Đột nhiên thức dậy sớm là dấu hiệu của sự lão hóa hay bệnh lý?




Bạn đột nhiên thức dậy vào lúc nửa đêm hoặc thức dậy trước khi đồng hồ báo thức reo khoảng vài giờ, sau đó thì rất khó ngủ lại, thậm chí có ngủ cũng không thể ngủ ngon… Tại sao lại như vậy?



Việc thường xuyên thức dậy sớm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm một số bệnh. (Ảnh: GARAGE38/ Shutterstock)

Trong y học lâm sàng, tình trạng thức dậy từ 2 đến 4 giờ sáng và không thể ngủ lại được gọi là thức dậy sớm.

Thức dậy sớm một cách tình cờ và không thường xuyên có thể là biểu hiện bình thường trong quá trình lão hóa của con người: Khi tuổi tác tăng dần, quá trình tiết hormone tăng trưởng và melatonin giảm dần dẫn đến chất lượng của cả giấc ngủ sâu và giấc ngủ nông đều giảm theo, từ đó dẫn đến tình trạng thức giấc sớm.

Tuy nhiên nếu chúng ta thức dậy sớm quá nhiều lần thì sẽ mang lại một số tác động rất tiêu cực: Ngủ không đủ thời gian dễ khiến thân thể cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau, khó tập trung và gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Thức dậy sớm trong thời gian dài cũng có thể gây ra một số khó chịu về thể chất, chẳng hạn như đánh trống ngực, tức ngực, tiêu chảy, v.v., các tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, việc thường xuyên thức dậy sớm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm một số bệnh

Hãy chú ý nếu thường xuyên dậy sớm, bởi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo của 5 loại bệnh này:

1. Trào ngược dạ dày

Trào ngược axit dạ dày có thể dễ dàng khiến con người sinh ra tình trạng “ợ chua” và thức dậy sớm.

Nhưng ngay cả khi bạn không ợ chua, thì axit trong thực quản cũng có thể kích hoạt phản xạ cơ để loại bỏ nó, điều này cũng dễ dàng làm gián đoạn giấc ngủ và đánh thức bạn.



Trào ngược axit dạ dày có thể dễ dàng khiến con người sinh ra tình trạng “ợ chua” và thức dậy sớm. (Ảnh: sutlafk/ Shutterstock)

2. Bệnh tuyến giáp

Một mặt, nếu tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ dễ dẫn đến nhịp tim nhanh và tăng tiết adrenalin, có thể gây mất ngủ, lo lắng và thức giấc sớm.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy nếu tuyến giáp hoạt động kém thì chúng ta có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn 35%, điều này cũng dẫn đến việc thức dậy sớm.

3. Bệnh về hệ hô hấp

Viêm mũi dị ứng, nhiễm virus… có thể làm hẹp đường thở, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém và thức giấc sớm.

Các yếu tố khác như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại amidan và các yếu tố khác cũng có thể làm hẹp đường thở. Những điều này sẽ dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như thức dậy sớm và mất ngủ.

Những bệnh trên khiến con người ngừng thở trong thời gian ngắn khi ngủ và có liên quan đến các bệnh về tim mạch, chuyển hóa và thậm chí là tử vong đột ngột. Vì vậy, nếu bạn thức dậy sớm mà vẫn còn các triệu chứng như mệt mỏi và cảm thấy ngột ngạt thì cần lưu ý và đến bệnh viện kịp thời.



Viêm mũi dị ứng, nhiễm virus…có thể làm hẹp đường thở, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém và thức giấc sớm. (Ảnh: Yurii_Yarema/ Shutterstock)

4. Bệnh về đường tiết niệu

Nhiều người thức dậy sớm vì đi tiểu, nếu không uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, thì bạn nên xem xét liệu mình có vấn đề liên quan đến hệ tiết niệu hay không.

Nếu bị nhiễm trùng hệ tiết niệu, bàng quang hoạt động quá mức hoặc các tổn thương kích thích liên quan đến hệ tiết niệu (viêm niệu đạo, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, v.v.), thì nó có thể gây ra những thay đổi như tăng tần suất đi tiểu.

5. Trầm cảm sớm

Thức dậy sớm là một trong những biểu hiện thường gặp của chứng mất ngủ và cũng là dấu hiệu quan trọng của bệnh trầm cảm.

Thức dậy lúc nửa đêm là triệu chứng thường gặp ở những người bị trầm cảm nhẹ. Họ thường thức dậy sớm hơn bình thường ít nhất một giờ, đôi khi hai giờ hoặc hơn thế.

Điều này là do trong não có chất dẫn truyền thần kinh – serotonin, khi hàm lượng của nó giảm đi, con người dễ bị trầm cảm. Ngoài ra, hàm lượng serotonin không đủ cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, rút ​​ngắn thời gian ngủ và thường gây ra tình trạng thức giấc sớm.

Theo Lý Trí, soundofhope