Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc chỉ dành riêng cho những kẻ nào làm cho nhiều người được sung sướng.
Abbé Delille
Trang 2 / 17 ĐầuĐầu 123412 ... Cuối Cuối
Results 11 to 20 of 169

Chủ Đề: Gần mười bảy tuổi

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Gần mười bảy tuổi

    Mai Thảo




    Vào truyện

    Một thứ tiếng động dữ dội, mang trong nó ý nghĩa một réo gọi lay tỉnh thảng thốt, lẫn với tiếng mưa đêm trên mái rì rào, từ ngoài cửa trước vọng vào. Tôi giật mình, mở mắt. Và bàng hoàng thức giấc.

    Cảm giác thứ nhất của tôi là lúc này, đêm đã khuya lắm, đêm đang nằm tròn trong cái đáy cùng mịt mùng sâu thẳm của đêm. Và tôi, tắt đèn, lên giường từ chập tối, tôi đã ngủ được một giấc thật ngon. Thành phố đang bằn bặt. Mưa đan lưới cùng khắp. Chung quanh chỗ tôi nằm, biển bóng tối dầy đặc. Ai đến vào giờ này? Cái tiếng động hối hả, gấp rút vừa nghe thấy có phải là của một người vừa gọi cửa? Tôi trở mình, nhắm mắt, toan ngủ lại, thì tiếng động, đúng là một tiếng đập cửa, lại nổi lên, cùng với một tiếng gọi:

    "Hoan! Hoan có nhà không?"

    Hoan là tôi. Nhưng người gọi là ai! Từ ngày đến ở căn nhà gỗ trong cái ngõ hẻm sau chợ Tân Định này, tôi đã đoạn tuyệt, gần như hoàn toàn, với cuộc sống ban đêm, đám bạn hữu chơi bời biết vậy, không còn ai tới kiếm vào giờ này nữa. Tôi bực bội xuống khỏi giường, lần bước trong bóng tối, vừa tìm đường đi ra phía cửa trước, vừa hỏi lớn:

    "Ai đó?"

    Tiếng của người bên ngoài, lè nhè, sặc sụa:

    "Viễn đây, vào được không?"

    Thì ra kẻ say rượu, chờ một đêm mưa lớn đến phá vỡ giấc ngủ của tôi là Viễn, một người bạn cũ, chẳng thân thiết gì lắm, đã lâu ngày không gặp. Tôi ngẩn người, không biết Viễn đến kiếm tôi để làm gì. Và tại sao cái tiếng đập cửa của y lại nóng nảy, hoảng hốt đến như vậy. Chắc là đang giữa cơn say, còn muốn say thêm nữa, tới sáng, Viễn rủ tôi tới một quầy rượu nào đó còn mở cửa vào giờ này. À, không được. Tôi đã ra khỏi cái thế giới ban đêm, cái thế giới mù sương chuếch choáng, cái thế giới của những cơn say không còn biết trời đấy là gì. Ra khỏi. Từ lâu rồi. Và không bao giờ trở lại.

    Tôi hỏi, không mở cửa, giọng nói tỏ ra khó chịu ra mặt, cho Viễn biết là tôi bực mình:

    "Ngủ rồi. Mai lại chơi đi".

    Một giây im lặng, làm nổi bật tiếng mưa vẫn đều trên mái. Giọng Viễn dịu xuống:

    "Thì mở cửa ra".

    Tôi gắt:

    "Anh đến phá giấc ngủ của tôi đấy nhé. Mà tôi sẽ ngủ tiếp. Ngay bây giờ. Xin lỗi, không đi đâu với anh giờ này được hết".

    Một tiếng động khác. Như của một thân người đứng không vững đến độ vừa ngả nghiêng vào thành cửa. Rồi Viễn nói vọng vào, giọng sầu thẳm làm tôi kinh ngạc:

    "Tôi không đến rủ anh đi chơi".

    Tôi gắt, lớn hơn:

    "Vậy đến làm gì?"

    "Ngủ nhờ một đêm".
    Last edited by giavui; 10-25-2010 at 04:04 AM.

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phòng đợi đã vợi người. Nhiều tiếng máy xe liên tiếp nổi lên ở bãi đậu phía trước phi trường. Cha mẹ Viễn nhìn Marlène một lần cuối cùng, gật đầu chào rất kiểu cách, rồi bỏ đi. Lúc này, Viễn mới nhìn thấy Thu Hà. Chàng kêu lên một tiếng bất ngờ, đầy kinh ngạc bối rối. Đứng khá xa, ở một góc phòng, Thu Hà đã thấy Viễn ngay từ lúc chàng tươi cười đi vào phòng đợi. Viễn thay đổi nhiều. Như phải thế, cho một đời người đàn ông chìm nổi. Chàng rắn rỏi, đứng đắn hơn, một người chồng đã thay thế cho chàng thanh niên được người tình cũ ngay từ tia nhìn đầu tiên. Nàng không giết chết được Viễn trong trí nhớ. Trí nhớ nàng chính là Viễn đó, Viễn đã trở về.

    Hai mắt mở lớn, nét mặt nghiêm lặng nhưng căng thẳng, Thu Hà đứng im, hai tay buông thõng. Đám đông không còn nữa. Những khoảng trống chung quanh làm nổi bật lên sự cách biệt của nàng. Thu Hà hoang mang không biết nàng muốn gì. Gần như nàng muốn bỏ chạy. Lại gần như nàng cứ muốn đứng đó, chôn chân xuống đất. Gần như nàng thầm mong Viễn đừng nhìn thấy nàng, chàng bỏ đi với vợ con chàng mà không hề biết nàng đã ra đón. Cũng gần như nàng muốn Viễn xem thường hết. Để chạy đến với nàng, ôm hôn. Thật chặt, lên tóc, lên môi, lên cổ. Thành một trận mưa hôn. Như ngày xưa hai người yêu nhau.

    Ở Viễn thì là một bất ngờ lớn lao kéo dài. Chàng đã tưởng chàng nhìn lầm. Nhưng không, Thu Hà là loại đàn bà chỉ có một, không thể có một Thu Hà khác, Chàng bảo nhỏ Marlène:

    "Em nhìn thấy bến xe phía trước kia không?"

    Marlène gật:

    "Thấy".

    "Đưa con ra đó chờ anh năm phút. Anh lấy va ly sẽ ra ngay. Thấy chiết taxi nào, lên ngồi trước kẻo nắng".

    Marlène hơi cau mày nhưng rồi cũng làm theo lời chồng. Chờ cho Marlène ra khỏi phòng đợi, Viễn từ từ tiến đến trước mặt người tình cũ. Chàng vuốt tóc, hơi mỉm cười, dịu dàng:

    "Hà đấy à!"

    Câu trả lời của người đàn bà lập tức là một khiêu khích:

    "Anh tưởng là người khác hay sao?"

    Viễn ôn tồn:

    "Đâu có. Nhưng anh ngạc nhiên. Em ra đây làm gì vậy?"

    "Xem phong cảnh".

    Thu Hà quay nhìn đi chỗ khác, nét mặt hiện đầy vẻ hờn giận oán trách. Nàng vẫn đẹp, đẹp khác thường, đẹp lạ lùng. Thời gian đã in lên khóe mắt, vừng trán, những thoáng tàn phai thứ nhất. Nhưng chính vì thế mà Viễn vừa gặp lại ở người tình cũ một vẻ đẹp riêng, não nùng và mới lạ. Thu Hà mím môi:

    "Đón anh đấy. Không bằng lòng sao?"

    Viễn lắc đầu:

    "Đừng nói với anh như vậy. Tất nhiên anh bằng lòng".

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chàng nhắc lại:

    "Rất bằng lòng".

    Hất hàm ra phía bến xe, ở đó Marlène và con Elga đang chờ đợi, Viễn hỏi:

    "Em thấy vợ anh?"

    "Có".

    "Cả con gái anh nữa?"

    "Phải. Người đàn bà ấy với anh đẹp đôi lắm".

    Viễn làm ngơ, như không nhận thức được ý nghĩa giễu cợt châm biếm trong câu khen ngợi. Thu Hà còn muốn gì chàng? Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua cuộc sống của hai người. Bây giờ là hai con đường riêng tây. Dư hương còn lại của cuộc tình ngày nào là chút ngậm ngùi luyến tiếc. Phải như thế. Nhưng cũng chỉ là như thế. Chuyện cũ đã chết. Kỷ niệm là đồng nghĩa với lãng quên và xa cách một đời. Viễn ôn tồn:

    "Hà vẫn được mạnh".

    "Phải".

    "Chắc em còn giận anh".

    Những câu thăm hỏi dịu dàng pha lẫn một phút buồn rầu thành thực của Viễn cuối cùng làm cho Thu Hà xúc động. Bằng một kìm giữ phi thường, Thu Hà đã cố làm ra cứng rắn. Nhưng nàng chỉ tự mâu thuẫn với mình. Cứng rắn, nàng ra phi trường đón Viễn để làm gì? Sự có mặt của nàng đã là một thú nhận. Là nàng chưa quên được Viễn. Hơn nữa, còn yêu Viễn. Giọt nước đã tràn khỏi cái ly đầy ắp. Và trào. Hai bờ vai rung lên, Thu Hà nhìn Viễn đăm đăm rồi nàng lắc đầu như tức giận và gục đầu xuống.

    Tiếng Viễn bao trùm, trầm trầm:

    "Anh có tội với em nhiều lắm".

    Thu Hà cố giữ một giọt nước mắt khỏi chảy xuống gò má, trong khi Viễn nói tiếp:

    "Anh không thể đứng lại ở đây lâu với em. Nếu như anh có làm cho em đau khổ, tha tội cho anh".

  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Thu Hà vùng quát lớn:

    "Tôi không nghe. Tôi không nghe. Anh đi đi. Đừng đứng trước mặt tôi như thế nữa".

    Viễn đứng im, không biết nên xử trí thế nào. Chàng biết chàng không thể đứng lâu hơn được, dù chỉ là một phút. Marlène đang chờ đợi và chắc đã nóng nảy. Đứng lại, chàng cũng không còn biết nói thêm với Thu Hà như thế nào. Mọi chuyện đã tan vỡ, đã lỡ dở hoàn toàn. Chàng biết chàng có tội, nhưng tội lỗi đó chắc chắn không bao giờ được tha thứ. Cố nhiên là như thế, tình yêu. Nó không phải là một tha thứ. Nó được làm bằng những đam mê bốc lửa, những thù oán một đời. Bởi vậy mà không thể bỏ qua, không thể tha thứ.

    Thu Hà thấy một bàn tay đặt thật nhẹ lên vai nàng và tiếng Viễn, nhỏ, chỉ vừa đủ cho nàng nghe thấy:

    "Thôi em về sau. Anh rất bằng lòng đã được gặp em ở. Cám ơn em một lần nữa".

    Ngừng một giây, Viễn nói tiếp:

    "Quên anh đi. Anh đã về, nhưng hãy coi anh như đã chết".

    Thu Hà ngửng đầu lên và nhìn theo. Nàng thấy Viễn bước rảo ra phía bến xe, như người đi trốn, không quay nhìn trở lại. Một tiếng máy xe nổi lên. Một chiếc xe lăn bánh dời khỏi phi trường. Thu Hà đứng thật lâu, mắt đăm đăm nhìn khoảng không trước mặt. Phòng đợi chỉ còn mình nàng. Xa xa cái nắng loà chói trên phi đạo đã dịu xuống. Ngày đang ngả về chiều. Chiều thê lương, buồn bã. Một lúc thật lâu như thế rồi Thu Hà bừng tỉnh khỏi dòng mơ mộng đắm đuối. Nàng lấy khăn tay ở sắc ra, lau mắt. Nàng biết nàng sẽ phải gặp lại Viễn. Phải coi Viễn như đã chết rồi? Một ngàn lần không. Phải, Thu Hà, biết rằng thế nào nàng cũng phải gặp lại Viễn, ít nhất cũng một lần.


    Chiếc taxi nhỏ chật, cũ nát, lăn từng vòng nhọc mệt, ậm ạch. Mặt nhựa nóng chảy. Không khí thả vào lòng xe những hơi lửa bỏng rát. Hai bên đường, những bức tường màu vàng, những mái ngói đỏ chói thấp thoáng sau những hàng cây đứng im. Buổi chiều nung nấu với cái nắng vẫn loà choá như khi mới tới phi trường khiến Marlène cảm thấy ngạt ngột tức thở. Da mặt nàng bừng bừng. Thái dương nhức nhối, và mồ hôi đã đầm đìa khắp cùng thân thể.

    Sài Gòn hiện dần, trước cặp mắt thiếu thiện cảm của Marlène. Chiếc taxi càng đi sâu vào trung tâm thành phố Marlène càng thấy bị vây bọc bởi những cảnh tượng hoàn toàn xa lạ. Con đường trở về Thuỵ Điển đã bị lấp kín, lấp hẳn.

    Viễn hỏi sang:

    "Đã thấy lạ mắt chưa? Rồi anh sẽ đưa em đi chợ Bến Thành, vào Chợ Lớn. Sài Gòn có những kỳ quan khắp thế giới không đâu có".

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Marlène phát biểu một nhận xét trái ngược làm Viễn cụt hứng:

    "Thành phố nào cũng giống thành phố nào".

    Nàng nhớ lại một lời hứa của Viễn. Và nhắc luôn cho Viễn đừng quên lời hứa đó:

    "Giáng Sinh năm nay, anh cho mẹ con em trở về bên ấy đấy nhé!"

    Viễn cười:

    "Chưa tới nơi đã nhớ nhà rồi sao?"

    Thình lình Marlène hỏi:

    "Người đàn bà mặc áo dài Việt Nam màu cá vàng là ai vậy?"

    Viễn làm như đã quên đứt Thu Hà:

    "Người đàn bà nào?"

    Marlène bĩu môi giễu cợt:

    "Sao trí nhớ anh đột nhiên mất tiêu đi vậy. Anh bắt mẹ con em đợi ngoài taxi quá lâu. Để đứng lại nói chuyện với người đàn bà đó mà".

    Viễn nhún vai, đáp cho qua:

    "Một người bạn của em gái anh".

    "Thân thiết gắn bó lắm mới ra đón tận phi trường như thế chứ?"

    Viễn lại nhún vai nữa:

    "Thường thôi".

    "Chứ không phải là vợ cũ hay nhân tình? Đừng đánh lừa tôi. Tôi đã thấy hai người nhìn nhau đắm đuối như thế nào rồi".

    Viễn cười lớn, ôm lấy người vợ đã ghen tuông, đã nghi ngờ. Tiếng cười lớn che lấp một tâm trạng lo lắng. Marlène ghen, ghen ghê gớm. Mỗi lần Marlène ghen là một lần Viễn điên đầu. Chàng còn nhớ mãi vụ "sì căng đan" ấy, trong một tiệm nhảy ở Stockhom. Chàng chỉ nhảy với người bạn gái có một bản. Ôm rất xa, nhảy rất đứng đắn. Sau đó chàng trở về bàn với Marlène ngay tức khắc, vậy mà cơn ghen của Mar-lène vẫn bùng nổ như thường. Ngay tại chỗ. Ngay lúc đó. Đêm đó, Viễn đã phải đưa ngay Marlène về nhà, trước hàng trăm cặp mắt vui thú của những người chung quanh. Về đến nhà, Marlène lại nổi cơn ghen. Nàng gào thét. Đập phá. Đòi ly dị.

  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Lần này sẽ còn khủng khiếp hơn những lần trước nếu Marlène biết Thu Hà là người tình cũ của chàng. Thật là tai hại. Chàng không thể ngờ Thu Hà còn nhớ. Và đã ra đón chàng tận phi trường. Đàn bà như thế. Luôn luôn đẩy người đàn ông họ ưa thích vào những trường hợp khó xử. Đàn bà đem lại hạnh phúc cho đàn ông? Không đâu. Nghìn lần không. Đàn bà là nỗi khổ tâm vô tận cho đàn ông. Viễn đã định nín thinh. Bỏ qua. Nhưng sự im lặng với Marlène chắc chắn là một thú nhận tội lỗi. Viễn đành chỉ biết nói đùa:

    "Em nhiều tưởng tượng quá!"

    Marlène hầm hầm:

    "Mong là như thế".

    Viễn ngồi im, nghĩ đến Thu Hà vừa gặp lại và còn biết bao nhiêu người khác, thân quen, xa gần, mà chàng sẽ tiếp xúc lại, dù muốn dù không, sau năm năm xa nhà. Hoà nhập trở lại đời sống quê hương, có thêm Marlène và con Elga, không phải là một hoà nhập thuận hợp, dễ dàng như chàng lầm tưởng. Thuyết phục Marlène cho tới khi nàng chấp nhận đời sống mới dưới vùng trời này, thuyết phục hứa hẹn sẽ khó khăn và muôn vàn cực nhọc. Mặt khác, chàng cũng lại phải thuyết phục gia đình chấp nhận Marlène nữa. Những cái nhìn trao đổi đầu tiên giữa người nàng dâu tây phương và bố mẹ ở phi trường cho Viễn biết là một hố thẳm cách biệt đã khơi đào giữa họ. Cuộc hôn nhân của chàng ở hải ngoại không được cha mẹ bằng lòng. Hay chỉ bằng lòng một cách miễn cưỡng, Viễn biết rõ như vậy. Chàng bắt đầu sống với cảm tưởng đầy lo âu xao xuyến là chàng đã lầm khi đưa Marlène về Việt Nam. Niềm vui mừng được hội ngộ với đất trời quê hương ở Viễn chợt như không còn toàn vẹn. Đã có một dải mây đen kéo tới giữa vòm trời xanh biếc.

    Chiếc taxi chạy ngang qua nhà thờ Đức Bà. Nó chậm đà lại giữa dòng xe cộ tuôn chảy nườm nượp vào đường Tự Do. Hai bên vỉa hè, dòng người chen lấn. Những tà áo nhiều màu tha thướt. Hàng cây trên đầu xanh ngắt. Những cửa tiệm tấp nập. Viễn chỉ trỏ ra ngoài:

    "Đây là đường Tự Do, đó em!"

    "Con đường đẹp nhất?"

    "Phải, một thứ Champs Elysées của Sài Gòn. Một thứ 5ème Avenue của Nữu Ước".

    Marlène bĩu môi:

    "Mà chỉ là thế này".

    Viễn đập đập lên tay vợ:

    "Khó tính".

    Marlène nhìn thẳng, như không có một cảnh tượng nào chung quanh xứng đáng làm cho nàng để ý. Như thế, cho đến khi chiếc taxi đậu lại trước thềm khách sạn Caravelle.






  7. #16
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 2

    Tôi ở tạm khách sạn Caravelle chừng một tháng thì đòi lại được ngôi nhà trước khi xuất ngoại, tôi cho một người bạn sử dụng trong thời gian đi xa. Lúc cho mượn nhà, thật dễ. Lúc đòi lại nhà, thật khó. Marlène tức giận, bảo bạn hữu tôi toàn là một đồ lưu manh mất dậy. Người bạn là Lưu. Trước kia, Lưu không đến nỗi nào. Tử tế, dễ chịu là đằng khác. Tôi với Lưu chơi bời với nhau khá thân. Những lần tôi đi ăn, đi khiêu vũ cùng với Thu Hà, bao giờ nàng cũng đòi rủ Lưu đi cùng. Thu Hà nói Lưu vui tính, biết làm trò hề cho đàn bà cười, nói chuyện có duyên hơn tôi nhiều lắm. Hôm tôi gọi điện thoại báo tin cho Lưu là tôi mới về, Lưu kêu lớn mừng rỡ trong ống nói, khẩn khoản mời tôi đến nhà dùng cơm tối, còn dặn thế nào cũng phải đưa Marlène tới cho Lưu được biết mặt. Tôi ngạc nhiên:

    "Anh nói chúng tôi?"

    Tiếng cười của Lưu trong ống nói:

    "Anh chưa biết tôi đã lấy vợ?"

    "Chưa. Kể cả chuyện lấy vợ của anh cùng tất cả những chuyện lớn nhỏ ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng".

    "Thật không?"

    Tôi xác nhận bằng một giọng văn hoa, trịnh trọng:

    "Trong suốt năm năm ở nước ngoài, tôi sống đứt rời hoàn toàn với tổ quốc. Tin anh lấy vợ là một bất ngờ vui thú. Có con chưa?"

    Lưu trả lời:

    "Đã ba mống. Nghịch như quỷ sứ".

    Tin Lưu lấy vợ, lập gia đình, khiến cho tôi băn khoăn về chuyện đòi Lưu trả lại ngôi nhà Lưu mượn. Nhưng tôi phải đòi. Bắt buộc. Lý do thứ nhất vì tôi không có chỗ ở nào khác. Lý do thứ hai, ở khách sạn Caravelle, tuy chỉ ở một căn trung bình có một phòng khách và một phòng ngủ, quá tốn. Mà tôi thì đã ở cái thế không thể tiêu xài hoang phí được nữa. Lý do thứ ba cũng là lý do bất khả kháng nhất. Marlène không chịu ở khách sạn. Chỉ sang đến tuần lễ thứ nhì, nàng đã gây chuyện với tôi sáng chiều. Nói căn buồng khách sạn nào cũng như một nhà ngục. Nói giam thân hoài trong một căn buồng bưng bít, nàng đã đau thần kinh muốn phát điên lên.

    Marlène còn doạ:

    "Anh không kiếm được nhà mau mau, em đưa con trở về Thuỵ Điển".

    Tính Marlène lại không biết nói đùa. Nàng nói là làm. Và đã làm thì đất trời cũng không ngăn cản được. Tôi trình bày cho Lưu biết sự cần cấp phải lấy lại ngôi nhà trong nửa giờ nói chuyện với Lưu bằng điện thoại. Ở đầu dây đằng kia, một phút im lặng. Rồi giọng Lưu, cố làm ra vui vẻ như thường:

    "Đương nhiên là phải trả lại nhà cho anh chứ".

    Tôi nói cho rõ hơn:

    "Mà anh phải trả ngay cho tôi mới được".

    "Rồi. Nhưng phải lại ăn cơm đấy nhé".

    Một buổi tối, hai ngày sau khi gọi điện thoại, tôi đưa Marlène đến ngôi nhà cũ. Nhớ hôm đó, tôi đòi Marlène trang điểm thật đẹp, phục sức thật lộng lẫy. Ngồi vào bàn phấn, Marlène hỏi:

    "Để làm gì vậy?"

  8. #17
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Tôi cười, cúi xuống, hôn nhẹ lên mái tóc vàng ánh của nàng, mái tóc mà nhiều lần tôi đã ngợi khen là đẹp nhất thế giới.

    "Cho những người bạn Việt Nam biết anh đã lấy được một người vợ ngoại quốc tuyệt đẹp".

    Marlène nhún vai:

    "Bạn anh có biết thưởng thức vẻ đẹp dữ dội, nóng cháy, chan hoà sự sống của một người đàn bà Tây phương không?"

    Tôi gật:

    "Biết chứ".

    Marlène bĩu môi:

    "Chắc gì. Mấy lần đưa em đi dạo phố, anh không thấy sao, đồng bào anh quay lại nhìn em như một con quái vật. Đàn ông của cái thành phố thổ tả này nhìn đàn bà ngoại quốc bằng cái nhìn hết chỗ nói".

    Lời nhận xét của Marlène hàm hồ. Hỗn xược, mất dạy là đằng khác. Nhưng tôi nhịn cho qua. Marlène theo tôi về Việt Nam, tôi coi đó là một hy sinh lớn lao của nàng, và tôi không muốn làm Marlène buồn lòng vì những cuộc cãi vã, bất hoà chừng như lúc nào cũng muốn nổ bùng giữa thời tiết Sài Gòn nóng bỏng. Thời tiết và khí hậu có những ảnh hưởng rất sâu đậm vào tâm tính Marlène. Động nóng nực một chút là Marlène bực bội, gắt gỏng, mất hẳn bình tĩnh. Ở Thuỵ Điển, ở Pháp, đâu có thế. Marlène không thích mùa hè không thích mặt trời. Bao nhiêu lần tôi đưa nàng đi nghỉ mát chỉ có lần sang Thuỵ Sĩ là Marlène hài lòng nhất. Chẳng phải vì phong cảnh Thuỵ Sĩ huyền ảo hay chuyến du lịch trữ tình, thơ mộng. Chỉ là lần đó, mùa đông thật buốt lạnh dưới vòm trời Thuỵ Sĩ và thời tiết dưới không độ thích hợp với nàng. Tôi lại trái ngược hẳn. Tôi không chịu được lạnh. Trở về Việt Nam, tôi gặp lại mùa hè như gặp lại người tình và đắm mình vào cái nắng chói lọi như cái nắng là tình yêu, là bằng hữu. Marlène thì không thế. Và để đối phó với cái nóng làm cho mặt mũi nàng lúc nào cũng đỏ gay, nhễ nhại mồ hôi, Marlène đã tạo cho nàng những thói quen mới. Chẳng hạn như ban đêm, nàng ngủ hoàn toàn khoả thân, và ban ngày, nàng vào buồng tắm dội nước ào ào ít nhất cũng ba bốn bận. Tôi chưa nói là Marlène có một thân hình tuyệt mỹ. Nở nang. Cân đối. Khêu gợi. Nồng cháy. Người ta nói nhiều đến những thân thể đàn bà gợi nghĩ đến một trái núi lửa nóng bỏng dục tình. Là trái núi lửa đó, cái khối da thịt bừng bừng dào dạt của Marlène. Biết mình có một thân hình tuyệt đẹp, Marlène có cái ý nghĩ táo bạo là thân hình đó phải được phô bầy. Nguyên cái sự ngủ khoả thân của nàng đã là một phô bầy mà tôi không ngăn cản được. Buổi tối, trong căn phòng khách sạn còn sáng trưng ánh đèn Marlène đã thản nhiên trút thoát hết quần áo. Nàng trần truồng đi đi lại lại, xem sách, nghe nhạc. Nàng loã thể trước khung cửa sổ mở rộng.

    Tôi bảo nàng nhiều lần:

    "Em có thể khoả thân trên giường. Khi đèn đã tắt".

    Nàng ngạc nhiên.

    "Đèn sáng thì sao?"

    "Trông nó… lộ liễu quá".

    Nàng nhún vai. Tôi chỉ tay về mấy khung cửa sổ mở thật rộng mà ở những ngôi nhà chung quanh, những cặp mắt tò mò có thể nhận thấy bằng hết, những cảnh tượng trong phòng kể cả cái cảnh tượng Marlène thoát y, phơi bầy tự nhiên những vùng bí mật mê mẩn nhất của nàng dưới ánh sáng soi chiếu:

    "Người ta nhìn thấy".

  9. #18
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Marlène lại nhún vai:

    "Mặc. Nếu đóng hết mọi cánh cửa, căn phòng này là một lò lửa. Muốn em khỏi khoả thân, mọi người khỏi nhìn thấy, anh hãy làm cho cái thành phố này dịu mát đi. Hoặc đưa mẹ con em trở về Thuỵ Điển".

    Gai chướng như thế đó. Tôi đành thua. Và để mặc cho Marlène muốn làm gì thì làm. Ra đường, sở dĩ nàng bị những cái nhìn làm cho nàng tức giận, chỉ bởi vì Marlène phục sức thật hở hang. Nàng chỉ mặc một chiếc áo ngoài, bên trong không có gì hết. Nghĩa là không có nịt vú cũng không có quần lót nữa. Đã thế cái áo lại thường hở cả tay cả ngực, ngắn cũn cỡn thật cao trên đùi gối. Mặc thế làm sao thiên hạ không nhìn cho được. Nhớ một buổi chiều, tôi đi dạo với Marlène trên hè đường Tự Do thì gặp một người bạn cũ. Tôi đứng lại bắt tay anh bạn, giới thiệu với Marlène. Anh bạn miệng trả lời những câu tôi hỏi, mắt thì nhìn Marlène không chớp. Lúc Marlène tới mua thuốc lá ở một quầy thuốc gần đó, anh bạn thì thầm vào tai tôi:

    "Vợ anh ăn mặc quá khích hết sức".

    Tôi trả lời:

    "Bên Âu Châu, đàn bà như thế hết".

    "Đã đành, tôi biết. Nhưng ở đây không nên. Anh đã nghe thấy dân ăn chơi ở đây đồn đại gì chưa?"

    "Chưa, gì vậy?"

    "Vợ anh nổi tiếng như cồn. Anh không hay biết gì hết?"

    "Thành thực là không. Nổi tiếng ở điểm nào?"

    "Lần đầu tiên, mãi đến hôm nay, tôi mới được giới thiệu với vợ anh. Nhưng nghe thiên hạ kháo nhau từ lâu rồi. Rằng người đàn bà phục sức hở hang, khêu gợi nhất thành phố này là vợ ông Viễn".

    Tôi thuật lại câu chuyện đó cho Marlène nghe. Khi chúng tôi trở về phòng khách sạn. Nàng chỉ nhún vai không trả lời. Và lại tiếp tục ngủ khoả thân, tiếp tục đi dạo phố với những cái áo hở hang cùng mình như cũ. Quả thật là Marlène đã được chú ý đến. Đã nổi tiếng. Đã là đầu đề bàn tán của dư luận. Những phiền phức cho tôi, cũng từ đó và vì thế mà bắt đầu.

    Bữa cơm tối vợ chồng Lưu đãi chúng tôi tại ngôi nhà của tôi ở đường Phan Thanh Giản khá thịnh soạn. Một vài món ăn cầu kỳ được mua về từ một tiệm Tầu danh tiếng trong Chợ Lớn. Thêm món ăn thuần tuý Việt Nam là món chả giò mà Marlène rất ưa thích, vì đã được nghe ca tụng nhiều lần. Nhưng, ngoài món chả giò và những lời thăm hỏi khách sáo, kiểu cách của Lựu khi chúng tôi đến, buổi gặp mặt xem như hư hỏng. Bầu không khí mất tự nhiên, trở thành ngột ngạt. Đôi khi gay gắt nữa. Điều thứ nhất làm cho tôi bực mình là ngôi nhà giao cho Lưu mượn, gần như không còn là ngôi nhà của tôi ngày trước nữa. Nó tiều tuỵ, nó thảm hại quá chừng. Những cánh cửa long gẫy. Những vì tường loang lổ. Nhà chứa xe đổ nát. Cả một bức tường phía sau đổ gục vì một trái hoả tiễn rớt xuống gần đó, Lưu cũng để mặc không cho xây lại. Tôi đi xem xét qua một lượt, giận đến tím mặt. Nhưng cũng đành nín thinh không dám phiền trách gì Lưu. Chỉ thầm mong Lưu trả ngay nhà lại cho tôi. Để trang hoàng và sửa sang lại.

    Đã thế Lưu còn pha trò, rất vô duyên:

    "Anh cho tôi mượn nhà là hên cho anh lắm đó".

  10. #19
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Tôi ngẩn người:

    "Còn hên nữa?"

    Lưu thản nhiên:

    "Chứ sao, âm đức nhà tôi lớn lắm. Nên nhà của anh mới còn được nguyên vẹn như thế này. Anh thử tưởng tượng xem. Trái hoả tiễn chỉ cần rớt gần hai mươi thước nữa…"

    Tôi gật, nói mỉa:

    "Âm đức nhà anh lớn thật. Tôi phải nhớ ơn anh suốt đời. Hôm nào anh giao nhà lại?"

    Lưu nói lảng:

    "Để lát nữa nói chuyện. Nhà tôi sẽ nói chuyện rõ ràng với anh chị".

    Tôi vừa nghe Lưu thuật lại những đêm kinh hoàng của Sài Gòn trước trận bão lửa của những trái hoả tiễn từ những vùng ngoại ô tối tăm bắn cầu vồng vào thành phố vừa cùng Lưu trở lại phòng khách. Vợ Lưu tiếp chuyện Marlène. Ngôn ngữ bất đồng. Câu chuyện giữa hai người đàn bà xem ra chẳng đậm đà gì lắm. Marlène ngồi giữa đi-văng, chiếc mini-jupe Marlène mặc trên người, gấu váy kéo cao khỏi đầu gối. Ngực Marlène thật hở, căng phình, nhễ nhại, dưới ánh đèn. Và hai vợ chồng Lưu nhìn vợ tôi. Cái nhìn của Lưu khả ố bẩn thỉu. Cái nhìn của vợ Lưu tò mò, soi mói. Như Marlène không phải là một người mà là một con vật lạ mắt.

    Chúng tôi vào bàn ăn. Marlène ghé vào tai tôi nói thầm, nàng muốn về khách sạn càng sớm chừng nào càng hay chừng nấy. Tôi cũng đồng ý với Marlène như vậy. Bữa ăn kéo dài. Điều làm tôi lạ lùng là vợ Lưu cứ đánh trống lảng sang chuyện khác mỗi khi căn nhà được đề cập tới. Cuối cùng tôi mới vỡ nhẽ ra rằng vợ chồng Lưu không có ý định trả lại ngôi nhà cho tôi một chút nào, mà muốn ở lỳ, muốn chiếm đoạt.

    Cố gắng giữ bình tĩnh, tôi nói:

    "Anh chị đã thấy chúng tôi đang ở tạm khách sạn Caravelle".

    Vợ Lưu:

    "Anh đuổi gia đình chúng tôi đi thì chúng tôi lại không có chỗ nào ở tạm hết".

    Tôi kinh ngạc:

    "Thế là thế nào?"

    Vợ Lưu thản nhiên:

    "Chừng nào tìm được nhà khác chúng tôi sẽ dọn đi ngay, xin hứa với anh như vậy".

    Vợ Lưu nói tiếp, rành rọt từng tiếng:

    "Và chỉ dám hứa với anh như vậy".

  11. #20
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Mặt tôi đã nóng bừng. Tôi hối hận vô tả đã cho Lưu mượn nhà. Ngu dại thật. Biết thế cứ đóng cửa để đó. Tôi gượng cười:

    "Thời gian anh chị tìm nhà là bao nhiêu lâu?"

    "Thưa anh, không chừng. Cũng không nói trước được. Năm, ba tháng. Cả năm cũng nên. Anh đi xa mới về không rõ. Ở Sài Gòn lúc này tìm một căn phòng thôi, cũng đã là một chuyện khó khăn. Dù sao vợ chồng tôi cũng xin hết sức cố gắng".

    Câu chuyện muốn biến thành một vụ cãi lộn đến nỗi cặp mắt của Marlène đã sáng quắc. Nàng mím môi lại, khuôn mặt bừng bừng sắc giận. Bữa ăn chấm dứt đột ngột. Cả bốn chúng tôi đều không ai muốn nó kéo dài thêm nữa. Tôi nghiêm mặt bảo vợ Lưu:

    "Có lẽ chị không hiểu lúc tôi cho anh mượn nhà như thế nào. Tôi đã nhấn mạnh cho anh rõ là chỉ cho mượn trong thời gian tôi đi xa. Đúng không?"

    Lưu đành gật đầu công nhận.

    "Đúng".

    "Tôi còn nói rõ là khi tôi về, anh phải trao lại ngôi nhà này cho tôi tức khắc, đúng thế không?"

    Lưu nín thinh. Tôi nói tiếp:

    "Nhà cửa của tôi, anh để hư hại, tiều tuỵ, không thèm tu bổ, không thèm sửa chữa. Tôi sẽ mất mấy trăm ngàn để sửa chữa lại. Nhưng thôi, không sao. Bây giờ tôi hỏi anh một lần cuối cùng. Bao giờ trả nhà tôi, xin cho tôi biết".

    Vợ Lưu vừa toan lên tiếng, tôi đã giơ tay cản lại:

    "Tôi không nói chuyện với chị. Chị không biết điều chút nào hết".

    Vợ Lưu xám mặt, bỏ vào nhà trong. Cảnh tượng buổi tối hôm đó ở nhà Lưu nhớ lại thật hết sức lố bịch. Nó hệt như một màn hài kịch vậy. Lúc chúng tôi đến thì đôi bạn thân làm ra vẻ mừng rỡ được gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, không khí thay đổi, trái ngược hẳn lại. Thành một cuộc đấu khẩu quyết liệt. Thấy Lưu nín thinh tôi nạt lớn:

    "Anh trả lời tôi đi".

    "Tôi sẽ trả lời anh sau".

    Cơn điên giận của tôi thình lình bùng cháy. Tôi không còn nhìn thấy Lưu là một người bạn nữa. Mà chỉ còn thấy Lưu như một thằng đê tiện nhất, tráo trở nhất mà tôi thấy ở trên đời. Trước kia y đâu đến nỗi này. Từ ngày lấy vợ, mới đâm ra khốn nạn, mặt dầy mày dạn như thế. Tôi đã tin ở sự ngay thẳng và tôn trọng chữ tín của bạn. Chợt thấy mình ngây thơ, khờ dài, đến một mức độ không thể tha thứ. Tôi quát:

    "Anh định chiếm đoạt ngôi nhà của tôi?"

    Lưu nhăn nhó:

    "Đâu phải thế".

    Tôi chỉ tay vào mặt Lưu:

    "Không nể anh là bạn cũ, tôi đã đấm vỡ mặt anh ngay lúc này. Từ nay, tôi không thèm bè bạn với anh nữa. Còn về ngôi nhà, tôi cho anh một hạn cuối cùng là mười lăm ngày. Quá hạn, đừng trách tôi không nói trước".

    "Anh sẽ làm gì?"

    "Khi đó sẽ biết. Thôi, chúng mình đi về".

Trang 2 / 17 ĐầuĐầu 123412 ... Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Thiếu nữ hòa hợp với hoa trong tranh Wendy Ng
    By Lạc Việt in forum Nghệ Thuật Hội Họa
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-14-2010, 11:38 PM
  2. Người đàn ông 64 tuổi có 88 người con ..
    By giavui in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-12-2010, 04:36 PM
  3. Sườn Non Hầm Xá Bấu (Củ Cải Mặn)
    By ADMIN in forum Video Nấu Ăn
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-06-2010, 05:47 PM
  4. Trả Lời: 2
    Bài Viết Cuối: 10-29-2010, 01:31 PM
  5. Nụ cười của thai nhi 17 tuần tuổi
    By giavui in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-12-2010, 02:08 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •