Làng chài ở Phú Quốc khốn khổ, đìu hiu vì bị đập mất cầu cảng mưu sinh




KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Kể từ khi bị giới hữu trách đập bỏ cầu cảng, làng chài Hàm Ninh, xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vốn tấp nập du khách, nay đìu hiu, còn ngư dân phải lội biển từ ghe lên bờ hằng đêm.

Phản ảnh với báo Tuổi Trẻ hôm 23 Tháng Năm, người dân ở làng chài xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, nổi tiếng với nghề ghe lưới đánh bắt ghẹ biển, bày tỏ sự bất bình sau hơn bốn năm cầu cảng Hàm Ninh bị đập bỏ, nhưng lời hứa xây cầu cảng mới của giới hữu trách không được thực hiện.



Cầu cảng Hàm Ninh bị bỏ hoang sau khi đoạn nối vào bờ bị đập bỏ kể từ hồi Tháng Giêng, 2020. (Hình: Sơn Lâm/Tuổi Trẻ)

Kể từ khi làng chài Hàm Ninh được hình thành, cầu cảng này được ngư dân xây dựng để neo đậu thuyền, tiện lợi việc đi lại mỗi khi từ bờ ra thuyền đi đánh bắt cá.

Nó được ví von như xương sống tạo ra làng chài trung tâm của xã Hàm Ninh, giúp con đường từ chợ thẳng ra cầu cảng và trở thành một trong những điểm thu hút du khách từ trung tâm Phú Quốc đổ về, các nhà hàng, chợ hải sản mọc lên nhộn nhịp.

Tuy nhiên, đến Tháng Giêng, 2020, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Phú Quốc đã chỉ đạo Phòng Quản Lý Đô Thị phối hợp với nhiều cơ quan hữu trách tháo dỡ phần đầu cầu cảng nối với đất liền, với lý do “cầu cảng đã hư hỏng, có thể gây ra nguy hiểm.”

Lúc này, nhiều người dân cho rằng nếu chính quyền nhận thấy cầu bị yếu thì chỉ cần trùng tu lại, và người dân sẵn sàng đóng góp để làm. Song, không thể ngăn cản chính quyền đập bỏ. Hàng trăm người biểu tình, phản đối và rồi bốn người bị bắt giam với cáo buộc “quá khích, chống đối.”

“Khi người dân phản đối việc đập bỏ cầu cảng thì các lãnh đạo hứa là đập bỏ để xây cầu cảng mới. Nhưng đến nay đã bốn năm rưỡi, vẫn chưa thấy cầu cảng nào,” một ngư dân sống gần khu vực cầu cảng bất bình nói.

Cầu cảng cũ được đập bỏ một phần khoảng 40 mét nối với bờ. Phần còn lại vẫn đang nằm trơ giữa biển. Vì không còn đường vào bờ, ngư dân có ghe lưới phải thả neo từ xa. Mỗi sáng sớm hoặc tối mịt vào ra đánh cá, ngư dân phải lội biển để vào bờ.

“Một phần cầu cảng bị đập bỏ, bê tông sắt thép vãi ra tứ tung dưới đáy biển. Người dân lội biển từ ghe vào bờ va phải sắt thép hư chân hoài. Chưa kể những ngày biển động chung (nhiều hướng gió xuất hiện trong ngày khiến biển động), tìm được chỗ để neo ghe cực lắm,” một ngư dân khác kể thêm.

Không còn cầu cảng, làng chài Hàm Ninh như mất hẳn “trái tim” thu hút du khách, mất đi bản sắc vốn có của làng chài. Quang cảnh ở đây ngày càng đìu hiu. Chỉ còn một số nhà hàng kết nối với các tuyến du lịch đưa khách về ăn trưa.

Chưa hết, không có cầu cảng, không còn cảnh sôi động như trước, nhiều đơn vị du lịch cũng dần hủy tuyến đưa khách về làng chài Hàm Ninh. Mỗi đêm, điện đèn trên con đường từ chợ Hàm Ninh về cầu cảng cũng hiu hắt dần.



Nhiều người dân phản đối việc tháo dỡ cầu cảng Hàm Ninh vào sáng 3 Tháng Giêng, 2020. (Hình: Hoàng Trung/Thanh Niên)

Để xoa dịu người dân, hồi Tháng Tư, 2023, Ủy Ban Nhân Dân Xã Hàm Ninh đã lập tờ trình xin đầu tư cầu cảng bằng nguồn ngân sách thành phố Phú Quốc.

Tuy nhiên, sau khi chủ tịch thành phố Phú Quốc giao Phòng Tài Chính Kế Hoạch khảo sát, thì đơn vị này đã phúc trình lại là “không cân đối được vốn trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.”

Trong khi đó, ông Võ Hoài Khoa, chủ tịch xã Hàm Ninh, cho biết: “Xã đã báo cáo quy mô và tổng mức đầu tư gửi thành phố Phú Quốc để trình Ủy Ban Tỉnh Kiên Giang xem xét đầu tư. Khi nào tỉnh thông qua thì địa phương sẽ bắt đầu làm.”

“Cây cầu đã giúp đời sống chúng tôi tốt hơn nhiều so với trước đây. Con cái chúng tôi được đến trường, có đứa còn được học tới đại học, cũng một phần là nhờ có cây cầu này. Đồng thời, chính cây cầu này đã làm nên thương hiệu của làng chài Hàm Ninh mà du khách đến Phú Quốc đều ghé thăm viếng mua sắm và thưởng thức hải sản,” một người dân nuối tiếc nói với báo Thanh Niên. (Tr.N)