Kích thích ống tai bằng điện điều trị cho chứng ù tai







Sau ba ngày kích thích điện, 47% bệnh nhân cho biết độ ồn đã được cải thiện, và 36% cho biết mức độ nghiêm trọng của bệnh đã giảm bớt.

Một liệu pháp trị liệu không xâm lấn có thể mang lại sự nhẹ nhõm cho hàng triệu người Mỹ đang mắc chứng ù tai, một tình trạng suy nhược không có bất kỳ cách chữa trị bằng thuốc nào được phê duyệt.


Trong một nghiên cứu chứng minh tính khả thi của một giải pháp (proof-of-concept study) được công bố gần đây trên Journal of Clinical Medicine (Tập san Y học Lâm sàng), các tác giả phát hiện kích thích điện vào ống tai giúp giảm sự ồn ào và khó chịu do chứng ù tai gây ra chỉ trong ba ngày, đặc biệt là với phụ nữ và những người bị ù cả hai tai.

Sử dụng một điện cực đặt vào tai, 66 bệnh nhân đã trải qua 10 phút kích thích điện trong ba ngày trong khi các nhà nghiên cứu theo dõi xem điều này ảnh hưởng đến các triệu chứng của họ như thế nào. Họ phân tích một số yếu tố, bao gồm tần số của dòng điện kích thích, trình tự áp dụng các dòng điện khác nhau, mức độ nghiêm trọng của chứng ù tai khi nhập viện, liệu chứng ù tai có ảnh hưởng đến một hoặc hai tai hay không, giới tính và tuổi của bệnh nhân.


Trong số 66 bệnh nhân, 47% đã giảm đáng kể âm lượng ù tai và 36% cho biết đã cải thiện mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Hơn nữa, phụ nữ cho biết âm lượng ù tai giảm ngay sau lần kích thích đầu tiên và sau các lần kích thích tiếp theo, trong khi nam giới không có phản ứng tích cực cho đến lần kích thích tai thứ hai và thứ ba. Các tác giả cho biết sự khác biệt về giới tính trong phản ứng giác quan có thể giải thích tại sao phụ nữ phản ứng sớm hơn và tích cực hơn, vì phụ nữ nhạy cảm hơn với kích thích điện.

Ở những bệnh nhân bị ù cả hai tai, các triệu chứng cải thiện tốt hơn với các phương pháp điều trị sớm so với bệnh nhân chỉ bị một bên tai. Tuổi tác không ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy những người có tình trạng ù tai còn bù/quen thuộc có sự đáp ứng với kích thích điện không giống với bệnh nhân bị ù tai mất bù/không quen.


Theo một bài báo đăng trên Brain and Behavior (Tập san Bộ não và Hành vi), chứng ù tai mất bù là một “quá trình tâm lý phức tạp,” trong đó một người phải chịu đựng tình trạng ù tai đáng kể và không quen với điều đó. Tình trạng này đôi khi dẫn đến các triệu chứng tâm lý như khó ngủ, mất ngủ, hung hăng, khó tập trung, lo âu, trầm cảm và có ý định tự tử. Những người bị ù tai còn bù/quen thuộc sẽ nghe thấy những âm thanh ảo nhưng cảm thấy quen với chúng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện những bệnh nhân mắc cả hai loại ù tai đều “giảm đáng kể độ ồn” sau đợt kích thích điện thứ hai và thứ ba, nhưng chỉ những người bị ù tai còn bù/quen thuộc mới giảm đáng kể tình trạng khó chịu sau ba ngày điều trị.

Ù tai là gì?


Ù tai là tình trạng nhận biết âm thanh không có nguồn gốc bên ngoài, nghĩa là người bệnh nghe được âm thanh mà người khác không thể nghe thấy. Viện Quốc gia về Khiếm thính và Rối loạn Giao tiếp Khác ước tính rằng 10-25% người trưởng thành ở Hoa Kỳ gặp phải một số dạng ù tai khiến đây trở thành một trong những tình trạng sức khỏe phổ biến nhất ở quốc gia này.

Mặc dù bệnh thường được mô tả là “nghe thấy tiếng chuông ở tai,” nhưng những người ù tai có thể nghe thấy tiếng gầm, tiếng huýt sáo, tiếng vo ve hoặc tiếng rung ở một hoặc cả hai tai và tiếng ồn có thể nhỏ hoặc lớn, âm vực thấp hoặc cao, và hiện diện lẻ tẻ hoặc liên tục. Những âm thanh ảo này thực ra không phải do tai gây ra mà được tạo nên bởi phần não xử lý âm thanh gọi là vỏ não thính giác.
Các triệu chứng ù tai có thể thuyên giảm đột ngột hoặc trở thành mãn tính, có thể dẫn đến các triệu chứng khác như thiếu ngủ, khó tập trung, tâm lý căng thẳng và trầm cảm.


Một số nghiên cứu cho thấy ù tai là do tổn thương ở phần tai trong, từ đó thay đổi tín hiệu mà dây thần kinh truyền đến vỏ não thính giác, trong khi các bằng chứng khác cho thấy sự tương tác bất thường giữa vỏ não thính giác và vòng mạch thần kinh có thể góp phần gây ra bệnh.

Chứng ù tai cũng có thể do các tình trạng khác như bệnh Meniere, tiểu đường, tình trạng tự miễn, nhiễm độc kim loại nặng, khối u, các vấn đề về hàm, tiếp xúc với tiếng ồn, giảm thính lực và sử dụng thuốc, bao gồm thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và aspirin, một số loại kháng sinh, thuốc chống ung thư, thuốc chống trầm cảm và chích ngừa.

Ví dụ, theo Hệ thống Báo cáo Biến cố Bất lợi của Vaccine, hơn 26,000 người báo cáo rằng họ bị ù tai sau khi chích vaccine COVID-19.


Tiến sĩ Gregory Poland, giám đốc Nhóm nghiên cứu vaccine của Mayo Clinic và là tổng biên tập tập san Vaccine, đã bị ù tai “không ngừng” sau khi chích liều vaccine COVID-19 thứ hai của Moderna vào đầu năm 2021 và nói rằng có cảm giác như ai đó “đột nhiên thổi còi” vào tai ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với MedPage Today, Tiến sĩ Poland cho biết ông tin rằng hàng chục nghìn người chỉ riêng ở Hoa Kỳ và có khả năng là hàng triệu người trên thế giới đang phải vật lộn với tình trạng này và chúng ta cần làm điều nhiều hơn nữa để xác định nguyên nhân và cách giải quyết.

Tiến sĩ Poland nói: “Điều đau lòng về vấn đề này, với tư cách là một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, là những bức thư điện tử mà tôi nhận được từ mọi người, than phiền rằng điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ, họ còn nói với tôi rằng sẽ tự kết liễu cuộc đời của mình.”

Các phương pháp điều trị tiềm năng khác cho chứng ù tai


Ngoài kích thích điện, các phương pháp khác có thể mang lại lợi ích cho những người bị ù tai, bao gồm liệu pháp ánh sáng hồng ngoại, hồng sâm Hàn Quốc, bạch quả, kẽm, melatonin và liệu pháp ăn kiêng.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu phát hiện cấy ốc tai điện tử có thể làm giảm ù tai một cách hiệu quả. Ốc tai điện tử là một thiết bị nhỏ mang lại “cảm giác âm thanh” cho những người không thể nghe hoặc khiếm thính. Tuy nhiên, điều này không giúp khôi phục thính lực.
Các tác giả của nghiên cứu đề xuất rằng kết quả của họ có thể được dùng để phát triển thiết bị cấy ghép ngoài ốc tai cho bệnh nhân ù tai. Thiết bị này có thể được sử dụng bất kể mức độ mất thính lực.

Giới hạn của nghiên cứu


Mặc dù nghiên cứu có thể mang lại hy vọng cho những người bị ù tai, nhưng các tác giả cho biết nghiên cứu có một số hạn chế: Thứ nhất, cỡ mẫu tương đối nhỏ do khả năng tiếp cận bệnh nhân bị giới hạn trong đại dịch COVID-19. Thứ hai, không có nhóm đối chứng. Cuối cùng, không có đủ thông tin đo thính lực về âm lượng và tần số ù tai phù hợp cũng như các tình trạng tâm lý có thể ảnh hưởng đến việc điều trị.
Các tác giả cho biết họ không rõ lợi ích của liệu pháp này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng kết quả có thể giúp ích cho các nghiên cứu trong tương lai hoặc được sử dụng để tạo ra bản thiết kế cho một thiết bị có thể giúp đỡ cho bệnh nhân ù tai trong thời gian tới.


Megan Redshaw _ Thanh Ngọc