Thế nào là thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên Youtube?







Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, các clip xấu độc trên Youtube đã trở lại với mức độ phạm vi mở rộng, cần xử lý.


Thông tin vừa nêu được Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra tại buổi làm việc chấn chỉnh hoạt động đưa thông tin và quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, do Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức hôm 25/6.
Theo Cục Phát thanh truyền hình, hiện bộ lọc của Youtube hoạt động vẫn còn kẽ hở, sự phối hợp của chính phủ và Youtube còn thụ động… dẫn đến việc video clip xấu độc phát tán ngày càng nhiều!?

Tuy nhiên, tại buổi làm việc, Bộ thông tin và Truyền thông lẫn Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử lại không đưa ra chi tiết cụ thể thế nào là video clip xấu độc, thế nào là video clip vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trao đổi với RFA hôm 25/6 về vấn đề này, từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo, nhận định:

Phát biểu của ông Cục phó Thông tin - Truyền thông, chủ yếu họ hướng tới các clip có tính chất chính trị của những người phê phán hay bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

“Thật ra theo dõi các video clips trên mạng thì tôi thấy có những clips đàng hoàng đứng đắn nhưng cũng có không tốt. Tuy nhiên phát biểu của ông Cục phó Thông tin - Truyền thông, chủ yếu họ hướng tới các clip có tính chất chính trị của những người phê phán hay bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền. Ngoài ra cũng có những clip ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, vấn đề tệ nạn xã hội. Tất cả những cái đó nhà nước Việt Nam coi là xấu độc hại. Nhưng ở nước khác thì người ta coi quan điểm chính trị là tự do. Vì vậy Việt nam yêu cầu những trang mạng, đặc biệt là Youtube phải gỡ bỏ những clip đó. Nhưng nhà chức trách cho rằng tỷ lệ gỡ bỏ không được bao nhiêu, như cóc bỏ dĩa, gỡ trang này thì mọc ra trang khác với đúng nội dung như thế.”

Tính đến thời điểm hiện tại, theo Bộ thông tin và Truyền thông, quá trình cơ quan này tự đo kiểm và phối hợp cùng số liệu từ Google, công ty mẹ của YouTube, đã phát hiện 55.000 videos có nội dung bị cho là ‘bạo lực, xấu độc và vi phạm pháp luật, phát tán tin giả’.

Chỉ trong năm 2018, đã gỡ bỏ 8.000 videos có những nội dung xấu độc. Tuy nhiên, theo cơ quan này, do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập, nên việc gỡ bỏ này, ‘chỉ như bắt cóc bỏ đĩa’.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng hôm 25/6 đưa ra nhận định từ Hà Nội:

“Thế nào là thông tin xấu và độc hại? Đó là cái thông tin mà chúng ta tạm gọi là ‘nói xấu đảng, nhà nước, các lãnh đạo’ đấy là độc hại nhìn theo phía nhà nước. Vậy độc hại là gì? Họ cần phải có định nghĩa chính xác, nhưng tôi nghĩ cái này gây sự hài hước trong xã hội, như dân gian thường nói ‘đít trà đen rồi, bôi cái gì thì nó cũng không đen hơn được nữa.’”



Biểu tượng facebook trên điện thoại di động. AFP photo


Hồi đầu năm 2019, Bộ Thông tin- Truyền thông Việt Nam cũng cáo buộc Facebook vi phạm pháp luật Việt Nam vì không đáp ứng tốt việc bóc gỡ các fanpage có những hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, thời gian qua tuy Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ nhiều video clips xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục nhưng vẫn còn nhiều videos xấu độc loại khác xuất hiện trên Youtube, như những sai phạm được cho là do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam. Theo cơ quan này, những nội dung sai chủ yếu là gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, ma túy, sử dụng nhạc và hình vi phạm bản quyền…

Anh Lã Việt Dũng, sống tại Hà Nội, người có nhiều videos phản biện trên mạng xã hội, hôm 25/6 đưa ra ý kiến của mình:

“Việc họ nói chấn chỉnh quảng cáo, thì về nội dung độc hại của họ rất là trừu tượng, và rõ ràng họ đang nhắm tới là thông tin lề trái, thông tin phản biện xã hội mà mọi người đưa lên đấy, chứ không có gì là độc hại cả. Mình không nghĩ google và facebook hợp tác như chính phủ Việt Nam mong muốn, mặc dù tất nhiên Google và Facebook vẫn phải có chức năng kiểm duyệt nhất định về mặt nội dung thông tin, không đả kích người khác, không tình dục trẻ em, không có một số cái vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của họ… Tôi không nghĩ Google và Facebook hợp tác với Việt Nam để chặn thông tin trái chiều.”

Theo nhà báo Võ Văn tạo, lâu nay, đặc biệt là những tháng gần đây, cộng đồng mạng lên tiếng rất nhiều, đặc biệt là những người có tài khoản mạng xã hội bị phá hoại, bị chặn, bị treo… Ông nói tiếp:

“Bản thân tôi cũng bị chặn, riêng Facebook, Youtube họ có nêu ra tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng khi tôi bị phạt thì tôi thấy nó chẳng ăn nhập gì chuyện vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Tôi biết chắc là đội ngũ dư luận viên, rồi an ninh mạng, có hàng chục nghìn người như thế, họ bỏ tiền ra để thuê hàng chục nghìn người phá hoại như thế, cái đó là phá hoại tự do thông tin trên mạng đấy.”

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Google đo kiểm, cứ 10 đồng kiếm được nhờ video sai phạm, độc hại trên YouTube thì 5,8 đồng đến từ các video có nguồn gốc Việt Nam. Hiện Việt Nam đang đứng đầu thế giới về kiếm tiền từ video YouTube mà Bộ này cho là xấu độc.

Cũng trong buổi gặp ngày 25/6, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã phát hiện khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip xấu độc.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp khi nhận cảnh báo đều rất bất ngờ, do Google và YouTube hiện đều có chức năng mua thẳng quảng cáo, không qua đại lý, pháp nhân ở Việt Nam, thanh toán qua thẻ tín dụng. Chính quyền Việt Nam cho rằng đây là hoạt động vi phạm pháp luật và nhà nước không thu được bất kỳ đồng thuế nào trên doanh thu từ những hoạt động này.

Thế nào là thông tin xấu và độc hại? Đó là cái thông tin mà chúng ta tạm gọi là ‘nói xấu đảng, nhà nước, các lãnh đạo’ đấy là độc hại nhìn theo phía nhà nước. Vậy độc hại là gì? Họ cần phải có định nghĩa chính xác.
-Nhà báo Ngô Nhật Đăng

Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định:

“Chúng ta đã thấy đầy sự mâu thuẫn, thế nào là độc hại, mà không có tiêu chí cụ thể. Chúng ta đều biết thiên chức của nhà báo là phải phản biện để đưa đất nước khá hơn. Đối tượng phản biện là chính phủ, vì những người cầm quyền mới có thể tác động đến tình hình đất nước. Thì đúng ra nhà nước phải lắng nghe ý kiến phản biện thì lại bóp nghẹt, không cho phép, coi ý kiến phản biện là độc hại, thì sẽ không giúp gì cho đất nước, tình hình đất nước sẽ càng tăm tối hơn.”

Theo Anh Lã Việt Dũng, họ không thích bất cứ một ai nói trái ý họ, họ cũng không thích bất cứ một ai đưa thông tin mà họ đã giấu nhẹm bao nhiêu năm nay. Điều đó phản ánh sự sợ hãi của họ, khắc chế chính quyền hay còn được gọi là tà quyền, chính quyền mà gian trá thì luôn luôn sợ sự thật.

Phát biểu tại buổi làm việc hôm 25/6, Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng doanh nghiệp muốn thịnh vượng lâu dài phải song hành cùng với sự thịnh vượng của đất nước. Các doanh nghiệp dù trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật của nước sở tại.

Anh Lã Việt Dũng nhận định:

“Ông Hùng nói doanh nghiệp muốn thịnh vượng thì thịnh vượng cùng đất nước, ông nói sai, vì khi doanh nghiệp thịnh vượng thì đất nước thịnh vượng. Nhưng vấn đề là ông đang nói doanh nghiệp muốn thịnh vượng thì phải để cho đảng cũng thịnh vượng, ông đang đánh tráo khái niệm giữa đảng và đất nước. Rõ ràng những thông tin trái chiều không làm suy yếu đất nước này, mà chỉ làm suy yếu đảng cộng sản thôi.”

Còn nhà báo Võ Văn Tạo thì cho rằng, thật ra ông Hùng rất khôn ngoan, nói lập lờ chung chung như thế, không nói cụ thể clip độc hại như thế nào thì làm hại cho đất nước, ai hiểu thế nào cũng được. Ông nói tiếp:

Chứ những người theo dõi tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam thì ý họ là muốn ‘nghiêm,’ muốn phá, muốn bóc dỡ những clips có liên quan đến quan điểm chính trị, những clip chỉ trích phê phán những yếu kém của cơ quan quản lý chính phủ Việt Nam… nhất là clips của các trí thức phản biện. Nhưng ngoài ra, theo ý ông Hùng cũng có thể hiểu là những clips ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục… mạng xã hội mà, cũng có cái xấu… thì quốc gia nào cũng cần luật để trị những cái đó… Nhưng luật anh có phù hợp với các quốc gia văn minh hay không lại là chuyện khác, nhưng ở Việt Nam rất tiếc rằng dù có những chỉnh sửa trong văn bản luật, nhưng quá trình thực hiện cũng còn lạc hậu lắm.”

Báo cáo Minh bạch mới đây của Facebook cho biết trong 6 tháng cuối năm 2018, số nội dung bị giới hạn từ Việt Nam đã tăng hơn 500% so với 6 tháng trước đó. Nguyên nhân là do Việt Nam thắt chặt kiểm soát nội dung trên các trang mạng xã hội.

Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Việt Nam hy vọng luật mới sẽ giúp bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, luật an ninh mạng nhằm ngăn cản các tiếng nói phản biện tại Việt Nam.


RFA
26-6-2019