Vụ Soái hạm Moskva chìm: người thân thủy thủ đoàn lập đài tưởng niệm – sau khi Ukraine tuyên bố TẤT CẢ 510 người đã chết và Mỹ xác nhận tên lửa đã bắn trúng chiến hạm ‘mang vũ khí hạt nhân’







+ Ukraine cho biết họ đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào chiếc Moskva từ bờ biển gần Odesa

+ Kyiv nói rằng con tàu từ thời Liên Xô đã bị xé toạc ở Biển Đen rồi chìm nghỉm
+ Tối qua Nga thừa nhận vụ chìm tàu nhưng nói nguyên nhân là do hỏa hoạn
+ Các báo cáo mâu thuẫn đã được công bố, nhưng Ukraine hôm nay cho rằng tất cả 510 thủy thủ trên tàu đã thiệt mạng còn Nga cho biết họ đã được sơ tán
+ Tuy nhiên, hôm nay một lễ tưởng niệm không chính thức đã được tổ chức tại TP Sevastopol, Crimea

Ba Sàm lược dịch
Những người thân của thủy thủ đoàn tàu Moskva trên Biển Đen của Nga đã bất chấp sự kiểm duyệt của Nga để tổ chức một lễ tưởng niệm không chính thức vào ngày hôm nay, vì Ukraine tuyên bố rằng tất cả 510 quân nhân trên tàu đã chết – bao gồm cả thuyền trưởng của con tàu.

Tuyên bố của Kyiv được đưa ra sau khi Hoa Kỳ xác nhận tin rằng Ukraine trên thực tế đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào tàu tuần dương mang tên lửa, được sản xuất từ thời Liên Xô, mà Bộ Quốc phòng Nga xác nhận là đã chìm vào đêm thứ Năm do hỏa hoạn trên tàu.

Ukraine cho biết họ đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào chiếc Moskva từ bờ biển, làm xé toạc con tàu từ thời Liên Xô. Các hãng thông tấn Nga hôm thứ Năm đã thừa nhận rằng con tàu này đã bị chìm trong vùng biển bão tố, sau những gì mà họ cho là một vụ cháy và nổ liên quan đến đạn dược chất trên tàu.

Trước đó, Nga đã cố gắng giảm thiểu thiệt hại và tuyên bố rằng tàu Moskva vẫn còn nổi và đang tự mình quay trở lại cảng. Moscow cũng thông báo rằng thủy thủ đoàn đã được sơ tán lên các tàu khác của Hạm đội Biển Đen



Những người thân của thủy thủ đoàn tàu Moskva đã bất chấp các cơ quan kiểm duyệt của Nga để tổ chức lễ tưởng niệm không chính thức vào ngày hôm nay. Trong ảnh: Một người đàn ông đặt hoa tại một đài tưởng niệm không chính thức cho các thủy thủ, ở Sevastopol vào ngày 15 tháng 4

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu, nói với điều kiện giấu tên, rằng hai tên lửa bắn chìm con tàu là loại chống hạm Neptune. Hoa Kỳ tin rằng có thương vong của Nga, mặc dù con số không rõ ràng, quan chức này cho biết thêm.
Với các báo cáo mâu thuẫn tiếp tục, một ‘lễ tang’ xúc động đã được tổ chức cho Moskva và các thủy thủ của nó ở Sevastopol, cảng quê hương của nó.

Buổi lễ tuy không chính thức, không có đề cập đến số người đã chết, nhưng có vẻ như rõ ràng từ buổi lễ u ám này, do một linh mục chủ trì, cho thấy rằng đã có thiệt hại nhân mạng đáng kể.



Ukraine tuyên bố rằng tất cả 510 quân nhân trên tàu đã chết, khi lực lượng của Kyiv tấn công nó bằng hai tên lửa hành trình, vào đầu giờ sáng thứ Năm

Chiếc thiết giáp hạm có số lượng thủy thủ thường là 510 người.

Ông tuyên bố: “Ban lãnh đạo Hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga đã cố tình che giấu sự thật với người thân và bạn bè của các thành viên thủy thủ đoàn.”

Lời kể của ông mâu thuẫn với các phiên bản khác trước đó, bao gồm việc một tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu hơn 50 người.
Nếu tuyên bố của Kyiv là đúng, thì cái chết của các thủy thủ sẽ làm tăng thêm số người chết, vốn đã rất lớn, mà các lực lượng của Moscow phải gánh chịu trong cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Người ta tin rằng hơn 20.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Trong khi đó, Mykhailo Samus, giám đốc một tổ chức tư vấn quân sự có trụ sở tại Lviv; Andriy Klymenko, biên tập viên của báo Black Sea News; và tờ Defense Express của Ukraine đều cảnh báo rằng chiếc Moskva có thể đã mang hai đầu đạn hạt nhân được thiết kế để lắp cho tên lửa ‘sát thủ tàu sân bay’ P-1000 của nước này.

Nếu đúng, sự cố mất đầu đạn hạt nhân xuống Biển Đen đó có thể châm ngòi cho một sự cố ‘Mũi tên gãy‘ – tiếng lóng của quân đội Mỹ để chỉ những tai nạn có thể gây chết người liên quan đến vũ khí hạt nhân.



Ukraine cho biết họ đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào con tàu từ thời Liên Xô này (pictured, file photo)

“Trên tàu Moskva có thể có đầu đạn hạt nhân – hai quả”, Samus nói, trong khi Klymenko kêu gọi các quốc gia khác trên Biển Đen – Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Georgia và Bulgaria – đòi phải có lời giải thích. “Những đầu đạn này ở đâu? Chúng đã ở đâu khi kho đạn phát nổ,” ông đặt dấu hỏi.

Trong khi đó Ilya Ponomarev, một chính trị gia đã rời khỏi Nga để sống lưu vong vì phản đối việc Putin sáp nhập Crimea năm 2014, cho biết chỉ có 58 trong số 510 thủy thủ đoàn, kể từ vụ nổ có lẽ đã sống sót – nâng cao viễn cảnh rằng 452 người đã chìm cùng con tàu trong một tổn thất cay đắng cho đội quân đã bị bao vây của Vladimir Putin.

Con số này, mặc dù chưa được xác nhận, nhưng phù hợp với tổn thất do chiếc tàu chiến phát nổ. Trong thất bại khét tiếng của Hải quân Nga trong trận Tsushima trước Nhật Bản, một vụ nổ trên tàu Borodino – nhỏ hơn một chút so với tàu Moskva – đã khiến tất cả 855 thủy thủ đoàn của nó thiệt mạng, trừ một người.

Nga tuyên bố tất cả các thủy thủ của tàu Moskva đã được ‘sơ tán thành công’ nhưng video ghi lại được ở Sevastopol qua đêm cho thấy hàng chục chiếc xe hơi của các thủy thủ con tàu vẫn đang đậu ở cảng – cho thấy chủ nhân của chúng đã không quay lại lấy.

Những tin đồn cũng bắt đầu lan truyền trên các phương tiện truyền thông Ukraine, rằng Đô đốc Igor Osipov – chỉ huy hạm đội Biển Đen của Nga mà chiếc Moskva là chiến hạm chỉ huy – đã bị bắt giữ, vụ việc mới nhất trong một loạt các cuộc bắt giam liên quan đến hành động xâm lược đang diễn ra hỗn loạn.

Leonid Nevzlin, một doanh nhân người Israel gốc Nga đã bỏ trốn khỏi đất nước năm 2003 sau khi bị Putin nhắm tới, hôm qua cho biết 20 tướng lĩnh Nga đã bị bắt vì những thất bại của quân đội, cùng với 150 sĩ quan FSB vì cung cấp thông tin sai lệch về hệ thống phòng thủ của Ukraine.



Anton Kuprin, hạm trưởng của Moskva, được cho là nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ tấn công

Ông cũng tuyên bố rằng Sergey Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và là đồng minh lâu năm của Putin, đã bị một cơn đau tim nặng và đang được chăm sóc đặc biệt sau một nỗ lực rõ ràng là nhằm ám sát.

Shoigu, 66 tuổi, được cho là đã bất hòa với Putin vào giữa tháng 3 vì cuộc xâm lược loạn xạ và hầu như không xuất hiện trước công chúng. Ông đã tham gia các cuộc gọi điện video với Putin kể từ đó, nhưng không nói chuyện, trong bối cảnh bị ngờ rằng Điện Kremlin có thể sử dụng lại các đoạn phim cũ để tạo ấn tượng ông này vẫn còn sống và khỏe mạnh.

Tàu Moskva đã gặp sự cố vào đêm thứ Tư, khi nó đã di chuyển được khoảng 60 km ngoài khơi bờ biển Odesa, cảng lớn nhất và căn cứ hải quân chính của Ukraine. Quân đội Ukraine cho biết họ đã tấn công bằng hai tên lửa hành trình Neptune, do một khẩu đội ven biển bắn vào mạn trái của con tàu.



Soái hạm Moskva

Các nguồn tin quân sự Nga cho biết con tàu đã lật nghiêng và bốc cháy sau vụ nổ, trong khi các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết con tàu đã phải chịu một vụ nổ ‘lớn’ khiến nó bị hư hỏng nặng trước khi chìm.

Moscow chỉ nói rằng con tàu đã bị cháy và nổ trước khi hải quân của họ cố gắng kéo con tàu trở lại Sevastopol, nhưng trong quá trình hoạt động, nó đã bị chìm giữa biển động. Vị trí chính xác của xác tàu vẫn chưa được biết.

Việc tiêu diệt được chiếc Moskva – soái hạm (kỳ hạm-tàu có đô đốc chỉ huy cả hạm đội) của hạm đội Biển Đen của Nga – là một chiến thắng mang tính tuyên truyền lớn đối với Kyiv, cũng đồng thời như một tổn thất đáng xấu hổ khác cho đội quân đang bị bao vây của Putin.

Để trả thù cho vụ chìm tàu, quân đội Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Ukraine, vào đêm qua thứ Năm – bao gồm một số tên lửa mà họ cho là đã tấn công và phá hủy một nhà máy gần thủ đô Kyiv, nơi sản xuất vũ khí được sử dụng chống lại Moskva.


Các tài khoản Telegram của Nga có liên kết với Tập đoàn Wagner Group cho rằng máy bay không người lái Bayraktar đã được sử dụng để đánh lạc hướng hệ thống radar của Moskva, trước khi một khẩu đội ven biển khai hỏa ở đâu đó gần Odesa, bắn trúng con tàu bằng hai tên lửa Neptune

Bên cạnh việc mang lại cho Ukraine một chiến thắng về mặt tuyên truyền, vụ đánh chìm tàu Moskva cũng có những gợi ý thiết thực đối với Nga. Với tư cách là soái hạm, con tàu có khả năng được giao nhiệm vụ điều phối các hoạt động di chuyển của các tàu khác trên Biển Đen, điều có thể gây ra thêm sự nhầm lẫn giữa cơ cấu chỉ huy vốn đã căng thẳng của Nga.

Vai trò của nó cũng là để che chở cho các tàu khác của Nga sử dụng tên lửa phòng không khi chúng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các thành phố và địa điểm quân sự. Tổn thất của nó sẽ khiến các con tàu kia dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công của Ukraine, kể cả bằng máy bay phản lực hoặc máy bay không người lái.

Trước đó, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng Nga đã phải di chuyển các tàu khác của mình rời xa bờ biển Ukraine 80 km – một nỗ lực bị nghi là nhằm thoát khỏi tầm bắn của tên lửa – sau khi con tàu này bị phá hủy.

Chắc chắn sẽ có những câu hỏi được đặt ra bên trong Điện Kremlin về việc làm sao mà một trong những con tàu mang tên thủ đô của nước mình lại bị phá hủy bởi một quốc gia không có lực lượng hải quân hiện hữu. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, lực lượng hải quân của Nga đã bố trí ngoài khơi bờ biển Ukraine để hỗ trợ bộ binh của nước này, đồng thời chặn đường tiếp cận bờ biển của Kyiv.



Ngày 7/4: Tàu Moskva được chụp ở Sevastopol, Crimea bị chiếm đóng, là cảng nhà của hạm đội Biển Đen của Nga. Con tàu thời Liên Xô dẫn đầu hạm đội, được trang bị tên lửa chống hạm, hạm đối không và chống tàu ngầm



Ngày 10/4: Tàu Moskva (ảnh chụp vào tuần trước, gần cảng Sevastopol) đã hỗ trợ điều phối hoạt động của hải quân Nga ở Biển Đen, nơi đã chứng kiến các tàu thiết lập phong tỏa từ xa các cảng của Ukraine và nổ súng vào các thành phố bằng tên lửa hành trình

H I Sutton, một nhà phân tích hải quân có uy tín, đã chỉ ra rằng con tàu đó đã trải qua hai tháng di chuyển trong một sơ đồ ‘có thể đoán trước được’ quanh Biển Đen – thường là ở vùng biển gần Đảo Rắn.

Sutton cũng chỉ ra rằng hệ thống phòng thủ của con tàu đã ‘cao tuổi’. Ban đầu nó được Liên Xô chế tạo vào năm 1983, sau đó đã trải qua một đợt sửa chữa lớn và hoạt động trở lại vào năm 2000. Nhưng những phương án nâng cấp kể từ đó đã được thực hiện kiểu manh mún, với một đợt tái trang bị lớn vào năm 2015 – có khả năng khiến nó dễ bị tổn thương bởi vũ khí hiện đại.

Vào tối qua thứ Năm, các quan chức phương Tây cho biết các báo cáo của Ukraine về hoạt động này là ‘đáng tin cậy’ và cho thấy cuộc tấn công đã chứng tỏ khả năng phản kích vào người Nga ở những khu vực mà lực lượng này cho rằng mình bất khả xâm phạm.
Nó cũng đánh dấu một mất mát nhục nhã khác đối với các lực lượng vũ trang của Putin, với việc nhà lãnh đạo Nga được cho là ‘tức giận’ sau khi được thông báo.


Tác giả : WILL STEWART and CHRIS JEWERS and CHRIS PLEASANCE (Daily Mail)