30/04 : Pháp và mối liên hệ với “Lực lượng thứ ba” ở miền Nam Việt Nam




Paris đã bí mật liên lạc với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngay từ năm 1965 về vấn đề thả con tin Pháp. Đối với Mặt trận, đây là cách để được công nhận ngoài phạm vi các nước cộng sản bạn hữu. Đối với Pháp, đây là bước đầu cho cuộc đối thoại có thể mang lại kết quả với một tân chính quyền ở Sài Gòn. Paris quan tâm đến “lực lượng thứ ba” trong chính giới miền Nam, cũng như trong cộng đồng người Việt tại Pháp và nội bộ Mặt trận.



Bà Nguyễn Thị Bình (P), ngoại trưởng, trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tổ chức họp báo về cuộc đàm phán Mỹ-Bắc Việt tại Paris, Pháp, ngày 30/10/1972. ASSOCIATED PRESS - Spartaco Bodini


Chủ đề hiếm khi được nhắc đến được nhà ngoại giao Gérard Boivineau, nhân vật số 2 của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam từ 1991-1994 và tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh từ 2008-2011, đề cập trong cuốn La Force introuvable (tạm dịch : Lực lượng khó tìm ), Vietnam 1965-1975, sau ba năm nghiên cứu tài liệu lưu trữ của bộ Ngoại Giao Pháp.

Ông dành cho RFI Tiếng Việt buổi phỏng vấn ngày 23/04/2025.




Ông Gérard Boivineau, nhân vật số 2 của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam từ 1991-1994 và tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh từ 2008-2011, tác giả cuốn La Force introuvable (tạm dịch : Lực lượng khó tìm), Vietnam 1965-1975, NXB les Indes savantes, 2021. © RFI / Thu Hằng

RFI : Trong cuốn sách La Force introuvable (tạm dịch : Lực lượng khó tìm), ông nêu lên một chủ đề hiếm khi được đề cập. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Pháp nói chuyện với cả ba lực lượng ở Hà Nội, Sài Gòn và Mặt trận giải phóng miền nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Pháp tính toán gì vào thời kỳ đó ?

Ông Gérard Boivineau : Thực ra Pháp không tính toán bất cứ điều gì. Pháp quan sát từ xa các sự kiện diễn ra ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh với Mỹ và việc Mỹ gia tăng can dự quân sự vào Việt Nam. Pháp lo cho số phận công dân của mình. Có khoảng hơn 10.000 người sinh sống ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam. Ngoài ra còn rất nhiều người sống ở nông thôn, chủ yếu ở Tây Nguyên và những khu vực không nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, mà dưới sự kiểm soát của lực lượng kháng chiến, thời điểm đó bắt đầu được gọi là Việt Cộng. Pháp muốn kín đáo biết làm thế nào để liên lạc với những đại diện có thẩm quyền của lực lượng đó, để cố gắng giải thoát những công dân bị Mặt trận bắt làm con tin, hoặc xem xét tổ chức tự do hoạt động thương mại, ví dụ cho các nhà phân phối bia hoặc chủ đồn điền trên cao nguyên.

Và chúng ta biết rằng Mặt trận đã mở các đại diện bán ngoại giao ở các nước anh em hoặc bạn bè, đáng chú ý nhất là Tiệp Khắc vào thời điểm đó và Algérie. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Pháp và đại diện của Mặt trận đã diễn ra tại Alger (29/07/1965, trang 31). Hai bên kết nối thành công vì Mặt trận cũng đang tìm cách hiện diện ngoài các nước cộng sản hay các nước anh em. Sáng kiến ​​của Pháp được hoan nghênh phần nào. Mỗi bên đều có chương trình nghị sự riêng, như cách nói ngày nay. Pháp bận tâm đến số phận của những công dân trở thành nạn nhân bắt cóc hoặc tống tiền. Còn Mặt trận đang tìm cách mở rộng ra ngoài các nước cộng sản, sang các nước không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, dù là về ý thức hệ hoặc hỗ trợ.

RFI : Từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên ở Alger, chính phủ Pháp và Mặt trận đã có nhiều cuộc tiếp xúc ở nhiều cấp độ trong những năm tiếp theo, tại Paris, Phnom Penh… Paris hỗ trợ gì cho Mặt trận ở Pháp ? Pháp trăn trở vấn đề gì ?
Ông Gérard Boivineau : Điều thay đổi trong hành động ngoại giao, đó là lập trường được tướng De Gaulle khẳng định. Đặc biệt là trong bài phát biểu nổi tiếng tại Phnom Penh, tướng De Gaulle, lúc đó là tổng thống Pháp, công khai và thẳng thắn cho rằng Mỹ đã đi sai hướng. Theo ông, Hoa Kỳ leo ​​thang quân sự là đi vào ngõ cụt. Tất nhiên lập trường của ông bị coi là lẻ loi trong phe phương Tây và không được hoan nghênh, nhưng dù sao đã cho phép ngành ngoại giao Pháp thiết lập mối liên hệ tự do hơn với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Lúc đó Cam Bốt là một nước đồng minh với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc Việt Nam) và Mặt trận có một đại diện chính thức ở cấp rất cao tại thủ đô Phnom Penh. Các nhà lãnh đạo của Mặt trận có mặt ở Phnom Penh đã gặp các nhà ngoại giao Pháp, thậm chí là cả ngoại trưởng lúc đó tháp tùng tổng thống De Gaulle. Đó là điểm khởi đầu cho mối quan hệ ít phải che giấu hơn, tạm gác những quan ngại như lúc đàm phán ở Alger. Tuy nhiên, Paris vẫn chưa nhận được chấp thuận trả tự do cho những con tin Pháp. Nhưng dù sao cũng đã có một cuộc thảo luận ngoại giao với các nhà lãnh đạo Mặt trận. Lúc đó, Mặt trận đã xin phép và được chấp thuận để mở một Văn phòng báo chí tại Paris. Không ngờ rằng cơ quan báo chí này thực chất là một cơ quan của Mặt trận nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng của họ trong cộng đồng người Việt ở Pháp và dần dần hướng tới mục tiêu là được công nhận ngoại giao.




Bìa sách La Force introuvable, Vietnam 1965-1975 (tạm dịch : Lực lượng khó tìm) của Gérard Boivineau, nhân vật số 2 của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam từ 1991-1994 và tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh từ 2008-2011, NXB les Indes savantes, 2021. © RFI / Thu Hằng

RFI : Pháp cũng nói chuyện với với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, ra đời năm 1969 và được Mặt trận ủng hộ ?

Ông Gérard Boivineau : Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mỹ cần khởi động tiến trình đàm phán (từ năm 1968). Một số thủ đô đã được xem xét và cuối cùng Washington và Hà Nội cùng thỏa thuận chọn Paris. Các cuộc đàm phán dần dần được mở ra, rồi này sinh vấn đề nghi thức. Hai phái đoàn ở trong khu vực thuộc bộ Ngoại Giao, trên đại lộ Kléber (quận 16) nên còn được gọi là Hội nghị Kléber nhằm tái lập hòa bình. Phía Bắc Việt Nam yêu cầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam được có mặt trong các cuộc đàm phán, dù phần nào chỉ ở bên lề. Từ đó, để được chú ý hơn, Mặt trận vẫn tiếp tục tồn tại nhưng song song đó đã quyết định thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Nói cách khác, những người đến Paris để làm đại diện cho Mặt trận thì tự động trở thành đại diện của chính quyền lâm thời miền Nam Việt Nam.

Về phía Việt Nam Cộng Hòa, họ thấy có bên thứ ba tham gia hội nghị cho nên họ yêu cầu được tham gia vì có liên quan đến những gì diễn ra ở Việt Nam. Cuối cùng có 4 bên tham gia đàm phán. Tất nhiên, tất cả những chuyện này được thực hiện từng bước nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Pháp, nhưng đó không phải là ý tưởng ​​của Pháp. Chính phủ Pháp dần dần coi Chính phủ Cách mạng Lâm thời theo cách bán ngoại giao. Điều này giải thích cho các cuộc đàm phán vào thời điểm đó giữa một số nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời và bộ Ngoại Giao Pháp. Việc này kéo dài suốt thời gian diễn ra hội nghị hòa bình.

RFI : Và cũng nhờ mối quan hệ phi chính thức với các bên, Pháp đã đóng vai trò trung gian đặc biệt cho việc giải quyết cuộc xung đột ?
Ông Gérard Boivineau : Cũng không hẳn thế. Xin nhắc lại là Pháp không tính toán gì. Pháp chỉ lo tìm ra một giải pháp chính trị thỏa mãn tất cả các bên có mặt ở Paris. Nếu có một mục tiêu thì đó là duy trì ảnh hưởng kinh tế và văn hóa của Pháp ở miền Nam Việt Nam.

Dĩ nhiên Pháp cũng không mong muốn một chính quyền cộng sản được thiết lập ở miền Nam, nhưng điều đó không hề được tính đến vào lúc đó. Nhờ nhiều lần tiếp xúc với Chính phủ Cách mạng Lâm thời trong khuôn khổ Hội nghị Hòa bình Kléber, Pháp đã nghe thấy người Việt Nam trong Chính phủ Lâm thời nói rằng “sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam lớn đến mức mục tiêu thống nhất vẫn còn xa vời. Về nguyên tắc, chúng tôi khẳng định thống nhất đất nước, nhưng chúng tôi nhận thức được sự chênh lệch giữa hai miền Việt Nam. Thống nhất sẽ diễn ra một ngày nào đó, chỉ có thể là trong 10 hoặc 15 năm nữa”. Đây cũng là những con số do đại diện của Chính phủ Lâm thời đưa ra.

Vì vậy, mục tiêu chính của Pháp không phải là tránh thiết lập một chế độ cộng sản ở Sài Gòn, vì họ biết rằng trong mọi trường hợp, ngay cả đối với những người phản đối cuộc chiến của Mỹ, đó là một mục tiêu. Nhưng mục tiêu đầu tiên là thiết lập hòa bình, cho phép tổ chức đàm phán với tất cả với những ai muốn thảo luận về hòa bình. Pháp không tính toán, nhưng có những tuyên bố rõ ràng rằng ,đối với Pháp, cần phải tránh để một chính quyền cộng sản hình thành trên toàn bộ Việt Nam.




Bà Nguyễn Thị Bình, trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị Hòa bình, tại bữa ăn trưa ở khách sạn George V, Paris, Pháp, ngày 14/11/1969. ASSOCIATED PRESS - Max Micol

RFI : Tên của cuốn sách, tạm dịch là Lực lượng khó tìm, cũng làm liên tưởng đến Pháp, bởi vì Pháp đã cố gắng làm gì đó tránh để lực lượng Cộng sản nắm quyền trong chính phủ mới ở miền Nam, nhưng rút cuộc không thành ?

Ông Gérard Boivineau : Pháp ở vị thế khá đặc biệt, là nước chủ nhà của Hội nghị Hòa bình. Ở đây cần phải nói sự việc theo đúng bản chất. Các cuộc đàm phán thật diễn một cách bí mật bên ngoài đại lộ Kléber, giữa Washington và Hà Nội, với sự đồng ý của chính phủ Pháp. Với tư cách là nước chủ nhà, Pháp không được đưa ra lập trường về bất cứ điều gì liên quan đến Hội nghị Hòa bình. Pháp lắng nghe bất kỳ bên nào muốn nói chuyện với họ.

Chính quyền Sài Gòn tiếp xúc rất ít với Paris. Tôi không tìm thấy trong kho hồ sơ lưu trữ các báo cáo về cuộc họp giữa đại diện của Việt Nam Cộng Hòa với Quai d’Orsay (bộ Ngoại Giao). Ngược lại, Chính phủ Lâm thời họp ít nhất mỗi tuần một lần với phía Pháp, có thể thấy là thường xuyên, hết đại diện này đến đại diện khác. Đồng thời, cũng có nhiều cuộc thảo luận với phái đoàn miền Bắc Việt Nam, chưa phải là đại sứ quán vào thời điểm đó. Nhưng chủ yếu là với Chính phủ Lâm thời và bà Nguyễn Thị Bình. Bà được nhắc nhiều trong cuốn sách, tôi trích lại một số lượng lớn các cuộc thảo luận vào thời điểm đó giữa bà Bình với ngoại trưởng Pháp Maurice Schumann.

Nhưng Paris không đưa ra sáng kiến về diễn biến của hội nghị. Vai trò của nước chủ nhà là tạo thuận lợi cho mọi việc về mặt nghi thức và tiến hành. Cho nên Pháp phần nào bị buộc phải lưu trữ thông tin, nhưng Pháp cũng phải thận trọng, đặc biệt là trong quan hệ với những đại diện của Chính phủ Lâm thời, luôn muốn nhiều hơn từ phía Pháp. Các thành viên của Chính phủ Lâm thời luôn cố gắng để có được sự công nhận chính thức nào đó, nhưng Pháp đã từ chối, viện dẫn sự trung lập của một nước chủ nhà.




Cố vấn tổng thống Mỹ Henry Kissinger (thứ ba từ trái sang) và ông Lê Đức Thọ, trưởng đoàn đàm phán Hà Nội, vẫy tay chào sau cuộc họp cuối cùng tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Paris, Pháp, ngày 23/01/1973. AP - Anonymous

RFI : Tướng Dương Văn Minh, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng, dường như vẫn được gọi là “người của Pháp” (ông xuất thân từ khóa đầu tiên ở Trường Sĩ quan Võ bị Quốc Gia Việt Nam do chính quyền Pháp tại Liên bang Đông Dương thành lập, từng tham gia Quân đội Thuộc địa Pháp). Trong cuốn sách, ông cũng nói là “Minh đã để mất thời gian”. Liệu Pháp trông đợi gì đó vào tướng Dương Văn Minh ?
Ông Gérard Boivineau : Không, tướng Dương Văn Minh không phải là người của Pháp, mà cũng không phải là người của Mỹ. Đơn giản là người ta không tìm được một chính trị gia ở miền Nam Việt Nam có thể đoàn kết thành các phần chính trị, gồm những người phản đối chế độ Nguyễn Văn Thiệu nhưng cũng không ủng hộ Cộng sản. Người ta gọi thành phần này là “trung lập” hoặc “dân tộc chủ nghĩa phi cộng sản”. Lực lượng này được thể hiện rất rõ ở Paris lẫn ở Sài Gòn. Báo chí Sài Gòn lúc đó tương đối tự do, nghĩa là một tờ báo chống tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bị đóng cửa thì tờ báo đó sẽ được tái sinh dưới một tên khác.

Tiếp theo, có nhiều dân biểu phản đối ông Thiệu. Nhờ phần nào được bảo vệ bởi quyền miễn trừ đại biểu Quốc Hội, họ có thể tự do bày tỏ ý kiến ​​mà không sợ bị bỏ tù, hoặc bị buộc tội là thân cộng sản. Nhiều người trong số họ thậm chí đến Paris để gặp cộng đồng người Việt. Lúc đó, người Việt ở Paris được cả Chính phủ Lâm thời và bộ phận theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản lấy lòng. Nhưng thành phần “trung lập” hoặc “dân tộc chủ nghĩa phi cộng sản” ở Sài Gòn cũng như ở Paris có đặc điểm là phân mảnh, khác biệt, thiếu gắn kết, thậm chí có xu hướng không tự tổ chức.

Trong số những nhân vật có khả năng một ngày nào đó sẽ lên nắm quyền, thay thế Nguyễn Văn Thiệu có Dương Văn Minh. Tướng Minh được nể trọng vì có vai trò trong sự sụp đổ của chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau đó, ông phản đối một số tướng lĩnh cũng tham gia đảo chính và bị buộc sống lưu vong ở Thái Lan. Nhờ vậy ông thoát được thời kỳ đầy rẫy xung đột giữa các tướng lĩnh, tham nhũng… Ông trở về Việt Nam với danh tiếng là một người chính trực, không tham nhũng, tránh bị tiếng được thiên vị. Ông ra tranh cử tổng thống với ông Thiệu năm 1971. Nhưng phía Mỹ lại có vẻ thiếu khéo léo, thực sự là không biết tại sao. Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã có một cuộc họp với tướng Minh và sau cuộc họp, ông Minh có cảm giác rằng người Mỹ có lẽ đang chế giễu ông và muốn hối thúc ông ra ứng cử tổng thống để tạo vẻ ngoài dân chủ ở miền Nam Việt Nam. Đại sứ Mỹ thậm chí còn đề nghị tài trợ cho chiến dịch của ông. Thế là quá đủ ! Tướng Minh cảm thấy bị gài bẫy. Và để tránh bị sập bẫy, ông ấy đã rút lui.

Ngoài ra còn có một ứng cử viên thứ ba là Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống và ủng hộ tổng thống Thiệu. Tuy nhiên, tư cách ứng cử của ông đã bị hủy trong hoàn cảnh khá mơ hồ. Ông Thiệu trở thành ứng cử viên duy nhất và tất nhiên là đã thắng cử. Nhiều người có thể đã tiếc là nếu ông Dương Văn Minh tiếp tục tranh cử, có lẽ sẽ biết được bao nhiêu phần trăm người dân ủng hộ ông, cho dù có rất ít cơ hội chiến thắng, nhưng dù sao thì cũng đáng thử.

Sau đó, ông Dương Văn Minh cũng có những phát biểu sau khi Hiệp định Paris được ký vào tháng 01/1973. Còn tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận Hiệp định Paris và ông làm mọi cách để các điều khoản không được áp dụng, nhất là sự xuất hiện của “lực lượng thứ ba” - tôi dùng đúng các từ ngữ trong Hiệp định Paris năm 1973. Tổng thống Thiệu muốn “lực lượng thứ ba” này không bao giờ được hình thành và tồn tại. Ông cũng từ chối thả tù chính trị, tiếp tục chính sách độc tài chống lại những người đối lập. Miền Bắc Việt Nam cho rằng không còn giải pháp nào khác để đạt được mục tiêu thống nhất đất nước ngoài biện pháp quân sự. Năm 1974, một năm sau Hiệp định Paris, họ bắt đầu một số cuộc tấn công để thử sức kháng cự của chính quyền Sài Gòn, nhưng trên hết là để chắc chắn rằng Mỹ sẽ không can thiệp.




Người dân thôn Bình Phong, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, cầm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong một khu vực do họ kiểm soát tại Sài Gòn, ngày 07/02/1973. AP - Horst Faas

RFI : Pháp là một trong ba nước duy nhất duy trì đại sứ quán ngay sau ngày 30/04/1975. Liệu đây có phải là một thành công cho hoạt động ngoại giao của Pháp ? Pháp duy trì liên lạc với chính quyền mới ở Việt Nam sau ngày này như thế nào ?

Ông Gérard Boivineau : Đối thoại chưa bao giờ ngừng giữa Paris và Hà Nội. Pháp có một đại diện toàn quyền Pierre Susini, không may là ông bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ năm 1972. Nhưng sau Hiệp định Paris 1973, Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao : Cơ quan tổng đại diện trở thành đại sứ quán, một đại sứ được bổ nhiệm ở Hà Nội và tổng lãnh sự quán đặt tại Sài Gòn, do trước đó không còn vì quan hệ ngoại giao bị gián đoạn bởi chính quyền của thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ lúc bấy giờ. Nói tóm lại, Pháp có đại diện ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội và đối thoại được tiếp tục ở cả miền Bắc, Nam.

Vào cuối tháng 03/1975, người ta thấy rằng Hiệp định Paris không được thực hiện. Quân đội miền Bắc Việt Nam bắt đầu tấn công và đạt được thành công, chiếm lại thành phố Đà Nẵng và vùng cao nguyên. Còn quân đội, thực sự là không biết đó là quân đội Bắc Việt hay của Chính phủ Lâm thời, hướng xuống miền nam, tiến về Sài Gòn, giành nhiều thắng lợi nhưng cũng có thất bại. Vào cuối tháng 03/1975, Pháp quyết định bổ nhiệm một đại diện ngoại giao (ông Michel Huriet) bên cạnh Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạm đóng trong khuôn viên đại sứ quán Pháp ở Hà Nội, nhưng không phải là thành viên của đại sứ quán và có quyền tự chủ riêng.

Lúc đầu, người này được giới thiệu là đứng đầu một phái đoàn đại diện, sau đó ông trở thành đại biện. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là trình quốc thư, không phải với chủ tịch của Chính phủ Lâm thời, mà là với ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình. Ông ở lại Hà Nội suốt tháng 04 và 05/1975, rồi dần dần nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ được gặp ai nữa. Và cuối cùng là đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - miền Bắc Việt Nam - cũng được bổ nhiệm làm đại sứ Chính phủ Lâm thời. Tất cả diễn ra vào năm 1975, và tiến triển rất nhanh. Lúc đó, người ta bắt đầu nói về việc thống nhất đất nước sớm.

Đại sứ Pháp có mặt ngày 30/04/1975 ở Sài Gòn nghĩ rằng ông sẽ tiếp tục là đại sứ bên cạnh chính quyền mới ở miền Nam Việt Nam, ngay cả khi không phải là tổng thống Dương Văn Minh nữa, vì chính phủ của ông được thành lập ngày 28/04 đã bị lật đổ ngày 30/04. Pháp không biết phải liên lạc với ai. Lúc đó, phía Việt Nam phụ trách ở Sài Gòn là một ủy ban quân quản do tướng Trần Văn Trà đứng đầu và ông không có mối quan hệ với bất kỳ ai. Sau ngày 30/04/1975, ở Sài Gòn chỉ còn ba cơ quan đại diện hoạt động : Bỉ, Thụy Sĩ với một đại biện lâm thời và khâm sứ Tòa Thánh. Tuy nhiên, khâm sứ Tòa Thánh đã phải rời Sài Gòn vào tháng 08/1975. Nhưng Pháp vẫn có một đại sứ, một nhân vật số 2, một nhân vật số 3, một cơ cấu chính trị nhưng lại không gặp được ai, trong khi người ta biết rõ rằng ngay từ đầu đã có một bộ phận trong chính phủ hoạt động, đó là bộ Ngoại Giao, không phải với bà Nguyễn Thị Bình vì bà tiếp tục đi khắp thế giới để ký các thỏa thuận cung cấp hydrocarbon, mà với nhân vật số 2.

Đối với chính quyền mới tại Sài Gòn, đại sứ quán Pháp không tồn tại và họ chỉ trao đổi với đại sứ quán Pháp về các vấn đề hành chính và lãnh sự, bởi vì vẫn có đến 10.000 người Pháp sống ở Sài Gòn. Chỉ ở điểm này Pháp mới có người đối thoại và chỉ hoàn toàn về vấn đề lãnh sự và hành chính.

Nói tóm lại, trước khi chính quyền tướng Minh bị lật đổ, Pháp có ba cơ quan đại diện ở Việt Nam : một đại sứ quán ở Sài Gòn, một đại sứ quán ở Hà Nội và một đại diện có địa vị ngoại giao thấp hơn đại sứ tại chính phủ lâm thời.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Gérard Boivineau, nhân vật số 2 của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam từ 1991-1994 và tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh từ 2008-2011.

Thu Hằng