'Cổng địa ngục' của Trái đất tiếp tục lún sâu hơn một triệu mét khối mỗi năm






‘Cổng đại ngục' Batagay là một hố sụt khổng lồ trong lớp băng vĩnh cửu ở phía bắc Yakutia, Siberia, Nga. (Hình ảnh: Đài thiên văn Trái đất của NASA)

Một nghiên cứu mới cho thấy hố sụt khổng lồ hoặc ‘cổng địa ngục' Batagay tại Siberia đang nuốt chửng bề mặt Trái đất với tốc độ một triệu mét khối mỗi năm. Hiện tại, nó có chiều dài khoảng 1 km và chiều ngang 800 m tại điểm rộng nhất. Nó vẫn đang tăng tốc.

‘Cổng địa ngục' Batagay, nằm trong dãy Chersky ở phía đông bắc Siberia, thực ra nó là một vùng trũng nhiệt - một loại ‘hố sụt khổng lồ' trên mặt đất do lớp băng vĩnh cửu của trái đất bị mất đi. Nó chỉ được phát hiện vào năm 1991, sau khi hố sụt trở nên khá lớn. Trong video dưới đây, có thể thấy sự phát triển của nó từ khi được khám phá đến năm 2017.



Lớp băng vĩnh cửu, mặc dù có tên như vậy nhưng thực ra không phải là vĩnh cửu; về cơ bản, nó được hình thành ở nhiệt độ 32°F (0°C) hoặc lạnh hơn. Một phần tư bề mặt đất ở Bắc bán cầu được tạo thành từ lớp đất đóng băng cứng như đá này, có thể sâu từ gần một mét đến hơn một ki-lô-mét.

Vậy tại sao Batagaika – nằm ở khu vực khá xa xôi của Siberia – lại gây ra tình trạng báo động như vậy? Sự sụt lún nhanh chóng của nó là do nhiệt độ không khí ấm lên, điều này minh chứng rằng có băng đang tan và sẽ không dừng lại đến khi không khí dừng ấm hơn lên.

Khi lớp băng vĩnh cửu tiếp tục sụt lún hoặc tan chảy, nó sẽ chuyển từ trạng thái rắn chắc thành một khối bùn, không thể hỗ trợ thảm thực vật trên bề mặt. Khi đó, mặt đất sẽ mất đi những tán cây che chắn khỏi mặt trời (và sức nóng). Như vậy bầu khí quyển sẽ tiếp tục nóng lên và tất nhiên, điều này dẫn đến tình trạng lớp băng vĩnh cửu ngày càng bị mất đi nhiều hơn. Đồng thời, các chất hữu cơ và virus cổ đại vốn được bảo quản trong các lớp băng vĩnh cửu, sẽ thoát ra ngoài.

Năm ngoái, các nhà khoa học đã cho chúng ta biết một điều khiến chúng ta lo lắng, đó là một chủng 'virus zombie' 48.500 năm tuổi đã được hồi sinh từ lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực – và đây không phải là lần đầu tiên.

Điều này rất có thể sẽ làm xuất hiện mối đe dọa của những căn bệnh cổ xưa đã tồn tại và không hoạt động trong nhiều thiên niên kỷ.

Đối với những loài bọ cổ xưa, chúng ta không biết liệu chúng có được trang bị để tồn tại lâu dài khi tiếp xúc với bầu khí quyển Trái đất hay không - nhưng chúng ta cũng không biết liệu sinh học và y học hiện đại của chúng ta có được trang bị để đối phó với những loại virus mới quay trở lại từ 50.000 năm trước hay không.

Vào năm 2016, các nhà khoa học tin rằng sự tan của lớp băng vĩnh cửu đã giải phóng vi khuẩn bệnh than Bacillus anthracis, giết chết 2.649 con tuần lộc, khiến hàng chục người dân địa phương bị bệnh và một đứa trẻ thiệt mạng.

Sự hình thành hố sụt lún Batagay đầy kịch tính – đã mang lại biệt danh là “cổng địa ngục” – đã để lộ lớp băng vĩnh cửu ước tính đã bị đóng băng trong 650.000 năm. Hiện tại nó sâu khoảng 50 m, với một vài khu vực sụt sâu xuống tới 100 mét.

Nhóm nghiên cứu viết trong một nghiên cứu được công bố trực tuyến ngày 31 tháng 3 trên tạp chí Geomorphology: “Các đặc điểm tan băng vĩnh cửu nhanh chóng rất phổ biến và được quan sát thấy sẽ gia tăng ở địa hình băng vĩnh cửu giàu băng ở Bắc Cực và cận Bắc Cực”. Tuy nhiên, lượng băng và trầm tích bị mất đi từ siêu khu vực Batagay là "đặc biệt cao" do kích thước khổng lồ của hố sụt này.

‘Cổng địa ngục' này đo được rộng 790 m vào năm 2014, nghĩa là nó đã rộng hơn 200 m trong vòng chưa đầy 10 năm. Các nhà nghiên cứu đã biết nó đang phát triển, nhưng đây là lần đầu tiên họ định lượng được lượng băng tan chảy của hố sụt khổng lồ này. Họ đã làm như vậy bằng cách kiểm tra hình ảnh vệ tinh, đo đạc thực địa và dữ liệu từ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên các mẫu đất từ Batagay.

Các nhà nghiên cứu viết rằng hố sụt Batagay “vẫn đang phát triển tích cực”, nhưng có một giới hạn về mức độ mở rộng của nó. Lớp băng vĩnh cửu còn sót lại bên dưới hố sụt này có thể chỉ còn dày vài mét, vì vậy "khả năng sụt sâu hơn nữa trên thực tế sẽ đến lúc dừng lại do địa chất nền tảng bên dưới."

Theo Livescience/NewAtlas