Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân nhờ hỗ trợ Nga gây bất lợi cho Trung Quốc




Nỗ lực phát triển mạnh vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, với sự hỗ trợ của Nga, kể từ khi chiến tranh Ukraina bùng phát, theo nhiều chuyên gia, có khả năng gây nhiều bất lợi cho Trung Quốc, đồng minh số một của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh nhìn nhận ra sao về vấn đề vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên ? Về hồ sơ này, thượng đỉnh Trung – Nhật – Hàn cuối tháng 5/2024, lần đầu tiên từ năm 2019, có ý nghĩa gì ?



Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo chiến thuật. Ảnh được công bố ngày 18/05/2024. via REUTERS - KCNA

Về chủ đề này, nhà chính trị học Wooyeal Paik, giáo sư Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Chính trị học Viện Yonsei, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, ở Seoul, có bài nhận định đáng chú ý trên The Diplomat, với tựa đề "Bất đồng Trung – Nga về vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên", ghi nhận Bắc Triều Tiên "có vai trò địa chính trị" rất quan trọng với Bắc Kinh, trước hết do vị trí "vùng đệm" giữa Trung Quốc với đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á, cụ thể là Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên là đồng minh quân sự duy nhất của Trung Quốc, với một hiệp ước chính thức ký kết năm 1961. Bắc Triều Tiên cũng được coi là một "lá bài", một "đòn bẩy" trong quan hệ giữa Bắc Kinh với Hoa Kỳ và Hàn Quốc, mặc dù quan hệ với quốc gia nổi tiếng khép kín nhất hành tinh này không hề đơn giản với Trung Quốc.

Nga: Từ chỗ coi là ''đe dọa'' đến khuyến khích Bắc Triều Tiên

Trong một thời gian dài Trung Quốc và Nga đã ủng hộ các trừng phạt quốc tế nhằm cô lập Bắc Triều Tiên, buộc Bình Nhưỡng xét lại tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, vấn đề vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên dường như đã bước hẳn sang một khúc quanh mới với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Năm 2023, Matxcơva thay đổi hoàn toàn "quan điểm chiến lược" đối với vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, từ chỗ coi đây là một đe dọa đối với Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) sang lập trường ủng hộ Bắc Triều Tiên trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, và ủng hộ Bình Nhưỡng sử dụng một cách “hợp pháp” vũ khí hạt nhân để tự vệ, và thậm chí có thể đi xa hơn, ủng hộ Bắc Triều Tiên hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Triều Tiên có thể đã nhận được các hỗ trợ kỹ thuật của Nga để đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ vũ khí và vũ trụ tiên tiến, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tên lửa hành trình và đạn đạo, vệ tinh trinh sát quân sự. Với chuyên gia Wooyeal Paik, trong cục diện mới hiện nay, Bắc Triều Tiên vừa đóng vai trò là "quốc gia đệm" của Nga, vừa là "mối đe dọa hạt nhân" đối với Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á, chưa kể các hỗ trợ về vũ khí quy ước cho Matxcơva, gây khó khăn cho việc Washington dồn lực hỗ trợ Ukraina trong cuộc kháng chiến chống Nga.

Ba điều bất lợi cho Trung Quốc trong tình thế mới

Tình thế mới này đặt Bắc Kinh trước các thách thức mới. Theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên, Viện Yonsei, trong năm 2024 này, Trung Quốc cũng có thể lựa chọn chiến lược tăng cường hỗ trợ Bắc Triều Tiên, tương tự như Nga. Tuy nhiên, một chế độ Bắc Triều Tiên với hệ thống vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể gây nên ít nhất ba điều bất lợi cho Trung Quốc.

Bất lợi thứ nhất là với việc trở thành một cường quốc nguyên tử hùng mạnh, Bắc Triều Tiên sẽ khó bị Trung Quốc chi phối hơn và một cuộc chiến khốc liệt bùng nổ tại khu vực bán đảo ngay sát Trung Quốc không phải là điều có lợi cho Bắc Kinh. Chiến tranh bùng nổ chưa phải là chuyện trước mắt, nhưng có hai bất lợi nhãn tiền khác. Việc Bắc Triều Tiên phát triển mạnh vũ khí hạt nhân tạo cớ để Hoa Kỳ đẩy mạnh liên minh ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mục tiêu chính của liên minh "không chính thức" Mỹ - Nhật – Hàn là nhằm chống lại vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Việc Mỹ tăng cường triển khai nhiều vũ khí tối tân tại các vùng lãnh thổ xung quanh Trung Quốc không có lợi cho Bắc Kinh.

Một bất lợi nhãn tiền thứ hai với Trung Quốc, theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên, Viện Yonsei, là việc Bắc Kinh sử dụng "tiềm lực vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên như một lá bài thương lượng có thể khiến Trung Quốc bị các quốc gia phương Tây xa lánh". Nếu Trung Quốc công khai ủng hộ Bắc Triều Tiên phát triển lực lượng vũ trang và hệ thống vũ khí hạt nhân, các nước phát triển ở châu Âu và Đông Á "sẽ giữ khoảng cách với Trung Quốc và theo dõi Trung Quốc chặt hơn".

Tổ chức thượng đỉnh với Hàn, Nhật để giảm căng thẳng Đông Bắc Á

Theo nhiều nhà quan sát tại Đông Bắc Á, có nhiều khả năng trước mắt, Trung Quốc đang lựa chọn phương án hành động thứ hai, tức không hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong tham vọng hạt nhân, để tạo không khí hòa dịu với các láng giềng Đông Bắc Á Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Hôm nay, chính quyền Hàn Quốc thông báo ba quốc gia Đông Bắc Á, Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản sẽ tổ chức thượng đỉnh từ ngày 26 đến 27/05/2024, lần đầu tiên được tổ chức kể từ bốn năm nay.

Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên được dự kiến sẽ là một chủ đề trọng tâm của thượng đỉnh tại Seoul.

Báo Nhật Nikkei Asia hôm 15/05 (“Japan, South Korea, China seek to ease friction at trilateral summit”), cho biết hồi tháng 11/2023, Bắc Kinh rốt cuộc đã thay đổi lập trường, chấp nhận tổ chức một thượng đỉnh như vậy nhằm củng cố môi trường an ninh tại khu vực và nền kinh tế "đang có chiều hướng suy yếu".

"Một trong những mối đe dọa chính gắn kết Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong những năm gần đây là chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên". Kể từ vòng đàm phán sáu bên gần đây nhất vào năm 2009, không giúp giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đối thoại ba bên Trung – Hàn – Nhật vẫn là một trong số rất ít địa điểm mà các bên liên quan có thể thảo luận để tìm cách tháo gỡ mối đe dọa này. Thượng đỉnh thường niên Trung – Hàn – Nhật được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 trước khi bị gián đoạn vào năm 2019.

Nhật, Hàn cần tăng cường đoàn kết

Thượng đỉnh giữa quốc gia đàn anh của Bắc Triều Tiên và hai đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ tại châu Á sắp tới có giúp tìm ra đường hướng giảm nhẹ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt với việc Bình Nhưỡng tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân hay không ? Theo báo Hàn Quốc The Korea Times, tại thượng đỉnh này, Seoul và Tokyo có thể tìm cách tận dụng ảnh hưởng của Bắc Kinh để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, nhưng kết quả được dự báo sẽ rất hạn chế. Chuyên gia về Trung Quốc Kang Jun-young, Đại học Hankuk University of Foreign Studies, Hàn Quốc, trên trang mạng Think China của Singapore, nhấn mạnh đến các lợi ích chiến lược rất khác nhau, thậm chí đối địch giữa Trung Quốc với hai láng giềng Đông Bắc Á, khiến cho việc tìm được đồng thuận rất khó, nếu các bên không tìm được phương thức để giảm bớt được "các đối đầu về địa-chính trị".

Báo Nhật Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia Satoru Mori, giáo sư Đại học Keio, nhận định, để tận dụng được ảnh hưởng tích cực của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc cần vượt qua bất đồng để "lập được một mặt trận đoàn kết" hầu có được tiếng nói thống nhất trước Trung Quốc, và quan hệ ngoại giao với Trung Quốc không nên tập trung quá nhiều về phương diện "răn đe". Nhà chính trị học Wooyeal Paik, giáo sư Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Chính trị học Viện Yonsei, trong bài viết trên The Diplomat, cảnh báo cũng không nên loại trừ khả năng Trung Quốc sử dụng lá bài sức mạnh hạt nhân Bắc Triều Tiên trong trường hợp xung đột bùng phát tại eo biển Đài Loan.


RFI