lại nhìn vợ, không nói nổi câu "anh phải đi đây", anh buông thõng tay khẽ gật đầu trả lời câu hỏi của vợ.

Khi chị tiễn anh ra cửa, chưa kịp để anh nổ máy xe, chị dặn:

- Em mua ít cua từ lúc trưa nhưng thấy anh say nên em còn để lại đó. Chiều anh nhớ về sớm ăn cùng em bữa cơm, em chờ...

Câu nói của vợ bất giác xoáy vào lòng anh một nỗi đau mà từ bao lâu nay anh không dám nói và anh đang cố tình quên đi. Lần đầu tiên anh cảm thấy nản lòng trước công việc. Hai vợ chồng đứng trước cổng nhìn nhau thật lâu. Phía bên kia rặng thiên lý ngăn cách giữa nhà anh với nhà hàng xóm, có tiếng chị vợ cáu cẳn với chồng cái điệp khúc muôn thuở:

- Trời ạ! Chồng với chả con... suốt ngày chỉ như con rùa trong xó cửa. Đứng dậy mở mắt ra mà xem thiên hạ kia kìa. Chồng người ta thì biết làm biết ăn, xây nhà cao cửa rộng, đằng này lại cứ ru rú ở nhà, đồ vô tích sự. Cũng là một kiếp đàn bà, sao đời tôi lại khổ thế này, trời ơi là trời!...

Xưa, những khi nghe điệp khúc này không ít lần anh đã cười thầm. Giờ, không hiểu nỗi khổ tâm, sự dày vò hay điều gì khác xui khiến, anh đề xe vê ga thật to như cố làm át đi tiếng chị hàng xóm. Cũng có thể tiếng xe cũng sẽ thu hút sự chú ý của vợ anh hơn. Anh giục vợ vào nhà, thay vì những lần khác anh thường đi trước. Anh sợ vợ đứng lại bên cổng và tiếp tục nghe thấy điệp khúc ấy. Chị ngoan ngoãn nghe theo lời anh. Chờ bóng chị khuất sau mấy dãy chậu cảnh, anh cho lao xe vọt đi.


5. Năm giờ ba mươi chiều

Những vệt nắng cuối cùng rơi rớt lại trên nền đất đá hỗn độn của công trường. Từng vạt cát ánh lên lóng lánh. Chờ cho đội công nhân cuối cùng thu dọn dụng cụ lao động xong, anh liền gọi điện cho sếp:

- Alô, thưa anh, sự cố xảy ra hồi chiều em đã giải quyết xong rồi. Anh có thể kiểm tra...

Đầu kia, sếp hân hoan:

- Thôi khỏi phải kiểm tra, tôi tin cậu là chủ yếu. Mà này, mọi chuyện ổn rồi nhưng cậu cứ đến đây gặp gỡ rút kinh nghiệm luôn nhé. Để tôi gọi điện cho mấy ông nữa. Nhân chuyến công tác dài ngày cậu cũng nên có lời với anh em, thế nhé.

Chưa kịp chờ anh phản ứng, sếp cúp máy. Anh đứng chơ vơ giữa ngổn ngang cát sỏi gạch đá. Nắng chênh chếch qua mặt anh. Anh nheo mắt rồi đưa hai lòng bàn tay vuốt mặt, tay anh khẽ chạm phải những sợi râu ram ráp lâu rồi anh quên không cạo.Õ Anh đung đưa tay để lấy sự cân bằng. Không đi không được, mà từ chối thì từ chối như thế nào? Anh chậc lưỡi, rồi gọi một đồng nghiệp dưới quyền:

- Mình phải đến gặp sếp nhưng thật sự mình hơi mệt, cậu lấy xe của mình chở mình đến đó rồi trả xe sau cũng được.

Người đồng nghiệp răm rắp nghe lời.


6. Mười giờ đêm

Anh trở về nhà, mùi rượu bia nồng nặc, quần áo nhầu nát. Chị ra đón anh ở cửa, cởi bỏ cà vạt rồi dìu anh vào giường. Anh không say, chỉ mệt, mắt anh cứng đờ. Anh bảo vợ:

- Anh muốn nghỉ một lát.

Chị không nói một lời, lẳng lặng gật đầu. Chờ anh nằm xuống giường. Chị khẽ ngồi ở mép giường. Họ nhìn nhau.

Reng... Chị đứng lên đến bên điện thoại.

- Alô!

- Alô! Chị đấy à? Anh có nhà không chị?

- Có, nhưng anh ấy mệt lắm, vừa nhậu ở đâu về.

- Có việc gấp lắm chị chuyển máy cho em nói chuyện với anh khoảng năm phút thôi.

Chị đưa mắt nhìn về phía anh. Anh chưa ngủ và đã nhìn thấy ánh mắt chị. Anh mệt mỏi đứng dậy đến bên điện thoại, cầm máy.


7. Mười giờ hai mươi phút

Nói chuyện qua điện thoại xong, anh lại định nói một điều gì an ủi vợ nhưng không thấy chị đâu. Anh ra phía sau tìm vợ. Lúc ngang qua phòng ăn anh chợt thấy mâm cơm ở đó. Bát canh riêu cua lạnh ngắt. Hai đôi đũa và chiếc bát vẫn sạch bóng.

Vợ anh đang đứng ở ban công, lặng lẽ như một cái bóng. Anh đi đến sau lưng, vòng tay qua người vợ. Phía bên kia nhà hàng xóm, sau ô cửa kính, bóng người đàn bà hồi chiều càu nhàu với chồng đang bế con và ru con rất khẽ: "À ơi con ngủ cho ngoan...".