Luật sư: Công an Long An muốn rút khỏi vụ Tịnh Thất Bồng Lai một cách danh dự!








Ông Lê Tùng Vân bị đưa đến toà tháng 6/2022

Truyền thông Nhà nước dồn dập đưa nhiều tin không hay về Tịnh thất Bồng Lai thời gian vừa qua như “khởi tố vụ án loạn luân,” “truy tìm ba luật sư và hai thành viên của tịnh thất,” các luật sư của cơ sở tôn giáo này cho rằng Công an Long An đã gặp sai sót trong vụ án "lợi dụng quyền tự do dân chủ" và đang muốn thoát khỏi việc này một cách danh dự.

Từ cuối tháng 4, các tờ báo trong nước dẫn thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết, họ đang truy tìm một thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền am Bên bờ Vũ trụ) vì bị cho là có liên quan đến vụ án "loạn luân" xảy ra tại đây.

Ngoài ra, công an tỉnh cũng truy tìm cô Võ Thị Diễm My, một người từng xuống tóc và tu tại gia tại nhà bà Cao Thị Cúc nhưng sau đó đã đăng nhiều video lên mạng xã hội bị cho là "thông tin sai sự thật, vu khống Công an huyện Đức Hòa cùng cha mẹ ruột."

Những thông tin này Diễm My đưa ra sau khi trốn thoát nhiều lần khỏi nhà cha mẹ, cô cáo buộc Công an tỉnh Long An bắt cóc cô và giao lại cho cha mẹ ruột, đồng thời cô cũng cho rằng cha cô là ông Võ Văn Thắng có nhiều hành vi không đúng đắn với con gái mình.

Ngoài việc truy tìm hai người này và ba trong số năm luật sư bào chữa cho các thành viên Tịnh thất Bồng Lai là Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh, Công an Long An cũng đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh rà soát lịch sử khám chữa bệnh, sinh con (nếu có-PV) của ba nữ đệ tử của ông Lê Tùng Vân.

Ba luật sư nói gì?

Giữa tháng 6/2023, ba luật sư này đã đến Hoa Kỳ để tị nạn chính trị. Tháng trước, Liên đoàn Luật sư TPHCM đã xoá tên hai luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đặng Đình Mạnh vì “không đóng hội phí.”

Bình luận về các hành động truy tìm năm người và thông tin khám chữa bệnh của ba nữ tu của Công an Long An, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 16/5:

“Người ta (Công an Long An- PV) đã lên một kịch bản và họ phải theo đến cùng bởi vì ngay từ khi đánh phá Tịnh thất bồng lai thì người ta đã liệt kê ra ba tội danh mà cần phải sử dụng để triệt tiêu.

Tội danh ghê gớm nhất mà họ ghép cho Tịnh thất bồng lai là tội loạn luân để cho toàn bộ xã hội xa lánh bởi vì không ai có thể chấp nhận được một cơ sở nhân danh về vấn đề đạo lý, tu hành rồi dạy dỗ trẻ em mà lại để xảy ra loạn luân.”


Theo ông, việc truy tìm thông tin khám chữa bệnh của ba ni cô là vi phạm quyền nhân thân của họ vì hồ sơ khám chữa bệnh là hồ sơ mật của mỗi người phải được tôn trọng, cơ quan công an cần có phương pháp điều tra thích hợp.

Luật sư Miếng cũng cho rằng, có thể Công an Long An sẽ tìm lý do nào đó để đình chỉ các vụ án này để “rút lui trong danh dự.”

Còn theo luật sư Đặng Đình Mạnh, trong quá trình bào chữa cho sáu thành viên của Tịnh thất bồng lai về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” nhóm luật sư đã phát hiện cơ quan điều tra đã vi phạm hàng loạt quy trình tố tụng hình sự, không chỉ vậy, công an còn vi phạm pháp luật như dùng nhục hình với bị can, sử dụng chứng cứ giả mạo, thu thập chứng cứ bất hợp pháp, bắt cóc người, và xâm phạm quyền về thân thể đối với thành viên nữ của Tịnh thất Bồng Lai, quyền của trẻ em, quyền công dân đối với những người không thuộc phạm vi điều tra.

“Chúng tôi đã tố cáo những vi phạm pháp luật ấy đến cơ quan bảo vệ pháp luật từ trung ương đến địa phương. Sau đó, những tố cáo của chúng tôi đã trở thành chứng cứ để điều tra hình sự ngược lại chúng tôi,” luật sư Mạnh nói.

Với kinh nghiệm từ vụ án này và tham khảo thêm vụ tử tù Hồ Duy Hải liên tục kêu oan tại Long An, luật sư Mạnh khẳng định “mọi hành vi điều tra của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An thực hiện đối với Thiền Am đều bất hợp pháp, không chính đáng và ác ý.”

Luật sư Đào Kim Lân cho rằng việc cung cấp thông tin cho báo chí viết bài về Tịnh thất Bồng Lai nhằm mục đích định hướng dư luận xã hội. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 15/5:

“Nếu muốn điều tra tội loạn luân và xác định quan hệ huyết thống, người ta xét nghiệm ADN những người cần bị điều tra và việc này có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, cần gì phải rùm beng thế.”

Các luật sư cũng có chung nhận định rằng, có thể thời gian tới công an tỉnh này sẽ đình chỉ vụ án vì một lý do nào đó như trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2 năm trước.”

Trước khi điều tra về cáo buộc theo Điều 331, công an Long An đã dựa vào cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để tiến hành khám xét Tịnh thất Bồng Lai. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ án này chưa được xét xử.

Phóng viên RFA đã gọi điện cho cơ quan điều tra công an tỉnh Long An và số của điều tra viên trong vụ án để hỏi về những nhận định của các luật sư, tuy nhiên không có ai nhấc máy.




RFA