Đức điều hai chiến hạm đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương





Hai tiêm kích Eurofighter (trái), một máy bay vận tải quân sự Airbus A400M (giữa) và hai tiêm kích Tornado (phải) bay ngang qua tàu tiếp tế lớp Berlin A 1412 Frankfurt am Main của Hải quân Đức (Bundesmarine) khi con tàu rời cảng nhà Wilhelmshaven, tây bắc nước Đức, để lên đường đến Ấn Độ - Thái Bình Dương, vào ngày 7/5/2024. Đây là một trong những con tàu lớn nhất của lực lượng vũ trang Đức. (Ảnh: FOCKE STRANGMANN/AFP/Getty Images)

Ngày 07/5, Cộng hòa Liên bang Đức đã triển khai hai chiến hạm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không loại trừ khả năng các chiến hạm này sẽ di chuyển qua eo biển Đài Loan. Lực lượng bộ binh Đức cũng được lên kế hoạch tham gia các cuộc tập trận quân sự phối hợp với Nhật Bản.

Giới quan sát Trung Quốc nhận định đây là những hoạt động quân sự mang tính chiến lược nhất của Đức trong nhiều thập kỷ qua, rõ ràng nhằm hướng đến Trung Quốc để đáp trả các hành vi hung hăng gia tăng của nước này trong khu vực.




Tàu tiếp vận Frankfurt am Main lên đường từ căn cứ ở Wilhelmshaven, phía Bắc nước Đức, ngày 7/5/2024. Cùng với một khinh hạm của Hải quân Đức, tàu này sẽ thực hiện nhiệm vụ duy trì tự do hàng hải trên Ấn Độ - Thái Bình Dương và đóng góp vào hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. (Ảnh: Lars Penning/picture alliance via Getty Images)

Tàu tiếp tế Frankfurt am Main đã khởi hành từ Wilhelmshaven, Đức, trong khi tàu frigate Baden-Württemberg rời cảng Rota của Tây Ban Nha. Hai tàu sẽ hội quân trên biển và sau đó di chuyển đến Halifax, Canada, trước khi tiến vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.


Trước bối cảnh các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ phía chế độ Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và hành vi bành trướng phi pháp ở Biển Đông, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những căng thẳng gia tăng đáng kể.

Phát biểu tại căn cứ hải quân Wilhelmshaven ở miền bắc nước Đức trước khi hai chiến hạm Đức khởi hành, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Boris Pistorius nhấn mạnh rằng những căng thẳng gia tăng này đang đe dọa trực tiếp đến quyền tự do hàng hải và tự do đi lại trên các tuyến đường thương mại.

Ông Pistorius khẳng định: "Việc né tránh thể hiện sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ không phải là lựa chọn của Đức. Sự hiện diện của chúng tôi tại khu vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng".

Ước tính 40% thương mại đối ngoại của châu Âu diễn ra trên Biển Đông. Liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đã và đang thực hiện các hoạt động tuần tra trên Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Về khả năng các chiến hạm Đức đi qua eo biển Đài Loan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pistorius cho biết: "Do nhiều tàu chiến của các nước đồng minh đã từng đi qua [eo biển Đài Loan], thì đây rõ ràng là một lựa chọn. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã thông báo với giới truyền thông trong chuyến thăm New Zealand vào ngày 04/5 rằng các chiến hạm Đức có thể đi qua eo biển Đài Loan.

Năm 2021, lần đầu tiên sau gần 20 năm, một chiến hạm Đức đã tiến vào Biển Đông, tham gia cuộc tập trận quân sự phối hợp với các đồng minh phương Tây khác, bao gồm Hoa Kỳ.


Theo Bộ trưởng Pistorius, quân đội Đức dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Trên bộ Nhật Bản vào năm tới. Đây sẽ là cuộc tập trận quân sự chính thức đầu tiên giữa lực lượng bộ binh của hai nước kể từ Thế chiến II.

Chia sẻ trên ấn bản tiếng Trung của tờ The Epoch Times vào ngày 08/5, Thiếu tướng về hưu Yu Tsung-chi tại Đài Loan nhận định: "Sự kiện này cũng đánh dấu việc Đức chính thức hoàn tất các bước chuẩn bị cho một liên minh quân sự với Nhật Bản, lần đầu tiên kể từ sau Thế chién II. Mục tiêu rõ ràng hướng đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)".



Hình ảnh một tàu hút cát Trung Quốc được ghi nhận từ Đài quan sát trên đảo Kim Môn, Đài Loan, ngày 24/9/2022. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Ông cho rằng mục tiêu của hoạt động này là "răn đe ĐCSTQ không thực hiện các hành động quân sự mạo hiểm nhằm vào Nhật Bản, Biển Đông và eo biển Đài Loan".

Giải thích về mục tiêu đằng sau các hoạt động quân sự gần đây của Đức, ông Tô Tử Vân (Su Tze-yun), Giám đốc Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng, Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, đã phân tích trong ấn phẩm này vào ngày 08/5 rằng: "Nguyên nhân chính là do cuộc chiến tranh Nga - Ukraine dai dẳng khiến châu Âu dần nhận thức rõ ràng về vai trò hậu thuẫn của ĐCSTQ cho Nga. Điều này tất yếu sẽ tác động đến an ninh của châu Âu".

Đức thay đổi Chiến lược để đối phó Trung Quốc


Tháng 7/2023, Chính phủ Đức đã công bố Chiến lược Toàn diện về Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại và kinh tế của nước này đối với Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Trước đó, Đức tập trung vào chính sách "thay đổi thông qua thương mại" đối với Trung Quốc.

"Trung Quốc đã thay đổi, do đó, chúng tôi cũng cần thay đổi cách tiếp cận của mình", theo Chiến lược Toàn diện về Trung Quốc.

Báo cáo chỉ rõ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, đặc biệt là sau khi Nga tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraine, đã trở thành mối đe dọa an ninh cấp bách đối với Đức.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động thương mại không công bằng của chính quyền Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến an ninh, chủ quyền và thịnh vượng của Đức. Do đó, cần phải có biện pháp phù hợp để giải quyết mối đe dọa này tại Đức và trên phạm vi châu Âu.

"Đây là bước ngoặt chiến lược quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Đức đối với Trung Quốc", ông Tô nhận định và nói thêm rằng đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt, nhưng ít ai chú ý vào thời điểm đó.

"Sau khi chính sách thay đổi, các kế hoạch thực thi sẽ được triển khai ngay sau đó", ông tiếp tục, đồng thời cho biết việc Đức điều các chiến hạm đến Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương nhằm "ngăn chặn sự thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan".



Hình ảnh bản đồ mô tả khu vực Trung Quốc, Đài Loan và eo biển Đài Loan. (Ảnh: CNA)

“Eo biển Đài Loan đóng vai trò huyết mạch đối với nền kinh tế toàn cầu. Đức bày tỏ quan ngại trước việc ĐCSTQ liên tục gia tăng áp lực tại eo biển Đài Loan và ép buộc Philippines ở Biển Đông. Do đó, việc Chính phủ Đức phái tàu chiến đến khu vực là một tuyên bố chính thức thể hiện lập trường của họ”, ông Tô kết luận.

Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch