Rộ tin đồn bà Trương Thị Mai ‘cáo lão về quê’










Bà Trương Thị Mai lúc mới vào Bộ Chính trị ở khóa 12. Bà là thành viên nữ duy nhất trong Bộ Chính trị khóa 13.

Trong lúc Đảng Cộng sản Việt Nam đang tìm nhân sự thế vào các ghế lãnh đạo bị để trống thì dư luận trong nước đang rộ tin đồn về sự ra đi của bà Trương Thị Mai, một trong những lãnh đạo hàng đầu của Đảng và là ứng viên cho một vị trí trong tứ trụ, theo tìm hiểu của VOA.

Trong lúc này, Quốc hội Việt Nam sắp sửa có kỳ họp quan trọng vào ngày 20/5 tới để phê chuẩn các chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội sau khi các ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị cho thôi tất cả các chức vụ cách nhau hơn một tháng.

Theo lệ trong hệ thống chính trị Việt Nam, trước khi Quốc hội họp, Bộ Chính trị của Đảng họp trước để bàn bạc, thống nhất đề cử nhân sự nào, sau đó đưa toàn thể Ban Chấp hành Trung ương biểu quyết trước khi giới thiệu cho Quốc hội và Quốc hội chỉ có nhiệm vụ chuẩn y.
Để vào được tứ trụ thì ứng viên phải bước qua nhiệm kỳ Bộ Chính trị thứ hai theo quy định của Đảng. Hiện tại, trong số 13 Ủy viên Bộ Chính trị còn lại, ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì chỉ còn ông Tô Lâm và bà Trương Thị Mai là đáp ứng đủ điều kiện này.

Ông Lâm hiện là Bộ trưởng Công an còn bà Mai kiêm hai chức danh Thường trực Ban bí thư, vốn chịu trách nhiệm xử lý công việc hàng ngày của Đảng, và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, vốn phụ trách việc bồi dưỡng, đề bạt, đánh giá nhân sự các cấp.
Sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức hồi tháng Ba, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, từng nhận định với VOA rằng bà Mai là người có triển vọng nhất lên thay ông Thưởng.

Tuy nhiên, tài khoản Facebook Lê Nguyễn Hương Trà hôm 14/5 đã đăng những dòng chữ đầy ẩn ý trên nền là tấm hình ‘chỉ mang tính minh họa’ chụp ba người là các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc và bà Trương Thị Mai. Đáng chú ý là cả ông Phúc và ông Thưởng đều đã về hưu sau khi bị mất chức chủ tịch nước giữa chừng.

“Ngôi sao tuyển nữ quốc gia, bông hoa duy nhất có mặt trong ban điều hành Liên đoàn Bóng Đá vừa bất ngờ bỏ việc. Cô đã dọn đồ về quê, chấm dứt sự nghiệp đỉnh cao,” Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết với ẩn ý nói về bà Trương Thị Mai.
“Từng là một ứng cử viên cho chức chủ tịch, và cũng được xem là người phù hợp nhất do nhiều kinh nghiệm đa dạng khi thi đấu tại nhiều vị trí khác nhau. Phản ứng của sao nữ trước những cáo buộc trách nhiệm và đấu đá nội bộ, là chưa từng có trong lịch sử của tổ chức này,” bà Lê Nguyễn Hương Trà cho biết.

Trang Facebook của Lê Nguyễn Hương Trà từng đưa tin chính xác về những diễn biến hậu trường cung đình Việt Nam trước khi nó diễn ra, trong đó có vụ từ chức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 2 năm 2023 và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi tháng 4 năm nay.
Các nhà nghiên cứu theo dõi tình hình Việt Nam trong những ngày qua cũng đều đồng loạt loan tin về sự ra đi của bà Mai.

Ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu tại Viện Chatham House ở London, Anh, viết trên Twitter cách nay 4 ngày rằng ông nhận được tin từ thượng tầng chính trị Việt Nam rằng bà Trương Thị Mai đã từ chức. “Đấu đá nội bộ của Đảng là quá bất thường,” ông viết.

Giáo sư Zachary Abuza, vốn chuyên giảng dạy về chính trị Việt Nam tại trường Chiến tranh Quốc gia ở thủ đô Washington D.C., Mỹ, cũng viết trên Twitter cách nay 4 ngày rằng ‘có tin đồn đang lan truyền rằng bà Trương Thị Mai đã đệ đơn từ chức lên Đảng. Với tình hình độc hại của chính trị Việt Nam hiện tại, ai có thể bắt lỗi bà ấy được?’

Cũng trên Twitter, Giáo sư Alexandre Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye có trụ sở tại Hawaii, cũng cho biết bà Mai đã xin nghỉ. “Nhưng không như những trường hợp trước (của ông Thưởng, ông Huệ), bà ấy không bị ép phải nghỉ mà được cho vào tứ trụ. Nhưng câu trả lời của bà ấy là ‘Tôi không được khỏe và tôi đã mỏi mệt với trò chơi quyền lực này rồi.”

Một nguồn tin quen thuộc với tình hình chính trị trong nước cũng nói với VOA với điều kiện ẩn danh rằng bà Mai xin nghỉ ‘vì đã chán tình cảnh đấu đá trong khi ông Trọng muốn giữ bà lại’.

Do tính chất khép kín của nền chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, VOA không thể kiểm chứng những thông tin này.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ xác nhận tin mà Mai xin nghỉ hưu, nhưng chưa được phản hồi.

Tuy nhiên, nếu thông tin này là đúng, thì Bộ Chính trị Việt Nam từ 18 người lúc đầu giờ chỉ còn 12, mất đến 1/3 trong khi còn gần hai năm nữa mới hết nhiệm kỳ.

Bà Mai trưởng thành từ phong trào Đoàn Thanh niên giống như ông Võ Văn Thưởng, từng là Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, sau chuyển công tác sang Quốc hội với các chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cuối cùng chuyển sang công tác Đảng, đi từ Trưởng Ban Dân vận sang Trưởng Ban Tổ chức rồi trở thành Thường trực Ban bí thư thay ông Thưởng khi ông Thưởng lên làm chủ tịch nước.

Nếu như bà Mai thật sự sẽ ra đi, thì Đảng Cộng sản cùng một lúc phải tìm người trong số 12 ủy viên Bộ Chính trị còn lại để lấp vào 5 chức danh: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (thay cho ông Trần Tuấn Anh). Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.



VOA