Báo cáo: Nền dân chủ, nhân quyền và tự trị của Hồng Kông tiếp tục suy thoái




Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) đã công bố báo cáo thường niên vào ngày 10/4, tuyên bố rằng nền dân chủ, nhân quyền và tự trị của Hồng Kông năm 2023 tiếp tục suy thoái. CECC khuyến nghị chính phủ Mỹ nên “kiên quyết” đưa ra các biện pháp trừng phạt, bao gồm đối với các tổ chức tài chính, công tố viên, thẩm phán và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phá hoại các quyền tự do và nhân quyền của Hồng Kông.



Tại Hồng Kông ngày 22/12/2023, Văn phòng Liên lạc của Trung ương ĐCSTQ tại Hồng Kông và các quan chức Chính phủ Hồng Kông tham dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Quốc gia Trung Quốc về Nghiên cứu Hồng Kông và Macao (Cục Thông tin Chính phủ Hồng Kông)

Theo RFA, báo cáo thường niên dài 373 trang của CECC ghi lại chi tiết tình hình nhân quyền của Hồng Kông vào năm 2023, chỉ ra rằng việc ĐCSTQ thực thi Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông thực sự làm suy yếu tính độc lập tư pháp của khu vực này. Quyền lực của trưởng đặc khu và cảnh sát Hồng Kông là quá lớn và rất khó bị kiểm soát, đồng thời mơ hồ về mặt pháp lý trong xác định vấn đề cấu thành tội an ninh quốc gia.

Về thủ tục xét xử, báo cáo chỉ ra Chính phủ Hồng Kông tiếp tục truy tố các nhà hoạt động dân chủ, trong quá trình truy tố và thẩm vấn đã phớt lờ các thủ tục pháp lý cơ bản cũng như các quyền cơ bản của bị cáo, từ chối giả định vô tội vốn là quy chuẩn pháp luật thông thường trong thi hành án. Một vấn đề đáng sợ là các cơ quan thực thi pháp luật Hồng Kông cũng thường vận dụng Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ.

Báo cáo đề cập cơ quan quản lý hệ thống nhà tù của Hồng Kông đã tăng cường thực thi luật hình sự và thực thi trong các nhà tù các cải cách “khử cực đoan”, qua đó coi các tù nhân chính trị như những kẻ cực đoan và gieo vào họ những suy nghĩ tuyệt vọng, sợ hãi để ngăn chặn họ ra tù tiếp tục tham gia hoạt động chính trị.

Vào tháng Sáu năm ngoái, tờ Washington Post đưa tin chương trình “khử cực đoan” (deradicalize) của Cục Cải huấn Hồng Kông đã sử dụng “mô hình Tân Cương” để tẩy não và chuyển hóa tư tưởng liên tục trong ngày, để khiến nhà đấu tranh dân chủ cảm giác tuyệt vọng, qua đó không còn nuôi ý chí đấu tranh dân chủ xã hội.

Điều tra của Washington Post phát hiện, các khóa học “khử cực đoan” của nhà cầm quyền bao gồm các bài giảng tuyên truyền về ý thức hệ của ĐCSTQ và dẫn dắt tâm lý, cùng với các biện pháp biệt giam và trừng phạt nghiêm ngặt, nhằm khiến những nhà đấu tranh thừa nhận sai lầm và ăn năn…

Ngoài ra, báo cáo của CECC còn đặc biệt đề cập đến ông Jimmy Lai (Lê Trí Anh) – người nổi tiếng trong vai trò chủ báo Next Magazine và Apple Daily, cho biết ông đã thuê một luật sư người Anh đến Hồng Kông để bào chữa cho ông. Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (Li Jiachao) đã yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ĐCSTQ can thiệp, cuối cùng cho phép Trưởng Đặc khu Hồng Kông có quyền xác định xem trong các trường hợp đặc biệt liệu luật sư nước ngoài có được phép hành nghề ở Hồng Kông hay không.

Xét về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, báo cáo khuyến nghị Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật trừng phạt tư pháp Hồng Kông (Hong Kong Judicial Sanctions Act) và Đạo luật chứng nhận văn phòng thương mại và kinh tế Hồng Kông (Hong Kong Economic and Trade Office Certification Act). Liên quan đến các biện pháp trừng phạt đối với Hồng Kông, báo cáo khuyến nghị Mỹ nên phối hợp với Vương quốc Anh và các nước khác có cùng hệ giá trị để đạt được kết quả tốt nhất.

Nếu “Đạo luật chứng nhận văn phòng kinh tế và thương mại Hồng Kông” được ban hành thành công, Nhà Trắng phải giải thích chi tiết trước Quốc hội liệu 3 văn phòng kinh tế và thương mại Hồng Kông tại Mỹ (New York, San Francisco và Washington, DC) có nên có bị đóng cửa hay không, và liệu họ có nên tiếp tục được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ khác nhau như hiện nay hay không.

Báo cáo cũng khuyến nghị Quốc hội Mỹ hỗ trợ Hồng Kông trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí và thông tin, giúp báo chí thực hiện các dự án đưa tin điều tra, tổ chức các hoạt động trao đổi học thuật cho báo chí và nới lỏng các hạn chế đối với người Hồng Kông xin thị thực Mỹ.

Sau khi báo cáo của CECC được công bố, Chính phủ Hồng Kông đã phản bác vào ngày 11/5 rằng những cáo buộc đó là sai sự thật và mang tính vu khống, đồng thời bày tỏ bất bình và mạnh mẽ phản đối.

Mới đây trong một diễn đàn trực tuyến của một think tank ở Washington, Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông và Macao là ông Gregory May cũng đề cập đến tình hình nhân quyền ở Hồng Kông. Ông mô tả nền chính trị của chính phủ Hồng Kông là “đàn áp mềm” (soft repression) đối với người dân, tức là sử dụng các biện pháp phi bạo lực để đàn áp người dân Hồng Kông. Ông nhấn mạnh Mỹ và Hồng Kông có lịch sử quan hệ lâu đời, năm ngoái Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông vừa kỷ niệm 180 năm thành lập tại Hồng Kông, Mỹ quyết tâm ở lại Hồng Kông tiếp tục can dự đầy đủ vào các vấn đề Hồng Kông cho dù tình hình tương lai có ra sao.

Đông đảo công dân Hồng Kông vẫn cho hay rằng tự do, dân chủ và thịnh vượng của Hồng Kông không thể tách rời khỏi Anh và Mỹ; Hồng Kông chẳng là gì cả nếu không có ảnh hưởng từ Anh và Mỹ; mặc dù ĐCSTQ có chủ quyền đối với Hồng Kông nhưng chế độ toàn trị này không đại diện cho Hồng Kông.

Lý Hoài Quất, Vision Times