“Hòa Bình Ca” chứng tích ảo tưởng hòa bình năm 1973




Hòa Bình Ca”! Xin tạm xếp loại như vậy về một số ca khúc ra đời trong năm 1973 ở Miền Nam của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Trịnh Lâm Ngân, Thông Đạt, …. Những ca khúc này cùng lấy đề tài về ước mơ hòa bình của người dân. Ước mơ về cuộc đoàn viên, tái lập đời sống bình thường nhưng không thiếu lãng mạn, ấm nồng tình người. Thế nhưng chỉ hai năm sau Hiệp định Paris, hòa bình đã đến bằng đỉnh cao bạo lực tàn khốc, xã hội hòa bình nghiệt ngã đã cấm đoán hầu hết các ước mơ này.

Sau “20 năm nội chiến từng ngày” gây bao tang thương cho Miền Nam hiền hòa, hòa bình là khát vọng , là ước mơ chung của mọi người. Từ khi hội nghị Paris bàn về giải pháp ngừng bắn ở Miền Nam mở ra, hy vọng ngây thơ ấy càng nhen nhóm. Trái tim nhạy cảm tâm hồn lãng mạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã reo lên những giai điệu mới lạc quan qua Tập “Kinh Việt Nam là tiếng cầu kinh mang tình tự của một dân tộc khát khao hòa bình, là viễn cảnh tốt đẹp của sự chung lòng tái thiết đất nước và chữa lành nhân tâm, của dự cảm “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” khi sự phân chia giới tuyến còn khốc liệt. (1)
Tập Kinh Việt Nam gồm 12 ca khúc mà ngay tựa đề các bài hát đã ngọt ngào hương hoa hòa bình.

1. Dân ta vẫn sống
2. Chờ nhìn quê hương sáng chói
3. Dựng lại người dựng lại nhà
4. Ngày mai đây bình yên
5. Cánh đồng hòa bình
6. Ta thấy gì đêm nay
7. Sao mắt mẹ chưa vui
8. Đôi mắt nào mở ra
9. Hãy đi cùng nhau
10. Hành Ca
11. Đồng dao hòa bình
12. Nối vòng tay lớn

Chua chát thay, bài hát Nối Vòng Tay Lớn trong tập này có số phận bi thương đặc biệt. Ước mơ “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” được bao nhiêu thế hệ người Việt cả hai miền Nam, Bắc mê say. Ngày 30-4, nó được chính tác giả hát trên đài phát thanh Sài Gòn trong chương trình phát thanh đặc biệt trong khoảng thời sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng mà bên thắng cuộc chưa kịp vào tiếp quản. Thế nhưng hơn 40 năm sau, năm 2017 nó vẫn là 1 trong bốn bài của Trịnh bị Bên Thắng Cuộc cấm hát với lý do hết sức tào lao “chưa có ai xin cấp phép” (2)
Với những nhạc sĩ khác cảm tác giai điệu hòa bình thật nồng nàn, ngọt ngào và đa dạng. Nhạc sĩ Văn Giảng dưới bút danh Thông Đạt đã sáng tác ca khúc “Tình Em Biển Rộng Sông Dài” vào năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Ca từ và giai điệu thật thiết tha

Hòa bình ơi

Tình yêu em như sông biển rộng
Tình yêu em như lúa ngoài đồng
Tình yêu em tát cạn biển Đông
Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông
Sao em nỡ lòng lúa khô ngoài đồng
Sao em nỡ lòng
Người về đây xin may áo cưới
Tặng người yêu vui trong gió mới
Tôi đón em đi về
Tôi đón em đi về xây dựng lại tình quê

50 năm trôi qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ trong nước và hải ngoại đã thể hiện và bài hát vẫn làm rung động lòng người. Tác giả Lưu Hương trên website Nhạc Vàng đã viết “Hòa bình ơi!” một tiếng gọi thân thương, đầy da diết mà nghe đến não lòng. Như là một thông điệp được tác giả sử dụng xuyên suốt bài hát, nhằm nhấn mạnh vấn đề để gửi gắm sự mong mỏi của mình cũng như của hàng triệu trái tim con người Việt Nam là đất nước được hòa bình.” (3)

Cũng chính nhạc sĩ Văn Giảng từ rung động Hòa Bình đã viết bài Hoa Cài Mái Tóc phát hành vào tháng giêng 1973, và được ca sĩ Elvis Phương thu âm đầu tiên. Ca từ và giai điệu bài hát thật rộn vui

Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc
Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình
Lệ nhạt nhòa đôi mắt long lanh
Nghe tin con vẫn còn ngày xanh.

Hoàng Thi Thơ nhạc sĩ nổi tiếng về tài tình tự quê hương với những bài hát bất hủ như Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu cũng sôi nổi ước mơ hòa bình với ca khúc Rước Tình Về với quê hương. Giai điệu bài hát rộn ràng, ca từ là hình ảnh quê hương thanh bình
Anh xin đưa em về
Về quê hương ta đó
Anh xin đưa em về
Về quê hương tuyệt vời
Đèn trăng treo tuốt trên cao
Ánh sao như muôn ngọn nến
Lập lòe đom đóm hoa đăng
Hỡi em theo anh về nhà

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với sở trường gắn chiến tranh với hình ảnh quê hương, tình tự bạn bè như Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái đã reo vui trong ca khúc Thương Quá Việt Nam.

Em nghe gì không hỡi em
Con chim nó hót vang đầu hè
Em thấy gì không hỡi em
Con chim nó múa trên cành tre
….
Chim trên đồng chim trên non
Chim tung cánh xóa tan sương mù
Chim trong hồn chim trong tim
Ôi thương quá tiếng chim việt Nam
Hoa cúc vàng trên sân anh
Xinh như áo mới em ngày nào
Hoa nắng hồng trên quê anh
Xinh như má thắm em ngày xanh

………

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng có thêm ca khúc mừng Hòa Bình như nhìn thấy Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương Ôi quê hương ta đó
Dù bóng đêm đang gieo kinh hoàng
Dù mái tranh bơ vơ điêu tàn
Từng cánh hoa, từng cánh hoa
Hoa vẫn nở trong đêm mù sương
Hoa vẫn nở trên đường quê hương.…

Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, mang ước mơ của người lính khi trở về với đời sống bình thường qua ca khúc Một Mai Giả Từ Vủ Khí
Trả súng đạn này, khi sạch nợ sông núi rồi.
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao.
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu,
với cây đa khóm trúc hàng cau,
với con đê có chiếc cầu tre
đã bao năm vắng chân anh nên trở thành hoang phế rong rêu.
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa.
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về.
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em,
với miếng cau, với miếng trầu ta làm lại từ đầu.

Với cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy đã viết không chỉ 1 hay 2 mà đến 9 ca khúc về Hòa Bình thành một tập bài hát lấy tên chung là Bình Ca.
Trong đó, bài Bình Ca thể hiện mong chờ trầm tỉnh nhưng không kém lạc quan
Này em con chim lười
Nhiều năm chim đau phổi
Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui
Này em con chim gầy
Chiều nay chim đứng dậy
Và nó hát líu lo thật dài
Cũng vì Hòa Bình đã về đây ….

Với cách nhìn trầm tĩnh của người từng trải, có kinh nghiệm sống chung với cộng sản ông tâm sự rằng: “Bình Ca ra đời vào năm 1972, không xưng tụng nền hoà bình mà Hội Nghị Paris đạt được sau các vụ đi đêm và ký kết giữa các phe nhóm. Trong bình ca, không phải vì lý do có ký kết hoà bình mà nói tới chuyện tương lai, với sự trùng tu xứ xở, xây lại nhà máy, cầu cống v.v... Nó nói nhiều tới chuyện lấy lại sự bình thường, bình dị của dân tộc ta, bị mất đi sau mấy chục năm chiến tranh.” (4)
Trái ngược với ước mơ, sự tưởng tượng chân thành và ngây thơ của những nhạc sĩ trẻ nhiệt huyết, cũng trái ngược với sự bình tỉnh dày dạn của Phạm Duy. Hòa Bình đã đến không phải bằng hòa đàm, hòa giải, hòa hợp dân tộc như người ta đã ký trên bàn hội nghị quốc tế.
Hòa Bình đã tới bằng xe tăng của Nga và đại pháo của Tàu.
Sông Bến Hải đã nối liền, đường sắt Bắc Nam đã thông suất nhưng không có cuộc vui Nối Vòng Tay Lớn vì Bên Thắng Cuộc miệng nói thống nhất nhưng hành xử như là đội quân chiếm đóng, xem Miền Nam là kho chiến lợi phẩm, người Miền Nam là ngụy, là Bên Thua Cuộc phải khai thác triệt để.
Mong Muốn Rước Tình Về Với Quê Hương không thể thực hiện dù cho tấm lòng người Miền Nam có Tình Em Như Biển Rộng Sông Dài vì Bên Thắng Cuộc, không cho Hoa Cài Mái Tóc mà chụp lên đầu người dân Bên Thua Cuộc chinh sách cải tạo và cái vòng kim cô chuyên chính vô sản.

Người lính Miền Nam giã từ vũ khí nhưng không thể đón người yêu, đón cha mẹ về mà phải lên rừng lao động khổ sai….

Sau 50 năm, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn tự hào về thành tích bán máu xương của dân tộc cho Nga, Tàu, lật lọng những thỏa thuận quốc tế đã ký kết để chiếm đoạt Miền Nam, giành độc quyền cai trị cả nước. Thế hệ chính quyền hiện tại đang học theo tấm gương đó để lật lọng, xổ toẹt những công ước, hiệp ước những cam kết đã ký với Liên Hiệp Quốc, Mỹ, EU về nhân quyền, tự do báo chí, quyền lập công đoàn độc lập… tiếp tục bán chủ quyền cho Tàu lấy nguồn lực này cai trị dân Việt ngày càng hà khắc hơn để duy trì chế độ độc tài, độc đoán.
Người dân Bên Thua Cuộc Miền Nam và cả những người dân miền Bắc không thuộc Bên Thắng Cuộc hãy nghe và hãy nhớ những giai điệu Hòa Bình ca. Đây là bằng chứng truyền đời về dã tâm tàn nhẩn thà đốt cháy cả dãy Trường Sơn, dù bán chủ quyền cho Tàu, tiêu diệt cả dân tộc, để bảo vệ đặc quyền cai trị chúng cũng sẳn sàng.

1- https://thanhnien.vn/ban-ho-so-mat-v...-chan-ca-khuc-...
2- https://thanhnien.vn/vi-sao-4-ca-khu...post656414.htm
3- https://dongnhacvang.com/cam-nhan-ca...g-song-dai-cua...
4- https://phamduy.com/vi/am-nhac/chuon...-nguoi-binh-ca


Gió Bấc