Tây Nguyên: Nhiều nơi xuất hiện sụt lún, nứt gãy đất nghiêm trọng




Khu vực Tây Nguyên gần đây xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt nghiêm trọng và nhiều vết nứt gãy trên mặt đất, nhiều hộ dân phải di dời.



Vết nứt trên Quốc lộ 14 đoạn qua tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa. (Ảnh: baodantoc.vn)

Sụt lún, sạt trượt tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh, 53.000m2 bị ảnh hưởng

Ngày 2/8, khu dân cư cạnh dự án hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện nhiều vết nứt khoảng 30cm. Một số vị trí vết nứt rộng đến 50cm, đất sụt lún sâu 1,5m.

Nói với báo vnExpress, Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết đầu tư xây căn nhà hết 3,7 tỷ đồng, vừa mới tân gia hồi tháng 3. Tuy nhiên, hôm 20/7, cả khu đất bị kéo xuống khiến căn nhà bị nứt tường, buộc gia đình ông và hàng xóm cũng phải rời đi để đảm bảo an toàn.

Theo UBND huyện Lâm Hà, tình trạng sạt lở, sụt lún tại khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh được phát hiện hồi đầu tháng 7, sau nhiều ngày mưa lớn. Khi đó sườn đồi sát khu vực thi công hồ chứa xuất hiện vết nứt rộng 20-30cm, kéo dài qua vườn và nhà của 3 hộ dân. Các vết nứt rộng ra từng ngày, khiến nền đất bị lún, trượt xuống.

Thống kê tại huyện này có 9 hộ dân, với tổng diện tích đất hơn 53.000m2 bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ sạt lở, lún đất; 500m đường tránh ngập bị xuống cấp.

Hiện, chính quyền địa phương đã di dời các hộ này đến nơi an toàn, đồng thời cắm biển cảnh báo, cử người canh gác 24/24h.

Dự án hồ chứa nước Đông Thanh đang được triển khai có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, lòng hồ rộng 25,3ha. Khi hoàn thành, hồ sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân.

Trước tình trạng khu vực gần hồ bị sụt lún, sạt lở, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý sự cố. Việc thi công hồ chứa nước cũng được tạm dừng để cơ quan chuyên môn khảo sát, quan trắc để tìm nguyên nhân.

Tình trạng sạt lở, sụt lún thời gian gần đây liên tục tại Lâm Đồng, nhất là sau các trận mưa lớn, kéo dài. Mới đây nhất, hôm 30/7, đất đá trên đèo Bảo Lộc tràn xuống vùi lấp trạm cảnh sát giao thông Madagui khiến 4 người tử vong, trong đó có 3 cảnh sát giao thông. Theo thống kê, hiện tỉnh Lâm Đồng vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ.



Vết nứt tại bon Bu Krắc, xã Quảng Trực sau hai tiếng nổ lớn kèm rung chấn.

Đắk Nông di dời hàng chục hộ dân sau tiếng nổ lớn, Quốc lộ 14 bị nứt


Ngày 2/8, UBND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cho biết lực lượng chức năng đã di dời hàng chục hộ dân xã Quảng Trực đến nơi an toàn.

Trước đó, khuya 31/7, tại bon Bu Krắc (xã Quảng Trực), lực lượng chức năng ghi nhận có 2 tiếng nổ lớn, đi kèm với sự rung chấn từ mặt đất.

Đến sáng ngày 1/8, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất. Các vết nứt có chiều dài hàng trăm mét, rộng 10 – 15cm. Đến ngày 2/8, vết nứt kéo dài đến bon Bu Prăng (nằm cạnh bon Bu Krắk). Hiện, UBND huyện Tuy Đức đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân.

Trong khi đó, trên tuyến Quốc lộ 14, đoạn qua TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) cũng ghi nhận vết nứt dài kéo khoảng 20m. Ngay trong sáng 2/8, lực lượng chức năng đã di dời 16 hộ dân phường Nghĩa Thành (TP. Gia Nghĩa) đến nơi an toàn.

Chiều cùng ngày, tại đoạn Quốc lộ 14 bị nứt, nhiều công nhân đang nỗ lực vá lại vết nứt. Thời điểm này trời đã tạnh mưa và có nắng. Tuy nhiên, nhiều vị trí vừa được vá tạm xong đã nứt trở lại.

Khánh Vy