.

Quy Y Tam Bảo – Pháp Danh






Có câu hỏi về vấn đề pháp danh trong đạo Phật như sau:

…”… Một người bạn Mỹ trong sở một hôm hỏi tôi theo tôn giáo nào, tôi nói tôi theo đạo Phật, anh ta bèn khoe anh ta cũng theo đạo Phật có dharma name và hỏi dharma name của tôi. Tôi không biết dharma name là gì nên phải nói đại là quên mất rồi.

Sự thực thì tuy gia đình tôi theo đạo Phật nhưng chúng tôi rất ít khi đến chùa, cũng không hề biết kinh sách gì cả, chỉ Tết mới đi lễ xin lộc Phật, hoặc những ngày giỗ hay có tang ma của người thân thuộc thì mới đến chùa tụng kinh cầu siêu, cho nên sự hiểu đạo của gia đình chúng tôi rất hạn hẹp.

Nay gặp câu hỏi khó nên viết thư này xin quý vị chỉ dẫn để tôi có thể trả lời người bạn trong sở tôi về vấn đề dharma name….”…


Đáp:

- Trường hợp hiểu đạo một cách hạn hẹp như ông Hiếu rất phổ biến trong cộng đồng Phật giáo chúng ta. Đối với một số tôn giáo, ngay khi còn là em bé, đứa nhỏ đã phải trải qua một số nghi lễ để xác nhận tôn giáo mà em sẽ mang theo sau này. Rồi sau đó, khi hiểu biết đôi chút, các em bắt đầu học giáo lý theo tôn giáo của các em

Nhưng đạo Phật thì khác, do chủ trương mọi việc làm đều phải được quyết định trong sự tỉnh thức, cho nên một em nhỏ trong gia đình theo đạo Phật cứ việc sống tự nhiên cho tới khi bắt đầu hiểu biết, khi đó có thể là do cha mẹ dạy hoặc cho các em gia nhập các gia đình Phật tử, hoặc tự các em tìm hiểu đạo Phật qua sách báo, trong thư viện, hoặc nghe những buổi thuyết pháp của đạo Phật, cảm thấy muốn đi sâu vào con đường tu tập của đạo Từ Bi, họ mới tới chùa xin Quy Y Tam Bảo để chính thức là một Phật tử.

Người tự nguyện quy y như thế có nghĩa là chấp nhận sự hướng dẫn của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Phật Bảo là chư Phật, Pháp Bảo là giáo pháp, cụ thể là Tam Tạng Kinh Điển, Tăng Bảo là chư Tăng Ni tu hành thanh tịnh, hiện đang đại diện Chư Hiền Thánh Tăng để hướng dẫn Phật tử trên con đường giác ngộ giải thoát.

Và chỉ sau khi Quy Y Tam Bảo, có nghĩa là đương sự đã quyết tâm nương tựa tinh thần vào Tam Bảo để tu tập, thì người đó mới được vị Tăng đại diện đặt cho một pháp danh, thí dụ Diệu Tâm, Chân Tịnh, vân vân…. Pháp danh dịch sang Anh Ngữ là dharma name

Như thế, trên thực tế, nếu một người không Quy Y Tam Bảo, không đọc kinh sách nhà Phật để ứng dụng vào cuộc sống cho được thăng hoa, giảm bớt nỗi thống khổ, mà chỉ đi chùa cúng bái cầu siêu, cầu an, cầu tài lộc, -- một việc vốn không phải là Phật sự chính của đạo Phật, mà chỉ do các Sư thực hiện như một phương tiện tùy thuận chúng sinh, -- thì có lẽ nên gọi là theo đạo Thờ Cúng Tổ Tiên, mà trong dân gian gọi là “đạo Ông Bà” mới đúng danh nghĩa.

Tất cả Phật tử đều thờ cúng Tổ Tiên, không có nghĩa rằng những người chỉ thờ cúng Tổ Tiên, không hề biết đến và nương theo giáo lý của đạo Từ Bi để chuyển hóa tâm đều là Phật tử. Chỉ sau khi đã Quy Y Tam Bảo, đã ứng dụng giáo lý nhà Phật trong cuộc sống, thì mới là một Phật tử thực sự.

Có người nói rằng :

” Tôi chỉ quy y “Nhị Bảo” là Phật và Pháp thôi, còn Tăng thì cũng như tôi, không cần quy y”.

Nói như thế là sai lầm. Tăng hiện đang sống, đứng trước mặt chúng ta là phàm tăng. Nhưng các vị ấy đại diện tất cả Tăng Bảo của ba thời là quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng ta quy y như thế là quy y tất cả Chư Hiền Thánh Tăng của ba thời do các phàm tăng đại diện.

Tăng Bảo, dù là phàm tăng, cũng có công duy trì và hoằng dương Phật pháp ở đời. Nhờ có Tăng Bảo, đạo Phật mới có thể hiện diện trên thế gian một cách sống động và hữu ích thiết thực, qua những lời dạy của chư Tăng và do chính đời sống gương mẫu của chư vị ấy mà Phật tử noi theo, điều đó gọi là Thân Giáo.

Nếu có cá nhân Tăng Ni nào vi phạm Giới Cấm, hành xử sai lầm, chúng ta cũng hiểu rằng đó là trường hợp cá biệt, không vì thế mà có sự nhận định sai lầm tới danh dự của tất cả chư Tăng Ni.

Khi quy y Tam Bảo là chúng ta quy y chư Phật, chư Pháp và chư Tăng. Chư Tăng là “tất cả các Tăng”. Cho nên đã quy y Thầy A rồi, khi thấy Thầy B danh tiếng lừng lẫy hơn, bằng cấp cao hơn, ta lại quy y thêm Thầy B là dư thừa, vì khi quy y Thầy A, ta đã đồng thời quy y Thầy B.

Để quý vị có thêm tài liệu về Quy Y Tam Bảo, xin kính gửi tới quý vị một phần bài pháp của hòa thượng Thích Thanh Từ về đề tài này.

Hòa thượng nói:

…”… Tam Quy nói đủ là Quy Y Tam Bảo. Tam Bảo là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Phật là chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, do trước kia ngài tu hành giác ngộ thành Phật. Pháp Bảo là giáo pháp do Đức Phật nói ra chỉ dạy đường lối tu hành. Tăng Bảo là những vị tu hành theo giới luật và chánh pháp của đức Phật.

Tại sao gọi là Phật Bảo?

Từ một kẻ phàm phu như chúng ta tu hành thành Phật thực là chuyện ít có trên nhơn gian nầy. Thế nên trong kinh thường nói Phật ra đời khó gặp, như hoa Ưu Đàm một ngàn năm mới trổ một lần. Bởi ít có, khó gặp, nên nói là Báu. Hơn nữa, tự bản thân Ngài đã thoát khỏi sanh tử luân hồi và giác ngộ thành Phật, rồi đem chỗ giác ngộ ấy dạy lại cho mọi người cùng ra khỏi sanh tử, là điều cao cả nhất trần gian nên gọi là Báu, tức là Bảo.

Thế nào gọi là Pháp Bảo?

Chánh pháp xuất thế hy hữu do Đức Phật dạy lại, người nghe rất khó hiểu, khó thấu đáo được. Nhưng một khi đã hiểu, ứng dụng tu hành có thể chuyển đời phàm phu trở thành thánh nhân, pháp như vậy còn gì quý báu bằng. Pháp của Phật dạy là chân lý, dù trải qua bao thời gian chân lý ấy vẫn rạng ngời như hòn ngọc báu. Những kẻ đang lạc lầm trong đêm đen, bất thần gặp được ngọn đuốc, vui mừng quý tiếc thế nào, người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Người đang bị chìm đắm ngoài biển cả, trông thấy một con thuyền đến vớt, vui mừng sung sướng quý mến thế nào, người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Cho nên nói “Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm gặp.”

Thế nào gọi là Tăng Bảo?

Tăng là chỉ cho một nhóm tu sĩ học theo Phật, sống chung nhau đúng tinh thần Lục Hòa. Sống đúng tinh thần Lục Hòa là việc ít có trên nhân gian nầy. Bởi vì người thế gian sống trong đua đòi giành giật hơn thua với nhau, không bao giờ hòa thuận được. Lục hòa là:

Thân hòa cùng ở,
Miệng hòa không tranh cãi,
Ý hòa đồng vui,
Giới luật hòa đồng giữ,
Hiểu biết hòa cùng giải,
Lợi hòa chia đồng.

Sáu điều này là tinh thần của Tăng. Nếu có người đầu tròn áo vuông mà không sống theo tinh thần Lục Hòa cũng không gọi là tăng. Ở trong tập thể từ bốn người trở lên, ai cũng hòa thuận chung sống đúng tinh thần Lục Hòa là một việc rất khó làm. Vì thế, người tu sĩ sống theo tinh thần Lục Hòa, là một điều quí báu trên nhơn gian. Hơn nữa, trên sự tu hành, các vị ấy đã vơi đi phiền não và đạt được phần nào của an ổn thanh tịnh, rồi hướng dẫn mọi người cùng đến chổ an ổn thanh tịnh ấy. Vì thế cho nên gọi là Tăng Bảo.

Thế nào là Quy y?

Quy là trở về, Y là nương tựa. Trở về nương tựa với Phật, Pháp và Tăng gọi là Quy Y Tam Bảo. Từ lâu chúng ta mãi chạy theo dục lạc, tạo nghiệp đau khổ, nay hồi tâm thức tỉnh, nhất định trở về nương tựa với Tam Bảo. Lấy Tam Bảo làm chổ cứu cánh, để không còn tạo thêm nghiệp đau khổ, rồi từ đó đem lại cho chúng ta sự an lạc trong cuộc sống. Đây là sự hồi tâm tỉnh giác, phát nguyện trở về của chúng ta. Sự tỉnh giác nầy là nền tảng của lâu đài trí tuệ, nó là bước đầu trên con đường về quê hương giác ngộ. Đặt nền tảng nầy vững chắc thì lâu đài trí tuệ mới được lâu dài. Đó là sự hệ trọng của tinh thần Quy Y….”…

Phật Pháp Tăng là đối tượng để chúng ta Quy Y. Nguyện noi theo con đường Đức Phật đã đi là Quy Y Phật. Quyết thực hành những lời chỉ dạy của Ngài còn ghi trong kinh điển là Quy Y Pháp. Thuận theo sự hướng dẫn tu hành của chúng tăng là Quy Y Tăng. Tăng là tập đoàn Tăng lữ sống đúng tinh thần Lục Hòa, không phải tính cách cá nhân. Nếu một vị sư đứng ra làm lễ Quy Y cho Phật tử, chính vị ấy đại diện cho tập đoàn. Quy Y Tăng là quy y với những vị sư sống đúng tinh thần Lục Hòa, không phải chỉ quy y riêng vị sư truyền Tam Quy cho mình. Khi quy y một vị Tăng tức là đã quy y tất cả chư Tăng. Được vậy mới đúng tinh thần Quy y Tam Bảo bên ngoài.

Phật pháp bao giờ cũng phải đủ hai mặt, Tam Bảo bên ngoài là đối tượng, Tam Bảo tự tâm là bản chất. Nương Tam Bảo bên ngoài, chúng ta phát triển Tam Bảo của tự tâm. Trong ngoài hỗ tương để viên mãn công phu tu hành, là mục tiêu chính yếu của Đạo Phật.

Về Tam Bảo tự tâm thì Tánh Giác sẵn có nơi chúng ta là Phật Bảo. Lòng từ bi thương xót cứu giúp chúng sanh là Pháp Bảo. Tâm hòa hợp với mọi người là Tăng Bảo.

Tam Bảo bên ngoài là điều kiện tốt thiết yếu với người Phật tử, nhưng có được giác ngộ giải thoát chính là khả năng của Tam Bảo Tự Tâm."


Trên đây là bài pháp của hòa thượng Thích Thanh Từ.

Trong các thời tụng kinh, vào giai đoạn cuối, chúng ta thấy có ba đoạn tụng như sau:

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ Kinh Tạng, trí tuệ như biển.

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.

Ba lời nguyện này chính là Quy Y Tam Bảo Tự Tâm, còn gọi là Tự Tánh. Sơ Tổ thiền tông Bồ Đề Đạt Ma ra một tuyên ngôn sấm sét khi bước chân lên đất Trung Hoa rằng:

“Bất lập văn tự,

Giáo ngoại biệt truyền,

Trực chỉ nhân tâm,

Kiến Tánh thành Phật.”


Chữ “Tánh” trong câu này chính là “Tự Tánh”, cũng chính là Giác Tánh của mỗi người.

Tự Tâm Quy Y có nghĩa là quay vào nội tâm để tự thanh lọc cho tới khi Giác Ngộ.

Về Quy Y Tam Bảo Tự Tâm, hòa thượng Thích Thiện Hoa dạy như sau:

…”…Quy Y Tam Bảo Tự Tâm nghĩa là quy y Tam Bảo trong tâm chúng ta. Nếu chúng ta chỉ quy y Tam Bảo bên ngoài, mà quên Tam Bảo bên trong tâm chúng ta, thì chúng ta chưa thực hành đúng nghĩa Tam Quy. Thật thế, bên trong tâm chúng ta cũng có đủ Tam Bảo. Chúng ta cần thực hành Tam Tự Quy Y: Tự Quy Y Phật, Tự Quy Y Pháp và Tự Quy Y Tăng.

Tự quy y Phật nghĩa là mình tự trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình. Mỗi người đều có Phật tánh, và đều có thể thành Phật. Đó là lời Phật Thích Ca đã dạy. Nhưng Phật tánh ấy bị mê lầm, vọng tưởng che lấp. Vọng tưởng như mây mờ, Phật tánh như trăng. Mây mờ có thể che khuất, chứ không thể tiêu diệt được trăng sáng.

Phật tánh của chúng ta dù bị vọng tưởng, vô minh che lấp sâu kín đến đâu cũng vẫn thường còn. Vậy thì sao chúng ta lại bỏ quên Phật tánh của chúng ta, mà chỉ chạy theo cầu khẩn Phật bên ngoài; như đứa con nghèo có viên ngọc quý, cha mẹ đã giấu sẵn trong chéo áo mà nó không biết, lại đi xin ăn cùng khắp mọi nơi.

Tự Quy Y Pháp là vâng theo Pháp tánh của mình. Trong tâm có đủ pháp Từ Bi, Trí Tuệ, Bình Đẳng, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn…Chúng ta cần phát huy những đức tánh ấy và hành động theo chúng, tuân theo chúng; như thế là Tự Quy Y Pháp.

Tự quy y Tăng là vâng theo thầy trong tâm mình. Thầy trong tâm mình là đức tánh thanh tịnh hòa hợp của mình, cũng như Tăng già là hiện thân của sự hòa hợp thanh tịnh bên ngoài. Bấy lâu vì mình bị mê muội, không nhận thấy được ông thầy trong tâm, nay nhờ Phật chỉ dạy, mình nhận thấy được ông thầy thanh tịnh ấy, thì mình phải quy y thầy của mình trước đã chứ!

Nói tóm lại, mình phải nương tựa, quay về với Phật trong tâm là tánh sáng suốt; với Pháp của mình là các đức tánh Từ Bi, Hỷ Xả v.v…; với Tăng của mình là sự hòa hợp, thanh tịnh của bản thân. Như thế là Tam Tự Quy Y….”…


Trên đây là lời dạy của hòa thượng Thích Thiện Hoa.

Các pháp môn tu hành của nhà Phật đều chủ yếu là luyện cho tâm được bình tĩnh, thanh tịnh, để nhìn thấu suốt được sự việc xảy ra đúng như thực tế.

Trong quá trình tu tập, các thiền giả đang đi trên đường, dù chưa đắc đạo, cũng có những thành tựu nhỏ như là giữ được sự bình thản trước những nỗi kinh hoàng của cuộc đời, không bị lôi cuốn vào cơn sợ hãi.

Xin trích dịch một câu chuyện Thiền nói về sự bình tĩnh, từ loạt bài “Zen Stories To Tell Your Neighbors” do soạn giả John Suler gửi lên Internet, như sau:

…”… Trong cuộc nội chiến dưới triều đại phong kiến bên Nhật, có đoàn quân xâm lăng tràn vào thành phố cướp chính quyền.

Tại một làng đặc biệt kia, trong khi mọi người vội vã bồng bế nhau chạy thoát thân trước khi quân giặc tràn tới, thì có một vị thiền sư vẫn điềm nhiên tĩnh tọa.

Nổi cơn tò mò, viên tướng giặc muốn nhìn tận mắt coi ông thiền sư già này thuộc loại gan cóc tía nào mà dám ngang nhiên như thế, bèn thân hành tới tận chùa. Thấy mình không được thiền sư tiếp đón một cách cung kính, tôn trọng, điều mà hắn đã quen được hưởng, viên tướng bèn nổi trận lôi đình, vừa rút gươm ra vừa thét:

– Nhà người điên à? Bộ không biết rằng nhà ngươi đang đứng trước mặt một người có thể đâm ngươi một đường gươm lút cán mà không hề chớp mắt sao?

Vẫn bình thản dường như là bất động, vị thiền sư điềm tĩnh trả lời:

– Thế ông không nhận ra rằng ông đang đứng trước một người có thể bị đâm một đường gươm lút cán mà không hề chớp mắt sao?"

Liên Hương (ĐPK)
(Chương trình Tìm Hiểu Phật Pháp Tuệ Đăng)