Khu y tế kỹ thuật cao “toang” vì covid: Nghịch lý đắng chát



Bệnh viện Quốc tế City – CIH đang khốn đốn vì bệnh nhân nhiễm Covid vào đây, thì nay, AEON Bình Tân nằm trong đất dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao TP.HCM này cũng điêu đứng vì hành trình thụ hưởng dịch vụ tại siêu thị của một bệnh nhân Covid-19. Ai nấy đều cười ra nước mắt.

Nơi được thiết lập để an toàn nhất cho người dân lại nhanh chóng “toang” vì dịch bệnh đã là một nghịch lý cay đắng, chua chát với TP.HCM trên con đường phát triển, trở lại thành Hòn ngọc viễn Đông.

Như Báo Sạch đã thông tin, dư luận xã hội nhiều tháng qua đã đề cập tới việc Khu Y tế kỹ thuật cao TP.HCM bị “xẻ thịt”, trong điều kiện các cơ sở y tế tại TP.HCM thường xuyên quá tải,…


Những ồn ào ấy khiến Báo Sạch phải đặt câu hỏi: Hoa Lâm Shangri-La muốn làm y tế hay bất động sản, thương mại, dịch vụ trên khu đất ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM?

Theo BNews-TTXVN, năm 2001, ông Võ Viết Thanh, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 42/2001/QĐ-UB về một số chính sách khuyến khích đầu tư trong Khu Y tế kỹ thuật cao TP; trong đó, nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng đất và chủ đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án được thuê đất trong thời gian tối đa 50 năm;…

Hơn 7 năm sau, năm 2008, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng triển khai dự án Khu Y tế kỹ thuật cao với thời gian hoạt động là 69 năm. Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động của dự án.

Dự án sẽ xây dựng các hạng mục bệnh viện, các công trình khác để phục vụ nhu cầu y tế bao gồm nhà ở, trung tâm bồi dưỡng y khoa, trường học, khu thể thao, giải trí, mua sắm…

Kiến nghị này không hề nhắc đến yếu tố kinh doanh thương mại nhà ở.

Thủ tướng sau đó đã đồng ý, cho phép Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm và Shangri – La Heathcare Investment Pte (Singapore – sau đổi tên thành Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La) đầu tư dự án Khu Y tế kỹ thuật cao.

Tháng 11/2008, UBND TP.HCM cho Hoa Lâm Shangri-La thuê khu đất 532A Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân làm dự án Khu Y tế kỹ thuật cao.

Một tháng sau UBND TP duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích 42,29 ha bao gồm: đất xây dựng các khu chức năng cho Khu Y tế kỹ thuật cao, đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án, trường học, cây xanh thể dục thể thao, giao thông, đất công trình hạ tầng kỹ thuật. Dân số toàn bộ dự án dự kiến là 8.000 người, mật độ xây dựng là 30,58%…

Về sự “thay đổi” trên, ông Võ Viết Thanh sau đó có góp ý với lãnh đạo TP về việc ai đã giao toàn bộ Khu Y tế kỹ thuật cao cho tư nhân để rồi “xẻ thịt” đất bệnh viện làm nhà ở cao tầng bán thương mại, trong khi nhiều bệnh viện không có đất, đang quá tải… Nhưng câu hỏi của ông đã không có câu trả lời.

Tiếp theo, tháng 1/2017, UBND TP duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu Y tế kỹ thuật cao; trong đó, tăng chỉ tiêu dân số từ 4.000 người lên 5.300 người đối với khu D2, D3…

Cùng tháng 4/2017, UBND TP.HCM ban hành các quyết định chấp thuận nhà đầu tư là công ty con của Hoa Lâm Shangri – La được xây dựng khu nhà ở gồm khu nhà ở D2 (quy mô 1.069 căn hộ), khu nhà ở D3 (1.038 căn hộ) với mục tiêu hoạt động là “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất”. Điều này trái với các văn bản pháp lý trước đó cũng do UBND TP ban hành khi xác định khu nhà ở D2, D3 xây dựng phục vụ cán bộ, nhân viên, chuyên gia của Khu Y tế kỹ thuật cao.

Chưa hết, tháng 7/2017, Hoa Lâm Shangri – La đề nghị UBND TP.HCM điều chỉnh mục tiêu hoạt động và chức năng quy hoạch khu nhà ở D2, D3 từ “khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” thành “xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ ưu tiên bán cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao”.

Tháng 9/2017, UBND TP kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo về đề xuất nói trên của Hoa Lâm Shangri – La đối với khu nhà ở D2, D3 từ mục tiêu “phục vụ dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” sang “bán ưu tiên” kinh doanh nhà ở…

Đáng chú ý, một điều chỉnh khó hiểu nữa cũng tại dự án Khu Y tế kỹ thuật cao là Trung tâm thương mại AEON.

Ban đầu AEON được quy hoạch làm “Trung tâm hội nghị, triển lãm về y tế, giải trí, mua sắm, ăn uống và chăm sóc nâng cao sức khoẻ, nhà nghỉ phục vụ lưu trú ngắn hạn và dài hạn cho bệnh nhân và thân nhân” với diện tích khuôn viên 2,43 ha”.

Trong năm 2014, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án “Trung tâm mua sắm AEON – Bình Tân” sau đó điều chỉnh, bổ sung thành “Trung tâm thương mại dịch vụ phù hợp mục tiêu đầu tư của dự án Khu Y tế kỹ thuật cao”.

Như vậy, AEON đã được chuyển đổi công năng từ tính chất phục vụ y tế sang buôn bán thương mại hàng hoá.

Thế nhưng trước đó, tháng 12/2013, Hoa Lâm Shangri – La đã ký hợp đồng với Tập đoàn AEOM (Nhật Bản) để hợp tác kinh doanh đầu tư phát triển trung tâm mua sắm AEON với tổng vốn khoảng 130 triệu USD, xây dựng trong khuôn viên Khu Y tế kỹ thuật cao, diện tích khoảng 4,7 ha, khởi công từ tháng 1/2015 và hoàn thành trong tháng 6/2016.

Đến đây, “Trung tâm thương mại dịch vụ phù hợp mục tiêu đầu tiên của dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” đã được “khoác chiếc áo” là trung tâm thương mại AEON thay vì phục vụ y tế như quy hoạch ban đầu. Thậm chí, đất của Khu Y tế kỹ thuật cao đã bị cắt giảm để “đắp” cho trung tâm thương mại, từ 2,43 ha lên 4,7 ha.

Hoa Lâm Shangri-La muốn làm y tế hay bất động sản, thương mại, dịch vụ? Đây là câu hỏi mà các bên liên quan cần phải minh định, trước khi bàn tới những AEON, AIO City,… hay sự bể vỡ (nếu có) về quy hoạch hạ tầng, dân cư và các vấn đề khác của TP.HCM.

Và giờ đây, các vị thấy sao khi người dân vào Khu y tế Kỹ thuật cao TP.HCM lại không ai biết rằng bản thân họ nhiễm Covid-19?

Và tại sao dự án Khu y tế kỹ thuật cao đầy khát vọng, lấy đi rất nhiều đất đai, tâm huyết của chính quyền và nhân dân TP.HCM lại “toang” vì vài ca nhiễm Covid-19?

Báo sạch