Việt Nam đến đợt dịch thứ tư mới khẩn trương lập quỹ vắc-xin: “mất bò mới lo làm chuồng”?





Một nhân viên ý tế được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội hôm 8/3/2021. Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái vào chiều ngày 26/5/2021 đã ký quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng dịch COVID-19. Quỹ này do Bộ Tài chính quản lý và được thành lập với mục tiêu tiếp nhận các nguồn tài trợ, hỗ trợ đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cấp bách sử dụng cho việc mua, nhập khẩu và sản xuất vắc xin phòng COVID-19.

Theo dự kiến của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ cần mua 150 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho 75 triệu người. Tổng kinh phí ước tính là khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó 16 tỷ sẽ đến từ ngân sách Trung Ương; 9.200 tỷ đồng còn lại dự tính sẽ đến từ ngân sách địa phương và sự huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Trước đó, hôm 21 tháng 5, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) đã kêu gọi sự đóng góp vào quỹ từ các doanh nghiệp và người dân. Mạng báo Tuổi Trẻ dẫn lời kêu gọi của ông như sau:

"Trách nhiệm của ngân sách là luôn đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có mua vắc xin để tiêm phòng cho người dân. Nhưng có sự chung tay của người dân sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 24 tháng 5 cũng lên tiếng yêu cầu các bộ, cơ quan huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân vào quỹ vắc-xin, đồng thời ông yêu cầu các bộ ngành tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vắc xin.
Các phương tiện truyền thông trong nước đã chuyển tải thông điệp của chính phủ đến với người dân.



Một liều vắc xin AstraZeneca. Ảnh: AFP

Nhà báo Trần thị Sánh trên Facebook của mình hôm 25 tháng 4 tuyên bố: “Mình giơ cả hai tay ủng hộ Chính phủ. Ai ủng hộ Chính phủ thì giơ tay và like nhé”?

Status của bà cho đến nay có hơn 500 người bấm “like”, có lẽ cho thấy nhu cầu mong muốn được tiêm ngừa khi đợt bùng phát thứ tư của dịch đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam.

Facebooker Phạm Minh Vũ có quan điểm ngược lại với bà Sánh trong bài có tựa “Chính phủ ăn mày” đăng trên trang cá nhân. Bài này lại có hơn 2,2 nghìn người bấm like.

Anh Vũ chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vì sao anh nhận định như vậy:

“Các quốc gia khác đã lo cho việc vắc xin rồi và bây giờ họ chỉ kêu tên từng người dân để đi tiêm thôi. Chính phú VN bây giờ còn loay hoay đi xin tiền người dân ở trong nước, rồi còn ở đồng bào hải ngoại nữa, thì cái hành động đó là hành động ăn mày. Vì lẽ ra 9.200 tỷ đồng, đối với ngân sách quốc gia để dự trữ một số tiền như vậy không phải lớn. Nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa có một sự thống nhất để đưa các lô hàng vắc xin về nước. Điều này cho thấy sự kém cỏi trong điều hành.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người hiện đang sống tại Đức, cũng thắc mắc vì sao Chính phủ Việt Nam phải huy động đóng góp tự nguyện trong khi nhu cầu tiêm vắc xin đang khẩn cấp như hiện nay:

“Đối với bất kỳ chính phủ nước nào, cho dù khó đến đâu thì họ luôn luôn có cái nguồn quỹ dự phòng để họ trích tiền ra để mua vắc xin ngay lập tức. Thế còn việc kêu gọi người dân nó sẽ không kịp để đáp ứng nhu cầu này. Ngoài chuyện Chính phủ Việt Nam tự bỏ tiền từ ngân sách trung ương và các địa phương, doanh nghiệp thì qua các phương tiện truyền thông chúng ta đều biết là chính phủ Úc vừa ra quyết định viện trợ cho Việt Nam 40 triệu đô la Úc, rồi chính phủ Hoa Kỳ cũng đã viện trợ cho Việt Nam vài chục triệu liều vắc-xin. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng viện trợ tương đối nhiều. Thế thì rõ ràng với những nguồn lực của họ có và họ đang được viện trợ từ quốc tế thì cũng đã đủ đảm bảo nhu cầu vắc xin cho người dân, chứ không cần thiết phải có sự đóng góp của người dân”.

Từ đó, ông suy luận rằng, đây là cơ hội ‘béo bở’ cho những thành phần tham nhũng trong chính quyền các cấp:

“Trong đề án thành lập họ không nói gì đến người dân cả, chỉ có chính quyền Trung ương và địa phương thôi. Thế nhưng trong lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đưa ra thì lại kêu gọi người dân đóng góp. Ở đấy thì chúng ta đều biết, bản chất của chế độ độc tài Việt Nam, vấn đề tham nhũng là bản chất của chế độ. Tham nhũng để bảo vệ chế độ và bảo vệ chế độ để tham nhũng. Thế thì việc đóng góp rút tiền từ ngân sách hay là ở các doanh nghiệp đóng góp vào thì nó có hóa đơn rất đầy đủ. Nhưng sự đóng góp của người dân có thể qua tin nhắn điện thoại, qua rất nhiều hình thức khác nhau, người dân không có nhận bất kỳ một cái chứng nhận nào là họ đóng số tiền đó. Thì đây là một hội tốt để cho các quan chức ở chính phủ cũng như ở Bộ Tài chính và những người trực tiếp phụ trách quỹ này họ có thể lợi dụng để tham nhũng”.

Nhu cầu tiếp cận vắc xin COVID-19 là thiết yếu khi giải pháp duy nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng là việc chủng ngừa. Từ hơn một năm nay các nhà khoa học thế giới đã thi đua nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và một số quốc gia như Hoa Kỳ đã giảm được tỷ lệ lây lan và con số tử vong qua chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng. Nhiều người cho rằng Việt Nam đã quá trễ khi mãi cho đến nay mới lập quỹ vắc xin.

Luật sư Đài lý giải về sự chậm trễ của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề vắc xin phòng ngừa COVID-19:

“Trong thời gian ít nhất là khoảng hơn nửa năm vừa qua thì chính quyền Trung Ương Cộng sản Việt Nam tập trung vào công cuộc đấu đá với nhau cho chức vụ chóp bu, nên chẳng qua không có quan chức cộng sản nào mà nghĩ đến người dân cả, nên nó gây ra sự chậm trễ. Đến bây giờ khi mà việc quyền lực họ đã củng cố rồi thì họ mới nghĩ đến chuyện lập quỹ vắc xin cho người dân. Tôi nghĩ rằng trong suốt thời gian vừa qua là họ mê mãi trong cuộc đấu đá lẫn nhau tranh giành quyền lực”.

“Trong thời gian ít nhất là khoảng hơn nửa năm vừa qua thì chính quyền Trung Ương Cộng sản Việt Nam họ tập trung vào công cuộc đấu đá với nhau cho chức vụ chóp bu, nên chẳng qua không có quan chức cộng sản nào mà nghĩ đến người dân cả, nên nó gây ra sự chậm trễ." -Ls Nguyễn Văn Đài

Theo Facebooker Phạm Minh Vũ thì chính quyền Việt Nam không những chậm trễ, mà cung cách quản trị với những sự kiện mang tính phô trương còn góp phần cho dịch lây lan thêm:

“Sau khi bầu cử Quốc hội Việt Nam vừa qua, Chính phủ Việt Nam mới có sự rốt ráo trong việc huy động nguồn vốn để mua vắc-xin. Cá nhân tôi nghĩ rằng như vậy đã quá muộn rồi. Chính phủ Việt Nam quá chủ quan nếu không muốn nói là đã đánh lừa người dân để tổ chức một cuộc bầu cử mà ai cũng biết rằng chỉ là một trò hề. Nghĩa là dịch bệnh ở Việt Nam có thể là trước cuối tháng tư đã bắt đầu bùng phát rất mạnh ở Việt Nam và Chính phủ Việt Nam biết, (nhưng vẫn) để tổ chức buổi lễ Ngày Giải phóng, rồi tiếp tục đến những ngày lễ như là Ngày hội Non Sông, là ngày bầu cử. Tổ chức xong thì họ mới có những giải pháp nào là giãn cách và phong tỏa một số địa phương”.

Anh Minh Vũ nói anh và nhiều người dân đang rất lo ngại trước tình hình lây lan phổ biến hiện nay. Tính từ đầu dịch cho đến ngày 27 tháng 5, Việt Nam ghi nhận 46 ca tử vong và hơn 6.300 ca nhiễm. Các con số này không lớn so với diễn tiến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam được nói là một trong những nước có công tác phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất hiện nay.

Tuy nhiên với những con số nhiễm bệnh tăng vọt trong một tháng gần đây anh Phạm Minh Vũ bày tỏ hoài nghi về sự đánh giá tốt đẹp trước đây:

“Nếu mà nói thành công thì cá nhân Vũ cũng rất nghi ngờ. Việt Nam trong những ngày qua mỗi ngày có ít nhất là 2-300 ca dương tính trở lên. Như Bắc Giang và Bắc Ninh, nó nằm ở trong các khu cách ly tập trung. Ở đây mình thấy Việt Nam có chuẩn bị một phương án phòng chống dịch nhưng lại cách ly tập trung những ca F1 và F0, thì mình phải đặt câu hỏi việc nhốt chung người này như vậy thì đấy là cách phòng chống mà theo tôi nghĩ chỉ có ở Việt Nam mới có.

Đây là yếu kém của y tế Việt Nam. Mà nói là thành công hoặc là Việt Nam làm tốt trong dịch thì tôi rất là nghi ngờ. Có thể nói VN ém dịch rất là cao, ém dịch thì đúng hơn”.


RFA