.

Vấn đề di dân:
Một tấm hình hai cha con chết đuối
thúc đẩy cuộc tranh luận di dân

Lê Phan



Hai bố con nằm úp mặt xuống trong dòng nước đục ngầu bên bờ của con sông mà Hoa Kỳ gọi là Rio Grande trong khi Mexico gọi là Rio Bravo del Norte, cái đầu bé nhỏ của cô con gái che dưới cái áo T-shirt của ông bố, một cánh tay bé nhỏ còn ôm cổ bố. Theo nhật báo La Jordana, vốn đã đăng tấm hình này đầu tiên, tuyệt vọng vì cố gắng vào Hoa kỳ bằng đường bộ còn phải chờ nhiều tuần hay nhiều tháng nữa, họ đã tìm cách vượt sông, và bị luồng nước cuốn đi. Họ cũng chỉ ao ước giấc mơ Hoa Kỳ theo lời bà mẹ.

Tấm chân dung của sự tuyệt vọng đó đã được chụp hôm thứ hai bởi nhà báo Julia Le Duc, chỉ vài giờ sau khi ông Oscar Alberto Martinez Ramirez chết với cô con gái mới 23 tháng tên là Valeria khi họ tìm cách bơi qua sông để tìm sang Hoa Kỳ. Tấm hình tiêu biểu một cách đau lòng cho những nguy hiểm mà di dân đã phải vượt qua trên con đường lên phía bắc đến Hoa Kỳ,và hậu quả thảm hại vốn thường không được thấy trong các cuộc tranh luận ồn ào và gay go về chính sách biên giới.

Nó làm người ta nhớ lại những hình ảnh cũng mạnh mẽ và gây xúc động vốn đã động viên sự chú ý của mọi người cho sự kinh khủng của chiến tranh và sự đau khổ thật đáng thương của di dân và dân tỵ nạn –mà những câu chuyện cá nhân thường bị lu mờ bởi những biến cố lớn hơn.

Giống như tấm hình nổi tiếng của một em be Syria máu me đầy mình vừa được lôi ra khỏi một đống đổ nát ở Aleppo sau một cuộc không kích của quân đội chính phủ, hay tấm hình mà Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã nhắc đến cảnh một nhân viên cấp cứu bế em bé Alan Kurdi mới ba tuổi chết đuối dạt vào đảo Kos của Hy Lạp. Tấm hình này có thể khích động lương tâm mọi người.

Tấm hình hai bố con ông Ramirez được phổ biến theo sau một loạt những tin tức đáng ngại về điều kiện mà những trẻ em đã vượt được qua biên giới xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ đang bị giam giữ. Kể từ đầu năm nay, đã có những tin về khoảng nửa tá trẻ em, một số sơ sinh, chết trong khi vượt biên giới, hoặc vì chết đuối hoặc vì thời tiết quá nóng. Cũng có những quan ngại mới về điều kiện mà các em nhỏ bị giam giữ ở các trạm biên giới bên trong Hoa Kỳ, trong khi nhà chức trách gặp khó khăn đối phó với sự gia tăng di dân tìm cách vượt biên vào Hoa Kỳ trong mấy tuần nay –nhiều người là đàn bà, trẻ con và gia đình.

Tuần rồi, một nhóm luật sư đã được cho phép theo lệnh của tòa án đến thăm cơ sở ở Clint, Texas, và họ thấy những trẻ em bị giữ ở đó thiếu ăn, không đủ những điều kiện vệ sinh căn bản như xà bông, kem đánh răng, thiếu nước. Các luật sư tả cảnh các em vẫn còn mặc nguyên bộ đồ dơ bẩn khi vượt qua biên giới, nhiều tuần nay chưa được tắm rửa. Những khu tạm giữ này quá chật chội và vì thiếu người lớn chăm sóc có nghĩa là các em tự lo đứa lớn giúp đứa bé. Một luật sư nói, trong khi hỏi chuyện với các em, bà cố ngồi gần mặc dầu người các em hôi thối.

Trước sự phản đối, cơ quan di dân bắt đầu chuyển các em ở Clint đến cho cơ sở của Bộ Y tế và Tài nguyên Nhân dụng. Tuy nhiên đến thứ ba thì báo chí Hoa Kỳ lại nói là hơn 100 em đã được đưa trở lại về Clint trong khi các viên chức bác bỏ những cáo buộc của các luật sư.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm thứ ba là ông “rất quan ngại” về điều kiện ở các cơ sở biên giới, nhưng cả quyết là chúng khá hơn dưới thời của Tổng thống Barack Obama tiền nhiệm. Ông cũng gây áp lực thêm đòi Mexico phải chống lại làn sóng di dân từ Trung Mỹ qua biên giới của họ bằng cách đe dọa sẽ áp đặt thuế quan lên hàng nhập cảng từ Mexico.

Các viên chức di dân Hoa kỳ trong khi đó nói là họ cần thêm tài nguyên để đối phó với gia tăng di dân. Ông Mark Morgan –quyền giám đốc Cơ quan Thực thi (chính sách) Di dân và Thuế quan mà tên tắt tiếng anh là ICE, nói nhà chức trách đang gặp khó khăn với những “điều kiện thiếu an toàn” của các trung tâm biên giới vốn đã quá đông. Ông Morgan nói với đài Fox “Trẻ con đáng lẽ không nên bị giữ ở những cơ sở này.”

Đồng thời, cơ quan di dân của chính phủ của Tổng thống Trump đang bị vấn đề thay đổi nhân sự liên miên, với nhiều viên chức cao cấp vẫn còn đóng vai "quyền", không được Thượng viện chuẩn thuận mà chính là vì chính phủ chưa chuẩn bị hồ sơ cho họ được chuẩn thuận.

Hôm thứ ba, ông John Sanders, quyền giám đốc cơ quan Quan thuế và Biên phòng, gọi tắt tiếng Anh là CBP, nói với nhân viên CBP là ông sẽ từ chức từ 5 tháng 7 trong một email được truyền thông phổ biến. Ông Sanders không cho biết lý do tại sao ông từ chức, một việc xảy ra trong khi chính phủ đang phải chống trả những chỉ trích về vụ ở Clint. Ông Sanders viết trong bức thư gửi nhân viên “Trong thư từ chức, tôi dẫn lời một vị hiền sĩ đã nói với tôi là ‘Mỗi người thẩm định sự thành công của mình theo lối tính của chính mình’,” và thêm là ông để cho nhân viên quyết định xem ông có thành công hay không.
Ông Sanders trở thành người đứng dầu CBO đầu năm nay, sau khi người cầm đầu trước của cơ quan, ông Kevin McAleena, được chọn lên làm bộ trưởng nội an sau khi tổng thống ép bà Kirstjen Nielsen từ chức. Ông McAleena vẫn còn chưa được Thượng viện chuẩn thuận và cũng đang quyền bộ trưởng.

Cuộc tranh luận ở Washington về cách giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới tiếp tục. Bên Cộng Hòa cáo buộc bên Dân Chủ trì hoãn về những biện pháp an ninh biên giới, trong khi bên Dân Chủ chỉ trích bên Cộng Hòa và Tòa Bạch ốc tàn nhẫn trước số phận của những trẻ em không có giấy tờ bị mắc kẹt ở giữa.

Tuần này, Hạ viện, do bên Dân Chủ cầm đầu, và Thượng viện, do bên Cộng Hòa cầm đầu, đã thông qua hai dự luật đối nghịch nhau cho 4.5 tỷ đô la để cứu viện cho cuộc khủng hoảng biên giới. Nhờ một quyết định của Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, Hạ viện đã thông qua dự luật của Thượng viện nhưng với những hứa hẹn của phía chính phủ qua Phó Tổng thống Mike Pence sẽ thông báo cho quốc hội biết trong vòng 24 giờ nếu có một em nhỏ chết trong khi bị tạm giữ và chính phủ hứa sẽ chỉ tạm giữ trong vòng 90 ngày.

Ông Bennie Thompson, chủ tịch Dân chủ của Ủy ban Nội an Hạ viện, khuyến cáo là sự thay đổi nhân sự lãnh đạo di dân ‘chỉ làm cho mọi sự thêm rối loạn” ở Bộ Nội An, kéo dài cuộc khủng hoảng. Ông Thompson nói “Bộ Nội an có nhiệm vụ giữ cho đất nước được an toàn, nhưng tổng thống đã thay đổi như chong chóng hàng lãnh đạo của bộ để thích ứng với nghị trình chính trị của ông.”

Trong khi đó, bất chấp chính sách siết chặt, nhiều trăm ngàn người tiếp tục con đường nguy hiểm đến Hoa Kỳ từ Trung Mỹ và các nơi khác. Nhưng cho mỗi di dân chọn con đường này, dầu cho đi bộ, hay chất đầy những xe vận tải ọp oẹp hay trên nóc xe lửa, sự sợ hãi cho điều họ bỏ lại đằng sau vượt sự sợ hãi cho những gì trước mặt. Một số đang bỏ trốn băng đảng tội ác vốn đang làm tê liệt vùng và giết người vô tội vạ. Những người khác chỉ đi tìm miếng ăn manh áo.

Đó là trường hợp của ông Martinez, bà vợ và cô con gái. Họ đã rời El Salvador vào đầu tháng 4 với ước ao làm lại cuộc đời ở Hoa Kỳ. Đó là theo lời của một phóng viên của tờ El Diario de Hoy ở El Salvador phỏng vấn gia đình họ.

Ông Martinez đã nghỉ việc ở Papa John’s, nơi ông kiếm được có 350 đô la một tháng. Khi sinh con, vợ ông đã phải nghỉ việc ngồi két cho một tiệm cơm Tàu, và sau đó mất việc luôn. Họ sống chung với bà mẹ của ông Martinez ở khu Altavista, một khu chung cư khổng lồ với những tòa nhà bé xíu ở San Salvador. Tuy khu Altavista bị băng đảng kiểm soát, bà Rosa Ramirez, mẹ của ông Martinez, nói ông không bỏ trốn bạo động mà chỉ vì với lợi tức chỉ có 10 đô la một ngày cho gia đình ba người đã khiến ông tuyệt vọng tìm đường ra đi.

Họ quả thật rất nghèo. Gia đình hôm thứ ba đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ số tiền hồi hương thi thể ông Martinez và bé Valeria. Chi phí được chờ đợi là khoảng 8,000 đô la, một con số gia đình không sao có thể kiếm được. Vài giờ sau, chính phủ Salvador đã đồng ý trả tiền đưa ông và cô con gái về quê nhà chôn cất.

Lê Phan

2019