Chuyên gia: Trung Quốc trả đũa phương Tây khi điều tra bán phá giá nhựa






Những chiếc ô tô điện xuất khẩu xếp chồng lên nhau tại bến container quốc tế của Cảng Thái Thương ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 16/4/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bị phương Tây chỉ trích về thương mại không công bằng, Trung Quốc dường như muốn nói với thế giới rằng, phương Tây cũng không công bằng với Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 19/5 thông báo rằng họ đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với chất đồng trùng hợp (copolymer) polyoxymethylene (POM) được nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Đài Loan và Nhật Bản.

Động thái này diễn ra khi xung đột thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây tiếp tục gia tăng. Các nhà quan sát các vấn đề quốc tế đã chỉ ra rằng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây có thể phát triển thành một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng dựa trên đơn điều tra chống bán phá giá do 6 công ty Trung Quốc thay mặt cho ngành công nghiệp copolymer POM của Trung Quốc đệ trình, họ đã quyết định bắt đầu điều tra vào ngày 19/5. Cuộc điều tra sẽ hoàn thành trước ngày 19/5/2025, nhưng có thể sẽ được gia hạn thêm 6 tháng trong những trường hợp đặc biệt.

Khoảng thời gian bị cáo buộc bán phá giá sẽ được điều tra là từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023. Bộ cũng sẽ điều tra mọi thiệt hại do bán phá giá gây ra đối với ngành này từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2023.

Theo tuyên bố của Bộ Thương mại, chất đồng trùng hợp POM là một loại nhựa kỹ thuật có thể thay thế một phần đồng, kẽm, thiếc, chì và các vật liệu kim loại khác. Nó có thể được sử dụng trong phụ tùng ô tô, thiết bị điện tử, máy móc công nghiệp, nhu yếu phẩm hàng ngày, thiết bị thể thao, thiết bị y tế, phụ kiện đường ống, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực khác.

Một ngày trước khi Bộ công bố cuộc điều tra bán phá giá, một cảnh báo đã được đăng trên tài khoản mạng xã hội thuộc sở hữu của mạng truyền hình nhà nước CCTV của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 18/5, nói rằng EU đã liên tiếp tiến hành các cuộc điều tra chống trợ cấp chống lại Trung Quốc và rằng “Trung Quốc thực sự có đủ biện pháp đối phó”.

Gần đây, EU đã tiến hành nhiều cuộc điều tra về việc liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có bán phá giá hàng hóa trên thị trường nước này với sự trợ giúp của trợ cấp của nhà nước, trong các lĩnh vực chẳng hạn như xe điện (EV) và thép mạ thiếc hay không.

Hoa Kỳ cũng có tranh cãi với chính quyền Trung Quốc về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc và việc bán phá giá hàng hóa ở các nước khác. Tổng thống Joe Biden hôm 14/5 tuyên bố tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100% và áp thuế cao hơn đối với chip máy tính, tấm pin mặt trời và pin lithium-ion.

Người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của EU, đã phản ứng trước cuộc điều tra của Trung Quốc. “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc đảm bảo rằng cuộc điều tra này hoàn toàn tuân thủ tất cả các quy tắc và nghĩa vụ liên quan của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới)”, và cho biết EU sẽ nghiên cứu kỹ nội dung cuộc điều tra trước khi quyết định bất kỳ bước tiếp theo nào.

Tính toán chính xác để trả đũa

Ông Davy Huang, một nhà kinh tế học người Mỹ gốc Hoa, nói với The Epoch Times vào ngày 20/5: “Chất đồng trùng hợp POM tương đối cao cấp là một hợp chất có độ ổn định nhiệt tương đối tốt. Nó cũng được sử dụng trong quân đội, cũng như phụ tùng ô tô, một số thiết bị y tế và tay cầm trên các dụng cụ hàng ngày vì độ bền tương đối cao. Nhưng cần lưu ý rằng đây là những sản phẩm thuộc phân khúc từ trung cấp đến cao cấp. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 400.000 đến 500.000 tấn mỗi năm từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan, và khối lượng thương mại hàng năm là khoảng 2 tỷ USD”.

Ông Huang chỉ ra rằng cuộc điều tra chống bán phá giá lần này của Trung Quốc đã được nhắm mục tiêu vì các sản phẩm từ trung cấp đến cao cấp được nhập khẩu từ EU và Mỹ. “[Cuộc điều tra] sẽ ảnh hưởng tới thị trường của họ [Trung Quốc], nhưng tác động rất hạn chế. Nhìn chung, khối lượng nhập khẩu không quá 2 tỷ USD. Thứ hai, mức độ phụ thuộc nhập khẩu của Trung Quốc vào copolymer POM là khoảng 50%, vì Trung Quốc cũng sản xuất nhựa trong nước nhưng chất lượng tương đối kém”.



Một công nhân tại một nhà máy của Công ty TNHH Pin xe điện Xinwangda, chuyên sản xuất pin lithium cho ô tô điện và các mục đích sử dụng khác, ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 12/3/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông nói rằng xe điện giá rẻ của Trung Quốc, hiện đang bị EU điều tra bán phá giá, thường sử dụng chất đồng trùng hợp POM cấp trung đến cấp thấp được sản xuất trong nước cho các bộ phận và sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra nhập khẩu của chế độ Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của các công ty phương Tây ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

“Các dòng xe cao cấp và tầm trung sản xuất tại Trung Quốc như Mercedes-Benz, BMW, Tesla, Ford… đều được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Họ thường sử dụng chất đồng trùng hợp POM nhập khẩu vốn có chất lượng tốt hơn. Vì vậy, những thứ họ [ĐCSTQ] chọn điều tra sẽ không ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp Trung Quốc mà sẽ tấn công vào các nhà máy của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Vì vậy, đây là một cuộc tấn công có mục tiêu dựa trên sự tính toán chính xác”, ông Huang nói.

Ông Lai Rongwei, Giám đốc điều hành của Hiệp hội truyền cảm hứng Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 21/5: “Copolymer POM nhập khẩu chủ yếu được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, vốn là trọng tâm trong cuộc đối đầu thương mại giữa Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc, đặc biệt là xe điện Trung Quốc. Như vậy có thể thấy đây chỉ đơn giản là một đòn trả đũa thương mại ăn miếng trả miếng giống như một vụ va chạm trực diện. Vì vậy, tôi nghĩ mặc dù đây là một vấn đề kinh tế nhưng thực ra nó cũng là cuộc đối đầu kinh tế-chính trị [giữa Trung Quốc và phương Tây]”.

Ông Lai nói về động cơ điều tra bán phá giá của ĐCSTQ: “Nó giống như ăn miếng trả miếng. ĐCSTQ đang bị EU và Hoa Kỳ chỉ trích vì thương mại không công bằng; bây giờ họ muốn nói với thế giới rằng phương Tây cũng không tốt lắm và cũng không công bằng với Trung Quốc”.

“Đây là một kỹ thuật đàm phán phổ biến của ĐCSTQ. Một mặt, họ sẽ gây áp lực cho bạn, mặt khác, họ sẽ gửi một số thông điệp rằng họ muốn đàm phán với bạn, sau đó buộc bạn phải đàm phán với họ”, ông nói thêm.


Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch